Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018



KHUYẾN HỌC Ở LÀNG XÃ NINH BÌNH QUA HƯƠNG ƯỚC CỔ

http://www.vhnt.org.vn/tin-tuc/van-hoa-co-truyen/30898/khuyen-hoc-o-lang-xa-ninh-binh-qua-huong-uoc-co

KHUYẾN HỌC Ở LÀNG XÃ NINH BÌNH QUA HƯƠNG ƯỚC CỔ

Khuyến học là khái niệm dùng để chỉ những hoạt động tạo điều kiện thuận lợi về tinh thần và vật chất của cá nhân hay tổ chức để khích lệ, khuyến khích, giúp đỡ người học, việc học nhằm mục đích bồi dưỡng, đào tạo nhân tài. Đây là một truyền thống tốt đẹp, là một nhu cầu thực tiễn trong đời sống văn hóa giáo dục của người dân Việt Nam.
Hương ước còn được gọi với nhiều tên khác như: khoán ước, tục lệ, thông lệ, lệ làng… đó là những quy ước liên quan đến các mặt của đời sống làng xã được ghi chép thành văn bản (cũng có thể gồm cả những điều lệ không được ghi chép mà truyền khẩu trong dân gian) được cộng đồng làng xã cùng nhau tuân thủ. Hương ước quy định về hầu hết các mặt hoạt động của làng xã người Việt như cách tổ chức và hoạt động của các thiết chế tổ chức trong làng xã; các hội tư văn, tư võ, hội thiện, phe giáp, xóm ngõ; các hoạt động xã hội như hội hè đình đám, tế lễ, tuần phòng, khao vọng, giao hiếu; một số hoạt động kinh tế… Trong đó nội dung đề cập đến việc khuyến học là một nội dung quan trọng.
Ninh Bình là vùng đất có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo vì vậy trong các bản hương ước cổ của các làng xã Ninh Bình chứa đựng nhiều nội dung khuyến học, khuyến tài, mở mang giáo dục. Các hình thức khuyến học ở làng xã của vùng Ninh Bình thời phong kiến khá đa dạng về hình thức, trên cả phương diện tinh thần lẫn vật chất, được luật hóa trong hương ước, văn bia của làng, được dân làng tuân thủ. Chính những hoạt động khuyến học đó của các làng xã Ninh Bình là một trong các nguyên nhân dẫn đến hình thành những làng khoa bảng ở đất Ninh Bình.
Hầu hết các bản hương ước của các làng đều đề cao giáo dục, khuyên bảo mọi người chăm lo việc học, coi giáo dục là vấn đề có ảnh hưởng đến sự thịnh - suy của làng, nước. Tiêu biểu như Hương ước làng Côi Trì (với tên gọi Côi Trì thông lệ): “Ấp ta là ấp văn hiến. Người học nên dùi mài kinh sử, nhất nhất chăm học đừng sợ dốt”; “Sự thịnh suy của làng là ở vấn đề giáo hóa”.
Hương ước nhiều làng cũng có quy định việc khuyến khích người dạy, người học bằng vật chất, học điền, tức là để một số ruộng nhất định để chi phí cho việc học, trả lương cho thày giáo trường làng và phát phần thưởng cho người học.
Tục lệ xã Vân Sấu (1893) quy định: Bản xã dành 4 sào ruộng công cho việc giấy bút, giao cho phó lý canh tác.
Khoán ước xã Quang Hiển (1877): bản xã cấp 3 sào ruộng công.
Côi Trì thông lệ (1783) cho biết làng Côi Trì đã trích ra 1 mẫu 5 sào ruộng công để làm ruộng học điền. Số ruộng này được giao cho gia đình các học trò cày cấy để trả công thày và tu sửa lớp học.
Không những đặt học điền trong hương ước các làng xã Ninh Bình còn quy định việc giúp đỡ cho học sinh nghèo mà chăm học, như cấp tiền giấy bút cho để theo học.
Côi Trì thông lệ (1783) quy định: Khi “người đi thi phải đến miếu (làng Văn) đưa danh bạ ứng thí” thì làng sẽ cấp kinh phí với mức mỗi quyển tiền là 2 mạch”.
Khoán ước xã Quang Hiển (1877) quy định: “Người nào được dự ứng thí… sẽ được thưởng thêm tiền 2 quan 2 mạch… để cổ vũ lòng người, biểu dương phong tục”.
Để khuyến khích người đi học, hương ước các làng ở Ninh Bình đều ghi việc miễn sưu sai tạp dịch cho người đi học.
Trà tu xã điều ước (1892) quy định: Thí sinh đỗ liền 3 khóa, khóa sinh đỗ liền 5 khóa thì mới được miễn lệ thoái truất để cổ vũ kẻ sĩ học hành.
Khoán ước xã Quang Hiển (1877) quy định: “Những người theo học được miễn tạp dịch để hoằng dương đạo Tư văn”.
Ở Côi Trì không những miễn phu phen, tạp dịch cho những người có bằng cấp mà ngay cả những người đang học, đang đi thi vẫn nhận được sự ưu ái lớn. Thậm chí làng còn cử người đến tận nhà “hầu” để cho người học yên tâm đi thi. Côi Trì thông lệ quy định: “Trong xã có người thi Hương cống mà chưa biết thực hư, phải chờ sang năm nhà vua báo điểm thì làng cho mỗi ông 1 xuất đinh phu để hầu. Khi thi cử xong, có thực chức làng sẽ cắt cử 1 đinh phu đến trông nom việc nhà”.
Đối với những người thi cử đỗ đạt, thành danh, làng xã tổ chức đón rước người đỗ đạt trở về quê hương, có lễ mừng người thi đỗ nhằm vinh danh những người đã thành đạt, đồng thời khuyến khích, thúc đẩy những người đang đi học phấn đấu, quyết tâm học hành để được ghi danh trên bảng vàng.
Ở làng Côi Trì người thi đỗ (dù chỉ là Hương cống) được làng tổ chức đón rước, chào mừng rất linh đình. Côi Trì thông lệ quy định: “Thí khoa người nào trúng Hương cống thì xã trưởng phải cho mõ rao khắp làng, sắp đặt 30 người trở lên áo mũ chỉnh tề đến chào mừng”.
Trà tu xã điều ước (1892) cho biết: “Người nào trong xã thi cử đỗ đạt và được ban bằng sắc, bản xã nên chuẩn bị nghi trượng nghênh đón để tỏ lòng trọng đạo. Lệ vọng nên có hạn định. Nếu hàng văn từ cử nhân, hàng võ từ tứ phẩm và quan ngũ phẩm các ngạch khác trở lên thì tiền khao vọng mỗi người là 30 quan… Bản xã có 1 bức trướng chúc mừng (trong dùng lụa đỏ, ngoài dùng vải lụa xanh), 10 quan thành tiền, trầu rượu tùy biện”. Nếu những người thuộc hàng văn võ, khoa mục, ấm sinh, quan viên tử và được nhận bằng sắc thì tiền khao vọng là 20 quan, 1 con lợn (giá 15 quan)… Bản xã chúc mừng 1 câu đối (dùng lụa đỏ), 6 quan thanh tiền, trầu cau tùy nghi. Còn nếu những người hàng văn võ từ thừa mục, chánh tổng, đội trưởng và chánh ngạch phó tổng, lại điển thì tiền khao vọng là 6 quan, lễ dùng 1 con lợn (giá 10 quan)… bản xã mừng 3 quan, 1 câu đối (dùng lụa đỏ), trầu cau tùy biện để thể hiện sự có phân biệt thứ bậc.
Để tôn vinh những người học giỏi đỗ đạt, hương ước nhiều làng có những quy định ưu ái về chỗ ngồi trang trọng nhất chốn đình trung, được những phần biếu mỗi khi có lễ, hội…
Côi Trì thông lệ (1783) và Trà tu xã điều ước (1892) đều có quy định về chỗ ngồi tương tự nhau: Bàn ngồi nên có sự phân biệt. Những người ở hàng văn thì từ cử nhân, hoàng võ từ tứ phẩm và các quan hàng ngũ phẩm ở các ngạch khác, mỗi người 2 cỗ. Những người thuộc hàng văn (lục, thất phẩm), hàng võ (ngũ, lục phẩm) cùng những người được ban tặng bằng sắc và ấm sinh quan viên tử, được ngồi 1 bàn trên, mỗi người 1 cỗ… Chánh lý trưởng, những người thi đỗ nhị trường ngồi trên bàn hai, mỗi người một cỗ. Còn những người thi đỗ nhất trường, binh đinh, phó lý trưởng, thí sinh, biện lại thì ngồi giữa bàn 2, mỗi người 1 cỗ. Khóa sinh nếu có xác nhận là thực học, hương mục, xã trưởng sẽ cho phép ngồi dưới bàn 2, mỗi người 1 cỗ. Trong khi đó dân đinh, cứ 4 người ngồi 1 cỗ.
Khoán ước xã Quang Hiển (1877) quy định: Lệ hàng văn từ hoàng giáp, phó bảng, cử nhân trở lên vào dịp hai kì tế xuân thu bản xã biếu lộc thần 1 cỗ 20 thứ, thủ lợn 1 chiếc. Về hàng võ từ lãnh binh, chánh vệ, phó quản cơ trở lên, có dự lễ tế xuân thu nhị kì thì khoản biếu giống như hàng văn. Người nào biết chữ, được dự Hội tư văn mới được hành lễ. Không ở trong Hội tư văn thì không được tham dự. Người nào thi đỗ nhất trường, nhị trường… thì được ngồi bàn 2 người 1 cỗ.
ơng ước của một số làng còn chú ý khen thưởng tinh thần những người có công phục vụ, nuôi thày đồ, những phụ nữ đã nuôi chồng con học hành. Đây là một điều hiếm thấy trong các hương ước ở các khu vực khác.Khoán ước xã Quang Hiển (1877) quy định: Người nào nuôi được thày giỏi rèn cho sĩ tử, sẽ được phụ cấp 1 mẫu công điền để tỏ lòng tôn trọng đạo tư văn.
Bên cạnh những quy ước khuyến khích việc học tập thì trong các hương ước cổ của Ninh Bình cũng có những điều khoản mang tính răn đe, phạt nặng những trường hợp lười nhác, trốn học, mượn cớ đi học để chơi, bỏ bê việc học. Trà tu xã điều ước (1892) quy định: Nếu ai bỏ học, tự tiện về quê nhà, khi phát hiện sẽ phạt tiền 6 quan (trong đó 3 quan thưởng cho người tố giác), để răn đe kẻ giả danh. Hoặc Khoán ước xã Quang Hiển (1877): người nào chỉ mượn cớ học để du chơi, sẽ chiểu theo mà phạt 1 quan.
Qua một số nội dung trên, ta thấy rõ tinh thần hiếu học của người dân Ninh Bình xưa. Sự động viên, khuyến khích của làng xã với việc học không chỉ có tác dụng trực tiếp đối với người đang học, thi mà còn có tác dụng lớn đối với mọi tầng lớp khác để tạo nên truyền thống trọng học hành, khoa bảng ở các làng xã của Ninh Bình. Những hoạt động khuyến học này cùng với nền giáo dục khoa cử Nho học, chế độ tuyển dụng thông qua con đường khoa cử đã tạo nên một tầng lớp trí thức Nho học ở Ninh Bình ngày càng đông đảo, đóng góp tài năng cho đất nước, quê hương.
Ngày nay, khi Đảng và Nhà nước thực sự quan tâm đến giáo dục, coi giáo dục đào tạo và khoa học là quốc sách hàng đầu thì công tác khuyến học được đẩy mạnh dưới nhiều hình thức. Những vấn đề về khuyến học trong các hương ước cổ xưa cũng cần được khơi dậy và kế thừa những mặt tích cực tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học của người xưa trong giai đoạn xây dựng đất nước ngày nay. Người Việt sinh ra, lớn lên, học hành, thành đạt, già lão, qua đời đều gắn bó chặt chẽ với làng xã. Văn hóa làng có tác động sâu sắc, toàn diện đến mọi thành viên cũng như hoạt động của làng, trong đó có việc học hành. Chính cơ chế tác động đa chiều của làng đó đã góp phần không nhỏ tạo nên thành tựu khoa bảng của mỗi làng xã. Ngày nay chúng ta có thể tận dụng, phát huy sự tác động truyền thống này của làng xã để thúc đẩy hoạt động khuyến học, phong trào học tập ở các làng xã nói riêng, trong xã hội nói chung.
_____________
Tài liệu tham khảo:
1. Lã Đăng Bật, Các nhà khoa bảng và khoa học người Ninh Bình, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội, 2014.
2. Côi Trì thông lệ (瑰池通例) ký hiệu AF–a4/48, Viện Hán Nôm.
3. Nguyễn Tử Mẫn, Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001.
4. Đinh Khắc Thuân, Tục lệ làng xã cổ truyền Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2006.
5. Tỉnh ủy Ninh Bình, Địa chí Ninh Bình, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 408, tháng 6 - 2018
Tác giả : ĐINH VĂN VIỄN

Đinh Văn Viễn (2018): Khuyến học ở làng xã Ninh Bình qua hương ước cổ, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 408, tháng 6-2018, trang 25-27.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét