TRUYỀN THỐNG TRỌNG LÃO Ở LÀNG CÔI TRÌ QUA HƯƠNG ƯỚC, VĂN BIA
ĐINH VĂN VIỄN
Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật (ISSN 0866-0865), số 391, tháng 1-2017, trang 98-99.
Trong kho tàng truyền thống văn hóa của làng Côi Trì, Yên Mô, Ninh Bình, trọng lão là một điểm nổi bật, được cụ thể hóa trong hương ước, bia đá của làng. Đây là một phong tục tập quán tốt đẹp, chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc; là một truyền thống quý báu của dân tộc, cần được kế thừa, phát huy trong xã hội ngày nay.
Khái quát về làng Côi Trì
Làng Côi Trì thuộc xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, được thành lập sau công cuộc khai hoang theo phép chiếm xạ thời Lê sơ, gắn liền với sự ra đời của con đê Hồng Đức vào năm 1472.
Vùng đất này được khai hoang từ năm 1470, đến năm Đoan Khánh thứ nhất (1505) thì được gọi là xã Côi Đàm, thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, thừa tuyên Sơn Nam. Năm Gia Thái thứ nhất (1573) xã đổi tên thành Côi Trì, thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên, trấn Thanh Hoa. Từ đây về sau tên Côi Trì được giữ nguyên.
Từ sau khi được thành lập, Côi Trì phát triển mạnh trên mọi phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa. Đến TK XIX, Côi Trì là làng nổi bật ở Ninh Bình bởi truyền thống học hành, khoa cử, văn hóa, với các nhân vật như Ninh Ngạn, Ninh Tốn, Ninh Địch, Nguyễn Đình Tuyên… Trong kho tàng truyền thống văn hóacủa Côi Trì, truyền thống trọng lão là truyền thống nổi bật, được cụ thể hóa trong hương ước, bia đá của làng.
Truyền thống trọng lão ở làng Côi Trì qua hương ước, văn bia
Năm 1765, Côi Trì đã thành lập lão hội, dựng bia Côi Trì lão hội bi ký, ghi danh sách hội viên làng lão, hội ước lão hội, 500 người đóng góp xây dựng miếu lão. Hội ước lão hội quy định cứ 60 tuổi là được vào hội. Khi vào hội, mỗi cụ phải có 60 miếng trầu, rượu, tiền, được gọi là quan lão để cáo với thành hoàng tại đình làng. Khi vào lão hội, các lão được nhận những ưu ái của gia đình, làng xóm. Làng dành ra 3 mẫu ruộng công cấp cho lão hội.
Hương ướccủa Côi Trì với tên gọi Côi Trì thông lệ được soạn năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), gồm 31 điều quy định nhiều vấn đề như: lệ ở đình, lệ phân chia ngôi thứ, vọng lệ, yết lệ, lệ phong hóa, lệ giới cấm, lệ bảo vệ đê điều, bảo vệ mùa màng, lệ canh điếm, dân đinh, thăm viếng, tuần phòng, việc tang, dâm thai, thi cử, dưỡng lão… Trong đó điều lệ về dưỡng lão được điều chỉnh, bổ sung ở 3 thời điểm, quy định nhiều vấn đề nhằm cụ thể hóa việc trọng lão của Côi Trì, như quy định tuổi được làng cấp tiền dưỡng lão, chỗ ngồi của hạng lão tại đình làng, việc tổ chức tiệc yến lão, việc đọc chúc văn tại tiệc yến lão, quy định trách nhiệm của làng xã, con cháu trong việc dưỡng lão, trách nhiệm của các cụ lão trong việc dạy bảo con cháu…
Bước vào lão hạng, vị trí của những người già có sự thay đổi lớn, đặc biệt tại đình trung. Vị thứ đình trung dựa vào chức phẩm, học vị. Người có chức phẩm, học vị cao hơn thì được ngồi trên, quan văn được ưu ái hơn quan võ.
Nuôi dưỡng người già không chỉ là trách nhiệm của con cháu, anh em trong gia đình, họ tộc mà còn là trách nhiệm của chính quyền làng xã. Các cụ từ 60 trở lên, không có người nuôi dưỡng thì quan viên xã họp bàn lấy tiền cheo 8 mạch hoặc 1 quan để nuôi dưỡng.
Truyền thống trọng lão ở Côi Trì có thể nói đạt đến mức điển hình ở chỗ không chỉ trọng những người già tại làng mà những người Côi Trì sang sống ở xã khác khi đến 60 tuổi vẫn được làng mời về dự ngày lễ dưỡng lão, được biếu gà, rượu, số tiền là 3 mạch như các cụ trong làng.
Không chỉ trọng các cụ ông mà các cụ bà cũng được tôn trọng, nhận những ưu ái.Ngày dưỡng lão, lão bà từ 60 tuổi trở lên cũng được dự, chia phần cỗ; lão bà từ 80 tuổi trở lên mỗi người được 1 cỗ; từ 70 tuổi trở lên cứ 2 người được 1 cỗ; từ 60 tuổi trở lên cứ 3 người được 1 cỗ; mỗi lão bà được biếu 2 mạch. Tuy nhiên, trong cùng một gia đình, nếu lão bà đã 60 tuổi, ông chưa đến 60 tuổi thì lão bà chưa được dự phần, phải chờ chồng lên lão mới theo lệ. Chồng mất thì không được dự nữa. Như vậy, Côi Trì vẫn chịu ảnh hưởng quan niệm tam tòng của Nho giáo. Tuy nhiên việc tôn trọng các cụ, trong đó có cả cụ bà, là một nét đặc trưng tốt đẹp, văn minh trong truyền thống của Côi Trì.
Không những tôn trọng các cụ khi còn sống mà ngay cả khi các cụ qua đời thì làng vẫn có tiền tuất. Cụ từ 70 tuổi trở lên mất thì cho tiền tuất là 1 quan, từ 80 tuổi trở lên thì cho tiền tuất là 1 quan, 5 mạch.
Biểu hiện rõ nhất của truyền thống trọng lão ở Côi Trì đó là cứ ngày 15 tháng giêng hàng năm, làng tổ chức ngày lễ dưỡng lão. Lệ này đã có từ lâu, đến năm Cảnh Hưng 25 (1765) thì được quy định thành văn bản trong Côi Trì thông lệ. Vào ngày này thì các xã, hội tư văn, hội tư võ, các giáp, xóm, gia đình cùng tổ chức ngày lễ dưỡng lão, chúc thọ cho những người trong lão hội. Vào ngày lễ, các lão được mời lên đình, ngồi theo thứ bậc. Những lão già không đi được thì làng cho người mang võng đến rước lên đình. Đình làng được quét dọn, trải chiếu hoa để các cụ ngồi. Là một ngày lễ quan trọng nên hầu như mọi lực lượng, tổ chức xã hội trong làng đều phải có trách nhiệm lo liệu. Hội tư văn có trách nhiệm mời các cụ ngồi theo thứ bậc, đọc chúc văn chúc thọ. Xã trưởng, các sắc mục cùng 10 người có trách nhiệm chuẩn bị cỗ bàn. Hội tư võ có trách nhiệm bưng cỗ. Quan viên xã xếp hàng trước đình, một người nhiều tuổi quỳ đọc chúc từ, mời các quan lão uống rượu, ăn cỗ. Suốt buổi lễ phải có đại diện con cháu theo sau hầu, rót rượu.
Bên cạnh việc đặt lệ dưỡng lão, ưu ái lão hội, thì Côi Trì thông lệ cũng quy định trách nhiệm của các cụ đã được vào hàng lão. Các cụ phải làm gương để con cháu noi theo; tuân theo phong tục để dân trông vào; chớ có mũ ni che tai, đứng kêu báo đơn sai, cũng đừng cùng mặt khác lòng, đừng nói dối quanh, đừng ăn khuất nhiều phải nợ, đừng lấy không làm có mà giá họa cho người ta; tước xỉ cũng bằng nhau chẳng nên cậy tuổi tác mà nạt kẻ chức sắc; ai ở hàng cùng thời ta phải lánh, ai có ý không thời ta phải nhẫn. Ngoài ra, việc trong xã, thôn phải dùng tài, dùng lực nhường cho kẻ đương thời niên thiếu. Dù ông có vị vọng, kiến thức, làng nước hỏi thăm thì cứ lẽ chính mà bàn.
Như vậy, trọng lão là một phong tục đẹp, nổi bật ở Côi Trì. Phong tục đó đã được văn bản hóa trong hương ước, văn bia. Nguồn gốc sâu xa của truyền thống trọng lão ở Côi Trì nói riêng, của người Việt nói chung có xuất phát điểm từ cơ tầng nền sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh tính cần cù chịu khó, người dân luôn trông chờ vào sự ưu đãi của thiên nhiên. Hoạt động kinh tế, mưu sinh của người Côi Trì nói riêng, người Việt nói chung phụ thuộc vào thiên nhiên. Họ cần phải nắm bắt được quy luật của tự nhiên. Trước yêu cầu đó, người già với vốn kinh nghiệm đã trở thành trụ cột cho niềm tin, hoạt động sản xuất của cộng đồng. Mặt khác, Côi Trì cũng như các làng xã người Việt nói chung chịu ảnh hưởng sâu đậm từ những triết lý Nho giáo. Vì vậy, truyền thống trọng lão được hình thành, sớm trở thành truyền thống nổi bật của người Việt.
Truyền thống trọng lão thực sự là một phong tục tập quán tốt đẹp của làng Côi Trì, nó chứa đựng nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Trong thời đại ngày nay, rất cần duy trì, kế thừa, phát huy truyền thống này để làm nền tảng đạo đức cho xã hội.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 391, tháng 1-2017
Tác giả : ĐINH VĂN VIỄN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét