Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018



Lệnh chỉ của triều đình Lê - Trịnh liên quan đến việc thờ cúng đền vua Đinh, vua Lê;
ĐINH VĂN VIỄN
  Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc gia “Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam”, trang 545-552;Tỉnh ủy NB, UBND tỉnh NB, Viện HLKHXHVN, Hội KHLSVN,  Ninh Bình tháng 4-2018.
Kỷ yếu Hội nghị Hán Nôm học 2018, 
LỆNH CHỈ CỦA TRIỀU ĐÌNH LÊ - TRỊNH
LIÊN QUAN VIỆC THỜ CÚNG ĐỀN VUA ĐINH, VUA LÊ

  1. Lệnh chỉ
Qua sưu nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy có 12 văn bản, trong đó có 07 lệnh chỉ của nhà nước thời Lê - Trịnh liên quan đến việc thờ cúng ở đền vua Đinh, vua Lê được chép trong cuốn Ninh Bình tỉnh, Gia Viễn huyện, Trường Yên tổng các xã thần tích (寧 平 省 嘉 遠 縣 長 安 總 各 社 神 蹟). Cuốn sách gồm 70 trang, khổ 32 x 22, viết bằng chữ Hán. Sách hiện được lưu trữ tại Viện Hán Nôm, kí hiệu AE.A4/13. Sách ghi chép Thần tích 2 xã thuộc tổng Trường Yên, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.
- Xã Trường Yên Thượng (長 安 上) được chép trong 58 trang, ghi chép 35 vị thần mà xã phụng thờ như: Đinh Công Trứ (丁 公 著) phụ thân của Đinh Tiên Hoàng (丁 先 皇); bà họ Đàm mẹ của Đinh Tiên Hoàng; Đinh Liễn; Lê Trung Tông; Nguyễn Bặc, Đinh Điền v.v...Các lệnh chỉ cho phép xã thờ các vị thần; và 2 bài văn bia: Bia ghi công đức ở miếu thờ Đinh Tiên Hoàng; Bia ghi công đức sửa sang điện miếu thờ Đinh Tiên Hoàng.
- Xã Chi Phong (芝 封), được chép trong 10 trang ghi lại sự tích đền Thánh Mẫu là bà họ Nguyễn, Chánh thất của Đô Thái Bảo Mỹ Quận Công Bùi Văn Khuê, văn bia ghi sự tích của bà họ Nguyễn.
Các lệnh chỉ của triều đình Lê - Trịnh liên quan đến việc thờ cúng ở đền vua Đinh được chép ở phần xã Trường Yên thượng, gồm 22 trang, ghi lại lệnh chỉ của các chúa Trịnh cho phép xã Trường Yên thượng được thu thuế, miễn giảm thuế để phục vụ cho việc thờ cúng, tế lễ ở đền vua Đinh.
Lệnh chỉ (令  旨) là một loại văn bản hành chính của nhà nước, do vua, chúa ban ra để yêu cầu thực hiện một luật lệnh của nhà nước (triều đình). PGS Tạ Ngọc Liễn cho rằng: “Từ “lệnh chỉ” ở đây có nghĩa là mệnh lệnh ban bố ra, đồng thời Lệnh chỉ còn là một loại văn hành chính của Nhà nước, giống như Dụ chỉ, Chiếu chỉ… Nhưng trong một số từ điển Trung Quốc, kể cả Từ hải, không có từ Lệnh chỉ. Trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh có từ Lệnh chỉ và được giải nghĩa là “mệnh lệnh của Hoàng thái hậu”. Ông kết luận: “Lệnh chỉ.. là một danh từ riêng, đặc thù, chỉ một hình thức văn bản hành chính quan trọng để chúa Trịnh dùng. Ở nước ta trước thời Lê - Trịnh không có hình thức Lệnh chỉ? (và như vậy, sau thời Lê - Trịnh, sang thời Tây Sơn, thời Nguyễn không còn lại văn kiện Lệnh chỉ nữa)”. Các tác giả Trần Kim Anh, Hoàng Hồng Cẩm xếp Lệnh chỉ vào trong nhóm: Chiếu, cáo, sắc, lệnh, dụ, chỉ, bởi đây là các loại công văn triều đình ban xuống cho bề tôi thực hiện hoặc để cáo thị với thiên hạ. Theo đó các tác giả này thì Sắc, lệnh, dụ, chỉ đều có ý nghĩa “là một mệnh lệnh, một chỉ thị, một ân tứ của vua chúa về vấn đề gì đó”.
Như vậy, có thể hiểu Lệnh chỉ là một loại văn bản hành chính của nhà nước thời Lê – Trịnh dùng để truyền đạt, thông báo mệnh lệnh của vua, chúa về một vấn đề nào đó, bắt buộc dân chúng, bề tôi phải thực hiện.
  1. Một số lệnh chỉ của triều đình Lê - Trịnh liên quan đến việc thờ cúng ở đền vua Đinh, vua Lê
Khảo sát các lệnh chỉ của triều đình Lê - Trịnh liên quan đến việc thờ cúng ở đền vua Đinh, vua Lê chúng tôi có bảng thống kê sau:
TT
Niên đại
Người ban hành
Nội dung chính
1
Cảnh Trị thứ 8 -1670 (ngày 20 tháng 6)
Tây Vương Trịnh Tạc
Cho phép xã Trường Yên thượng được “châm chước, tùy tiện” trong việc nộp thuế, có thể nộp thàng 3,4 kỳ trong năm. Trong năm tiền thờ cúng là 36 quan, 551 văn, tiền 7 lễ là 32 quan, 7 văn.
2
Bảo Thái thứ 5 – 1724 (ngày 12 tháng 9)
An Vương Trịnh Cương
Dân xã Trường Yên thượng vốn phụng thờ hoàng đế Đinh Tiên Hoàng nhiều việc, nhân đinh ít. Cho phép trừ 200 suất tiền [thuế]. Số tiền [này] dùng để phụng thờ.
3
Vĩnh Khánh thứ 2 – 1730) (ngày 2 tháng 12)
Uy Nam Vương Trịnh Giang
Dân xã Trường Yên thượng vốn lệ phụng thờ miếu Đinh Tiên Hoàng đế vất vả. Nên khoan miễn trừ ruộng tế và tiền quý các việc sai dịch. Trong xã tô ruộng tế và thuế thân cả năm tổng cộng 106 quan 9 bách tiền cổ, 360 bát gạo chuẩn làm phụng thờ. Hàng năm tiền phân hộ sưu sai xây đắp, làm đê đường đều chuẩn khoan miễn.
4
Cảnh Hưng thứ 2 – 1741 (ngày 15 tháng 11)
Minh Đô Vương Trịnh Doanh
Lệnh chỉ cho quan viên xã Trường Yên thượng huyện Gia Viễn cùng toàn xã: vốn lệ phụng thờ Đinh Tiên Hoàng đế vất vả vâng khoan miễn trừ ruộng tế và tiền quý các việc đã tra xác thực nên vẫn cho làm dịch lệ phụng thờ như cũ, trong xã tô ruộng tế và thuế thân cả năm 106 quan 9 bách tiền cổ, 316 bát gạo chuẩn làm phụng thờ. Hàng năm tiền xây đắp đê đường hộ phần bưu đình và các việc sưu sai được chuẩn khoan miễn.  
5
Cảnh Hưng thứ 3 – 1742 (ngày mùng 5 tháng 4)
Minh Vương Trịnh Doanh
Lệnh chỉ cho các quan viên xã Trường Yên thượng
về việc dân xã này vốn là dân lệ cung đốn phụng thờ miếu điện Đinh Tiên Hoàng rất nhiều việc, ngoài thuế sưu và việc sai dịch đê đường đã phân cho các hộ, riêng tế xuân hàng năm trong phủ quan xét điều lấy 14 quan 20 văn tiền phát cho xã mua sắm lễ vật. Tế xuân hàng năm từ nay về sau giao cho quan huyện chiếu theo số tiền lễ san bổ từng xã trong huyện thu nộp vào phủ quan rồi giao cho các xã ấy sắm sửa lễ vật ứng tế, hiệu quan các huyện phủ này đốc thúc cung đốn tiền cơm rượu để bớt tiền cho dân [Trường Yên thượng].
6
Cảnh Hưng thứ 28 – 1767 (ngày 26 tháng 9)
Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm
Lệnh chỉ cho các quan viên xã Trường Yên thượng
về việc dân xã này vốn là dân lệ cung đốn phụng thờ miếu điện Đinh Tiên Hoàng rất nhiều việc. Cho miễn trừ thuế các hạng ruộng tế và thuế thân như cũ, vẫn cấp thêm tiền tổng cộng là 264 quan 6 bách, gạo 316 bát để đủ phụng thờ. Phụng thờ để thọ quốc mạch. Nha môn các nơi thừa lệnh nên tuân lệ vâng trừ, ai trái có quốc pháp.
7
Cảnh Hưng thứ 46 – 1785 (ngày 4 tháng 8)
Đoan Nam vương Trịnh Tông (Trịnh Khải)
Xã Trường Yên thượng nguyên phụng thờ Đinh Tiên hoàng đế nhiều việc bận rộn, cho phép miễn tiền và thóc cộng các loại là 264 quan 6 bách tiền cổ, gạo 316 bát để phụng thờ.

  1. Một vài suy nghĩ
Thứ nhất, các chính quyền phong kiến, trong đó, triều đình Lê - Trịnh đã rất quan tâm, coi trọng đến việc thờ cúng, tôn tạo đền thờ vua Đinh, vua Lê. Điều này được thể hiện rõ, mặc dù nhà Trịnh luôn trong bối cảnh phải đối phó với lực lượng chúa Nguyễn ở Đàng Trong, hậu duệ nhà Mạc ở phía Bắc,… nhưng chính quyền Lê - Trịnh vẫn rất coi trọng, có các lệnh chỉ cho dân xã Trường Yên thượng được miễn giảm thuế để phục vụ cho việc thờ cúng ở đền vua Đinh, vua Lê.
Sự quan tâm đặc biệt của chính quyền Lê – Trịnh đối với đền vua Đinh, vua Lê còn được minh chứng qua thực tiễn các lần trùng tu, tôn tạo 2 ngôi đền này. Theo lịch sử đến nay ghi nhận, cho đến trước thế kỷ XX thì các lần trùng tu, tôn tạo đền vua Đinh, vua Lê lớn nhất đều diễn ra dưới thời Lê - Trịnh. Trên nền cung điện cũ ở Hoa Lư, đền thờ vua Đinh được nhân dân xây dựng. Lúc đầu đền quay ra hướng Bắc trông ra núi Hồ, núi Chẽ. Trải qua năm tháng, hai ngôi đền cũ không còn nữa. Đầu thế kỉ XVII, Quận công Bùi Thời Trung người làng Chi Phong (cùng trong tổng Trường Yên) đã xây dựng lại ngôi đền nhưng chuyển quay hướng Đông, năm 1606 khắc bia lưu lại. Năm 1676, một số quan chức và dân Trường Yên đại tu lại ngôi đền. Trên tấm bia Tiền triều Đinh Tiên Hoàng đế công đức tăng tu điện miếu bi ký được dựng năm 1696 cho biết rõ hơn về việc tu sửa đền vua Đinh, cấp ruộng tế cho đền như sau: Khoảng năm Bính Thìn (1676) vâng lệnh trên xây dựng hoàn thành miếu đền như cũ, gác chuông không đổi đi chỗ khác, càng làm sáng thêm hương lửa khắc vào đá vàng bất hủ, dài lâu nơi dân sinh, thọ thêm cho quốc mạch là để kéo dài nghiệp đế nghiệp vương cho quốc triều muôn vạn năm” và “chiếu xét triều xưa trong khu miếu thổ có 9 mẫu 6 sào tăng cấp ruộng tế lên 80 mẫu, vẫn lệnh cho các hạng người ở xã Trường An thượng làm phu sái tảo. Nước đảo dân cầu thần ứng thiêng liêng, truy phong là đền thờ “thần thượng đẳng, rực rỡ tự điển, xuân thu bốn mùa lễ bái báo đáp”.
Thứ 2, sự quan tâm đặc biệt của các chính quyền phong kiến, nhất là chính quyền Lê – Trịnh đối với đền vua Đinh, vua Lê thể hiện rõ ngay từ sớm, công lao, vai trò của Đinh Tiên Hoàng đế, Lê Đại Hành Hoàng đế nhà Đinh, nhà Tiền Lê đối với dân tộc đã được ghi nhận, đánh giá cao. Các vị vua, quan, tướng nhà Đinh, Tiền Lê được nhân dân sùng bái, tôn thờ từ nhiều thế kỷ. Điều này được thể hiện rõ qua những đánh giá trong các bộ sử lớn, chính thống của các triều đại phong kiến từ Trần, Lê đến Nguyễn, từ thế kỷ XIV đến XIX.
Thế kỷ XIV, trong Việt sử lược đánh giá Đinh Bộ Lĩnh khi còn nhỏ: “khí độ khác thường, tất có thể cứu đời yên dân. Sự kiện Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân. Đánh đến đâu, thắng đến đó được ca ngợi: “Bấy giờ trong nước vô chủ…Minh Công trông thấy, quý trọng lắm, nuôi làm con mình, phó thác cho tất cả quân lính, sai đi đánh mười hai sứ quân, đều bình được. “Vương xưng Hoàng đế ở động Hoa Lư. “(Vua) xây dựng cung điện, chế triều nghi, đặt trăm quan, lập nền xã tắc. Quần thần dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh hoàng đế”.
Thế kỷ XV, trong Đại Việt sử kí toàn thư đánh giá: “Khi ấy mười hai sứ quân đều tự làm hùng trưởng, cắt giữ đất đai… vua đánh dẹp được cả, mới tự xưng đế, chọn được chỗ đất phẳng ở Đàm thôn, muốn dựng làm kinh đô, nhưng vì thế đất chật hẹp, lại không có lợi về sự đặt hiểm, nên lại đóng đô ở Hoa Lư. “Vua lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh về động Hoa Lư, xây dựng đô mới, đắp thành đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi. Bầy tôi dâng tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế. Vua muốn lấy uy để chế ngự thiên hạ, mới đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ ở trong cũi, hạ lệnh rằng: Người nào trái phép sẽ phải chịu tội bỏ vạc nấu hay cho hổ ăn. Mọi người sợ phục không ái dám trái. Lê Văn Hưu, không chỉ ca ngợi tài đức của Đinh Tiên Hoàng mà cũng cho rằng, chế độ của triều Đinh là “gần đủ”: “Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái mà mười hai sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô; đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bực thánh triết để tiếp nối chính thống của Triệu vương chăng.
Thế kỷ XVIII, trong Đại Việt sử ký tiền biên đánh giá: “Đinh Tiên Hoàng dấy lên từ đất Hoa Lư. Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Đinh Điền, Trịnh Tú đều là cùng làng cùng lứa tuổi với vua, lúc nhỏ tôn Tiên Hoàng làm chúa, bọn Bặc thường ở bên cạnh như quan thị vệ tôn quý thân cận. ... ”. “Tiên Hoàng dấy lên từ một người áo vải, một lần nổi lên dẹp được 12 sứ quân. Rồi dựng nước, dựng kinh đô, đổi niên hiệu, chính ngôi vua. Võ công vang khắp, văn hóa đều đổi mới. Trị vì ba năm, mới bắt đầu thông hiếu với nhà Tống, điển chương nhà vua, tước trật của quân đội, rất mực đáng khen. Con là Liễn lại được trao tước quận vương: Sự nghiệp mở mang, có thể nói là rất lớn! Tiên Hoàng lúc đó tuổi quá năm mươi, nắm giữ vận nước khi thái bình, được khen là có đức lơn, tự nhìn thấy con mình được nhận mệnh của vua thiên tử, đứng chủ tên trong biểu chương của nước.
Thế kỷ XIX, trong Khâm định Việt sử thông giám cương mụcLịch triều hiến chương loại chí đánh giá cao.
Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí chép về sự kiện dẹp loạn 12 sứ quân như sau: “Bấy giờ 12 sứ quân cùng hùng trưởng, vua cất binh dẹp yên cả, thống nhất bờ cõi, tự lập làm hoàng đế…”. “(Vua) đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, dựng nghi lễ trong triều, định các ngạch quân sĩ, chế độ tạm đủ...”.
Khâm định Việt sử thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn đánh giá: “Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư đánh và dẹp yên được sứ quân các bộ, tự xưng là Vạn Thắng vương”. Sử gia nhà Nguyễn (qua lời bàn của Ngô Sĩ Liên) đánh giá công lao này của Đinh Tiên Hoàng ngang với Thái Tổ nhà Tống thời Ngũ Đại, “Xem như ở Trung Quốc, sau những lọa lạc về thời Ngũ Đại (907 - 959) thì có Thái Tổ nhà Tống nổi lên; ở nước Nam ta, sau những cuộc tranh giành của mười hai sứ quân thì có Đinh Tiên Hoàng trỗi dậy. Những việc đó không phải là ngẫu nhiên, mà chính là khí vận do trời định đoạt.
Thứ ba, từ nội dung các lệnh chỉ cho thấy, có thể cho ta gợi ý về một phương thức quản di sản văn hóa đã được áp dụng dưới thời phong kiến đó là coi di sản là của dân, Nhà nước và nhân dân cùng tham gia quản lý, hưởng thụ từ di sản văn hóa. Di sản văn hóa thật sự được bảo vệ và phát huy giá trị một cách bền vững khi Nhà nước và nhân dân cùng chung tay, góp sức.
Sau đây là Ảnh chụp (từ cuốn Ninh Bình tỉnh, Gia Viễn huyện, Trường Yên tổng các xã thần tích (寧 平 省 嘉 遠 縣 長 安 總 各 社 神 蹟), Viện Hán Nôm, kí hiệu AE.A4/13) và bản lược dịch nghĩa lệnh chỉ có niên đại Cảnh Hưng thứ 46 – 1785 (ngày 4 tháng 8) của Đoan Nam vương Trịnh Tông (Trịnh Khải) (người dịch: Ths Bùi Lê Nhật, Giảng viên, Đại học Hoa Lư):



Đại nguyên soái tổng quốc chánh sư Thượng Đoan vương lệnh chỉ cho quan viên xã Trường An thượng huyện Gia Viễn là tổng tri Nguyễn Đăng Tiến, thiên hộ Nguyễn Đình Đoan …(…)… cùng toàn xã: xã ngươi nguyên là lệ dịch phụng thờ Đinh Tiên hoàng đế vất vả vâng khoan miễn trừ ruộng tế và tiền quý 264 quan 3 bách 24 văn tiền cổ, gạo 617 bát và hộ phần đều chuẩn phụng thờ trong đó suất đinh giảm ít chỉ trừ ruộng tế và 73 suất hiện tại tô thuế cả năm 94 quan 8 bách tiền cổ, gạo 360 bát, so với lệ phụng thờ cũ còn thiếu 169 quan 5 bách 24 văn tiền cổ khiến lễ vật chưa đủ, xin chuẩn trừ lưu nộp tô thuế cả năm 319 quan 4 bách 32 văn tiền cổ và thóc, chuẩn lấy ra 130 quan 3 bách 28 văn tiền cổ để cung đốn phụng thờ. Đã chuẩn vẫn cho ruộng tế thượng hạng và tiền thuế thân như cũ, chuẩn vẫn trừ cấp thêm tiền thượng hạng và thóc, chuẩn tiền các loại tổng cộng 264 quan 6 bách tiền cổ, gạo 316 bát cho đủ phụng thờ. Đã tra xác thực vẫn cho làm lệ dân theo lệ cũ chuẩn trừ phụng thờ để thọ quốc mạch. Thừa sai nha môn các nơi này nên tuân vâng trừ, ai trái có quốc pháp xử trị. Nay lệnh.
Cảnh Hưng năm thứ 46, tháng 8, ngày mùng 4.
Lệnh Chỉ
Tài liệu tham khảo
  1. Trần Kim Anh, Hoàng Hồng Cẩm (2010), Các thể văn chữ Hán Việt Nam. Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
  2. Phan Huy Chú (2005), Lịch triểu Hiến chương loại chí, tập 1 (bản dịch của Tổ phiên dịch, Viện sử học), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  3. Ngô Sĩ Liên và các sử thần (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in Nội các quan, tập 1, Ngô Đức Thọ dịch và chú thích; Phan Huy Lê khảo cứu về tác giả tác phẩm, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  4. Tạ Ngọc Liễn (1997), Một lệnh chỉ đời Lê Cảnh Hưng, in trong Thông báo Hán Nôm học năm 1997, trang 343 – 346.
  5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám Cương mục, tập 1, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
  6. Việt sử lược, Trần Quốc Vượng dịch và chú giải, Đinh Khắc Thuân đối chiếu, chỉnh lý, Nxb Thuận Hóa - Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr.53.
Ninh Bình, ngày 20 tháng 3 năm 2018

Ths Đinh Văn Viễn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét