ĐẢNG CỘNG
SẢN VIỆT NAM
TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ DÂN TỘC TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN NAY
Đinh Văn
Viễn[*]
Lịch sử cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay luôn gắn liền với vai
trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi
của cách mạng Việt Nam. Trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng và Bác Hồ đã kịp thời
xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa cách mạng đi
từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trước năm 1930 khi chưa có Đảng, đất nước ta chìm đắm dưới ách
thống trị, áp bức của chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến. Hàng trăm cuộc
đấu tranh của nhân dân đã liên tiếp nổ ra nhưng kết cục đều thất bại do thiếu giai
cấp tiên tiến lãnh đạo, thiếu đường lối chính trị đúng đắn soi đường.
Trong hoàn cảnh lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc đã đi tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân. Từ chủ
nghĩa yêu nước truyền thống, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết cách mạng đó con
đường cứu nước đúng đắn. Người đã truyền bá lý luận Mác - Lênin vào phong trào
công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, từng bước chuẩn bị những điều kiện
về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức để thành lập một đảng cách mạng chân chính.
Ngày 03-02-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam
ra đời, đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam .
Điểm đáng chú ý nhất đó là ngay từ buổi đầu thành lập Đảng cộng
sảng Việt Nam
“đã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và
chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy
rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta” (1).
Theo Cương lĩnh đó, Đảng đã phát động cao trào cách mạng 1930-1931
mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, qua đó đã khẳng định trong thực tiễn vai trò
lãnh đạo cách mạng của Đảng và sức mạnh của khối liên minh công nông. Bước vào
giai đoạn 1936-1939, Đảng đã kịp thời chuyển
ngay sang đấu tranh đòi dân sinh dân chủ thời kì 1936-1939 khi tình hình trong
nước và thế giới có sự biến chuyển mới. Phong trào đấu tranh những năm
1936-1939 đã làm cho ảnh hưởng của Đảng ăn sâu, lan rộng trong quảng đại quần
chúng, sự giác ngộ chính trị của quần chúng được nâng cao.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng ta đã chuyển hướng chiến lược cách mạng,
nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tập trung vào mục tiêu giành độc lập,
giành chính quyền về tay nhân dân, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang nhằm
đánh đuổi mọi kẻ thù ngoại xâm. Chính từ sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ trong
cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm 1939-1945 và nắm bắt thời cơ lịch
sử một cách chuẩn xác và kịp thời khi Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh, Đảng đã
phát động cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Bằng cuộc Cách mạng
Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân
và chế độ quân chủ chuyên chế để lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – nhà
nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám
đã mở ra một kỉ nguyên mới của dân tộc Việt Nam – kỉ nguyên độc lập tự do, dân
chủ nhân dân, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau cách mạng Tháng Tám, khó khăn của nước Việt nam Dân chủ Cộng
hoà là hết sức to lớn. Ba thứ giặc: “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, đều
là những hiểm hoạ đặt vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình
hình đó, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thị Kháng
chiến kiến quốc, vạch
con đường đi lên cho cách mạng Việt Nam. Với những cố gắng phi thường, đến cuối
năm 1946, nhân dân ta đã làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xâm lược của các thế lực
đế quốc, giữ vững chính quyền cách mạng, thành quả lớn nhất của cuộc cách mạng
Tháng Tám.
Từ ngày 19/12/1946, khi thực dân Pháp bội ước, gây chiến tranh xâm
lược ra cả nước, với ý chí “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định
không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ“, Đảng đã phát động
toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Trong cuộc
kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn,
sáng tạo, kháng chiến đi đôi với kiến quốc để kháng chiến thắng lợi, kiến
quốc thành công. Qua đó, làm chuyển hóa thế trận, thay đổi tương quan lực lượng
có lợi cho cách mạng, từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Trải qua những khó khăn ban đầu, đến cuối năm 1950, sau chiến dịch
Biên Giới thắng lợi, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã giành được những thắng
lợi quan trọng. Từ năm 1951, theo đường lối của Đại hội Đảng lần thứ hai, cuộc
kháng chiến của quân dân Việt Nam
chuyển sang một giai đoạn mới. Đặc biệt, với cuộc tiến công chiến lược Đông
Xuân 1953- 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ,
quân dân ta đã buộc thực dân Pháp phải đi tới đàm phán và kí kết Hiệp định
Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam .
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can
thiệp Mĩ có ý nghĩ lịch sử vĩ đại. Đó là đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược
của đế quốc Pháp được đế quốc Mĩ giúp sức ở mức độ cao, bảo vệ được chính quyền
cách mạng, buộc thực dân Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh
thổ của các nước Đông Dương. Thắng lợi đó còn có ý nghĩa cổ vũ mạnh mẽ phong
trào giải phóng dân tộc trên thế giới, mở ra sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân
cũ trên thế giới, trước hết là hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp...
Sau năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nhưng miền Nam
vẫn tạm thời bị Mỹ, ngụy chiếm đóng. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta vì độc lập,
thống nhất trở nên hết sức gay go, phức tạp.
Trên cơ sở phân tích tình hình, nhận thức rõ những mâu thuẫn khác
nhau ở mỗi miền Nam, Bắc, Đảng và Hồ Chí
Minh đã xác định đúng đắn, sáng tạo hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt
Nam là vừa tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành triệt
để cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, hoàn thành mục tiêu giải phóng dân
tộc trong cả nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội. Điều đáng chú ý là cả hai
cuộc cách mạng đó đều được xác định nằm trong quỹ đạo cách mạng vô sản và có
mối quan hệ chặt chẽ với nhau không thể tách rời.
Theo đường lối sáng suốt của Đảng, nhân dân miền Bắc đã hăng hái
phấn đấu xây dựng hậu phương xã hội chủ nghĩa và giành được những thành tựu hết
sức quan trọng. Được sự chi viện của miền Bắc, với truyền thống “Thành đồng Tổ quốc”, quân
dân ta ở miền Nam đã anh dũng đấu tranh vượt qua những năm tháng khó khăn của
giai đoạn đấu tranh chính trị là chính, tiến tới cuộc nổi dậy và “Đồng Khởi”
(1959- 1960)(theo Nghị quyết lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng) đưa
cách mạng chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Tiếp đó đã đánh
bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ (1961- 1965), đưa cuộc
chiến đấu tiến lên mạnh mẽ, làm lung lay tận gốc rễ chế độ nguỵ quân, nguỵ
quyền tay sai. Từ năm 1965, do đế quốc Mĩ gây chiến tranh cục bộ ở miền Nam ,
đánh phá ra miền Bắc, Đảng và Hồ Chí Minh đã phát
động cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước trên phạm vi toàn quốc và đề ra đường
lối cho cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới, giai đoạn cả nước có chiến tranh.
Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân miền Bắc
đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của không
quân, hải quân Mĩ, bảo vệ vững chắc hậu phương, đồng thời ra sức sản xuất, chi
viện miền Nam. Quân dân miền Nam đã tỏ rõ ý chí kiên cường giành được thắng lợi
trong các mùa khô 1965- 1966, 1966- 1967 và nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi
dậy Tết Mậu Thân (1968) làm cho cuộc chiến tranh cục bộ của Mĩ bị thất bại,
buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở hội nghị Paris. Trong những năm
1969- 1975, quân dân miền Nam đã liến tiếp đánh bại các thủ đoạn của chiến
tranh “Việt Nam hoá” của đế quốc Mĩ, đã “đánh cho Mĩ cút” và tiến tới “đánh cho
nguỵ nhào” với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa
xuân 1975.
Thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước
có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nước ta và với thế giới. Đánh giá thắng lợi
lịch sử của sự nghiệp chống Mĩ, cứu nước, Báo
cáo chính trị tại Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Đảng đã ghi rõ: “Năm tháng sẽ trôi
qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chông Mĩ, cứu nước mãi mãi
được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu
tượng sáng người về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ
con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ 20,
một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc“(2).
Thắng lợi của nhân dân ta sau hơn 30 năm đã đưa đất nước bước sang
một thời kì mới, thời kì cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh
phải khắc phục rất nhiều khó khăn do hậu quả nhiều mặt của chiến tranh để lại,
Đảng và nhân dân ta lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới
phía Nam, phía Bắc, trong những năm 1975- 1986, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả
nước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành quả to lớn trong
bảo về Tổ quốc và những thành tựu đáng kể về kinh tế.
Trong giai đoạn từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, trước những
biến động to lớn của thế giới, Đảng ta lại càng vững vàng, tỏ rõ bản lĩnh, sự
sáng tạo của mình. Với việc tìm tòi, đưa ra, lãnh đạo nhân dân thực hiện công
cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến
nay, Đảng đã đáp ứng yêu cầu của lịch sử. Ngay từ đầu, Đảng đã xác định rõ
khâu đột phá của sự nghiệp đổi mới là đổi mới tư duy nhưng trọng tâm lại là đổi
mới kinh tế. Đổi mới kinh tế kết hợp với đổi mới chính trị làm cơ sở cho sự
nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, quyết tâm xây dựng một xã hội. Xây dựng Nhà
nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, phát huy
được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam
xã hội chủ nghĩa.
Trải qua chặng đường dài ¼ thế kỷ, công cuộc đổi mới
ở nước ta đã thu được những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta thoát
khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, hội nhập vào khối quốc gia có thu nhập trung
bình trên trế giới. Nhờ đó, thế và lực Việt Nam trên trường quốc tế đang dâng
cao chưa từng thấy.…
Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay có thể dân tộc
Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc: xóa bỏ chế độ phong kiến, sự thống
trị của chủ nghĩa thực dân, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của các
cường quốc lớn nhất thời đại, bước vào giai đoạn quá độ đi lên CNXH,…Tiến trình
phát triển vượt bậc với những thành tựu lớn đó luôn gắn với vai trò của của
Đảng Cộng sản Việt Nam. Quá khứ của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là những thắng lợi to lớn, vinh quang. Tương
lai sẽ ngày càng tốt đẹp hơn./.
(1) Hồ
Chí Minh Toàn tập, tập 10, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, trang 9.
(2) Đảng
Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 5 – 6.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét