Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018



 Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn di sản văn hóa ở Ninh Bình
Đinh Văn Viễn, Vũ Thị Hường
Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ nhất “Phát triển du lịch bền vững ở miền Trung Việt Nam và ASEAN”, Nxb Khoa học Xã hội, 2018, tr 246-259.

Tóm tắt:
Di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững có mối quan hệ mật thiết với nhau. Bằng các phương pháp thu thập tài liệu, thống kê, phân tích, … cho thấy, bên cạnh những ưu điểm thì việc phát triển du lịch bền vững ở Ninh Bình trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa gắn với bảo tồn di sản văn hóa. Trên cơ sở đó, bài viết đưa ra một số giải pháp nhằm góp phần phát triển du lịch gắn với bảo tồn các di sản văn hóa của tỉnh Ninh Bình.
Từ khóa: Ninh Bình, du lịch bền vững, di sản văn hóa.
Adstract:
Cultural heritage and sustainable tourism development have relationships with each other. With the method of collecting documents, statistics, analysis, ... shows, besides these advantages, the development of sustainable tourism in Ninh Binh in last time are still limited, not tied to the conservation of cultural heritage. 
On this basis, This report has put forward some solutions aiming to expand travel agency associated with preservation for the provincial historic-cultural heritage.
Key word: Ninh Bình, sustainable tourism, cultural heritage.
1. Đặt vấn đề
Di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững có mối quan hệ mật thiết với nhau. Những năm qua, du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh những ưu điểm thì việc phát triển du lịch bền vững ở Ninh Bình trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa gắn với bảo tồn di sản văn hóa. Từ thực trạng như vậy chúng ta cần thực hiện những giải pháp như thế nào để đảm bảo vừa phát triển du lịch bền vững vừa bảo tồn được di sản văn hóa.
2. Nội dung
2.1.Vai trò của di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững
Trong phát triển du lịch bền vững có những mục tiêu rất rõ ràng, phát triển đạt mức tăng trưởng kinh tế một cách bền vững nhưng phải có sự gắn kết với việc bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa, đồng thời cũng phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái. Như vậy, ta thấy rằng di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững có mối quan hệ tương tác, gắn bó hữu cơ.
Di sản văn hóa có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch. Đây chính là đối tượng và nội dung chủ yếu của hoạt động du lịch, yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần tạo nên các đặc điểm địa - văn hóa của địa phương, là cơ sở chủ đạo quyết định tính "đặc trưng" cho du lịch tại địa phương đó và là một trong những yếu tố tạo nên những sản phẩm du lịch có tính hấp dẫn lớn đối với du khách. Ví dụ: nhờ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh mà có du lịch văn hoá, du lịch hang động, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội… nhờ di tích lịch sử mà hình thành được các chủ đề du lịch tìm hiểu về lịch sử Việt Nam như sản phẩm du lịch “con đường di sản miền Trung”, “con đường đi qua các kinh đô cổ”…
Hoạt động của di sản văn hóa là một khâu quan trọng trong dây chuyền hoạt động du lịch. Đây là một thực tế trong nhiều năm qua. Nhiều nhà khoa học chính là những người nghiên cứu để xác định giá trị của hệ thống các di tích, khám phá và tìm ra được những danh thắng có giá trị. Và cũng chính họ góp phần không nhỏ vào quá trình nghiên cứu và giới thiệu các giá trị khảo cổ, sưu tầm các hình thức âm nhạc trình diễn dân gian, khôi phục lại các lễ hội, các làng nghề truyền thống, …
Ngược lại, du lịch cũng có những tác động không nhỏ đến các di sản văn hóa. Cụ thể là thông qua các hoạt động du lịch sẽ góp phần quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa của một vùng, miền, một quốc gia dân tộc đến một vùng miền hay một quốc gia, dân tộc khác. Cũng nhờ sự phát triển du lịch một cách bền vững mà các di sản văn hóa được giữ gìn bảo tồn và phát huy giá trị. Nếu không thông qua du lịch để khai thác, giới thiệu, biến thành những sản phẩm để du khách tiếp cận thì di sản văn hóa sẽ thiếu đi sức sống, không có nhiều người biết đến. Như vậy, sự phát triển của du lịch không thể tách rời với di sản văn hóa và du lịch chính là cầu nối để các di sản văn hóa đến với công chúng. Việc phát triển du lịch bền vững cần phải gắn với bảo tồn các di sản văn hóa.
2.2. Thực trạng khai thác di sản văn hóa trong phát triển du lịch tại Ninh Bình
Theo quyết định số 2845 ngày 17/12/2007 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2010, định hướng đến năm 2015, đã xác định việc quy hoạch các điểm du lịch Ninh Bình thành 7 khu du lịch chính, gồm:
+ Khu Tam Cốc – Bích Động – Sinh thái Tràng An - Cố đô Hoa Lư;
+ Khu trung tâm thành phố Ninh Bình;
+ Khu Vườn quốc gia Cúc Phương - Kỳ Phú - Hồ Đồng Chương;
+ Khu du lịch suối nước nóng Kênh Gà - động Vân Trình – Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long – Chùa Địch Lộng - động Hoa Lư;
+ Khu thị xã Tam Điệp – Phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn;
+ Khu hồ Yên Thắng – Yên Đồng - Động Mã Tiên;
+ Khu Nhà thờ đá Phát Diệm và vùng biển Kim Sơn.
Trong 7 khu du lịch chính của tỉnh Ninh Bình thì có tới 5 khu du lịch được xác định trọng điểm là chứa đựng những di sản văn hóa như khu Tam Cốc – Bích Động, cố đô Hoa Lư, chùa Địch Lộng, động Hoa Lư… Có thể nói di sản văn hóa là tiềm năng lớn của tỉnh Ninh Bình, du khách đến với Ninh Bình không chỉ để tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp của danh thắng mà còn muốn tìm hiểu các giá trị văn hóa ẩn chứa tại các điểm du lịch đó.
2.2.1.Thực trạng khai thác di sản văn hóa vật thể trong phát triển du lịch.
Bảng 1. Thống kê số lượng di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2017.

Di tích lịch sử văn hóa
Xếp hạng
Chưa xếp hạng
Di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới
Di tích
quốc gia
Di tích cấp tỉnh
Số lượng
1500
01
81
273
1145
(Nguồn: Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Ninh Bình, 2017)
Theo bảng số liệu trên, ta thấy Ninh Bình có một lượng lớn di tích lịch sử văn hóa, trong đó 354 di tích đã xếp hạng, trong đó có 81 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt và 01 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, có 273 di tích được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Các di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật của Ninh Bình cũng rất đa dạng với các loại hình đình, đền, chùa, phủ, nhà thờ … Các di tích này vừa có giá trị về lịch sử văn hóa, vừa có giá trị về kiến trúc nghệ thuật. Một số công trình được xây dựng, tạo tác công phu có lịch sử hàng trăm năm như đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư)…
Số lượng và mật độ di sản văn hóa vật thể dày đặc là một trong những điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch văn hóa. Do đó, tỉnh Ninh Bình đã và đang đẩy mạnh khai thác các chương trình du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa. Bên cạnh các điểm đến truyền thống như: cố đô Hoa Lư, chùa Bích Động, nhà thờ đá Phát Diệm, đền Thái Vi,…. Một vài năm gần đây, đặc biệt từ năm 2014 khi quần thể danh thắng Tràng An được UNESSCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới; cùng với sự phát triển du lịch thì nhiều di tích đã được du khách biết đến như Tràng An cổ, động Am Tiên, đền Thái Vi,… Đây được coi là những điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình, thu hút lượng khách lớn, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng, phát triển kinh tế địa phương. Du lịch Ninh Bình đã có tên trong bản đồ du lịch Việt Nam với lượng khách du lịch tăng nhanh trong những năm gần đây.
Tuy nhiên, các chương trình du lịch thường kéo dài trung bình từ 1 đến 2 ngày, thời gian lưu trú tương đối ít, hoạt động chính trong chương trình chủ yếu là tham quan thuần túy, thưởng thức ẩm thực đặc sản, chụp ảnh và mua hàng lưu niệm tại điểm du lịch. Các chương trình này chưa thực sự đưa các hoạt động trải nghiệm văn hóa vào trong tour du lịch, chưa khai thác hết được các giá trị độc đáo của các di sản văn hóa tại địa phương.
2.2.2.Thực trạng khai thác di sản văn hóa phi vật thể trong phát triển du lịch.
Bảng 2. Thống kê số lượng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2017.
Loại DSVH phi vật thể
Lễ hội
Làng nghề
Tập quán xã hội
Âm nhạc, sân khấu, trình diễn dân gian
Ẩm thực
Số lượng
260
81
50
91
20
(Nguồn: Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Ninh Bình 2017)
  Qua bảng số liệu trên cho thấy Ninh Bình có số lượng di sản văn hóa phi vật thể cũng đa dạng phong phú, từ các lễ hội, làng nghề, văn hóa ẩm thực cho đến các hình thức âm nhạc trình diễn dân gian và các tập quán xã hội. Mặc dù số lượng tương đối lớn nhưng lễ hội chủ yếu được tổ chức ở cấp xã do đó quy mô tổ chức thường nhỏ và diễn ra trong thời gian ngắn. Để phát triển du lịch lễ hội, Ninh Bình đang tập trung đẩy mạnh khai thác các chương trình du lịch lễ hội lớn, được tổ chức ở cấp tỉnh và huyện như: lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền vua Đinh vua Lê, lễ hội đền Thái Vi,… Du khách được tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa, các nghi thức, trò diễn liên quan đến lễ hội và hòa mình vào không khí tưng bừng, náo nhiệt cùng các trò chơi dân gian, trò chơi hiện đại. Tỉnh cũng chú trọng đến việc quảng bá các lễ hội du lịch, đồng thời tổ chức thêm các sự kiện nhân dịp đặc biệt, góp phần thu hút du khách. Ví dụ năm 2018, tỉnh Ninh Bình tổ chức kỷ niệm 1050 năm nhà nước Đại Cồ Việt.
Du lịch làng nghề, yếu tố ẩm thực và nghệ thuật biểu diễn đã được đưa vào khai thác trong các chương trình du lịch, nhưng chưa thực sự phát huy hết tiềm năng. Ninh Bình đã xác định trọng tâm phát triển du lịch làng nghề tại 03 làng nghề truyền thống là: làng nghề thêu ren Văn Lâm, làng nghề chiếu cói Kim Sơn, làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân. Hiện nay mới xuất hiện các chương trình có các hoạt động khách du lịch thường kết hợp tham quan các điểm du lịch gần làng nghề như: tham quan khu du lịch Tam Cốc – Bích Động với làng nghề thêu ren Văn Lâm, làng nghề đá Ninh Vân; tham quan nhà thờ đá Phát Diệm với làng nghề chiếu cói Kim Sơn,... Chưa có chương trình du lịch làng nghề chuyên biệt. Hoạt động chủ yếu của du khách vẫn chỉ là tham quan đơn thuần và mua sắm hàng lưu niệm.
Nghệ thuật biểu diễn hát xẩm và hát chèo tuy độc đáo và có giá trị văn hóa sâu sắc nhưng mới dừng lại ở loại hình nghệ thuật biểu diễn cho công chúng, khán giả theo dõi trên truyền hình mà chưa được lồng ghép trong các chương trình du lịch tại Ninh Bình.
Yếu tố ẩm thực địa phương được đưa vào các bữa ăn chính của du khách. Mặc dù, nhiều món ăn đã được công nhận trong top 10 hoặc 50 đặc sản Việt Nam, tuy nhiên để phục vụ du khách chỉ mới dừng lại ở thịt dê, cơm cháy. Ngoài ra, các đặc sản khác như nem chua Yên Mạc, mắm tép Gia Viễn, rượu Kim Sơn, chưa được chú ý, ít thấy trong các thực đơn của nhà hàng, khách sạn.
Như vậy, Ninh Bình có tiềm năng to lớn về hệ thống di sản văn hóa. Di sản văn hóa ở Ninh Bình đang được quan tâm, bảo tồn. Đây sẽ là một nguồn lực quan trọng không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt là du lịch của tỉnh Ninh Bình trên đường hội nhập và phát triển. Tuy nhiên việc phát triển du lịch một cách bền vững ở Ninh Bình ở một số khía cạnh chưa thực sự gắn với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa nhất là đối với các di sản văn hóa phi vật thể.
2.2.3. Một số hạn chế phát triển du lịch ở Ninh Bình
Di sản văn hóa là một tài nguyên quan trọng trong phát triển du lịch, tăng thêm nguồn thu cho người dân địa phương và nhà nước. Tuy nhiên, hoạt động khai thác di sản văn hóa trong du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, chưa gắn với bảo tồn di sản văn hóa.
Chưa được khai thác một cách hợp lý nguồn di sản văn hóa. Các chương trình du lịch tập trung chủ yếu vào các điểm du lịch văn hóa lớn và là điểm đến truyền thống: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, Tam Cốc – Bích Động, … mà thiếu sự quan tâm tới các di sản tiềm năng khác như: chùa Địch Lộng, đền Vực Vông, động Thiên Tôn, các loại hình nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, hát chèo và ẩm thực đặc trưng của địa phương.
Các chương trình du lịch gắn với di sản văn hóa đang được khai thác tại Ninh Bình mới chỉ đơn thuần là tham quan di tích, danh thắng và mua sắm đồ lưu niệm.
Bảng 3. Một số chương trình du lịch đang được khai thác tại Ninh Bình
STT
Chương trình
Thời gian
1
 Tham quan khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính
Trong ngày
2
Hà Nội - Bái Đính - cố đô Hoa Lư – Hà Nội
Trong ngày
3
Hà Nam - Tam Cốc - Bích Động - Nhà thờ đá Phát Diệm - Hà Nam
Trong ngày
4
Hà Nội - Tam Cốc - Bích Động - Bái Đính - Hà Nội
Trong ngày
5
Hà Nội - Bái Đính - Kênh Gà - Vân Trình - Hà Nội
Trong ngày
6
Tham quan Bái Đính – Vân Long
Trong ngày
7
Tham quan Bái Đính – Tam Cốc Bích Động
Trong ngày
8
Tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương
Trong ngày
9
Tham quan Bái Đính – Tràng An
Trong ngày
10
Quảng Ninh - Phát Diệm – Tràng An –
Cố đô Hoa Lư – Kênh Gà - Quảng Ninh
2ngày/1đêm
11
Hà Nội - Cúc Phương - Hồ Đồng Chương – Bái Đính – Hoa Lư – Hà Nội
2ngày/1đêm
12
Hà Nam – VQG Cúc Phương - Bái Đính – Vân Long - Hà Nam
2ngày/1đêm
13
Hải Phòng - Tràng An – Bái Đính – Hoa Lư – Tam Cốc Bích Động – Phát Diệm – Hải Phòng
2ngày/1đêm
14
Hà Nội - Kênh Gà - động Vân Trình - Vân Long - nhà thờ đá Phát Diệm -Tràng An - Bái Đính - Hoa Lư -
Hà Nội
3ngày/2đêm
(Nguồn: Khảo sát thực tế một số công ty lữ hành tại tỉnh Ninh Bình, 2017)
Qua bảng số liệu trên, ta thấy thời gian cho các chương trình du lịch chủ yếu là 1 đến 2 ngày, trong khi đó số lượng điểm đến của mỗi chương trình tương đối nhiều. Vì vậy, thời gian du khách dừng chân ở mỗi điểm đến rất ngắn; họ hầu hết chỉ có thể đủ thời gian để thưởng ngoạn các giá trị về cảnh quan thông qua thuyết minh của hướng dẫn viên mà thiếu đi các hoạt động bổ sung khác, không có điều kiện để trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa. Trong khi đó rất nhiều du khách muốn được thực sự trải nghiệm vào cuộc sống của người dân bản địa để hiểu hơn các giá trị văn hóa địa phương. Đây cũng chính là nét đặc trưng khác biệt với những di sản văn hóa của địa phương khác.
Thực tế trên không những đang tồn tại của du lịch Ninh Bình mà còn là thực trạng chung của nhiều địa phương khác trong cả nước. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng để giữ chân du khách và là điểm hấp dẫn để đưa du khách quay trở lại trong những lần tiếp sau. Một trong những biện pháp khắc phục thực trạng này là việc phát huy các giá trị di sản văn hóa trong du lịch một cách tích cực.
Các khía cạnh của di sản văn hóa được khai thác trong du lịch tại Ninh Bình còn tương đối ít, mới tập trung chủ yếu ở các di tích lịch sử, các giá trị văn hóa tâm linh, văn hóa ẩm thực nổi bật. Bên cạnh đó mỗi lĩnh vực này thì mức độ khai thác cũng chưa sâu ví dụ văn hóa tâm linh mới chỉ khai thác vào những ngày có lễ hội, văn hóa ẩm thực mới chỉ dùng lại cơm cháy, thịt dê trong bữa ăn, chưa giúp du khách tìm hiểu được về lịch sử, cách chế biến, cách thưởng thức… các món ăn. Một số loại hình âm nhạc và nghệ thuật trình diễn dân gian đặc sắc của Ninh Bình như chèo, xẩm hầu như chưa được khai thác phục vụ du lịch.
Ninh Bình là vùng đất có nhiều sản phẩm truyền thống chứa đựng các giá trị văn hóa đặc sắc, có thể khai thác thành các sản phẩm lưu niệm cho du khách như sản phẩm cói từ Kim Sơn, sản phẩm thêu ren của Ninh Hải, sản phẩm đá mỹ nghệ của Ninh Vân... Tuy nhiên việc phát triển các sản phẩm này trở thành các sản phẩm lưu niệm, tạo được thương hiệu còn mờ nhạt trong du lịch. Bên cạnh đó, mặt hàng lưu niệm tại làng nghề thêu ren và làng nghề cói kiểu dáng, mẫu mã chưa đa dạng, kích thước, quy cách đóng gói chưa thuận lợi cho du khách vận chuyển và lưu giữ.
Trong khai thác du lịch, một số doanh nghiệp, địa phương ở Ninh Bình đã tiến hành cải tạo, làm biến đổi di sản văn hóa, vi phạm Luật Di sản văn hóa. Điển hình cho việc phát triển du lịch chưa gắn với bảo tồn di sản văn hóa ở Ninh Bình là trường hợp Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc đã xây dựng trái phép nhiều trụ cột bê tông, làm hơn 1.000 bậc thang bê tông có chiều dài chừng 1 km trên núi Huyền Vũ (còn gọi là núi Cái Hạ) nằm trong vùng lõi Quần thể Danh thắng Tràng An, làm mất tính nguyên trạng của di sản, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và vi phạm Nghị định số 109/2017/NĐ – CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. 
2.3. Một số giải pháp phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn di sản văn hóa tại Ninh Bình
Cũng như các địa phương khác, Ninh Bình muốn phát triển triển du lịch một cách bền vững thì việc phát triển gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa là yêu cầu quan trọng, cấp bách cần có sự tham gia của các bên liên quan.
- Cơ quan quản lý: Để thực hiện điều này, cần có sự phối hợp một cách chặt chẽ và đồng bộ của các cơ quan có liên quan. Đặc biệt là của Sở Du lịch và Sở Văn hóa Thể thao của tỉnh. Sự phối hợp của hai ngành cần phải thường xuyên, lâu dài trong việc nghiên cứu bảo tồn và khai thác các di sản văn hóa. Như trên đã nói, đây vừa là đối tượng khai thác chủ yếu của du lịch vừa thực sự là nguồn lực lâu dài phục vụ cho ngành du lịch phát triển bền vững.
Cần phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa: bảo tồn, phát huy di sản văn hóa là cơ sở tạo ra các giá trị văn hóa để tự hào, giới thiệu với khách du lịch trong và ngoài nước. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn các di sản văn hóa phải hướng đến tất cả các đối tượng có liên quan như người dân địa phương, du khách, các công ty lữ hành, các cán bộ trực tiếp làm trong ngành văn hóa và du lịch. Từ việc giải thích các quy định hiện hành về bảo vệ di sản văn hóa như: Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Luật Di sản văn hóa Việt Nam, cũng như các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Đến việc công khai phổ biến rộng rãi các chương trình, kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh.
Quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị di sản văn hóa thông qua các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình… Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tập trung giới thiệu rộng rãi tài nguyên du lịch văn hóa của tỉnh, đặc biệt là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An cho du khách trong và ngoài nước thông qua ấn phẩm quảng cáo, tập gấp, sách hướng dẫn, internet, hội chợ, triển lãm, hội nghị...
Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh phải gắn với bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa. Trong quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch phải xác định rõ mục tiêu tăng trưởng du lịch gắn với bảo tồn, kế thừa và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đặc biệt, một hạn chế của cơ chế quản lý các di sản văn hóa hiện nay là thẩm quyền của Ban quản lý di sản văn hóa chưa rõ ràng và còn bị hạn chế, khiến họ không thể can thiệp kịp thời các vi phạm. Họ có chức năng quản lý nhưng chỉ giám sát, rồi lập biên bản kiến nghị hoặc đề nghị chính quyền xã, huyện, tỉnh xử lý. Nhưng việc đưa kiến nghị từ Ban quản lý sang cơ quan chính quyền cấp huyện – chính quyền địa phương trực tiếp quản lý có độ trễ vì thiếu thẩm quyền,… Vì thế cần có cơ chế tăng cường quyền lực thực sự cho ban quản lý, điều này giúp đảm bảo việc giám sát, xử lý kịp thời những vụ việc tương tự như sự việc ở núi Huyền Vũ trong Quần thể Danh thắng Tràng An.
- Chính quyền địa phương: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư địa phương là rất quan trọng. Bởi chính quyền địa phương mới là cơ sở gắn bó với người dân và trực tiếp tham gia vào công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn.
Ngoài ra công tác quản lý giám sát các dịch vụ du lịch tại điểm di sản văn hóa cũng phải thực hiện thường xuyên: công tác này được thực hiện nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hoạt động du lịch. Công tác quản lý, giám sát tại những điểm di sản văn hóa là cần thiết và quan trọng, nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện đang khai thác phục vụ khách tham quan như: bán đồ lưu niệm, hàng giải khát, bán vé tham quan, thuyết minh tại chỗ… Đồng thời khắc phục triệt để hiện tượng xâm hại và biến tướng các di sản văn hóa.
Quản lý chặt chẽ công tác bảo tồn, giữ gìn các giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch, trong đó, quy định cụ thể tỷ lệ đóng góp kinh phí cho hoạt động bảo tồn từ thu nhập du lịch. Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để người dân có ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ với bảo tồn các di tích văn hóa.
- Doanh nghiệp du lịch: Các cơ quan quản lý cần kết hợp với các công ty lữ hành xây dựng tour, chương trình du lịch khai thác các yếu tố đặc trưng của di sản văn hóa. Như việc tăng cường lồng ghép các giá trị văn hóa trong chương trình du lịch để thu hút và giữ chân khách lại lâu hơn, cụ thể là:
Xây dựng những chương trình du lịch kết hợp tham quan thắng cảnh tự nhiên với các hoạt động trải nghiệm tại làng nghề. Tại các làng nghề như ở làng nghề thêu ren Văn Lâm, du khách ngoài việc mua sắm hàng lưu niệm có thể sinh hoạt cùng người dân, tham gia vào một số công đoạn tạo tác nên sản phẩm.
Trong nội dung các chương trình du lịch, nên tăng cường lồng ghép các giá trị văn hóa như ẩm thực trong bữa ăn, thời gian rảnh nên kết hợp cho du khách tham gia vào việc tìm hiểu cuộc sống của người dân bản địa, thưởng thức các loại hình âm nhạc, trình diễn dân gian của địa phương như chèo, xẩm…
Xây dựng hệ thống hàng lưu niệm mang tính đặc trưng và nổi bật tính thương hiệu của tỉnh Ninh Bình. Đồng thời nên chú trọng từ chất lượng cho đến hình thức của những sản phẩm lưu niệm này nhằm thu hút du khách.
- Ngoài ra công tác bảo tồn di sản văn hóa cần phải có sự tham gia tích cực từ cộng đồng cư dân địa phương và du khách. Cư dân địa phương chính là những người “thổi hồn” cho các giá trị di sản có sức sống và lan tỏa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Sự tham gia tích cực từ người dân góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng miền. Ngoài ra, công tác bảo tồn di sản văn hóa cũng cần có sự tham gia của du khách. Đây là đối tượng trực tiếp thưởng thức, trải nghiệm những giá trị văn hóa, nếu họ nhận thức được và có hành động tôn trọng, không xâm hại đến giá trị di sản cũng là rất quan trọng.
3. Kết luận
Như vậy, việc phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa tại Ninh Bình đã được thực hiện, tuy nhiên vẫn còn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả công tác này,  cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lí nhà nước về du lịch, về văn hóa và chính các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh du lịch. Đồng thời cũng cần có ý thức tích cực từ phía người dân địa phương, du khách vào công tác bảo tồn các di sản văn hóa trong quá trình phát triển du lịch. Tuy nhiên, điểm quan trọng của vấn đề chính là phải xây dựng khung pháp lý, cơ chế quản lý phù hợp hơn với thực tế thì công tác phát triển du lịch mới thực sự gắn với bảo tồn di sản văn hóa./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Mạnh Cường (2015), Vai trò của chính quyền địa phương cấp tỉnh trong phát triển du lịch bền vững tỉnh Ninh Bình, Luận án tiến sĩ kinh tế, Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội.
[2]. Nguyễn Đăng Duy, Trịnh Minh Đức (1993), Bảo tồn di tích lịch sử văn hoá, Trường Đại học Văn hoá, Hà Nội.
[3]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2009), Luật di sản văn hoá (sửa đổi).
[4]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2017), Luật Du lịch Việt Nam.
[5]. Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
[6]. Nghị Quyết số 15/NQ-HĐND ngày 12/8/2011 của HĐND tỉnh Ninh Bình thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2020.
[7]. Nguyễn Mạnh Quỳnh (chủ nhiệm, 2013), Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp phát triển loại hình du lịch văn hóa tại Ninh Bình đến năm 2020, Đề tài khoa học cấp tỉnh, Ninh Bình.
[8]. Huỳnh Quốc Thắng(2011), Quản lý di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững vùng Nam Bộ, Kỷ yếu Hội thảo “Hội nhập phát triển và vấn đề bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa khu vực III”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.



tr 246-259.