MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ THỜI CƠ
TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Đinh Văn Viễn[1]
Cách mạng tháng tám là một sự kiện lịch sử vĩ đại trong bộ lịch sử dân
tộc Việt Nam .
Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã dẫn tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra
đời, nhà nước công nông đầu tiên được thành lập ở Đông Nam Á.
Thắng
lợi của Cách mạng Tháng Tám bắt nguồn từ các nhân tố chủ quan và khách quan. Đó
là sự vùng dậy của cả một dân tộc với ý chí tự lực, tự cường, quyết đem sức ta
mà tự giải phóng cho ta được sự dẫn dắt của đường lối chiến lược và sách lược
đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết
toàn dân trong tổ chức Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là liên minh công nhân và
nông dân. Đó là kết quả của tinh thần năng động, sáng tạo của hệ thống tổ chức
đảng và Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở trên tất cả các địa bàn của cả nước.
Đó là sự chủ động chuẩn bị và phát triển thực lực cách mạng, chủ động nắm bắt
thời cơ, quyết tâm giành thắng lợi,… nhưng trong đó không thể không kể đến vấn
đề dự đoán, thúc đẩy và chớp thời cơ của Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch
sử các cuộc cách mạng trên thế giới đã chứng minh, cách mạng muốn thắng lợi
phải có thời cơ. Thời cơ là một thành tố khách quan, hoàn toàn không phụ thuộc
vào ý muốn chủ quan của một cá nhân nào, của một tổ chức chính trị nào. Nó xuất
hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. ………….
Trong cách
mạng tháng Tám, Đảng đã dự đoán đúng thời cơ, chủ động xây dựng lực lượng, thúc
đẩy thời cơ chín muồi, nhanh chóng chớp thời cơ, phát động, lãnh đạo tổng khởi
nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
Cuối
năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổi ra, Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài
đã cho rằng cơ hội cho cách mạng Việt Nam sắp đi đến thắng lợi. Người đến
miền nam Trung Quốc hoạt động để tìm cách về nước lãnh đạo cách mạng.
Tháng
6.1940, nước Pháp bại trận, bị phát xít Đức chiếm đóng, Hồ Chí Minh chỉ rõ cơ
hội giành độc lập cho đất nước sắp đến, nên cùng một số cán bộ khác nhanh chóng
về nước hoạt động.
Tháng
5.1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng đã xác định hoàn chỉnh đường
lối, phương pháp cách mạng Việt Nam .
Đồng thời, Hội nghị chỉ rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một
cuộc khởi nghĩa vũ trang”; bời vì những điều kiện, cơ hội tiến hành Tổng khởi
nghĩa giành độc lập, giành chính quyền sắp tới ở nước ta đã khá chín muồi.
Thời
cơ rất quý và hiếm, song thời cơ sẽ qua đi nếu cách mạng chưa hội tụ đầy đủ
những điều kiện cần thiết để chủ động nắm chắc lấy nó. Vì vậy, ngay từ trước
khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương
Đảng với tinh thần chủ động, sáng tạo và quan điểm tự lực, tự cường “đem sức ta
để giải phóng cho ta”, đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tạo thế và
lực bên trong để sẵn sàng động viên, tổ chức nhân dân cả nước đứng lên khởi
nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí
Minh, Đảng ta đã tổ chức ra Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp rộng rãi các lực
lượng dân tộc, dân chủ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đảng ta đã đề
ra chủ trương vừa tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, lập các căn cứ địa cách
mạng và khu giải phóng, vừa ra sức phát triển đội quân chính trị của quần
chúng, lấy công nhân và nông dân làm nòng cốt. Đồng thời, Đảng ta chủ trương
xây dựng, khôi phục các tổ chức, đoàn thể cách mạng, nhất là ở cơ sở; đưa đội
ngũ đảng viên và cán bộ chủ chốt của Đảng vào rèn luyện, thử thách trong phong
trào đấu tranh cách mạng để sẵn sàng đảm nhiệm công tác lãnh đạo, tổ chức quần
chúng chớp lấy thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày
21.12.1941, qua bài viết “Thế giới đại chiến và phận sự dân ta” đã chỉ rõ:
“Chiến tranh thế giới nổ ra đem lại tổn thất đau khổ cho bao người, nhưng tạo
ra cơ hội thuận lợi cho cách mạng giải phóng giành độc lập nước ta nổ ra thắng
lợi. Nhân dân ta có nhiệm vụ đại đoàn kết toàn dân cứu nước”(1).
Tháng
7.1944, Hồ Chí Minh quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa do Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc -
Lạng chủ trương. Người cho rằng, quyết định của Tỉnh ủy chỉ mới căn cứ vào tình
hình một địa phương Cao - Bắc - Lạng, không tín đến tình hình cả nước, cơ hội
chưa chín muồi. Nếu khởi nghĩa non, đế quốc có điều kiện đàn áp, khởi nghĩa sẽ
thất bại.
Người chỉ
rõ: thời kì cách mạng hòa bình đã qua nhưng thời kì Tổng khởi nghĩa vũ trang
toàn dân chưa đến. Nếu chỉ đấu tranh chính trị thì không đưa được phong trào đi
lên, nhưng khởi nghĩa vũ trang thì sẽ thất bại. Cần phải tìm hình thức đấu
tranh thích hợp để đưa phong trào tiến lên. Đã đến lúc bước vào đấu tranh vũ
trang. Tuy vậy, vẫn phải xem chính trị quan trọng hơn quân sự. Trong tình hình
lúc bấy giờ, Người đề ra phương châm kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh
quân sự, việc phát triển lực lượng vũ trang phải dựa vào dân, vào phong trào
đấu tranh chính trị của quần chúng cách mạng làm cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang,
tiến hành đấu tranh vũ trang(2).
Quyết định
trên đây của Hồ Chí Minh chẳng những bảo toàn được lực lượng cách mạng mà còn
rút ra hiểu biết và bài học khởi nghĩa cho cán bộ, nhân dân ta về vấn đề thời
cơ và lựa chọn thời cơ khởi nghĩa.
Ngày
22.12.1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng
quân được thành lập, nhằm chính quy hóa dần lực lượng vũ trang cách mạng, tiến
tới thành lập Quân giải phóng Việt Nam (5.1945).
Ngày
9.3.1945, đúng như dự đoán của Đảng, mâu thuẫn giữa Nhật - Pháp đến mức tột
cùng, (Bài báo đầu tiên dự báo về
cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương là bài “Bóc trần mưu gian của đế quốc
Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!” của Tổng Bí thư Trường Chinh,
đăng trên Báo Cờ Giải phóng, số 3, ngày 15-2-1944. Trong bài báo đó, sau khi
phân tích mâu thuẫn ngày càng tăng trong hàng ngũ kẻ thù, tác giả đã đi tới một
nhận định đúng đắn là, sớm hay muộn cuộc đấu súng giữa chúng với nhau nhất định
sẽ xảy ra: “Sự xung đột giữa Nhật – Pháp ngày thêm sâu sắc. Cho nên Nhật gấp
rút”. Từ đó, trong suốt năm 1944 và những tháng đầu năm 1945, trên những tờ
báo, trong những văn kiện chính thức của Đảng ta, vấn đề “cuộc đảo chính của
phát-xít Nhật” luôn luôn được nhắc tới nhằm hướng công tác chuẩn bị của Đảng và
phong trào cách mạng của quần chúng chủ động đón nhận nó) nên Nhật
lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương. Tình thế thay đổi mau chóng tạo cơ hội
thuận lợi cho cách mạng.
Ngay
sau sự kiện Nhật đảo chính lật đổ Pháp (9-3-1945), Thường vụ Trung ương Đảng đã
kịp thời ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau
và hành động của chúng ta”. Đảng đã có những quyết định rất sáng suốt, kịp
thời và đề ra các biện pháp cụ thể, cần kíp, phù hợp, nhằm phát động cao trào
kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ. Đó là cao trào cách mạng đi từ khởi nghĩa từng
phần tiến lên tổng khởi nghĩa; là sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đấu
tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa nông thôn với thành thị; là sự tập
trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân, công tác binh, địch
vận, công tác đối ngoại...
Cùng
với quá trình chuẩn bị công phu về lực lượng để đón nắm thời cơ, Đảng ta và
lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đề ra được những quyết sách đúng đắn, sáng tạo với việc
lựa chọn thời điểm và địa điểm tiến hành khởi nghĩa. Khi quân phát xít Nhật đầu
hàng quân Đồng minh không điều kiện, lúc này thời cơ cách mạng đã xuất hiện.
Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phân tích một cách chính xác, khách quan tình
hình thế giới, trong nước, không chần chừ do dự, mà chủ động, tích cực, khẩn
trương lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp xuống cùng các địa phương, cơ sở trong
toàn quốc mau lẹ chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, với ý chí và quyết tâm sắt
đá: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập.
Lệnh
tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã được phát ra trong toàn quốc, rất cần kíp,
nhưng không thể sớm hơn hoặc muộn hơn, dù chỉ một vài ngày. Sự đồng loạt khởi
nghĩa ở tất cả các địa phương, cơ sở trong cả nước chính là nét đặc sắc, tiêu
biểu, độc đáo của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chính từ sự chỉ đạo sáng suốt,
quyết đoán đó của lãnh tụ
Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khiến cho những kẻ xâm lược, những kẻ dính líu can
thiệp và bọn bù nhìn tay sai bán nước không kịp hỗ trợ, cứu viện, bảo vệ lẫn
nhau. Bạo lực cách mạng của quần chúng đã làm tê liệt, tan rã nhanh chóng bộ
máy chính quyền nhà nước thực dân, phong kiến thối nát và phản động.
Như trên đã
nói, thời cơ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Trong
Cách mạng Tháng Mười Nga, thời cơ chỉ tồn tại trong vòng 24 giờ. Vậy, trong
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của chúng ta, thời cơ tồn tại trong bao lâu? Trong
Cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng hai mươi
hôm, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15-8) và kết thúc khi
quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định
Pô-xđam (ngày 5-9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn
quốc trước ngày 15-8 và sau ngày 5-9 đều không có khả năng thành công, bởi trước
ngày 15-8, quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5-9, trên đất nước có nhiều kẻ thù
(từ vĩ tuyến 16 trở ra là quân Tưởng – Mỹ và sau đó là những kẻ “theo đóm ăn
tàn”, và từ vĩ tuyến 16 trở vào là quân Anh và sau nó là quân Pháp trở lại xâm
lược). Chỉ có thể giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc
nghiệt đó.
Tổng
khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám đã để lại những bài học
khởi nghĩa cho công cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta ở những
giai đoạn cách mạng sau. Thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt trong
mùa xuân 1975, chứng tỏ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng trong việc nắm
thời cơ và quyết tâm hành động.
Trong
công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, ngày nay, nhân dân ta có
những vận hội, nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đương đầu với không ít
khó khăn, gặp vô vàn nguy cơ và thử thách to lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự
nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kế thừa và phát huy những bài
học kinh nghiệm trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong Cách mạng tháng Tám
1945, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ về việc nắm bắt thời cơ, kiên
quyết hành động để đạt mục tiêu chiến lược, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta hòa
nhập vào thế giới và khu vực, tranh thủ những thuận lợi, thời cơ, khắc phục
những khó khăn, vượt qua các nguy cơ để tiếp tục đi theo con đường đã khẳng
định, đã giành nhiêu thắng lợi mà không chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
(1) Hồ
Chí Minh: Toàn
tập, Nxb CTQG, HN, tập 3, tr.
208-219.
(2) Võ Nguyên
Giáp: Từ nhân dân mà ra,
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.130-134.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét