Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ DÂN TỘC TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN NAY


ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG TIẾN TRÌNH LỊCH SỬ DÂN TỘC TỪ ĐẦU THẾ KỈ XX ĐẾN NAY

Đinh Văn Viễn[*]

 

Lịch sử cách mạng Việt Nam từ năm 1930 đến nay luôn gắn liền với vai trò của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trước các nhiệm vụ lịch sử, Đảng và Bác Hồ đã kịp thời xác định đúng đắn, sáng tạo đường lối, chiến lược, sách lược đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trước năm 1930 khi chưa có Đảng, đất nước ta chìm đắm dưới ách thống trị, áp bức của chủ nghĩa thực dân và chế độ phong kiến. Hàng trăm cuộc đấu tranh của nhân dân đã liên tiếp nổ ra nhưng kết cục đều thất bại do thiếu giai cấp tiên tiến lãnh đạo, thiếu đường lối chính trị đúng đắn soi đường.
Trong hoàn cảnh lịch sử đó, Nguyễn Ái Quốc đã đi tìm con đường giải phóng dân tộc, cứu nước, cứu dân. Từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, Người đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết cách mạng đó con đường cứu nước đúng đắn. Người đã truyền bá lý luận Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, từng bước chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức để thành lập một đảng cách mạng chân chính. Ngày 03-02-1930 Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đánh dấu bước ngoặt của cách mạng Việt Nam.
Điểm đáng chú ý nhất đó là ngay từ buổi đầu thành lập Đảng cộng sảng Việt Namđã đề ra đường lối cách mạng đúng đắn, nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta (1).
Theo Cương lĩnh đó, Đảng đã phát động cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, qua đó đã khẳng định trong thực tiễn vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng và sức mạnh của khối liên minh công nông. Bước vào giai đoạn 1936-1939, Đảng đã kịp thời chuyển ngay sang đấu tranh đòi dân sinh dân chủ thời kì 1936-1939 khi tình hình trong nước và thế giới có sự biến chuyển mới. Phong trào đấu tranh những năm 1936-1939 đã làm cho ảnh hưởng của Đảng ăn sâu, lan rộng trong quảng đại quần chúng, sự giác ngộ chính trị của quần chúng được nâng cao.
Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, Đảng ta đã chuyển hướng chiến lược cách mạng, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tập trung vào mục tiêu giành độc lập, giành chính quyền về tay nhân dân, tích cực chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang nhằm đánh đuổi mọi kẻ thù ngoại xâm. Chính từ sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc những năm 1939-1945 và nắm bắt thời cơ lịch sử một cách chuẩn xác và kịp thời khi Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh, Đảng đã phát động cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.
Bằng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân và chế độ quân chủ chuyên chế để lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà – nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra một kỉ nguyên mới của dân tộc Việt Nam – kỉ nguyên độc lập tự do, dân chủ nhân dân, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sau cách mạng Tháng Tám, khó khăn của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà là hết sức to lớn. Ba thứ giặc: “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”, đều là những hiểm hoạ đặt vận mệnh dân tộc như “ngàn cân treo sợi tóc”. Trước tình hình đó, ngày 25-11-1945, Ban Chấp hành Trung ương đã ra Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc, vạch con đường đi lên cho cách mạng Việt Nam. Với những cố gắng phi thường, đến cuối năm 1946, nhân dân ta đã làm thất bại âm mưu, thủ đoạn xâm lược của các thế lực đế quốc, giữ vững chính quyền cách mạng, thành quả lớn nhất của cuộc cách mạng Tháng Tám.
Từ ngày 19/12/1946, khi thực dân Pháp bội ước, gây chiến tranh xâm lược ra cả nước, với ý chí “Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ“, Đảng đã phát động toàn dân tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Trong cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược, Trung ương Đảng, Bác Hồ đã đề ra đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, kháng chiến đi đôi với kiến quốc để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công. Qua đó, làm chuyển hóa thế trận, thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng, từng bước tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Trải qua những khó khăn ban đầu, đến cuối năm 1950, sau chiến dịch Biên Giới thắng lợi, cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã giành được những thắng lợi quan trọng. Từ năm 1951, theo đường lối của Đại hội Đảng lần thứ hai, cuộc kháng chiến của quân dân Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới. Đặc biệt, với cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953- 1954, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân dân ta đã buộc thực dân Pháp phải đi tới đàm phán và kí kết Hiệp định Giơnevơ, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mĩ có ý nghĩ lịch sử vĩ đại. Đó là đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Pháp được đế quốc Mĩ giúp sức ở mức độ cao, bảo vệ được chính quyền cách mạng, buộc thực dân Pháp phải công nhận độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương. Thắng lợi đó còn có ý nghĩa cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, mở ra sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới, trước hết là hệ thống thuộc địa của thực dân Pháp...
Sau năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng nhưng miền Nam vẫn tạm thời bị Mỹ, ngụy chiếm đóng. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta vì độc lập, thống nhất trở nên hết sức gay go, phức tạp.
Trên cơ sở phân tích tình hình, nhận thức rõ những mâu thuẫn khác nhau ở mỗi miền Nam, Bắc, Đảng và Hồ Chí Minh đã xác định đúng đắn, sáng tạo hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là vừa tích cực xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa tiến hành triệt để cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, hoàn thành mục tiêu giải phóng dân tộc trong cả nước, đưa cả nước lên chủ nghĩa xã hội. Điều đáng chú ý là cả hai cuộc cách mạng đó đều được xác định nằm trong quỹ đạo cách mạng vô sản và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau không thể tách rời.
Theo đường lối sáng suốt của Đảng, nhân dân miền Bắc đã hăng hái phấn đấu xây dựng hậu phương xã hội chủ nghĩa và giành được những thành tựu hết sức quan trọng. Được sự chi viện của miền Bắc, với truyền thống “Thành đồng Tổ quốc”, quân dân ta ở miền Nam đã anh dũng đấu tranh vượt qua những năm tháng khó khăn của giai đoạn đấu tranh chính trị là chính, tiến tới cuộc nổi dậy và “Đồng Khởi” (1959- 1960)(theo Nghị quyết lần thứ 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng) đưa cách mạng chuyển từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. Tiếp đó đã đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mĩ (1961- 1965), đưa cuộc chiến đấu tiến lên mạnh mẽ, làm lung lay tận gốc rễ chế độ nguỵ quân, nguỵ quyền tay sai. Từ năm 1965, do đế quốc Mĩ gây chiến tranh cục bộ ở miền Nam, đánh phá ra miền Bắc, Đảng và Hồ Chí Minh đã phát động cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước trên phạm vi toàn quốc và đề ra đường lối cho cuộc kháng chiến trong giai đoạn mới, giai đoạn cả nước có chiến tranh. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân dân miền Bắc đã tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mĩ, bảo vệ vững chắc hậu phương, đồng thời ra sức sản xuất, chi viện miền Nam. Quân dân miền Nam đã tỏ rõ ý chí kiên cường giành được thắng lợi trong các mùa khô 1965- 1966, 1966- 1967 và nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) làm cho cuộc chiến tranh cục bộ của Mĩ bị thất bại, buộc chúng phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở hội nghị Paris. Trong những năm 1969- 1975, quân dân miền Nam đã liến tiếp đánh bại các thủ đoạn của chiến tranh “Việt Nam hoá” của đế quốc Mĩ, đã “đánh cho Mĩ cút” và tiến tới “đánh cho nguỵ nhào” với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân 1975.
Thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với nước ta và với thế giới. Đánh giá thắng lợi lịch sử của sự nghiệp chống Mĩ, cứu nước, Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ tư của Đảng đã ghi rõ: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chông Mĩ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng người về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỉ 20, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và tính thời đại sâu sắc(2).
Thắng lợi của nhân dân ta sau hơn 30 năm đã đưa đất nước bước sang một thời kì mới, thời kì cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Trong bối cảnh phải khắc phục rất nhiều khó khăn do hậu quả nhiều mặt của chiến tranh để lại, Đảng và nhân dân ta lại phải đương đầu với cuộc chiến tranh ở hai đầu biên giới phía Nam, phía Bắc, trong những năm 1975- 1986, Đảng đã lãnh đạo nhân dân cả nước đi lên theo định hướng xã hội chủ nghĩa với những thành quả to lớn trong bảo về Tổ quốc và những thành tựu đáng kể về kinh tế.
Trong giai đoạn từ thập kỷ 80 của thế kỷ XX đến nay, trước những biến động to lớn của thế giới, Đảng ta lại càng vững vàng, tỏ rõ bản lĩnh, sự sáng tạo của mình. Với việc tìm tòi, đưa ra, lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc đổi mới đất nước từ năm 1986 đến nay, Đảng đã đáp ứng yêu cầu của lịch sử. Ngay từ đầu, Đảng đã xác định rõ khâu đột phá của sự nghiệp đổi mới là đổi mới tư duy nhưng trọng tâm lại là đổi mới kinh tế. Đổi mới kinh tế kết hợp với đổi mới chính trị làm cơ sở cho sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, quyết tâm xây dựng một xã hội. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của dân, do dân và vì dân, phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Trải qua chặng đường dài ¼ thế kỷ, công cuộc đổi mới ở nước ta đã thu được những thành tựu mang ý nghĩa lịch sử, đưa nước ta thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, hội nhập vào khối quốc gia có thu nhập trung bình trên trế giới. Nhờ đó, thế và lực Việt Nam trên trường quốc tế đang dâng cao chưa từng thấy.
Nhìn lại lịch sử Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay có thể dân tộc Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc: xóa bỏ chế độ phong kiến, sự thống trị của chủ nghĩa thực dân, đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của các cường quốc lớn nhất thời đại, bước vào giai đoạn quá độ đi lên CNXH,…Tiến trình phát triển vượt bậc với những thành tựu lớn đó luôn gắn với vai trò của của Đảng Cộng sản Việt Nam. Quá khứ của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là những thắng lợi to lớn, vinh quang. Tương lai sẽ ngày càng tốt đẹp hơn./.
(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 10, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, trang 9.
(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 5 – 6.





[*] : Thạc sĩ KHLS, Giảng viên Khoa XHDL.

MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ THỜI CƠ TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945


MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ THỜI CƠ
TRONG CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Đinh Văn Viễn[1]

Cách mạng tháng tám là một sự kiện lịch sử vĩ đại trong bộ lịch sử dân tộc Việt Nam. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám đã dẫn tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời, nhà nước công nông đầu tiên được thành lập ở Đông Nam Á.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám bắt nguồn từ các nhân tố chủ quan và khách quan. Đó là sự vùng dậy của cả một dân tộc với ý chí tự lực, tự cường, quyết đem sức ta mà tự giải phóng cho ta được sự dẫn dắt của đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trong tổ chức Mặt trận Việt Minh mà nòng cốt là liên minh công nhân và nông dân. Đó là kết quả của tinh thần năng động, sáng tạo của hệ thống tổ chức đảng và Mặt trận từ Trung ương đến cơ sở trên tất cả các địa bàn của cả nước. Đó là sự chủ động chuẩn bị và phát triển thực lực cách mạng, chủ động nắm bắt thời cơ, quyết tâm giành thắng lợi,… nhưng trong đó không thể không kể đến vấn đề dự đoán, thúc đẩy và chớp thời cơ của Đảng, chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử các cuộc cách mạng trên thế giới đã chứng minh, cách mạng muốn thắng lợi phải có thời cơ. Thời cơ là một thành tố khách quan, hoàn toàn không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của một cá nhân nào, của một tổ chức chính trị nào. Nó xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. ………….
Trong cách mạng tháng Tám, Đảng đã dự đoán đúng thời cơ, chủ động xây dựng lực lượng, thúc đẩy thời cơ chín muồi, nhanh chóng chớp thời cơ, phát động, lãnh đạo tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước.
Cuối năm 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổi ra, Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài đã cho rằng cơ hội cho cách mạng Việt Nam sắp đi đến thắng lợi. Người đến miền nam Trung Quốc hoạt động để tìm cách về nước lãnh đạo cách mạng.
Tháng 6.1940, nước Pháp bại trận, bị phát xít Đức chiếm đóng, Hồ Chí Minh chỉ rõ cơ hội giành độc lập cho đất nước sắp đến, nên cùng một số cán bộ khác nhanh chóng về nước hoạt động.
Tháng 5.1941, Hội nghị Trung ương lần thứ 8 của Đảng đã xác định hoàn chỉnh đường lối, phương pháp cách mạng Việt Nam. Đồng thời, Hội nghị chỉ rõ: “Cuộc cách mạng Đông Dương phải kết liễu bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang”; bời vì những điều kiện, cơ hội tiến hành Tổng khởi nghĩa giành độc lập, giành chính quyền sắp tới ở nước ta đã khá chín muồi.
Thời cơ rất quý và hiếm, song thời cơ sẽ qua đi nếu cách mạng chưa hội tụ đầy đủ những điều kiện cần thiết để chủ động nắm chắc lấy nó. Vì vậy, ngay từ trước khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng với tinh thần chủ động, sáng tạo và quan điểm tự lực, tự cường “đem sức ta để giải phóng cho ta”, đã tích cực, khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tạo thế và lực bên trong để sẵn sàng động viên, tổ chức nhân dân cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta đã tổ chức ra Mặt trận Việt Minh nhằm tập hợp rộng rãi các lực lượng dân tộc, dân chủ trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Đảng ta đã đề ra chủ trương vừa tích cực xây dựng lực lượng vũ trang, lập các căn cứ địa cách mạng và khu giải phóng, vừa ra sức phát triển đội quân chính trị của quần chúng, lấy công nhân và nông dân làm nòng cốt. Đồng thời, Đảng ta chủ trương xây dựng, khôi phục các tổ chức, đoàn thể cách mạng, nhất là ở cơ sở; đưa đội ngũ đảng viên và cán bộ chủ chốt của Đảng vào rèn luyện, thử thách trong phong trào đấu tranh cách mạng để sẵn sàng đảm nhiệm công tác lãnh đạo, tổ chức quần chúng chớp lấy thời cơ giành chính quyền về tay nhân dân.
Ngày 21.12.1941, qua bài viết “Thế giới đại chiến và phận sự dân ta” đã chỉ rõ: “Chiến tranh thế giới nổ ra đem lại tổn thất đau khổ cho bao người, nhưng tạo ra cơ hội thuận lợi cho cách mạng giải phóng giành độc lập nước ta nổ ra thắng lợi. Nhân dân ta có nhiệm vụ đại đoàn kết toàn dân cứu nước”(1).
Tháng 7.1944, Hồ Chí Minh quyết định hoãn cuộc khởi nghĩa do Liên Tỉnh ủy Cao - Bắc - Lạng chủ trương. Người cho rằng, quyết định của Tỉnh ủy chỉ mới căn cứ vào tình hình một địa phương Cao - Bắc - Lạng, không tín đến tình hình cả nước, cơ hội chưa chín muồi. Nếu khởi nghĩa non, đế quốc có điều kiện đàn áp, khởi nghĩa sẽ thất bại.
Người chỉ rõ: thời kì cách mạng hòa bình đã qua nhưng thời kì Tổng khởi nghĩa vũ trang toàn dân chưa đến. Nếu chỉ đấu tranh chính trị thì không đưa được phong trào đi lên, nhưng khởi nghĩa vũ trang thì sẽ thất bại. Cần phải tìm hình thức đấu tranh thích hợp để đưa phong trào tiến lên. Đã đến lúc bước vào đấu tranh vũ trang. Tuy vậy, vẫn phải xem chính trị quan trọng hơn quân sự. Trong tình hình lúc bấy giờ, Người đề ra phương châm kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, việc phát triển lực lượng vũ trang phải dựa vào dân, vào phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng cách mạng làm cơ sở xây dựng lực lượng vũ trang, tiến hành đấu tranh vũ trang(2).
Quyết định trên đây của Hồ Chí Minh chẳng những bảo toàn được lực lượng cách mạng mà còn rút ra hiểu biết và bài học khởi nghĩa cho cán bộ, nhân dân ta về vấn đề thời cơ và lựa chọn thời cơ khởi nghĩa.
Ngày 22.12.1944, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh, đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập, nhằm chính quy hóa dần lực lượng vũ trang cách mạng, tiến tới thành lập Quân giải phóng Việt Nam (5.1945).
Ngày 9.3.1945, đúng như dự đoán của Đảng, mâu thuẫn giữa Nhật - Pháp đến mức tột cùng, (Bài báo đầu tiên dự báo về cuộc đảo chính của Nhật ở Đông Dương là bài “Bóc trần mưu gian của đế quốc Nhật! Thống nhất hành động đánh đổ thù chung!” của Tổng Bí thư Trường Chinh, đăng trên Báo Cờ Giải phóng, số 3, ngày 15-2-1944. Trong bài báo đó, sau khi phân tích mâu thuẫn ngày càng tăng trong hàng ngũ kẻ thù, tác giả đã đi tới một nhận định đúng đắn là, sớm hay muộn cuộc đấu súng giữa chúng với nhau nhất định sẽ xảy ra: “Sự xung đột giữa Nhật – Pháp ngày thêm sâu sắc. Cho nên Nhật gấp rút”. Từ đó, trong suốt năm 1944 và những tháng đầu năm 1945, trên những tờ báo, trong những văn kiện chính thức của Đảng ta, vấn đề “cuộc đảo chính của phát-xít Nhật” luôn luôn được nhắc tới nhằm hướng công tác chuẩn bị của Đảng và phong trào cách mạng của quần chúng chủ động đón nhận nó) nên Nhật lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương. Tình thế thay đổi mau chóng tạo cơ hội thuận lợi cho cách mạng.
Ngay sau sự kiện Nhật đảo chính lật đổ Pháp (9-3-1945), Thường vụ Trung ương Đảng đã kịp thời ra Chỉ thị “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đảng đã có những quyết định rất sáng suốt, kịp thời và đề ra các biện pháp cụ thể, cần kíp, phù hợp, nhằm phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ. Đó là cao trào cách mạng đi từ khởi nghĩa từng phần tiến lên tổng khởi nghĩa; là sự kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, giữa nông thôn với thành thị; là sự tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân, công tác binh, địch vận, công tác đối ngoại...
Cùng với quá trình chuẩn bị công phu về lực lượng để đón nắm thời cơ, Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đề ra được những quyết sách đúng đắn, sáng tạo với việc lựa chọn thời điểm và địa điểm tiến hành khởi nghĩa. Khi quân phát xít Nhật đầu hàng quân Đồng minh không điều kiện, lúc này thời cơ cách mạng đã xuất hiện. Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh đã phân tích một cách chính xác, khách quan tình hình thế giới, trong nước, không chần chừ do dự, mà chủ động, tích cực, khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo và trực tiếp xuống cùng các địa phương, cơ sở trong toàn quốc mau lẹ chớp lấy thời cơ ngàn năm có một, với ý chí và quyết tâm sắt đá: Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập.
Lệnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã được phát ra trong toàn quốc, rất cần kíp, nhưng không thể sớm hơn hoặc muộn hơn, dù chỉ một vài ngày. Sự đồng loạt khởi nghĩa ở tất cả các địa phương, cơ sở trong cả nước chính là nét đặc sắc, tiêu biểu, độc đáo của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chính từ sự chỉ đạo sáng suốt, quyết đoán đó của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta đã khiến cho những kẻ xâm lược, những kẻ dính líu can thiệp và bọn bù nhìn tay sai bán nước không kịp hỗ trợ, cứu viện, bảo vệ lẫn nhau. Bạo lực cách mạng của quần chúng đã làm tê liệt, tan rã nhanh chóng bộ máy chính quyền nhà nước thực dân, phong kiến thối nát và phản động.
Như trên đã nói, thời cơ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Trong Cách mạng Tháng Mười Nga, thời cơ chỉ tồn tại trong vòng 24 giờ. Vậy, trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của chúng ta, thời cơ tồn tại trong bao lâu? Trong Cách mạng Tháng Tám, thời cơ tồn tại một cách khách quan trong vòng hai mươi hôm, bắt đầu từ khi Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng (ngày 15-8) và kết thúc khi quân Đồng minh vào tước khí giới quân Nhật trên đất nước ta theo Hiệp định Pô-xđam (ngày 5-9). Nếu phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc trước ngày 15-8 và sau ngày 5-9 đều không có khả năng thành công, bởi trước ngày 15-8, quân Nhật còn mạnh và sau ngày 5-9, trên đất nước có nhiều kẻ thù (từ vĩ tuyến 16 trở ra là quân Tưởng – Mỹ và sau đó là những kẻ “theo đóm ăn tàn”, và từ vĩ tuyến 16 trở vào là quân Anh và sau nó là quân Pháp trở lại xâm lược). Chỉ có thể giành chính quyền thắng lợi trong ngưỡng thời gian khắc nghiệt đó.
Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám đã để lại những bài học khởi nghĩa cho công cuộc đấu tranh cách mạng của Đảng và nhân dân ta ở những giai đoạn cách mạng sau. Thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt trong mùa xuân 1975, chứng tỏ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng trong việc nắm thời cơ và quyết tâm hành động.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước, ngày nay, nhân dân ta có những vận hội, nhiều thuận lợi cơ bản, nhưng cũng phải đương đầu với không ít khó khăn, gặp vô vàn nguy cơ và thử thách to lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm trong đấu tranh giải phóng dân tộc, trong Cách mạng tháng Tám 1945, trong kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ về việc nắm bắt thời cơ, kiên quyết hành động để đạt mục tiêu chiến lược, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta hòa nhập vào thế giới và khu vực, tranh thủ những thuận lợi, thời cơ, khắc phục những khó khăn, vượt qua các nguy cơ để tiếp tục đi theo con đường đã khẳng định, đã giành nhiêu thắng lợi mà không chệch hướng xã hội chủ nghĩa.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, HN,  tập 3, tr. 208-219.
(2) Võ Nguyên Giáp: Từ nhân dân mà ra, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1969, tr.130-134.



[1] : Thạc sỹ KHLS, Giảng viên khoa Xã hội – Du lịch.