Thứ Hai, 8 tháng 11, 2010

Đinh văn Viễn: Về hai quốc gia Chăm pa, Phù Nam

1. Nước Chăm pa
             Sự ra đời của nước Lâm ấp - Chăm pa
Theo giáo sư Lương Ninh người Chăm chính Là chủ nhân của vương quốc Chăm Pa. Người Chăm hay còn gọi là Chàm, Chiêm nói tiếng Mã Layo – Pôlinysian, hiện nay một bộ phận nói tiếng Mlayo-Chamic.  Sở dĩ có tên gọi “người Chăm”, “dân tộc Chăm” là do gắn liền với tên gọi nhà nước Chămpa từ khi thành lập Vương quốc Chămpa. Người Chăm là một nhóm của tộc người Mã Lai - Đa đảo cư trú rải rác trên một địa bàn khá rộng ở các đảo ven biển Nam và Đông Nam Á. Cũng theo giáo sư Lương Ninh thì có lẽ người Chăm di cư từ biển vào sinh sống tại các tỉnh ven biển Trung Bộ và Tây Nguyên. Căn cứ là các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật và đều phát hiện thấy các dấu tích của người Chăm cổ từ Quảng Bình đến Quảng Nam, Quảng Ngãi và di chỉ Yaly ở Tây Nguyên. Hiện nay ở Kon Tum, phần lớn cư dân là người Ba na nói ngôn ngữ Môn- Khơ me, khoảng 1500 người ở phía Tây Kon Tum nơi đã phát hiện di chỉ Lung Leng, Sa thầy là người Gia Rai nói tiếng Malayo.([1])
Điều đặc trưng trong sự ra đời của vương quốc Chăm pa là ở chỗ nhà nước ra đời không phải là do kết quả đấu tranh giai cấp trong nội bộ cư dân Chăm mà là kết quả của cuộc đấu tranh giai cấp giữa người Chăm với chính quyền đô hộ nhà Hán. Cuộc đấu tranh này vừa là một trong cơ sở, và là điều kiện dẫn tới sự ra đời của vương quốc Chăm Pa.
Chính vì vương quốc Chăm pa ra đời trong bối cảnh bị nhà Hán đô hộ cho nên nó chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Hoa, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng đậm nét của văn hoá ấn Độ.
Năm 111 TCN, nhà Hán thay nhà Triệu xâm lược và thống trị Âu Lạc. Dưới ách thống trị của nhà Hán, nhân dân Nhật Nam nói chung và Tượng Lâm nói riêng đã nhiều lần nổi dậy chống lại. Năm 40 sau công nguyên, nhân dân Nhật Nam đã nổi dậy hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Năm 100, 2000 người dân Tượng Lâm đã nổi dậy đấu tranh. Năm 136 – 137, nhân dân lại nổi dậy “đánh huyện Tượng Lâm, đốt phá thành trì, giết trưởng lại” (Theo Hậu Hán thư)([2]).
Cuối thế kỉ II, đời Sơ Bình, nhà Đông Hán năm 190 – 193, nhân dân huyện Tượng Lâm dưới sự lãnh đạo của Khu Liên đã nổi dậy giết huyện lệnh, giành lấy quyền tự chủ và lập quốc. Đó chính là nước Lâm ấp hay còn gọi là Chămpa. Sự kiện này được các cuốn sử Trung Hoa ghi rất rõ: Sách Lương Thư  tức bộ sử của nhà Lương có ghi Khu Liên làm vua vào cuối thế kỉ II, sau đó lần lượt đến các đời vua Phạm Hùng, Phạm Dật, Phạm Văn..đến tận thế kỉ V.Trong thời gian này các vua Trung Hoa nhiều lần đem quân đánh Lâm ấp nhưng đều thất bại.
- Tên gọi Vương quốc Chămpa
Lâm ấp là nhà nước của nhân dân Tượng Lâm theo cách gọi của các Thư tịch cổ Trung Hoa. Sách Thuỷ kinh chú có giải thích thêm: Lâm ấp là huyện Tượng Lâm, sau bỏ chữ  “Tượng” gọi là Lâm ấp.
 Theo giáo sư Lương Ninh, Chămpa là tên gọi được tìm thấy qua bi kí. Tên gọi này có thể lấy theo tên một loài hoa đẹp – hoa Đại (Michelia Champaca Linnae), cũng có thể là cách gọi theo tên địa danh một vùng ở phía Bắc ấn Độ và hạ lưu sông Hằng.
Ngoài ra còn có các tên gọi khác dịch theo chữ Hán như: Chiêm Bất Lao, Chiêm Bà, Chiêm Thành…Sách Tân Đường thư viết: “Chỗ vua ở gọi là Chiêm Thành, chỗ ở khác gọi là Tề, nước gọi là Bồng Thế Bí[3].Ngoài ra  vào khoảng thế kỉ VIII,Chăm Pa còn có tên gọi Hoàn Vương. Giáo sư Lương Ninh cho rằng Hoàn Vương có lẽ với ý nghĩa là vua của các vua.
- Không gian tồn tại của vương quốc Chăm Pa.
Sách Chư phiên chú viết: “Chiêm Thành ở phía đông, đường biển thông với Quảng Châu, phía Tây giáp với Vân Nam, phía Nam giáp Chân Lạp, phía Bắc giáp Giao Chỉ, thông với Ung Châu…đất nước đó đông – tây 700 dặm, nam – bắc 3000 dặm[4]. Nguồn tư liệu trên cho chúng ta định hình được phần nào vị trí của nước Chăm Pa.
Căn cứ vào nhiều nguồn tư liệu khảo cổ học kết hợp với các nguồn sử liệu thành văn chúng ta có thể xác định rõ hơn về cương vực vương quốc Chăm pa như sau:
Vương quốc Champa hình thành và phát triển trên dải đất ven biển miền Trung Việt Nam và một phần cao nguyên Trường Sơn, lúc lớn mạnh nhất trải dài tới sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình ở phía Bắc và đèo Cù Mông( Khánh Hoà ở phía Nam)
Thời kì sơ kì vương quốc (thế kỉ II – X)
- Giai đoạn Sinhapura* (TK II – 750)
Đây là giai đoạn phát triển ổn định và hưng thịnh của vương quốc, trải qua các đời vua Khu Liên, Phạm Hùng ( từ 192 đến 337), Phạm Dật ( 337 đến 349)   tiếp đó là Phạm Văn, Phạm Phật, Phạm Tu Đạt…
Chính quyền nhà nước được xây dựng và củng cố vững chắc từ trung ương tới địa phương, quân đội được chú ý xây dựng. Thực tế đó đã tạo cho Cham Pa có thực lực, nhiều lần đánh bại các cuộc đánh chiếm của nhà Hán. Có lần quân Cham Pa tiến đánh thủ phủ quận Nhật Nam giết chết tên thái thú nhà Hán là Hạ Hầu Lãm. Cương giới đất nước được mở rộng tới dãy Hoành Sơn.
Kinh đô bắt đầu được xây dựng mang tên Sinhapura (nghĩa là thành phố sư tử).  Sinhapura chính là Trà Kiệu ( làng Trà Kiệu, xã Duy Sơn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) nằm bên bờ Nam sông Thu Bồn.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                       - Giai đoạn Virapura (750 - 850)
Thời kì này kinh đô chuyển về miền Nam và được đặt ở Virapura (Phan Rang ngày nay) nhưng cũng có khi là Vihapura (Kinh thành của thần thánh). Đây cũng là giai đoạn vương quốc Lâm Ấp đổi tên thàng Hoàn Vương.
Thời kì này, Chămpa bị người Java 2 lần tấn công nhưng sau đó đã được phục hồi. Năm 802, Hoàn Vương được phục hồi nhiều lần cất quân tiến đánh Chân Lạp và An Nam Đô Hộ Phủ thuộc nhà Đường và không chịu cống nạp cho nhà Đường.
- Giai đoạn Inđrapura (850 – 982)
Kinh đô được chuyển về  Inđrapura (Thành phố thờ thần Inđra – thần đứng đầu các vị thần của ấn Độ trong giai đoạn sơ kì). Hiện nay chính là làng Đồng Dương, xã Bình Định huyện Thăng Bình tỉnh Quang Nam. Địa điểm này cách Đà Nẵng 40km, cách Trà Kiệu 20km. Đây cũng là giai đoạn mà vương quốc Hoàn Vương đổi thành Chiêm Thành.
Thời kì này, Phật giáo đã phát triển khá mạnh. Chính vì vậy có người cho rằng giai đoạn Đồng Dương là vương triều Phật Giáo. Qua khai quật các nhà khảo cổ học đã phát hiện nhiều tượng Phật bằng đá, những bức phù điêu trên đá thể hiện sự tích Phật đi tìm chân lý. Đặc biệt các nhà khảo cổ học đã phát hiện được một pho tượng Phật bằng đồng thau cao 1,08m rất đẹp. Kinh đô Đồng Dương (Inđrapura) vừa là hoàng cung vừa là đền miếu thờ Phật
Trong giai đoạn này, chính quyền nhà nước được củng cố vững chắc. Chính vì thế chính quyền đã cai quản được cả lãnh thổ vương quốc. Không có một vương triều nào trước đây có ý thức về sự thống nhất, tập trung, về quyền cai quản toàn bộ lãnh thổ vương quốc như vương triều này. Tuy nhiên, sự lớn mạnh của chính quyền địa phương trong vương quốc làm nảy sinh xu thế phân quyền, cát cứ ở các địa phương.
Bước sang thế kỉ X, Chăm pa đứng trước những thử thách lớn đó là sự ngày càng lớn mạnh của Đại Việt và Chân Lạp. Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán mở ra một kỉ nguyên mới cho Việt Nam kỉ nguyên độc lập dân tộc sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Ở phía Nam, Chân Lạp đã đánh đuổi được người Gia Va đồng thời thống nhất được hai dòng họ Bắc và Nam. Chính điều này làm cho Chân Lạp trở lên hùng mạnh nhiều lần cất quân đánh chiếm Chăm Pa. Năm 945,946 quân Chân Lạp tiến đánh vào tận kinh đô Chăm Pa cướp phá rồi rút lui. Thời kì Đồng Dương tồn tại tới khoảng năm 982,  với vị vua cuối cùng là Ba Mỹ Thuế.
1.2 Tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá Chăm pa trong các thế kỷ II – X
* Chính trị
- Thiết chế chính trị
Chămpa là nhà nước quân chủ chuyên chế. Vua có quyền uy tuyệt đối, là người đứng đầu vương quốc và giải quýêt mọi công việc từ sản xuất đến theo dõi hình phạt và các công việc đối ngoại.
Các vua Chăm thường tự gọi mình là Đại vương (Maharaja) hay tự xưng mình là đấng tối thượng (Chakravartin) hoặc chúa tể thế gian (Pupotana raya).
Các thư tịch cổ Trung Quốc từ Tần thư đến Nam Tề thư, đến Tuỳ thư, Cựu Đường thư đều miêu tả vua Chăm với những nét chung như sau: Vua thường đội mũ thiên quan hay mũ hoa bàng vàng, mặc áo cổ bối bạch diệp (một loại vải bông), có lúc mặc áo gấm, cổ đeo nhiều chuỗi ngọc như trang sức ở tượng Phật, cuộn tóc đuôi hoa; chân đi giày da. Khi vua đi đâu thì cưỡi voi hoặc ngồi kiệu vải mềm có giá gỗ do 4 người khiêng. Hộ giá vua có các tuỳ tùng tay cầm cờ vải cát bối, thổi ốc, đánh trống. Nhân dân thấy vua thì phải quỳ  xuống; tử đệ thị thần yết kiến vua chỉ phải vái nhưng không được tới gần.
Nhà nước nước Chămpa không phải là một tổ chức liên hiệp vùng hành chính (bang) hay tộc người. Đây là vương quốc với những dòng vua nối tiếp nhau. Mặc dù không có sự thiết lập phổ hệ liên tục theo dòng cha (do ở đây có chế độ mẫu hệ nên có trường hợp truyền ngôi theo dòng mẹ)[5]. Thủ tục lên ngôi vua trong triều đình Chăm khá cầu kì, phải trải qua nhiều giai đoạn như: nhận tước vương, thụ lễ nhận một chức sắc tôn giáo, lên ngôi cầm quyền, làm lễ đăng quang chính thức nhận vương hiệu, làm lễ mang tôn hiệu…Mỗi giai đoạn có khi cách nhau đến dăm năm. Tóm lại việc người Chăm xây dựng cho mình một quốc gia thống nhất, một vương quyền tập trung là một nhưu cầu tất yếu để tự vệ.
- Hệ thống hành chính và bộ máy quan lại
Vương quốc Chămpa được chia thành những đơn vị hành chính lớn nhỏ. Các thư tịch cổ Trung Hoa (như Tống sử) nói Chiêm Thành có 38 châu, 200 làng. Nhiều nhà nghiên cứu lại căn cứ từ những Pramana và Vijaia – dùng để chỉ các đơn vị lãnh thổ trên bia kí mà cho rằng, những từ chỉ đơn vị lãnh thổ có thể tạm dịch là tỉnh, vùng hay địa khu giống như ở ấn Độ và các nước ấn Độ hoá khác, mặc dù giới hạn của mỗi địa khu không được xác định rõ.
Các bia kí và di tích cho phép chúng ta nghĩ rằng trên Vương quốc cổ Chămpa đã hình thành một số vùng như Amaravati (miền Bắc), Vijaia (miền Trung) và Panđuranga (miền Nam).
Từ thế kỉ II – XV, Vương quốc Chămpa luôn phải đối phó với các thế lực và cường quốc bên ngoài nên thường xuyên có nhu cầu liên kết, thống nhất dân cư và thiệt lập một chính quyền trung ương tập trung. Do vậy, bộ máy triều đình, quan lại của Vương quốc chắc đã được tổ chức khá hoàn chỉnh để giúp vua trị vì vương quốc.
Dưới vua có hai chức quan lớn là Tây na bà đế (có thể phiên âm từ chữ Phạn Senapati), tức người đứng đầu hàng ngũ quan võ và Tát bàđại ca (Tapatica), có lẽ là người đứng đầu hàng quan văn. Dưới đó là thuộc quan chia làm ba bậc, trong số đó có 8 viên quan lại cao cấp chia nhau nắm giữ các việc hệ trọng; tiếp đó là ngoại quan (có lẽ là quan địa phương) với 2 cấp là Phất la (trưởng quan) và khả luân (thứ quan)[6].Ở các địa phương còn có chức quan chuyên thu thuế và cai quản dân gọi là Panrong Prong.
Về sau hệ thống quan chức được hoàn chỉnh hơn, có thêm chức Tể tướng mà trong Đại Việt sử kí toàn thư gọi là Bố Để (hay Bố Đề), Tân đường thư của Trung Quốc gọi là Bà Man Địa (bắt nguồn từ chữ Adhipati).
Ngoài ra còn có các tăng lữ Bàlamôn là người ấn Độ, thường xuyên đảm nhiệm những chức sắc cao cấp về tôn giáo và có ảnh hưởng lớn về chính trị, văn hoá ở triều đình Chămpa.
* Tình hình xã hội
-Giai cấp thống trị:
- Quý tộc, quan lại: bao gồm những người có chức sắc phục vụ cho triều đình nhà vua từ trung ương đến địa phương. Tầng lớp này được vua ban hiện vật được miễn trừ mọi nghĩa vụ lao dịch.
- Tăng lữ Bàlamôn: Tầng lớp phụ trách các vấn đề tế lễ, tang ma, cưới hỏi của nhà nước, có ảnh hưởng không nhỏ đến các công việc chính trị – xã hội của đất nước.
- Giai cấp bị trị:
- Nông dân công xã: là lực lượng chủ yếu trong xã hôi Chăm, là giai cấp giữ vai trò chủ yêu trong sản xuất cũng như trong xã hội. Đời sống của vua, quan, quý tộc và một phần đáng kể của đền miếu đều dựa chủ yếu trên sự đóng góp của nông dân công xã dưới hình thức lao dịch và thu thuế bằng sản phẩm. Khi vương quốc có chiến tranh, vai trò của nông dân công xã cũng thể hiện rõ với việc đóng góp lương thực, sản vật và sức người cho nhà nước.
- Nô lệ: Đây là tầng lớp xuất hiện ngay ở giai đoạn đầu của Vương quốc cổ Champa. Nguồn gốc của nô lệ (bi kí gọi chung là hulu) khá phong phú, có nô lệ từ binh, có nô lệ nuôi từ nhỏ, có nô lệ là người phạm tội, nô lệ được mua về, nô lệ ở các đền miếu. Nô lệ đã trở thành một thứ mặt hàng trao đổi buôn bán trong xã hội điều đó chứng tỏ chế độ nô lệ trong xã hội Chăm khá phát triển. Sách Lĩnh ngoại đại giáp chép “ thuyền buôn lấy người làm hàng hoá”[7]
* Quân đội và luật pháp
Triều đình Chămpa có quân đội thường trực rất mạnh. Vệ binh có khoảng 5000 người. Quân đội cả nước có đến 4 – 5 vạn người, gồm nhiều binh chủng (bộ binh, tượng binh, kị binh và thuỷ binh).
Khi đánh nhau thường cưỡi voi, lấy mây làm áo giáp, huy động khoảng 1000 voi, 400 ngựa cùng với thuỷ quân gồm nhiều thuyền chiến. Vũ khí có gươm giáo, cung tên, nỏ tre có tẩm thuốc độc. Lực lượng quân đội của Vương quốc Chămpa có nhiệm vụ bảo vệ vua và quan lại, tham gia chống cá thế lực bên ngoài. Do nghề đóng thuyền phát triển nên Chăm pa có đội thuỷ quân rất mạnh. Thuỷ quân thường mặc một áo giáp ngắn, đội một mũ giáp hình đài hoa cầm mộc và giáo.
Chămpa chưa có luật pháp thành văn. Ai bị tội nhẹ thì đánh bằng gậy từ 50 – 100 gậy. Tội nặng thì treo lên cây, lấy gậy nhọn đâm vào cổ hay vào đầu. Tội nặng hơn nữa thì cho voi giày hay quật chết, cũng có khi bắt tự tử mà chết. Sách Tân Đường thư phần Liệt truyện có viết: “Không đặt hình pháp, người có tội thì cho voi giày hay quật chết hoặc là đưa ra mũi Bất Lao cho tự tử mà chết[8].
Sách Thuỷ phiên chí cũng viết về phần nước Chiêm Thành cũng nói tới một số quy định về luật pháp khá chi tiết: “Nam nữ phạm tội thông gian đều bị giết. ăn trộm cũng có những hình phạt như chặt ngón tay, ngón chân. Lúc chiến trận, cử 5 người họp thành 1 giáp, nếu bỏ chạy thì người cùng giáp đều chịu tội chết[9]. Có thể thấy đây là những quy định bất thành văn, có tính chất như luật tục hay tập quán pháp. Trên thực tế từ các nguồn sử liệu chưa có căn cứ để khẳng định nhà nước Chămpa luật pháp thành văn và thể chế.
* Tình hình kinh tế
- Nông nghiệp
+ Ruộng đất và quan hệ sở hữu ruộng đất
Nông nghiệp là hoạt động kinh tế chủ yếu của cư dân Chămpa.
Trên văn bia có kể tên nhiều loại ruộng Chăm như: ruộng trũng (huma – anatam), ruộng bậc thang (huma danih), ruộng chua mặn (huma masin). Ngoài ra trên bia Mỹ Sơn còn nhắc đến các loại ruộng đất khác nhau như: sinjob, santam, malik, malan…mà hiện nay chưa rõ là những ruộng gì.
Về mặt quan hệ sở hữu ruộng đất:  Tài liệu nói về vấn đề này còn hết sức mờ nhạt. Tuy nhiên theo Tống sử thì một số quan lại đã có sở hữu ruộng đất riêng và được miễn trừ tất cả các khoản đóng góp cho nhà nước. Tuy nhiên nhà nước đứng đầu là vua là người có quyền sở tối cao về ruộng  đất là điều chắc chắn. Chính vì vậy vua có quyền ban cấp ruộng đất cho các đền gọi là ruộng thần và các quan lại gọi là lộc điền.
+ Trồng trọt và kĩ thuật canh tác
Lúa là cây lương thực chủ yếu ở Chămpa. Lúa được cấy theo 2 mùa trong một năm: mùa thu trồng lúa trắng, mùa xuân trồng lúa đỏ. Bên cạnh lúa còn có các loại cây lương thực và cây ăn quả khác. Sách Thuỷ phiên chí của Trung Quốc chép: “Ngũ cốc không có lúa mạch chỉ có lúa tẻ, kê, đay, đậu…quả cây có các loại như sen. mía, chuối, dừa[10].
Về kĩ thuật canh tác, người Chăm xưa đã kết hợp trồng lúa ở cả ruộng bậc thang và ruộng thấp (mà hiện nay còn thấy ở miền Trung nước ta). Để trồng cấy ở ruộng thấp, họ đã đào nhiều kênh mương dẫn nước tưới. Họ đã đóng được các guồng nước khổng lồ gọi là bờ xe nước. Người Chăm rất giỏi việc đắp đập, đào kênh mương dẫn nước vào đồng ruộng tiêu biểu như đập Đồng Cam ở xã Hoà Hội, huyện Tuy Hoad, tỉnh Phú Yên. Người Chăm đã biết việc sử dụng sức kéo trâu bò trong sản xuất nông nghiệp. Sách Chư phiên chí ghi người Chăm biết đóng hai trâu để kéo cày.
Đặc biệt, người Chăm đã biết tuyển chọn và trồng cấy một số giống lúa tốt mà đã được biết đến rộng rãi ở cả nước ngoài. Theo Tống sử, Trung Quốc đã đem nhập và đem trồng phổ biến một thứ lúa ngắn ngày và có sản lượng cao gọi là lúa Chiêm Thành (lúa Chiêm).
Mặc dù vậy người Chăm vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp do điều kiện tự nhiên thường xảy ra hạn hán và lũ lụt. Bên cạnh đó đất đai ở đây cằn cỗi “đất đều là cát trắng, đất cày được rất ít. Không có dê, lợn, rau cỏ, nhân dân đi lấy hương làm kế sinh nhai”.[11]
+ Hoạt động thủ công nghiệp và các nghề khác
Dệt vải: Người dân Chăm biết trồng dâu, nuôi tằm, nghề dệt lụa khá phát triển. Mặt khác, nhân dân còn dùng cổ bối (một loại cây khi hoa nở giống như lông ngỗng có thể rút lấy sợi như cây đay ở nước ta) và bông gòn để dệt vải, tạo ra nhiều loại vải quý, được đánh giá cao ở các nước láng giềng. Các thư tịch cổ Trung Quốc và Đại Việt thường nói tới việc các vua Chăm thường cử người sang cống luôn có mặt hàng là vải trắng. Ngày nay, người Chăm ở Ninh Thuận vẫn bảo tồn được nghề dệt thổ cẩm khá độc đáo.
Chạm khắc vàng, bạc,đồng: Nghề luyện kim của người Chăm rất phát triển. Đặc biệt là việc chế tác các loại đồ trang sức bằng vàng, bạc, trước hết để phục vụ cho vua và quý tộc. Đó là những mũ miện bằng vàng của vua và hoàng hậu, những klong (hộp đựng mảnh xương người chết để giữ lại thờ bằng vàng, bạc); các loại hộp đựng trầu và ống vôi khảm vàng, bạc. Ngoài ra còn có các đồ trang sức bằng đồng như mâm chân quỳ, dao bổ cau, thìa và nhiều thứ vũ khí bằng đồng.
Các loại lọ, dao, thìa và nhiều tứu vũ khí bằng vàng, bạc, đồng được chạm khắc. Những vật này đều có hình dáng đẹp, được gia công khéo léo, chạm chổ bằng nhiều hình hoa lá rất tỉ mỉ, thể hiện trình độ tinh xảo của các thợ thủ công Chăm.
Đóng thuyền: Người Chăm còn có nghề đóng thuyền rất phát triển do nhưu cầu buôn bán và đánh cá. Sách Đại việt sử kí toàn thư chép Chiêm Thành có hơn 1000 thuyền ra đánh cá.
Làm gốm: Nghề gốm ở Chămpa rất phát triển. Qua các đợt khai quật khảo cổ học đã phát hiện thấy dấu tích của một khu lò gốm như: Gò Hời ( Tây Sơn- Bình Định), Gò Ké, Gò Cây Me, gò Trường Cửu, song tiêu biểu hơn cả là gồm gò Sành.
 Gò Sành là một gò đất thấp  nằm trên bờ sông Côn thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sau nhiều lần khai quật khảo cổ học đã phát hiện hơn 20 lò gốm cổ với gần 6000 hiện vật khác nhau, bao gồm: bát, đĩa, cốc, chén, vò, hũ…
Tất cả đều được làm bằng bàn xoay, hình dạng cân đối, chính xác, được trắng men màu xanh nhạt, vàng nhạt, nâu…có văn in khuôn dập nổi, khắc chìm cé trên men, dưới men. Sự phong phú, độc đáo của gốm Gò Sành nói riêng và gốm Bình Định nói chung cho thấy sự phát triển về trình độ chế tác gốm của Chămpa.
 Đánh cá: Nhờ điều kiện tự nhiên thuận lợi và biển nhiều cá, kĩ thuật đóng thuyền phát triển nên nghề đánh cá ở đây khá phát triển. Một nhà du lịch nước ngoài đến Chămpa vào thế kỉ XIV đã ghi lại rằng: “Vua có riêng 14000 con voi…ở nước này, người ta gặp một điều rất kì lạ vì mọi loài cá trên biển đều đến đây, tựa như người ta không thấy gì trên biển ngoài cá[12]
Hoạt động thương nghiệp: Có thể nói Chăm pa là một đầu mối, trung tâm thương mại liên vùng. Chăm pa có quan hệ buôn Bán với Trung Hoa, Đại Việt, Phi líp pin…Các sản vật từ lâm thổ sản, các đồ trang sức và đặc biệt là gốm là những mặt hàng buôn bán chủ yếu của các thương nhân Chăm.
* Tình hình Văn hoá
-   Tôn giáo và tín ngưỡng
Chịu ảnh hưởng sâu sắc của Ấn Độ.  Buổi đầu họ thờ các vị thần sơ khai của người ấn, đứng đầu là thần Inđra – vị chủ của các thần.
Khi  đạo Hin đu được truyền bá vào họ sùng bái các thần Ấn giáo,và thờ các thần của Hinđu giáo: thần Brahman, Siva và Visnu. Trong đó thần Siva thể hiện rõ qua những lời cầu khấn, sự ưu tiên hình tượng Siva trên tượng phù điêu và ngẫu tượng Linga.
Bên cạnh đó, người Chămpa còn tiếp thu đạo Phật phái Đại thừa. Một số vua của thời kì Vijaia vẫn cho dựng tượng Phật Quan âm (Buddhalokesvara) và thực hành dharma (đạo) của Mahayana (Phật giáo Đại thừa).Tuy nhiên, xuyên suốt lịch sử Chămpa, Hinđu giáo.
Khoảng thế kỉ XIII, đạo Hồi được du nhập đến Chămpa nhưng mức độ ảnh hưởng không nhiều.
- Chữ viết: Họ đã tiếp nhận chữ viết của người Ấn đó là chữ Phạn (sancrit). Từ chữ viết của người Ấn người Chămpa đã xây dựng thành một hệ thống văn tự để ghi chép tiếng nói của mình gồm 16 nguyên âm, 31 phụ âm và khoảng 32 dấu âm sắc và chính tả. Niên đại của chữ Chăm cổ sớm nhất, căn cứ trên minh văn Đông Yên là thế kỉ IV[13].Nguyên liệu để viết: Chữ Chăm cổ nhất được tìm thấy khắc trên kim loại như  mâm, ấm  bằng vàng, bạc, đồng…ngoài ra còn được khắc trên bia.            
- Kiến trúc và điêu khắc
Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm khá phát triển. Những thành tựu trên lĩnh vực này thể hiện ở các đền, tháp…
Người Chăm tin sùng đạo Hinđu cho nên họ đã xây dựng nhiều Đền, tháp để thờ thần Hinđu. Đó là những ngôi tháp gạch, đồng thời cũng là đền thờ thần. Tháp gọi là kanlan theo hình núi Meru, tương truyền cũng là nơi ngự trị của các thần Hinđu. Có tháp ở trên đỉnh đồi cao, có tháp ở dưới đồng bằng, như thể muốn vươn tới trời cao nhưng vẫn bám chặt đất mẹ. Gạch và kĩ thuật xây khá tốt nên trải qua thời gian, nhiều tháp vẫn còn đứng vững như dấu ấn văn hoá một thời còn lưu lại. Có thể nói, nơi nào có cụm dân cư Chăm thì ở đó có đền, tháp thờ thần. Tiêu biểu trong số các di tích tháp Chăm là cụm di tích Mỹ Sơn. Cụm di tích này nằm ở vùng thung lũng chân nũi, thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, do người Pháp phát hiện năm 1885 và bắt đầu nghiên cứu từ năm 1895. Có khoảng 70 kiểu kiến trúc đền tháp nằm quây quần quanh thung lũng này.
Có người gọi khu đền tháp ở Mỹ Sơn là Thánh địa nhưng thực chất đây là nơi thờ cúng các thần Đạo Hin đu của người Chăm ( sanctuaire). Một nhà kiến trúc nước ngời là Ph.Stern đã chia cụm kiến trúc Mỹ Sơn thành 6 giai đoạn phát triển, 6 phong cách nghệ thuật.
+ Nhóm A gồm 13 ngôi trong đó có ngôi A1 là to nhất và đẹp nhất.
+ Nhóm B gồm 14 ngôi nằm ở gần trung tâm thung lũng. Trong khu này còn lại dấu tích của một bể nước có lẽ đó là nơi chứa nước thiêng dùng trong lễ thánh tẩy.
 + Nhóm C gồm 7 ngôi  tại đây người Pháp đã tìm thấy nhiều đồ thờ quý bằng vàng .
+ Nhóm D gồm 6 kiến trúc xây dựng theo kiểu nhà dài.
+ Nhóm E có 9 công trình .
+ Nhóm F gồm 3 ngôi đền nằm xa trung tâm .
Khu đền tháp Mỹ Sơn là một quần thể kiến trúc văn hoá- lịch sử độc đáo. Năm 2000, khu di tích Mỹ Sơn được Unesco công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Hầu hết các tượng trong nghệ thuật điêu khắc Chămpa đều là tượng thần, tuy nhiên trong một số trường hợp có thể tìm  thấy ở đó tính chất hiện thực, sinh động, tươi tắn và duyên dáng. Chẳng hạn tượng nữ thần Pacvati, thuộc thế kỉ thứ VIII, trông rất giống một người con gái bình thường, tươi tắn, với nụ cười mỉm, nét mặt thanh tú của người Nam á, chẳng thua kém gì những pho tượng bán thân nổi tiếng trên thế giới.
Vũ nữ Trà Kiệu không quá thô cứng và nghiêm nghị như ở Campuchia hay ấn Độ, vừa rất cân đối, mềm mại, duyên dáng và đầy sức sống.
Tượng bán thân Devi phát hiện tại Hương Quế- Quảng Nam là một trong những pho tượng tròn đẹp nhất của người Chăm.
Đặc điểm nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc Chăm:
+ Không gian: Các công trình kiến trúc điêu khắc của người Chăm được xây dựng khắp nơi trong địa bàn cư trú của cư dân Chăm, luôn gần nơi cư trú của nhân dân và ngay cả nơi ở của vua.
+ Nguyên liệu xây dựng: Chủ yếu là bằng ghạch, đá rất ít được sử dụng trong các công trình kiến trúc trừ những chi tiết đòi hỏi sự chịu lực cao như bệ, trụ cửa…Có thể nói kĩ thuật làm ghạch và xây tháp bằng ghạch của người Chăm đạt tới trình độ rất cao.
+ Các công trình kiến trúc, điêu khắc Chăm chịu ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ của tôn giáo mà cụ thể là của đạo Hin đu.
+ Quy mô của các công trình kiến trúc, điêu khắc Chăm tương đối nhỏ, không đồ sộ, phô trương mà có cái gì đó thần bí. Chính vì quy mô nhỏ cho nên các đền tháp Chăm không kết hợp luôn là thánh đường để diễn ra các sinh hoạt tôn giáo mà chỉ làm giả thánh đường bằng một cửa cuốn ghạch .
- Âm nhạc và ca múa: Qua các thư tịch cổ Trung Quốc, thông qua các tài liệu khảo cổ học, các công trình kiến trúc, điêu khắc cho chúng ta thấy sinh hoạt ca múa nhạc của người Chăm khá phát triển.
+ Nhạc cụ:  Có đàn, cầm, đàn tỳ bà, địch, trống, sáo…Nhạc cụ có thể vay mượn hay không nhưng nhạc cụ vẫn cần phải tự sáng tạo. Hiện nay, chúng ta không được biết về những nhạc điệu ấy, chỉ biết thứ nhạc của Chăm khá phong phú với nhạc cung đình, nhạc lễ, nhạc đám  cưới, đám tang, mỗi loại có những giai điệu khác nhau.
+Ca múa nhạc: Rất thịnh hành và phát triển.Trong Việt sử có nhắc tới sự kiện vua Lê Đại Hành và Lý Thái Tông khi đi đánh quân Chiêm Thành có bắt về hơn trăm vũ nữ và thông qua đó nền nghệ thuật âm nhạc cung đình Chămpa đã đến được nước ta. Múa của vũ nữ  thường diễn ra ở cung đình, ở đền miếu, múa tập thể trong đám cưới, ngày hội…Các vũ nữ Chăm thường mặc áo ngắn, trang trí lộng lẫy trong các điệu múa uyển chuyển. Hình các vũ nữ ở tháp A1 Mỹ Sơn , ở Trà Kiệu có mặc váy ngắn, đôi khi “ vật che thân chỉ còn là đồ trang sức.”
- Phong tục tập quán
+Trong ứng xử xã hội
Người Chăm giữ rất lâu một số phong tục của mình. Họ rất lễ phép, gặp nhau thường chắp tay vái lạy hay cúi đầu chào. Họ cũng có tục ăn trầu và nhuộm răng như người Việt. Do theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ Chăm luôn giữ vai trò cao trong xã hội, trong sản xuất và trong gia đình.
+Tục cưới hỏi
Trong hôn nhân, người con gái Chăm luôn chủ động và huyết thống được tính theo dòng mẹ.  Chính vì thế trong bia có ghi nhà gái đi hỏi rể. Vào ngày cưới, một thầy Bàlamôn dắt chàng rể đến gặp cô dâu. Hai bên nắm tay nhau, rồi mọi người cùng hô to chúc mừng sự tốt đẹp. Tục cưới hỏi như vậy đến nay vẫn còn tàn dư. Nhiều nơi vẫn giữ nghi lễ ăn cỗ bên nhà gái và con trai phải ở rể một thời gian.
+Tục ma chay
Người Chăm thường có tục hoả táng ở ngoài đồng, sau đó họ đem thả xuống sông, biển cùng lúc đó con cháu đi đưa tiễn và khóc lóc thảm thiết. Họ chỉ giữ lại một phần xương sọ bỏ vào trong hộp bằng bạc gọi là Klong. Chiếc hộp này được cất chỗ kín vài năm sau mới mang về nhà để thờ.
Sách Tuỳ thư của Trung Quốc có chép về tục ma chay của người Champa: “Vua chết 7 ngày mới chôn, người có quan chức thì 3 ngày còn thứ dân thì 1 ngày. Lấy bao đựng thây người chết, đánh trống múa nhảy đi theo xe đến sông, sau đó chất củi đốt thây, cốt lấy những xương còn lại. Vu athì bỏ vào bình vàng, nhấn chìm xuống biển; người có quan chức thì dùng bình đồng, đánh chìm ở cửa biển; thứ dân thì lấy bình đất đưa ra sông. Trai gái đều cắt tóc đi theo đám tang đến sông, sau đó hết sứ thương khóc rồi thôi, lúc về không khóc nữa. Cứ 7 ngày lại đốt hương, rắc hoa, lại khóc lóc hết sức thảm thiết rồi thôi. Hết 7 lần, 7 ngày như thế rồi thôi. Đến trăm ngày và ba năm cũng làm như vậy[14].
2. Nước Phù Nam:
2.1 Quá trình hình thành phát triển và suy tàn của Phù Nam.
 *Sự ra đời của Vương quốc Phù Nam
Cội nguồn của Vương quốc Phù Nam
Ngay khi phát hiện ra văn hoá Óc Eo sau cuộc khai quật khảo cổ học của nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret vào năm 1944, người ta đó coi đó là những dấu vết của Vương quốc Phù Nam, một quốc gia cổ được biết từ trước qua thư tịch cổ Trung Quốc và minh văn trên bia ký. Vậy mối quan hệ giữa nền văn hoá Óc Eo và Vương quốc Phù Nam như thế nào ? Nó là cội nguồn hay là một trong những nền văn hoá của Vương quốc Phù Nam. Để là rõ điều này, chúng ta cần nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hoá Óc Eo và Vương quốc Phù Nam trên 3 phương diện: không gian, thời gian và cư dân.
1.1.Thời gian
Theo các thư tịch cổ Trung Quốc còn lại cho đến ngày nay, các nhà khoa học đã có ý kiến thống nhất: Vương quốc Phù Nam tồn tại từ đầu thế kỉ I sau Công nguyên đến thế kỉ thứ VII, trải 3 triều đại, 19 đời vua.
Theo các di chỉ khảo cổ học tìm được cũng cho thấy nền văn hoá Óc Eo tồn tại từ thế kỉ I sau công nguyên đến thế kỉ VII, VIII. Đặc biệt, trong cuộc khai quật này các nhà khảo cổ học cũng đã thấy “một sự tàn phá đột ngột” của nền văn hoá này: “Cuộc khai quật của chúng tôi đã phát lộ những thảm cát đứt đoạn chứa những tàn tích của nghề kim hoàn, như nồi nấu còn dính vẩy vàng, đá thử, thoi vàng, đồ trang sức làm dở…những mảnh vụn của xưởng thợ bị sụp đổ…cho thấy một sự tàn phá đột ngột, thô bạo, hoàn toàn không phải là một sự suy thoái từ từ[15]. Điều này cũng phù hợp với sự xâm lược của người Chân Lạp đối với vương quốc Phù Nam vào thời gian này.
Như vậy, thời gian tồn tại của Vương quốc Phù Nam và nền văn hoá Óc Eo về cơ bản là đồng nhất với nhau.
1.2. Không gian
Các thư tịch cổ Trung Quốc có ghi lại cương vực của quốc gia Phù Nam như sau:
Tấn thư ghi: "Phù Nam cách Lâm Ấp về phía Tây hơn 3000 lí, ở trong vùng Vịnh biển lớn nhất. Đất rộng 3000 lí".
Nam Tề thư chép: "Nước Phù Nam ở trong vùng dân Man, phía Tây của biển lớn, ở miền Nam của Nhật Nam, dài rộng hơn 3000 lí, có sông chảy về phía Đông ra biển".
Lương thư chép và có thêm một vài chi tiết làm cụ thể hơn: "Nước Phù Nam ở phía Nam quận Nhật Nam trong vịnh lớn, phía Tây của biển cách, Nhật Nam có đến 7000 lí, cách Lâm Ấp ở phía Tây Nam đến hơn 3000 lí. Thành cách biển 500 lí (khoảng 200 km), có sông rộng 10 lí, từ Tây Bắc chảy sang Đông nhập vào biển. Nước rộng hơn 3000 lí, đất trong vùng ẩm thấp nhưng bằng phẳng rộng rãi"[16].
Căn cứ vào những chi tiết có tính chất tương đối trên đây, so sánh với địa lý Đông Dương, các nhà nghiên cứu về cơ bản đã thống nhất về vị trí của nước Phù Nam ngày nay như sau: Nằm ở phía Nam bán đảo Đông Dương, phía Nam quận Nhật Nam (phần đất phía Nam của nước Nam Việt cũ) và Lâm Ấp (từ dưới Quảng Nam trở vào). "Vịnh phía Tây biển lớn" – Vịnh Thái Lan ngày nay. "Các con sông lớn chảy từ hướng Tây đổ ra biển, con sông chảy từ mạn Tây Bắc về hướng Đông rồi đổ ra biển" tương ứng với phần hạ lưu sông Mê Công. "Đất từ trên cao đổ xuống và rất bằng phẳng" là thế đất châu thổ. Đó cũng là hình ảnh của châu thổ sông Mê Kông bao gồm khu vực dòng chảy của các sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Cỏ, sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Như vậy, không gian của Vương quốc Phù Nam bao gồm lãnh thổ rộng lớn: Về phía đông đã kiểm soát cả vùng đất Nam Trung Bộ (giáp Chămpa). Về phía Tây Bắc đến trung lưu sông Mê Kông. Về phía Tây đến phần lớn thung lũng sông Mênam (Thái Lan) và cao nguyên Còrạt. Về phía Nam đến các nước ngoài hải đảo thuộc phần đất phía Bắc bán đảo Malaysia ngày nay.
Những phát hiện khảo cổ học của các nhà khảo cổ Việt Nam về nền văn hoá Óc Eo từ vùng đồi núi Lâm Đồng đến vùng rừng ngập mặn U Minh; Nền chùa (Kiên Giang); Gò Tháp (Đồng Tháp) 1984 và 1993; Cạnh Đền (Kiên Giang) năm 1986; Gò Rộc Chanh và Gò Sao (Long An), năm 1986; khu di tích Bình Tả (Long An) năm 1987 – 1989; Cây Gáo và Đồng Bơ (Đồng Nai) năm 1987; Lưu Cừ (Cửu Long) năm 1987; Gò Thành (Tiền Giang) năm 1988; Kè Nột (Kiên Giang) năm 1990; Chàu Gò (TP Hồ Chí Minh) năm 1991. Ngoài ra, các cuộc khai quật khảo cổ tiếp theo cũng đã phát hiện thấy mật độ di chỉ của nền văn hoá này tập trung khá lớn ở vùng trũng Đồng Tháp Mười, vùng đất thấp phía Tây sông Hậu và vùng rừng U Minh.
Như vậy, những phát hiện khảo cổ của các nhà khảo cổ Việt Nam cũng có niên đại từ thế kỉ I đến thế kỉ VII. Đó cũng là không gian và khung niên đại của văn hoá Óc Eo ở châu thổ sông Cửu Long trùng hợp với một phần lãnh thổ và một số sự kiện trong lịch sử Phù Nam.
2.3. Cư dân
Tấn thư ghi: "Người đều đen đúa, xấu xí, búi tóc, thân trần đi đất, tính chất phác, thẳng thắn, không trộm cướp, theo nghề cày cấy trồng trọt; một năm trồng thu hoạch 3 năm".
Nam Tề thư cũng ghi: "Người Phù Nam thông minh, lanh lợi và giảo quyệt, đánh phá các thành ấp lân cận, bắt dân không phục làm nô tỳ" nhưng sau đó lại viết: "Người tính tình hiền lành, không giỏi chiến trận, thường bị nước Lâm Ấp đánh phá, không thông giao được với Giao Châu".
Chu Ứng lại ghi:"Người nước đó ở trần, chỉ có phụ nữ mặc áo chui đầu". Cả Khang Thái và Chu Ứng (hai sứ giả của Trung Quốc) đều nói rằng: "Trong nước thật đẹp, chỉ có người hơi bẩn thỉu, thật quái lạ"[17].
Từ những nhận xét trên cho thấy Phù Nam là một xã hội đa dạng và khá phức tạp.
Căn cứ vào những điều ghi lại trên, đối sánh với dân tộc học ở Đông Nam Á, các nhà nghiên cứu đều cho rằng: Cư dân Phù Nam gồm hai bộ tộc Môn Cổ và Nam Đảo. Bộ lạc Môn Cổ (Vnam, Bnam, Pnong) là bộ lạc người miền núi. Bộ lạc này là người vùng núi, sống từ trên các thềm cao miền Nam, trải qua quá trình sinh sống họ tiến xuống gần biển, gặp người Biển – Nam Đảo. Quốc gia mới lập theo thói quen được gọi bằng tên tộc người bản địa (Người vùng núi) nên có tên là Phù Nam. Có lẽ họ chính là những chủ nhân của nền văn hoá Đồng Nai thời đại đồ đá, đồng.
Bộ lạc thứ hai là Nam Đảo đến sau, sống chủ yếu ở ven biển.
Trên miền Tây sông Hậu, họ kết hợp các yếu tố núi và biển, cùng nhau xây dựng quốc gia mới, bổ xung cho nhau sức mạnh và sở trường trên núi và trên biển: người Môn Cổ có khả năng chinh chiến và tổ chức xã hội, còn người Nam Đảo có khả năng khai thác hải sản và buôn bán với nước ngoài.
Cư dân của văn hoá Óc Eo: Trước đây, người ta thường nhầm lẫn chủ nhân của nền văn hoá này là tổ tiên của người Khmer. Nhưng những phát hiện khảo cổ học ở Gò Cây Tung (An Giang), Gò Cao Su (Long An), Giồng Cá Vồ (Cần Giờ – TP Hồ Chí Minh)…đặc biệt là bôn có mỏ, rìu tứ giác và gốm văn in là đặc trưng cho vùng bán đảo Mã Lai và Giava là những nơi người nói tiếng Nam Đảo cư trú. Hơn nữa, sự phân tích các sọ cổ và xương người cổ ở những di tích văn hoá Óc Eo, các nhà nghiên cứu đều thống nhất, đây thuộc giống người Inđônêxia. Do vậy, có thể khẳng định rằng chủ nhân của nền văn hoá Óc Eo phần lớn là người thuộc nhóm Nam Đảo.
Tóm lại, qua xem xét mối quan hệ giữa Vương quốc Phù Nam và nền văn hoá Óc Eo cho thấy: Văn hoá Óc Eo thực chất là văn hoá sơ sử và sơ kì của lịch sử Vương quốc Phù Nam. Nó là một bộ phận quan trọng góp tạo nên những thành tựu văn hoá đặc sắc của Vương quốc Phù Nam.
Vậy cội nguồn của Vương quốc Phù Nam là nền văn hoá nào ?
GS. Hà Văn Tấn trong khi nghiên cứu về văn hoá Óc Eo và Vương quốc Phù Nam có cho rằng: có một hay những con đường tiến lên văn hoá Óc Eo từ di chỉ thời đại sắt ở Nam Bộ. Điều đó có nghĩa là có thể tìm thấy được cội nguồn văn hoá Óc Eo từ bản địa. Nền văn hoá bản địa ở Nam Bộ mà tác giả nói đến ở đây có lẽ là nền văn hoá Đồng Nai (tồn tại cách ngày nay 7.000 năm).
GS. Trần Quốc Vượng khi trình bày về văn hoá Đồng Nai trong cuốn "Cơ sở văn hoá Việt Nam" có đưa ra ý kiến cho rằng: Văn hoá Đồng Nai khi phát triển đến giai đoạn cuối thì kim khí đã chiếm vị trí quan trọng và giữ vai trò chủ đạo trong đời sống kinh tế, trên cơ sở đó tạo ra những tiền đề vững chắc cho sự ra đời của một nhà nước vào đầu công nguyên.
Tiếp nối ý kiến này, GS. Lương Ninh trong cuốn "Vương quốc Phù Nam, Lịch sử và văn hoá" khi trình bày về nền văn hoá Đồng Nai, tác giả có đưa ra những căn cứ khảo cổ học cho rằng nền văn hoá Đồng Nai có nhiều khả năng có mối liên hệ với văn hoá Óc Eo: Gần địa điểm núi Ba Thê, nơi có di chỉ Óc Eo, chỉ cách khoảng 70 km đường chim bay, có tìm thấy những di chỉ có niên đại từ khoảng thế kỉ 6 – 7 TCN đến khoảng thế kỉ VII – VIII đầu công nguyên. Phải chăng đây là những dấu ấn phát triển của nền văn hoá Đồng Nai ?
Từ những căn cứ trên, có thể tạm đi đến khẳng định cội nguồn của Vương quốc Phù Nam là nền văn hoá Đồng Nai – một nền văn hoá thuộc thời đại kim khí ở Nam Bộ.
 Sự ra đời của Vương quốc Phù Nam
2.1. Tiền đề về kinh tế và văn hoá
Căn cứ vào những ý kiến đã trình bày trên, người viết cho rằng: Văn hoá Đồng Nai chính là nền văn hoá tạo những tiền đề về kinh tế và văn hoá cho sự ra đời của Vương quốc Phù Nam.
Văn hoá Đồng Nai tồn tại cách ngày nay khoảng 7.000 năm, thuộc thời đại kim khí (đồng thau và sắt sớm).
Văn hoá Đồng Nai là sự tích hợp của nhiều tiểu vùng văn hoá khác nhau, bao gồm 5 tiểu vùng:
Ở vùng đồi đá phiến và badan đất đỏ thuộc Đồng Nai có những di tích (cư trú, mộ táng, xưởng) diện tích lớn, tầng văn hoá dày. Đây là vùng phát sinh và quần tụ quan trọng, liên tục nhất của văn hoá Đồng Nai, với những di tích Cầu Sắt, Suối Chồn, Phú Hoà, Hàng Gòn.
Ở vùng đồi đá phiến và bazan đất đỏ dải cao nguyên Sông Bé có loại hình di tích đặc trưng là công trình đất đắp hình tròn với hai vòng thành và hào sâu ở Lộc Ninh – Bình Long.
Vùng liên kết đồi bazan - đá phiến – phù sa cổ dọc hệ thống sông Bé, sông Đồng Nai, nơi tập trung dày đặc các di tích, di chỉ, mộ táng, xưởng thủ công đơn hay đa ngành, tiêu biểu nhất là Suối Linh, Bình Đa, Dốc Chùa.
Vùng phù sa đất sám thuộc hệ thống sông Vàm Cỏ với những di chỉ, di chỉ kèm mộ đất như An Sơn, Gò Rạch Rừng, Đinh Ông, Rạch Núi.
Vùng đồng bằng phù sa mới miền châu thổ hạ lưu sông Đồng Nai, Vàm Cỏ và những đầm lầy không và nhiễm mặn cận biển tiểu cùng kinh tế – văn hoá, mới tạo thành từ đầu thiên niên kỉ I trước công nguyên như Cái Vạn, Bưng Bạc, Bưng Thơm, Giống Phệt, Giồng Cá Vồ…
Có thể nói, văn hoá Đồng Nai là bước mở đầu cho truyền thống văn hoá tại chỗ ở Nam Bộ với bản sắc riêng và sức sống mãnh liệt. Thông qua các di chỉ khảo cổ được tìm thấy có thể chỉ ra vài nét đặc trưng về kinh tế và văn hoá của nó:
Về kinh tế, cư dân Đồng Nai trồng lúa trên cạn, không dùng sức kéo của trâu bò, trồng rau đậu, cây có quả, củ bằng phương pháp phát - đốt, đặc thù của nông nghiệp nương rẫy, chăn nuôi, săn bắn, hái lượm, đánh bắt tôm cá. Công cụ sử dụng của cư dân Đồng Nai ban đầu chủ yếu là đá. Kĩ thuật chế tác đá ở vùng này đã đạt đến trình độ tinh xảo.
Kinh tế thủ công nghiệp vùng này rất phát triển, đặc biệt là nghề làm gốm. Nghề gốm đã xuất hiện và tồn tại trong suốt quá trình lịch sử của văn hoá Đồng Nai. Họ chỉ chế tạo và sử dụng đồ đun nấu, ăn uống đơn giản về dáng vẻ, mộc mạc và trang trí không cầu kì, song gốm được nung ở nhiệt độ cao bằng kĩ thuật bàn xoay.
