Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

ĐINH TIÊN HOÀNG VỚI PHẬT GIÁO


ĐINH TIÊN HOÀNG VỚI PHẬT GIÁO
Thạc sĩ Đinh Văn Viễn
Trường Đại học Hoa Lư, Ninh Bình

Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày Rằm tháng Hai, năm Giáp Thân (924) ở thôn Kim Lư, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Văn Bồng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Bố là Đinh Công Trứ, làm quan Thứ sử Hoan Châu (Nghệ An). Mẹ là Đàm Thị. Theo các sử liệu thì Đinh Bộ Lĩnh lúc nhỏ thường cùng trẻ chăn trâu bẻ hoa lau làm cờ, tập trận giả đánh nhau, tỏ rõ tài chỉ huy. Tuổi niên thiếu Đinh Bộ Lĩnh được nuôi dạy trong môi trường của gia đình quan Thứ sử, vì thế ông nhanh chóng giỏi cả văn lẫn võ.
Phật giáo du nhập vào nước ta khoảng thế kỷ thứ nhất và ngày càng phát triển. Ở thời kỳ này, trong khi Nho giáo chưa phổ biến thì Phật giáo ngày càng có ảnh hưởng lớn trong đời sống nhân dân. Rất nhiều trí thức, quan lại trong xã hội bấy giờ đều chịu ảnh hưởng và có hiểu biết về Phật giáo. Trong bối cảnh chung đó, có thể nói rằng thông qua những người ruột thịt, Phật giáo đã có ảnh hưởng đến Đinh Bộ Lĩnh từ sớm. Điều này được minh chứng bằng tình cảm tốt đẹp của ông đối với Phật giáo sau khi ông thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế.
Sau năm 945, Đinh Công Trứ đem gia đình về quê nhà sinh sống, được vài năm thì ông qua đời. Trong thời gian này, Đinh Bộ Lĩnh âm thầm chiêu tập, xây dựng lực lượng, nuôi chí lớn (Ông đã tập hợp được nhiều tướng tài như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trịnh Tú, Phạm Cự Lượng, Lê Hoàn,…). Từ đó, thế và lực của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng mạnh, thu phục được nhiều lực lượng.
Năm 951, thấy thế lực của Đinh Bộ Lĩnh ngày càng một lớn mạnh, triều đình Cổ Loa muốn đánh dẹp để trừ hậu hoạ, nhưng ông đã lợi dụng địa hình núi non hiểm trở ở động Hoa Lư để cố thủ khiến quan quân nhà Ngô đánh suốt một tháng trời không hạ được thành, đành phải rút về Cổ Loa.
Để dẹp loạn và thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh đã khôn khéo vận dụng kế sách chính trị kết hợp với quân sự. Về chính trị, ông đã liên kết với Trần Lãm ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình), thu phục được Pham Bạch Hổ ở Đằng Châu (Hưng Yên), hàng phục được Ngô Nhật Khánh ở Đường Lâm (Hà Tây), Ngô Xương Xí ở Bình Kiều (Thanh Hóa). Về mặt quân sự, trong 3 năm từ 965 đến 967, Đinh Bộ Lĩnh đã lần lượt đánh dẹp các sứ quân Đỗ Cảnh Thạc ở Bảo Đà (Thanh Oai, Hà Tây), Nguyễn Siêu ở Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội), Kiều Công Hoãn ở Phong Châu (Phú Thọ), Kiều Thuận ở Cẩm Khê (Hà Tây), Nguyễn Thủ Tiệp ở Tiên Du (Bắc Ninh), Lý Khuê ở Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh),…
Như vậy từ một lực lượng nhỏ bé lúc ban đầu ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng (Ninh Bình), sau 20 năm xây dựng và trưởng thành, Đinh Bộ Lĩnh đã thực hiện được sứ mệnh cao cả đó là thanh toán nạn các sứ quân cát cứ ở các địa phương, khôi phục thống nhất giang sơn.
Sau khi dẹp xong loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế (968) với tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế, lập nên nhà Đinh, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư, lấy niên hiệu là Thái Bình.
Việc Đinh Tiên Hoàng đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt theo một số nhà nghiên cứu cho rằng:“Cồ” có nguồn gốc từ một tiếng thuộc họ của nhà Phật là “Cồ Đàm”, dịch từ chữ Gautama trong tiếng Sanskrit”. “Cồ Việt là “nước Việt lấy đạo Phật làm quốc giáo”. “Đại Cồ Việt là nước Việt vĩ đại lấy đạo Phật làm quốc giáo(1).
Như vậy việc đặt quốc hiệu đã hàm chứa trong đó tư tưởng chính trị và xu hướng tôn giáo của người cầm quyền (Đinh Tiên Hoàng). Chúng ta cũng lưu ý rằng Đinh Tiên Hoàng đã đặt tên một trong các người vợ của mình là Cồ Quốc (nước Phật).
Ngay sau khi lên ngôi vua, Đinh Tiên Hoàng chú ý đến việc chỉnh đốn hàng ngũ Giáo hội Tăng già đồng thời với việc mời các nhà sư tham dự và giao những nhiệm vụ quan trọng trong triều đình.
Năm 931, nhà Đinh định giai phẩm cho các quan văn võ và Tăng đạo trong đó người đứng đầu là Thiền sư Ngô Chân Lưu, thế hệ thứ năm của Thiền phái Vô Ngôn Thông. Sách Đại Việt sử ký có chép: “…cho Tăng thống Ngô Chân Lưu làm Khuông Việt đại sư, cho Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ(2). Sách Việt sử thông giám cương mục chép rõ hơn: “Nhà vua tôn sùng đạo Phật, mới đặt phẩm cấp cho tăng nhân và đạo sĩ: ban hiệu Thái sư cho Chân Lưu, lại cho Trương Ma Ni làm Tăng lục đạo sĩ, Đặng Huyền Quang làm Sùng chân uy nghi(3). Hệ thống tăng lữ này luôn bên cạnh giúp vua trong việc cai trị. Các vị tăng nhân, đạo sĩ này mà điển hình nhất là Khuông Việt  Ngô Chân Lưu đều có đóng góp to lớn cho triều đình, đất nước.
Không chỉ chấn chỉnh đội ngũ tăng già, mời nhà sư giảng đạo, làm cố vấn chính trị, dưới thời Đinh, nhiều chùa, tháp được xây dựng. Trong khu vực kinh đô Hoa Lư có nhiều ngôi chùa lớn và nổi tiếng như chùa Bà Ngô, chùa Đìa, chùa Am, chùa Tháp, chùa Bàn Long, chùa Thiên Tôn, chùa Hoa Sơn, tháp Báo Thiên, …
Hành động, tư tưởng sùng Phật của Đinh Tiên Hoàng có ảnh hưởng lớn đến các con của ông. Năm 973, người con cả trai của Đinh Tiên Hoàng là Nam Việt vương Đinh Liễn, cho dựng hàng trăm cột đá có khắc kinh Phật bằng chữ Hán(4).
Một trong các con gái của Đinh Tiên Hoàng, công chúa Phất Kim được vua cha gả cho Ngô Nhật Khánh. Tuy nhiên Nhật Khánh lúc nào cũng nuôi chí phục thù, mong dựng lại cơ đồ nhà Ngô. Vì vậy Ngô Nhật Khánh đã liên kết với quân Chiêm Thành hòng đánh bại triều Đinh. Ngô Nhật Khánh đem vợ chạy sang Chiêm Thành. Khi chạy tới cửa biển Nam Giới (tức là cửa Sót, nằm ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh ngày nay) ông ta lấy dao xẻo má Phất Kim rồi bỏ chạy sang Chiêm Thành. Phất Kim được đưa về kinh thành Hoa Lư chạy chữa thuốc men, tuy vết thương trên mặt đã lành, nhưng vết sẹo trên má không bao giờ có thể làm nguôi được nỗi đau đớn, tủi nhục trong lòng của một người vợ có chồng là tướng quốc, là phò mã, mà lại theo giặc ngoại bang để chống lại vua cha. Cuối cùng, công chúa Phất Kim đã xuống tóc, đi tu trong một ngôi chùa ở Kinh thành Hoa Lư.
Đất nước dưới triều Đinh đang phát triển mạnh mẽ thì Đinh Tiên Hoàng và con cả Đinh Liễn bị ám sát vào năm 979. Tuy ở ngôi vua ngắn ngủi nhưng ông đã có công lao to lớn là dẹp yên loạn lạc, xoá bỏ tình trạng cát cứ làm suy yếu đất nước, xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên, có đủ triều nghi, phẩm phục, có quân đội hùng mạnh, pháp chế nghiêm minh.
Đinh Tiên Hoàng là vị vua đầu tiên, chính thức hợp pháp hóa vai trò, địa vị chính trị của Phật giáo ở nước ta. Việc làm này đã tạo tiền lệ cho các triều đại sau đó, tạo điều kiện cho Phật giáo Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ, đóng góp to lớn với dân tộc.
Vậy do đâu mà Đinh Tiên Hoàng lại ủng hộ Phật giáo như vậy? Phải chăng Phật giáo đã sớm ảnh hưởng đến Đinh Tiên Hoàng từ khi còn bé. Và hơn hết là xuất phát từ bối cảnh đất nước bấy giờ. Nền thống nhất, độc lập của đất nước mới được khôi phục. Nhà nước non trẻ lại đang cần một điểm tựa về ý thức, một công cụ tinh thần để xây dựng và quản lý đất nước. Trong tình hình đó, Phật giáo đã chiếm được ưu thế trong xã hội bởi triết lý tích cực là thương cảm chúng sinh. Cho nên Đinh Tiên Hoàng đã chọn Phật giáo là tư tưởng chính trị chính thống là hợp với lòng người, hợp với thời đại. Phật giáo đã cung cấp cho nhà Đinh tư tưởng trị nước (tư tưởng từ bi, bác ái, khoan dung) và cung cấp thuyết trị vì thiên hạ cho bậc quân vương. Tư tưởng, hành động, cách ứng xử của Đinh Tiên Hoàng với Phật giáo quả thật rất hợp thời. Đó là cách ứng xử của một bậc đại trí.
Học giả Đào Duy Anh nhận xét: “Đinh Bộ Lĩnh chỉ có thể dựa vào tập đoàn phong kiến tôn giáo là thành phần xã hội có uy tín nhất trong xã hội bấy giờ để duy trì trật tự và kỷ cương. Nhưng trong hai tôn giáo, Phật và Đạo, đều thịnh hành trong dân gian, thì Phật giáo có tổ chức và qui củ vững vàng hơn, có kinh điển và lễ nghi nghiêm trang hơn, chứ Đạo giáo thì chỉ là một mớ phương thuật và mê tín. Về tổ chức cũng như về tinh thần, Phật giáo là yếu tố thống nhất đắc lực nhất thời bấy giờ. Bởi thế Đinh Tiên Hoàng mới lấy Phật giáo làm quốc giáo, định phẩm cấp tăng nhân để giao cho họ lãnh đạo Phật giáo trong toàn quốc. Khuông Việt đại sư tham gia triều chính như một vị tể tướng. Các chùa (tự viện) của Nhà nước do các tăng quan trụ trì đều được cấp ruộng làm tự điền. Các tự viện có những đại điền trang không kém gì đại điền trang của bọn vương công đại thần(5).
Chú thích:
1 : An Chi: Tạp chí Năng Lượng Mới số 34 ,7 - 7 - 2011
2 : Đại Việt sử ký toàn thư, Tập 1, Bản dịch của Ngô Đức Thọ (Hà Văn Tấn hiệu đính), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1998, tr.212
3 : Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Bản dịch của Viện sử học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1998, tr.83
4 : Viện Khoa học Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Lịch sử Việt Nam, tập 3, Nxb Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.34
5: Đào Duy Anh: Lịch sử Việt Nam, q. thượng, Nxb Văn hóa, Hà Nội, 1958, tr.175.
Bài đăng trên Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 158, ngày 1-8-2012; Tạp chí Khuông Việt số tháng 8-2012
http://www.sachbaovn.vn/tap-chi/tap-chi-khoa-hoc-xa-hoi-MUUwRA/tap-chi-van-hoa-phat-giao-so-158-(01_08_2012)-MUUwQTQ0MjY
http://www.sachbaovn.vn/doc-truc-tuyen.aspx?docid=MUUwQTQ0MjY&isg=0