Về văn hoá, cư dân Đồng Nai có đời sống tinh thần khá phong phú. Điều này được thể hiện qua một loạt các hiện vật về nghệ thuật. Tín ngưỡng đặc sắc nhất là sưu tập thẻ đeo bằng đá cuội, mài dẹt hình gần ôvan hoặc chữ nhật và bán cầu có lỗ thủng tròn hay tạo núm ở đầu, tượng lợn, rùa bằng sa thạch, tượng chó săn mồi bằng đồng…Ngoài ra, người ta cũng phát hiện thấy nhiều đồ trang sức như vòng, các vật dùng để đeo…Đặc biệt, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy nhiều thanh và mảnh của một loại đàn đá. Những điều đó chứng tỏ đời sống tinh thần của cư dân Đồng Nai đã khá phát triển.
2.2. Ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ và sự ra đời của Vương quốc Phù Nam
Theo thư tịch và bi ký, lúc bấy giờ ở vùng đất Nam Bộ Việt Nam sang đến Biển Hồ (tức Campuchia) có 7 liên minh bộ tộc của cư dân bản địa và một số thị tộc, bộ lạc sống lẻ tẻ ở miền núi. Đứng đầu liên minh bộ tộc là một nữ chúa mà các sách sử Trung Quốc đều gọi là Liễu Diệp. Khoảng thế kỉ thứ I, người Ấn Độ mà sử Trung Quốc gọi là Hỗn Điền đem quân đội theo đường biển tấn công vào Vương quốc của Liễu Diệp, lấy Liễu Diệp làm vợ, thay vợ làm vua đất này. Dần dần, Hỗn Điền chinh phục các thị tộc và bộ lạc khác, lập ra nước Phù Nam. Các thư tịch cổ của Trung Quốc có chép lại sự kiện này.
Tấn thư kể sớm nhất về sự kiện này: "Vua nước đó (Phù Nam) vốn là người con gái, tên là Liễu Diệp. Thời đó, có người nước ngoài là Hỗn Hội thờ tiên thần, nằm mộng thấy thần ban cho cây cung, và dạy là phải đi thuyền lớn ra biển.
Sáng ngày, Hỗn Hội đến đền thờ thần, được cây cung, rồi theo thuyền lênh đênh ra biển tới ấp ngoài của nước Phù Nam. Liễu Diệp đưa người ra chống lại. Hỗn Điền giương cung bắn, Liễu Diệp sợ hãi xin hàng. Hỗn Hội bèn lấy làm vợ và chiếm cứ đất nước".
Nam Tề thư chép lại có khác chút ít: "Người ngoài cõi tên là Hỗn Điền đến miếu thờ thần, nhặt được cây cung dưới gốc cây…Hỗn Điền lấy Liễu Diệp làm vợ…cai trị nước đó, con cháu truyền cho nhau".
Lương thư có chép lại nhưng chi tiết hơn, hợp lí hơn: "Liễu Diệp tuổi trẻ, khoẻ mạnh như con trai…Người của Liễu Diệp đông, thấy thuyền đến thì muốn bắt giữ. Hỗn Điền giương cung bắn, tên xuyên qua bên mạn thuyền, đến theo những kẻ hầu. Liễu Diệp sợ hãi xin hàng. Hỗn Điền lấy Liễu Diệp làm vợ rồi cai trị nước Phù Nam"[18].
Như vậy, thư tịch cổ tuy chép có khác nhau về tên nhưng về cơ bản là thống nhất sự ra đời của Vương quốc Phù Nam như trên đã trình bày.
Hỗn Điền cai trị nước Phù Nam, ông không bằng lòng khi thấy lối trang phục của vợ nên đã lấy vải xếp lại và tròng từ cổ xuống để che thân cho vợ. Ngoài việc dạy phụ nữ mặc y phục, ông còn đem pháp luật, chữ viết và tôn giáo Ấn Độ truyền vào Phù Nam.
Như vậy, từ ngay trong sự ra đời của Vương quốc Phù Nam đã có sự ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ. Sau này trong quá trình phát triển, văn hoá Phù Nam tiếp tục tiếp nhận những yếu tố văn hoá của Ấn Độ, khiến cho nền văn hoá của quốc gia này mang đậm phong cách văn hoá Ấn. Tuy nhiên, dù có quan trọng đến đâu thì cũng phải khẳng định rằng văn hoá của Phù Nam vẫn là văn hoá bản địa, văn hoá Ấn chỉ tiếp thêm sức mạnh vào sự phát triển tự thân của nền văn hoá của Vương quốc này mà thôi.
* Tên gọi Phù Nam
Phù Nam là cách phát âm theo giọng bạch thoại của Trung Quốc trong thư tịch cổ Trung Hoa "Fou – nan". Nó xuất phát từ ngôn ngữ Khmer cổ là Vnam Bnam, Bnơm, Pnông có nghĩa là núi đồi. Đây là tiếng của các cư dân miền núi tự gọi mình. Nhiều nhà khoa học đoán định rằng, họ chính là chủ nhân của nền văn hoá Đồng Nai. Do đó, Phù Nam chính là cách phiên âm tên tộc người của bộ lạc Môn Cổ gọi họ là Người miền núi.
Vương tước của Phù Nam gọi vua là Sailaraja (tiếng Phạn) hay Kurung Bnam có nghĩa là "Vua núi".
* Kinh đô của Vương quốc Phù Nam:
Theo L. Malleret – người đầu tiên tiến hành khai quật Óc Eo thì khẳng định rằng: Óc Eo là cảng còn đô thì ở địa điểm trên thềm cao phía Tây An Giang, nay gọi là Angco Bôray chuyển âm từ tên cổ Nagarapura (nghĩa là Quốc đô), nay là tỉnh K, rivông và tỉnh Takeo (Campuchia) giáp với tỉnh An Giang (Việt Nam), nơi có dấu vết đền, tháp, thành và nhất là nơi có tượng và gốm hoàn toàn thuộc loại gốm Óc Eo.
Một tấm bia tìm được ở Vương quốc Phù Nam thì cho rằng: Tên kinh đô là Vyadhapura (Vyadha: Người đi săn; Pura: Thành phố / Kinh đô). Có nghĩa Kinh đô của Vương quốc Phù Nam là Thành phố của người đi săn[19]. Lý giải về điều này, các nhà nghiên cứu đã căn cứ vào các thư tịch cổ Trung Quốc và những Thư tịch cổ chép "Vua đặt kinh đô ở Đặc Mục" lại ghi "vua thích đi săn, mọi người cưỡi voi đi săn nhiều tháng, nhiều ngày". Người ta bắt đầu đi tìm nghĩa của tên Đặc Mục là gì? Năm 1944, một học giả bản sứ đã giải đáp Đặc mục
(dalmak)
nghĩa là chiếc thòng lọng; ông coi đây là dụng cụ bắt voi, là từ nguyên của Đặc Mục, ngữ nghĩa của Vyadha. Từ sự lí giải này càng khẳng định kinh đô của Vương quốc Phù Nam là Vyadhapura có nghĩa là Thành phố của người đi săn. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giả thuyết, hơn nữa, nơi đây không tìm thấy dấu vết của kinh và thành gì cả.
Trong nhiều giáo trình của các tác giả miền Nam Việt Nam viết về Phù Nam cũng đều cho rằng Kinh đô của Vương quốc Phù Nam Vyâdhapura (nghĩa là Kinh đô của người đi săn).
Vậy thực chất kinh đô của Phù Nam nằm ở đâu và tên là gì ?
Tác giả Lương Ninh trong cuốn "Vương quốc Phù Nam – Lịch sử và văn hoá" đã khẳng định: Chính tên gọi kinh đô của Phù Nam đã Khmer hoá, tưởng là một từ Khmer nhưng thực ra là chuyển âm từ tiếng Phạn, gọi từ thời Phù Nam, Nagara Pura nghĩa là Đô thành quốc gia[20].
* Quá trình phát triển của Vương quốc Phù Nam
Vương quốc Phù Nam ra đời đầu thế kỉ I sau công nguyên, tồn tại đến đầu thế kỉ VII, chia làm 3 giai đoạn chính:
-          Thời kì sơ kì: đầu thế kỉ I – đầu thế kỉ III
-          Thời kì phát triển: đầu thế kỉ III – nửa đầu thế kỉ VI
-          Thời kì suy vong: nửa đầu thế kỉ VI – nửa đầu thế kỉ VII
* Thời kì sơ kì: đầu thế kỉ I - đầu thế kỉ III
Đây là giai đoạn lập nước. Liễu Diệp kết hôn cùng Hỗn Điền sinh 7 con trai, phân cho làm vua 7 ấp, rồi Hỗn Bàn Huống cũng làm vua lập kế li gián 7 ấp, "nhân đó cử binh đi đánh chiếm, rồi cho con cháu phân chia cai trị các ấp, hiệu là tiểu vương". Qua đó, có thể thấy thời kì này Vương quốc Phù Nam còn tồn tại phân tán, gồm nhiều tiểu quốc. Trong giai đoạn có vua cai trị vương quốc. Đây là giai đoạn khắc phục tình trạng phân tán quyền lực, ổn định và phát triển. Đây cũng là giai đoạn định tên nước và kinh đô.
* Thời kì phát triển: đầu thế kỉ III – nửa đầu thế kỉ VI
Đây là thời kì thịnh đạt của Vương quốc Phù Nam. Do đó, một mặt, Phù Nam sử dụng sức mạnh quân sự cũng như vị trí địa lý thuận lợi để xâm lược một số nước lãng giềng; mặt khác,  mở rộng quan hệ ngoại giao với các nước láng giềng, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.
2.1. Phù Nam cũng dùng quân đội để chinh phục các nước
Lương thư có chép lại: Trong 10 đời vua đầu của Phù Nam, đến đời vua thứ 5 là Phạm Sư Man (225 – 230) đã mạnh, Phù Nam đem quân chinh phạt các nước lân bang, bắt phải thần phục “đóng tàu to vượt biển lớn, chinh phục hơn 10 nước” ở phía Tây, gần Ấn Độ.
Nước đầu tiên mà Phù Nam chinh phục là Chân Lạp. Chân Lạp là bộ lạc Môn Cổ, sinh sống ở hạ lưu Sê Mun và trung lưu sông Mê Kông.Trong quá trình sinh sống, họ tự lập thành quốc gia, gọi theo tên vua là Bhavapura, mà người Trung Hoa gọi tên là Chân Lạp.
Tuy nhiên, Phù Nam quan tâm nhiều hơn đến các nước ở vùng biển phía Tây, vì các nước này có vị trí chiến lược quan trọng.
Thứ nhất, nước Đốn Tốn (cửa ngõ phía Tây của Phù Nam). Sách Lương thư tả "cách Phù Nam hơn 3000 lí về phía Nam, ở trên biển cao lởm chởm, đất rộng không quá 1000 lí…hình vòng cung, chạy dài ra biển hơn nghìn lí", "thành cách biển 10 lí (khoảng 20 km), có 5 vua, thần thuộc Phù Nam"[21]. Như thế, chắc rằng Đốn Tốn nằm trên hạ lưu sông Chao Praya và phần phía Bắc bán đảo Malaya, đại để từ Chanthabun vòng qua Pra Pathom và Pongtuk xuống phía Nam, đến Chumpon và eo Kra. Đây là nơi chắn ngang đường biển từ Ấn Độ tới biển Đông, nơi họp chợ thế giới. Do là nơi quan trọng như vậy nên Phù Nam đã sớm nắm quyền chi phối, cai quản.
Thứ hai là nước Xích Thổ, "Do đất ở kinh đô màu đỏ mà nước gọi là Xích Thổ; nước giáp Ba La Thích ở phía Đông, Bà La Sa ở phía Tây, Kha La Đán ở phái Nam và biển lớn ở phía Bắc, đất rộng vài nghìn lí…" "Thường Tuấn giong buồm đi trong hai tuần…thả neo (nghỉ) ở đảo đối diện Lâm ấp, rồi đi tiếp về phương Nam, đến gần núi sư tử thì thấy những hòn núi (đứng) thành chuỗi dài. Hai ba ngày sau, họ bắt đầu nhìn thấy dãy núi ở nước Lang Nha Tu; họ men theo phía Nam đến đảo Kê Lung (Lồng Gà) thuộc nước Xích Thổ…hơn một tháng sau thì vào kinh đô…"[22].
Với những ghi chép trên, rõ ràng là Xích Thổ không thể nằm trong đất liền được.
Ngày nay, người ta biết khá chắc rằng các nước này nằm gọn trên đảo Malaya, gồm cả vùng Chao Praya được gọi là Xích Thổ và Đốn Tốn. Đây là những nước nằm án ngữ trên đường buôn bán Đông – Tây, do đó, Phù Nam đã chinh phục và chiếm lấy.
Lý giải về việc Phù Nam có thể chinh phục và buộc nhiều nước thần phục mình, các nhà nghiên cứu cho rằng: Một là, do quân đội Phù Nam mạnh; Hai là, do vị trí chiến lược quan trọng của Phù Nam và ưu thế về kinh tế của Phù Nam so với các nước láng giềng bấy giờ. Trong hai nguyên nhân này, có lẽ nguyên nhân thứ hai là quan trọng hơn.
Sau khi chiếm được các nước trên đây, lãnh thổ của Phù Nam được mở rộng, Phù Nam có điều kiện phát triển mậu dịch hàng hải, sớm trở thành một trong những trung tâm buôn bán lớn ở Đông Nam Á thời cổ đại.
2.2. Quan hệ bang giao, hoà hảo với các nước láng giềng khác
2.2.1.        Mối quan hệ Phù Nam – Lâm Ấp (Chămpa)
Trong một tờ biểu vua Phù Nam dâng nhà Tiền Tống (năm 484) có nói: "Lâm Ấp và Phù Nam vốn cương giới liền nhau, thân thiện…". Sự thực đúng như tờ biểu này nói. Nơi giáp ranh hẳn là vùng sông Đồng Nai - nơi in đậm dấu tích văn hoá Đồng Nai và văn hoá cổ Phù Nam gắn với Phù Nam; liền kề vùng Phan Thiết – Bình Thuận, nơi phát hiện được những mảnh gốm Chăm, gốm Trung Hoa, thời Lục Triều và Tuỳ (thế kỉ V – VI), một số tượng đồng nhỏ, trong đó có hai pho tượng Phật đứng, nhỏ, có thể nằm trong nhóm tượng Phù Nam (thế kỉ IV – V). Như vậy, hai vùng đất liền kề, chắc chắn có quan hệ giao lưu kinh tế, văn hoá "thân thiện", nhưng Đồng Nai đã nằm trong sự phát triển của Phù Nam và Bình Thuận cũng đã nằm trong sự phát triển của Chămpa, gắn kết với Vương quốc Chămpa từ thời vua Bhavavarman, thế kỉ IV.
2.2.2.Quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ
Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Phù Nam vừa thần phục và triều cống; vừa có quan hệ thương mại, giao lưu buôn bán và đặc biệt là giao lưu văn hoá.
Năm 243, dưới thời Tam quốc, Phạm Chiên đã phái sứ bộ qua triều đình nhà Đông Ngô…khoảng năm 245 – 250, dưới thời Tôn Quyền, triều đình nhà Đông Ngô lại phái Khang Thái và Chu Ứng đi sứ Phù Nam[23].
Năm 535 – 545, triều đình nhà Lương cử một phái bộ đến Phù Nam xin nhà vua cho sưu tầm kinh Phật và thỉnh cầu các cao tăng qua giảng dạy Phật pháp ở Trung Quốc. Nhân việc này, vua Phù Nam cũng phái hoà thượng Ấn Độ là Paramarth (Gunaratra) đang hành đạo ở Phù Nam mang theo 240 bộ kinh sách đến triều đình Trung Hoa.
Đối với Ấn Độ, mối quan hệ chủ yếu với Phù Nam là giao lưu văn hóa.
Phù Nam liệt truỵên của Khang Thái viết: "Khi xưa, dưới triều Phạm Chiên có một người nước Đàm Dương tên là Gia Tường Lê từ Ấn Độ, đi từng chặng đường đã đến mua bàn ở Phù Nam. Người ấy kể với vua Phạm Chiên về những tập quán, vẻ huy hoàng và sự trù phú của Ấn Độ. Phạm Chiên phái tô vật sang sứ Ấn Độ…Quốc vương (Ấn Độ- TG chú) cho người đưa phái bộ đi thăm thú trong nước, và khi họ ra về, ông đã gửi tặng vua Phù Nam bốn con ngựa của xứ Nguyệt Chi…"
Năm 357, Trúc Chiêu Đàn chiếm ngôi của Phù Nam. Đây là giai đoạn loạn lạc vì theo Tấn thư, năm 357, "Trúc Chiêu Đàn tự xưng làm vua". Tuy nhiên, thời kì này cũng đánh dấu bước chuyển quan trọng của Vương quốc Phù Nam. Những chinh phục của vương triều Gupta đã thúc đẩy đợt thiên di của người Ấn Độ về các vùng đất phía Đông Vịnh Bengan, các vùng hải đảo, nội địa Đông Nam Á. Những người này du nhập tiếng Phạn vào Chămpa, Borneo và Giava. Cũng trong bối cảnh đó, Phù Nam lại tiếp thu thêm đợt ảnh hưởng trực tiếp của văn hoá Ấn Độ.
2.3. Thời kì suy vong: nửa đầu thế kỉ VI – nửa đầu thế kỉ VII
Nam Tề thư có chép: dường như thế kỉ V, trong triều đình Phù Nam bắt đầu nảy sinh sự tranh chấp mâu thuẫn hoàng gia.
Đầu thế kỉ VI, mậu dịch hàng hải quốc tế có thể đi vòng bán đảo Malaysia đến thẳng eo biển Sunda (Giava) thì thuận tiện hơn là phải quá cảnh qua eo đất T- rang ở giữa bán đảo Malaysia. Vai trò trung tâm thương mại của Phù Nam bị giảm sút nghiêm trọng, việc sản xuất, buôn bán ngày càng khó khăn hơn. Đây là nguyên nhân quan trọng dẫn tới sự suy yếu của Vương quốc Phù Nam vào thời gian ngay sau đó.
Năm 514, vua Jayavacman I mất, con ông lên kế vị hiệu là Rudravaman (người đã giết Thái tử Gunavarman chiếm ngôi). Năm 550, một người thuộc phe Thái tử Gunavarman chiếm kinh đô và lên làm vua. Nhân cơ hội này, từ Chân lạp, Bhavavarman (cháu của Rudravaman cưới công chúa Chân Lạp và trở thành vua nước này) đã tiến đánh và chiếm kinh đô. Vua Phù Nam phải chạy xuống phía Nam, lập triều đình tại Na Phất Na (Naravaragara). Tuy vậy, triều đình Phù Nam vẫn còn chống giữ đến năm 627 mới bị tiêu diệt hoàn toàn. Trong khoảng thời gian này, họ có gửi sứ thần sang Trung Hoa cầu cứu đánh Chân Lạp nhưng bị khước từ. Sử nhà Đường có chép: Đến đầu đời Trinh Quán nhà Đường (627 – 649): "Chân Lạp đã chinh phục nước Phù Nam và chiếm lấy đất đai"[24].
2.2 Tình hình chính trị, kinh tế, văn  hoá, xã hội Phù Nam từ thế kỉ II đến thế kỉ VI.
1. Chính trị
(Chế độ nhà nước là chế độ phong kiến. Vương quyền được kết hợp chặt chẽ với thần quyền, tôn giáo được sử dụng như một công cụ hữu hiệu của giai cấp thống trị.)
-          Tổ chức bộ máy nhà nước
Vương quốc Phù Nam được tổ chức theo chế độ quân chủ, đứng đầu là vua. Vua tự xưng là Hoàng đế vũ trụ (Parvatabhupâla). Vua Phù Nam không chỉ cai quản lãnh thổ của mình mà cai quản cả lãnh thổ đã xâm chiếm được. Tuy nhiên, đây không phải là một nhà nước có tổ chức thống nhất mà chỉ là tập hợp của các tiểu quốc, trong đó mỗi tiểu quốc vẫn giữ nguyên tổ chức, tên gọi và cả truyền thống của mình (trường hợp của Chân Lạp). Các tiểu quốc chỉ là những nước chư hầu, cai trị bởi tiểu vương và phải nộp cống phẩm cho quốc vương Phù Nam.
Nhà vua mặc áo dài có thắt lưng vàng, đeo chuỗi ngọc, đội mũ cao, thường thì màu trắng gồm nhiều lớp, đeo kiếm vàng. Triều đình họp ngay trên lầu. Dưới triều Phạm Tầm "sáng và trưa, vua cho quần thần bệ kiến ba bốn lần. Dân chúng trong nước dâng lên vua những tặng phẩm như chuối, mía, rùa, chim muông"[25]. Nhà vua cũng sử dụng nô lệ để hầu hạ.
Tổ chức bộ máy nhà nước của Phù Nam giống như chế độ phân tán quyền lực của vua ở Tây Âu. Do đó, có thể giúp chúng ta đi đến nhận xét là tính chất chuyên chế ở đây không cao.
-          Quân đội:
Quân đội Phù Nam rất giỏi về chinh chiến, khí giới thông dụng gồm có: kiếm, lao, cung, nỏ và khiên.
-          Pháp luật:
Ở đây, vương quyền được kết hợp chặt chẽ với thần quyền. Đạo Bàlamôn được sử dụng làm công cụ hữu hiệu hoá uy quyền của nhà vua. Thư tịch cổ có chép lại: "Trong nước không có nhà tù. Phạm nhân thoạt tiên phải nhịn ăn 3 ngày, sau đó phải cầm trong tay một lưỡi rìu hay một xích sắt được nung đỏ và bước đi 7 bước. Hoặc người ta thả vào nồi nước sôi những chiếc vòg vàng hay những quả trứng gà và phạm nhân phải dùng ta nhúng vào để lấy ra. Nếu có tội thì tay sẽ bị bỏng, nếu vô tội thì bàn tay không sao cả. Hoặc người ta nuôi cá sấu trong những hào thành hay những thú dữ khác trong một khoảng được vây kín. Phạm nhân bị ném vào hầm thú dữ hay hào cá sấu. Nếu không bị mãnh thú ăn thịt thì đương sự được xem là vô tội và sau ba ngày thì được phóng thích…Hoặc người ta dìm phạm nhân xuống nước, người vô tội không bị chìm, kẻ có tội thì bị chìm sâu"[26].
Một cách điều tra kẻ phạm tội được ghi lại như sau: "Khi trong nhà một người Phù Nam bị mất cắp, người ta lấy một hũ cơm, mang đến khấn thần linh chỉ tên ăn trộm. Hũ cơm được đặt dưới chân tượng thần. Sáng hôm sau, chủ nhà lấy hũ cơm đó về và gọi các gia nhân ra, chia cơm ấy cho họ ăn. Nếu là kẻ gian thì miệng chảy máu, không nuốt được cơm, trái lại, người vô tội sẽ ăn được cơm ngay. Lối tra án này được áp dụng ở Nhật Nam và cả những vùng biên cảnh"[27].
Như vậy, có thể nói những tư tưởng công bằng và luật trên đây còn rất thô sơ. Tuy có chịu ảnh hưởng của luật pháp Ấn Độ (mang tính chất tôn giáo) nhưng chưa thành hệ thống pháp lí, so với cách phán xử của Ấn Độ vào cùng thời đại đó[28].
2. Kinh tế
(Kinh tế: Hoạt động kinh tế chính là nông nghiệp trồng lúa nước kết hợp với thủ công nghiệp và ngoại thương. Nhiều ngành nghề khá phát triển, như: luyện kim, nấu thủy tinh, chế tác ngọc, gốm màu, gạch, kim hoàn, xây dựng, tạc tượng, nghề cá, trồng lúa nước (lúa sạ), đóng tàu lớn, dệt vải, thêu thùa, làm muối, làm giấy (bằng bông gòn)...)
2.1. Nông nghiệp
Vương quốc Phù Nam nằm trên vùng khí hậu nhiệt đới ẩm, đất đai vốn là đầm lầy nên rất màu mỡ, lại nằm trên lưu vực của các con sông lớn (trung và hạ lưu sông Mê Kông). Đó là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nông nghiệp.
Phù Namcho biết: "Cư dân Phù Nam làm ruộng theo lối cổ, gieo giống một năm gặt hái luôn 3 năm". Kết quả của những cuộc khảo sát và khai quật khảo cổ học đã minh hoạ khá rõ nét những chi tiết về đời sống kinh tế của người Phù Nam được chép lại trong các sử liệu của Trung Hoa. Tác giả Nguyễn Xuân Hiển khi trình bày về "Nghề trồng lúa cổ ở Óc Eo trong "Văn hoá Óc Eo và các văn hoá cổ ở đồng bằng sông Cửu Long" có xác nhận: "Bằng chứng khảo cổ học càng khẳng định truyền thống và tính đa dạng của hoạt động trồng lúa. Những di chỉ khảo cổ học ở miền Đông đồng bằng Nam bộ như Lộc Chánh, An Sơn (Đức Hoà, Long An), Rạch Núi (Cần Giuộc, Long An)…Bình Tả (Đức Hoà, Long An) và miền Tây đồng bằng như Nền Chùa (Kiên Giang), Đồng Tháp…cho những chứng cứ không thể rõ ràng hơn về hoạt động trồng lúa vào những niên đại khá sớm – thuộc thời đại đồng thau "[29]. Các nhà nông học đã chứng minh có một loại lúa nổi, dạng hạt thon thuộc loại lúa của cư dân ở Nền Chùa “lúa nổi được trồng ở thượng châu thổ, nơi ngập nước sâu nhiều tháng trong năm. Các giống lúa nổi có khả năng chịu đựng được tình trạng ngập sâu, tăng trưởng rất nhanh..ít phải chăm bón nhưng năng suất thấp[30]. Tuy năng suất thấp nhưng diện tích lớn, nên không thiếu lương thực.
Mặt khác, những di chỉ khảo cổ học thuộc văn hoá Óc Eo ở đồng bằng Nam Bộ phần lớn được phân bố ở các tụ điểm, các đầu mối, những tuyến giao thông đường thuỷ được nối liền với nhau bằng những kênh đào tạo thành hệ thống thuỷ lợi rộng lớn. Đặc biệt là con kênh đào dài khoảng 80 km chạy thẳng từ Angkor Borei (gần Châu Đốc), theo hướng Đông Nam chạy đến ranh giới tỉnh Kiên Giang, nối liền hơn một chục di chỉ khảo cổ. Từ đó có thể thấy, ""Nông nghiệp trồng lúa cổ Óc Eo thuộc dạng trồng lúa đầm lầy, đã sử dụng kênh rạch để hỗ trợ cho cây lúa". Mạng lưới kênh đào này cũng cho thấy tầm quan trọng của các công trình thuỷ lợi trong hoạt động nông nghiệp ở Phù Nam và sự phát triển của nông nghiệp ở Vương quốc này.
Như vậy, chúng ta có thể đoán định được rằng: nền nông nghiệp của cư dân cổ Phù Nam có nhiều điểm giống với nghề nông trồng lúa nước ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.
Bên cạnh nông nghiệp, một bộ phận dân cư ở đây cũng sống bằng nghề săn bắn, hái lượm và đánh cá…Tuy nhiên, bộ phận này rất ít chủ yếu là bộ tộc Môn Cổ còn chủ yếu vẫn sống bằng nông nghiệp trồng lúa nước.
2.2. Thủ công nghiệp
Thủ công nghiệp đã phát triển tới một trình độ cao. Thư tịch cổ Trung Hoa có ghi lại: "Họ thích điêu khắc và dùng đục chạm trổ rất khéo". Tề thư cũng viết: "Người Phù Nam đúc nhẫn và vòng bạc bằng vàng, chén đĩa bằng bạc".
Qua nghiên cứu sự phát triển của thủ công nghiệp ở Phù Nam dễ dàng nhận thấy hai đặc điểm nổi bật:
Thứ nhất, sự phong phú và đa dạng của các nghề thủ công. Qua các hiện vật tìm được ở di chỉ văn hoá Óc Eo có thể thấy sự đa dạng của các ngành nghề ở đây: nghề mộc (di vật cột nhà và sàn nhà, lan can, giá đèn bằng gỗ), nghề đá (đá xây dựng, dụng cụ bằng đá như bàn nghiền, cối, chày), nghề tạc tượng (đá và gỗ), nghề làm gạch và vật liệu trang trí (đất nung), nghề xây dựng (đền đài, mộ táng), nghề đóng thuyền (theo sử liệu và di vật thuyền), nghề gốm (công cụ chế tác như bàn xoa, bàn dập hoa văn, trục bàn xoay, giá nung gốm, những dụng cụ bằng gốm nhiều loại, nhiều cỡ), nghề luyện kim gồm các chuyên nghề chế tác đồ đồng (thoi, lá, dây đồng và các loại sản phẩm như tượng thần, tượng người, tượng thú, giá đèn, chuông nhạc, đồ trang sức, đồ trang trí, đồ đựng) nghề chế tác sắt (quặng sắt, khuôn luyện sắt, xích đục), nghề chế tác thiếc (tượng người, tượng thú, bùa đeo, đồ trang sức, đồng tiền), nghề kim hoàn (đá thử quý kim, búa, dùi, rất nhiều đồ trang sức bằng vàng, bạc, đá quý, thuỷ tinh…)
Thứ hai, sự phát triển ở trình độ cao của một số nghề thủ công.
Trong số các nghề thủ công ở đây, phát triển nhất phải kể đến là nghề làm gốm. Theo kết quả khảo cứu của nhà khảo cổ học người Pháp L. Malleret thì có thể xây dựng tiêu chí gốm của Phù Nam như sau:
- Xương gốm có hai loại: mịn, có màu xám trắng và thô; có mầu xám thẫm hoặc gần đen. Loại mịn mỏng hơn khoảng 5 mm. Loại thô dày hơn, khoảng 10 mm. Cả hai loại đều có độ nung khá cao.
- Áo gốm có hai màu chính: vàng nhạt và vàng thẫm, ngả hồng, riêng màu xám dùng cho xương gốm xám thẫm và đen. Hầu như gốm Phù Nam đều có một lớp áo dày dặn, không có gốm mộc.
- Hoa văn trên gốm Phù Nam đặc biệt phong phú L. Malleret đưa ra 11 bảng gồm 101 mẫu hoa văn, nhưng lịa có thể thu về 5 mẫu chính phổ biến:
*      Đường răng lược kép vẽ hình uốn lượn đều đặn.
*      Đường nửa tròn xoáy nối nhau.
*      Văn xương là cây.
*      Xen kẽ đường uốn lượn, đường gãy khúc với dải băng song song ở trên dưới.
*      Văn sóng nước gây ấn tượng phổ biến nổi bật trong văn gốm Phù Nam.
-          Hình vật gốm mới thực sự tạo nên đặc trưng riêng của gốm Phù Nam: