Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Đinh Văn Viễn: Nguyễn Trãi - Nhà giáo dục


NguyÔn Tr·i - Nhµ gi¸o dôc
      
  Thạc sỹ Đinh Văn Viễn
 
       
Chúng ta đã đánh giá rất cao Nguyễn Trãi: nhà chính trị, quân sự, triết học, văn hoá, lịch sử, địa lí, ngoại giao, nghệ thuật,... Nhưng những cống hiến của ông về mặt giáo thì ít được nhắc đến. Bài viết này tìm hiểu Nguyễn Trãi với tư cách một nhà giáo dục.
1. Một đời gắn bó với giáo dục.
Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học và khoa cử: cha là Nguyễn Phi Khanh vốn là thầy đồ, sau thi đỗ Tiến sĩ (1374), ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1400, mới 21 tuổi, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ).
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Nguyễn Trãi có nhiều thời kỳ mở trường dạy học. GS.TSKH Dương Thiệu Tống cho rằng Nguyễn Trãi có ít nhất bốn thời kỳ mở trường dạy học: Thời kỳ thứ nhất (trước 1400) khi chưa thi đỗ, tại Nhị Khê; thời kỳ thứ hai trong khoảng 10 năm lưu lạc (1407 - 1416); thời kỳ thứ ba sau khi gặp Lê Lợi và trước khi khởi nghĩa (1416 - 1418); và thời kỳ thứ tư, trước khi gặp thảm họa vì vụ án Lệ Chi Viên (1442) [6; 211-219]. GS Bùi Văn Nguyên: “Chắc chắn Nguyễn Trãi có vài lần trực tiếp dạy học”[4;298].
Sau khi đất nước được giải phóng khỏi giặc Minh, Nguyễn Trãi đã giúp vua Lê Thái Tổ xây dựng và tổ chức lại chế độ giáo dục, thi cử. Ông được nhà vua giao soạn Chiếu cầu hiền tài, Chiếu ban “Hậu tự huấn” để răn bảo Thái tử,.... Sau ông lại được vua Lê Thái Tông cử vào điện Kinh Diên giảng bài cho vua. Năm 1442, ông được cử làm giám khảo cho khoa thi Hội đầu tiên,...
Tuy không phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp nhưng cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách cao thượng của Nguyễn Trãi đã lưu lại dấu ấn đẹp đẽ trong lịch sử dân tộc mà còn có tác dụng giáo dục lớp lớp thế hệ người Việt Nam hiện nay. 
2. Quan niệm của Nguyễn Trãi về giáo dục.
* Về vai trò của giáo dục:
Nguyễn Trãi coi giáo dục là điều kiện hết sức cần thiết cho sự hình thành phẩm chất nhân cách con người. Ông quan niệm giàu có không phải là ở của cải vật chất mà chính là ở chữ nghĩa. Vì thế, không có cách nào khác là phải tự học, tự tu dưỡng bản thân (“Nhiều của ấy chăng qua chữ nghĩa/Dưỡng người cho kẻo nhọc chân tay” [7;977]). Nền giáo dục tốt phải đào tạo được con người toàn vẹn, vừa có đức, vừa có tài.
Nguyễn Trãi chỉ rõ giáo dục có tác dụng làm thay đổi bản tính con người, hướng con người tới bản chất thiện (“Trời phú tính, uốn nên hình/Ắt đã trừng trừng nẻo thuở sinh”[7;856]). Giáo dục đóng vai trò tạo ra “thợ  tốt”, “thầy tốt”(“Nên thợ nên thầy vì có học” [3;1031]); Chăm lo cho giáo dục thì sẽ đạt thành quả như mong muốn, đất nước vững bền, non sông đổi mới”.
* Mục đích giáo dục:
Nguyễn Trãi coi mục đích giáo dục là xây dựng nhân cách con người, tạo ra những người quân tử để phục vụ đất nước. Những phẩm chất cơ bản của người quân tử mà ông nêu lên: có lòng nhân đức, thực hành nhân nghĩa; giữ chữ tín, luôn thức thời, …
Nguyễn Trãi cho rằng, giáo dục còn phải nhằm mục đích hướng về nhân dân, đào tạo họ trở thành người có ích cho đất nước, biết hy sinh, cống hiến cho dân tộc. Ở ông, giáo dục và đào tạo con người là nhằm phát huy sức mạnh nội sinh xây dựng nền thái bình, thịnh trị. Ông coi việc dạy học cần phải đạt mục đích giáo dục tư tưởng nhân nghĩa nhằm thực hiện lí tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng cuộc sống hoà bình cho nhân dân.
* Nội dung giáo dục:
Quan niệm của Nguyễn Trãi về nội dung giáo dục tập trung vào giáo dục đạo đức theo tinh thần Nho học. Trong những phẩm chất đạo đức cơ bản của đạo làm người, ông coi trọng giáo dục “nhân”, “nghĩa” (“nhân nghĩa”) “trung”, “hiếu”, “cần”.
Về giáo dục nhân nghĩa
Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa chính là lòng yêu thương con người, thái độ khoan dung; khi có ngoại xâm phải đánh giặc cứu nước; khi hoà bình phải dốc hết tài trí xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Nguyễn Trãi cho rằng, đạo nhân đối với con người không tự có mà phải trải qua quá trình tự tu dưỡng, cũng như cỏ xanh tự sinh trưởng trong tự nhiên vậy [3;663]. Ở đây, ông đã nêu lên tư tưởng về tự giáo dục của mỗi người. Nếu nói theo quan điểm hiện đại thì đó là tư tưởng tự thân vận động, tự thân phát triển trong quá trình tự đào tạo.
            Nguyễn Trãi quan tâm giáo dục tình yêu thương con người và tinh thần trách nhiệm đối với nhau trong từng mối quan hệ xã hội. Đối với anh em, Nguyễn Trãi cho rằng chớ có quên “nghĩa đệ huynh” [3;987], phải biết yêu thương nhau, chớ làm hại nhau vì cùng do cha mẹ sinh ra, cũng như cành, lá, hoa, trái cùng do một cây sinh ra. Đối với những người là học trò, bạn bè cùng học phải coi nhau như anh em. Đối với nhân dân, Nguyễn Trãi đặc biệt chú trọng giáo dục tình yêu thương và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội. Nhân nghĩa vì dân thì làm việc gì cũng phải biết hy sinh lợi ích bản thân, thương yêu dân, bảo vệ dân, làm lợi cho dân, thuận lòng dân. Nhân nghĩa vì dân thì phải thân dân, “có chính sách khoan nhân”, phải tin tưởng sức mạnh của dân(“chở thuyền và lật thuyền cũng là dân” [2-185]). Nhân nghĩa vì dân thì phải “trừ bạo ngược” để “khiến cho dân trong thôn xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”, để “dân giàu đủ khắp đòi phương” [3;946;1025],...
+) Giáo dục trung, hiếu, cần
Chữ “Trung” với Nguyễn Trãi là trung với những ông vua vì dân vì nước. Mở rộng hơn, đó là “trung với nước”.
Nguyễn Trãi tập trung giáo dục thực hiện chữ “trung” gắn liền với tinh thần yêu nước. Theo ông, “trung” là sự biểu hiện tấm lòng trung thành son sắt của mỗi người đối với đối với nhà vua biết vì dân vì nước, với quốc gia. Mỗi khi chúng ta được bưng bát cơm ăn, được sống trong cảnh thanh bình cần phải biết ơn đối với đất nước (“Bát cơm xoa nhờ xã tắc” [3;669]). Mong ước và quyết tâm thôi thì chưa thể gọi là trung được mà phải thông qua mỗi hành động, ví như chỉ khi gặp hoạn nạn, gió bão, mới biết được lòng trung thành, của đạo bề tôi (“Khi bão mới hay là cỏ cứng,/Thuở nghèo thì biết có tôi lành”[3;944]). Không chỉ dừng lại ở đó, “trung” còn được mở rộng ra ở tinh thần trách nhiệm của bề tôi phải làm mọi cách để nước giàu, binh mạnh, đem lại ích lợi cho dân [3;719]. Ở đây, Nguyễn Trãi đã hợp nhất hóa giáo dục chữ “trung”, đó là trung với nước, trung với vua, với triều đình. Trung với nước là vô điều kiện, còn trung với vua, với triều đình là có điều kiện. Điều kiện đó là vua và triều đình phải vì dân(“triều đình khoan nhân”), biết chăm lo dựng xây đất nước, làm cho dân yên ổn.
            Nguyễn Trãi chú trọng gắn liền giáo dục chữ “trung” với giáo dục chữ “hiếu”. Trong quan niệm của ông “hiếu” trước hết là hiếu với cha mẹ, mở rộng ra là hiếu với dân - đó là đại hiếu. Nguyễn Trãi là tấm gương điển hình vượt lên những hạn chế cứng nhắc khuôn mẫu giáo lý về hiếu của Nho gia. Việc ông thực hiện lý tưởng cứu nước do người cha truyền dạy đã có tác dụng giáo dục sâu sắc về sự gắn bó chặt chẽ trong trách nhiệm của người con đối với Tổ quốc, đối với gia đình lớn là nhân dân. Ông cho rằng, đạo hiếu có ở mỗi người nên những người có bổn phận làm con phải lấy lòng thảo kính báo đáp công ơn cha mẹ. Thông qua triết lý dân gian, ông truyền tải tinh thần hiếu thuận một cách rất gần gũi mà ai ai cũng hiểu thấu được: “Sinh được con thì cảm đức cha”, “Có con mới biết ơn cha nặng” [3;725;1013],…
            Về giáo dục chữ “cần”, Nguyễn Trãi tập trung vào vấn đề chăm lo lao động, cống hiến và thực hành tiết kiệm. ông cho rằng, dù tài năng có thể còn hạn chế nhưng người học cần phải thể hiện ý chí quyết tâm tìm hiểu và thực hành đạo lý thánh hiền, nghiền ngẫm kinh sách, phải coi việc đọc sách chuyên cần như việc đảm đương gánh vác công việc triều chính (“Nghiệp cũ thi thư hằng một chức”) [3;650]. Ông đã nêu lên quá trình tích lũy tri thức dẫn đến thành công của người học theo phương châm “phải làm nên việc lớn từ ở việc nhỏ” [2;156]. Ngoài ra, ông còn chú trọng giáo dục tinh thần lạc quan cho người học, nêu cao ý chí vượt khó để đạt tới vinh quang (“Khó khăn thì mặc có màng bao,/Càng khó bao nhiêu chí mới hào” [3;794]). Cuộc đời ông là tấm gương vượt gian khổ để trở thành người “văn chương nổi tiếng. Kinh, sử, bách gia, binh thư thao lược, đều am hiểu cả” [1;275].  
Ở Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ tinh thần coi trọng thành quả của nhân dân lao động: “Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày” [3;977]. ông không chỉ gắn kết giữa lao động trí óc và lao động chân tay mà còn chú trọng giáo dục tình yêu lao động. Bản thân Nguyễn Trãi cũng thể hiện tấm gương yêu lao động, dù “lưng gầy da xỉ tướng lù khù” nhưng ông vẫn làm những việc có ích như “dạy láng giềng mấy sĩ nho” [3;669].
            KẾT LUẬN
Như vậy có thể nói Nguyễn Trãi là một nhà giáo dục lớn của dân tộc. Ông nêu cao vai trò quan trọng của giáo dục đối với việc đào tạo nhân tài, giữ gìn và phát huy đạo đức xã hội, thay đổi bản tính và hoàn thiện phẩm chất nhân cách con người, là con đường tạo ra những sức mạnh vật chất và những lực lượng tiến bộ thúc đẩy xã hội phát triển. Ông chú trọng giáo dục những phẩm chất cơ bản của đạo làm người, tập trung vào nhân nghĩa, trung cần,… và chính ông là một tấm gương sáng về đạo làm người với cốt cách dân tộc và tinh hoa nhân loại.
[1] Phan Huy Chú, 2006. Lịch triều hiến chương loại chí, tập I (Tổ biên dịch Viện Sử học dịch và chú giải).Nxb Giáo dục.
[2] Mai Quốc Liên chủ biên, 2001. Nguyễn Trãi toàn tập (tân biên), tập 2 (in lần thứ hai). Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học.
[3] Mai Quốc Liên chủ biên, 2001. Nguyễn Trãi toàn tập (tân biên), tập 3 (in lần thứ hai). Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học.
[4] Bùi Văn Nguyên, 1984. Văn chương Nguyễn Trãi. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
[6] Dương Thiệu Tống, 2003. Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại. Nxb Trẻ. 
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay, số ra ngày 1 tháng 9 năm 2011)


Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2011

Đinh Văn Viễn: SỰ KẾT HỢP TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO VÀ TƯ TƯỞNG NHO GIÁO TRONG ĐƯỜNG LỐI TRỊ NƯỚC CỦA QUỐC CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU


Bài tham luận tại Hội thảo khoa học

“CHÚA – BỒ TÁT NGUYỄN PHÚC CHU (1675-1725) VỚI PHẬT GIÁO TRIỀU NGUYỄN”

SỰ KẾT HỢP TƯ TƯỞNG PHẬT GIÁO VÀ TƯ TƯỞNG NHO GIÁO TRONG ĐƯỜNG LỐI TRỊ NƯỚC CỦA
QUỐC CHÚA NGUYỄN PHÚC CHU

Thạc sĩ Đinh Văn Viễn
Trường Đại học Hoa Lư, Ninh Bình

Đàng Trong dưới thời Minh vương Nguyễn Phúc Chu phát triển mạnh mẽ, lãnh thổ được mở rộng. Một trong những nguyên nhân của thành tựu đó chính là đường lối trị nước sáng suốt của Minh vương. Điểm nổi bật ở đường lối trị nước của Minh vương Nguyễn Phúc Chu là có sự kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng Nho giáo và tư tưởng Phật giáo. Trong bài viết, tác giả xin trình bày vài nét về sự kết hợp ấy trong dường lối trị nước của Minh vương Nguyễn Phúc Chu.
1. Vài nét về Minh vương Nguyễn Phúc Chu.
Trong số chín đời chúa Nguyễn, Nguyễn Phúc Chu (11/6/1675-01/6/1725)là một trong những vị chúa tài ba. Chúa là con trai trưởng của chúa Nguyễn Phúc Thái (1650 - 1691) và vương phi Tống Thị Lĩnh. Ông được đình thần tôn lên kế vị chúa Nguyễn Phúc Thái vào năm 1691, trở thành vị chúa Nguyễn thứ sáu trị vì Đàng Trong. Đến năm 1693, Nguyễn Phúc Chu được quần thần tấn tôn làm Thái phó Quốc công và dâng tôn hiệu là Quốc chúa. Từ đó về sau, trong các sắc dụ về nội trị và ngoại giao, ông đều xưng là Quốc chúa. Lên ngôi lúc mới 17 tuổi, ở ngôi 34 năm, Nguyễn Phúc Chu là một trong những vị chúa Nguyễn tạo dựng nhiều công nghiệp ở Đàng Trong.
Về nội trị, ông chú trọng xây dựng binh lực hùng mạnh; mở mang và ổn định bờ cõi; phát triển giáo dục và tổ chức thi cử quy mô, căn bản.
Nhưng quan trọng hơn cả là Chúa đã  thực hiện được việc giữ gìn và  mở rộng bờ cõi; bảo vệ tổ quốc  và đặt nền móng vững chắc cho cả vùng đất Nam Trung Bộ và Nam Bộ xưa.
Năm Nhâm Thân (1692) có tin vua Chiêm là Bà Tranh gây rối làm loạn ở phủ Diên Ninh, Chúa cho quân đi bắt, nhân thể đổi nước Chiêm Thành làm trấn Thuận thành, sau đổi thành phủ Bình Thuận.
Năm Đinh Sửu (1697), Chúa đặt phủ Bình Thuận, lấy đất Phan Lý(Phan rí), Phan Lang(Phan Rang) làm huyện Yên Phúc và Huyện Hoa Đa.
Năm Mậu Dần (1698), Chúa sai Nguyễn Hữu Cảnh vào chia đất Đông Phố thành hai miền; Lấy xứ Lộc Dã ( Đồng Nai) làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên ( Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn ( tức Gia Định ). Mỗi dinh đều đặt quan cai trị và quản lý. Lập làng ấp, định thuế khóa.
Năm Nhâm Ngọ (1702), công ty Ấn Độ của Anh do Allen Catchpole đem 200 quân và 8 chiếc thuyền chiếm đảo Côn Lôn của nước ta. Chúa ra lệnh cho Trấn Phủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan đem quân ra đánh giữ.
Năm 1708, Mạc Cửu (người Quảng Đông) không thuần phục nhà Thanh, bỏ Trung Hoa chạy sang Chân Lạp khai hoang, lập nên 7 xã ở đất Hà Tiên. Sau đó Mạc Cửu dâng thư lên Chúa Nguyễn Phúc Chu, xin đem vùng đất này quy thuận nước ta. Chúa Nguyễn Phúc Chu nhận lời và giao cho Mạc Cửu giữ chức Tổng Binh, trấn giữ Hà Tiên. Kể từ đó, lãnh thổ Đàng Trong mở rộng đến đất Hà Tiên.
Đặc biệt, Quốc Chúa là người đầu tiên nhận thấy vai trò quan trọng của hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong vấn đề an ninh quốc phòng và kinh tế. Năm 1711, Quốc Chúa sai cai đội Thuyên Đức Hầu đem lính ra đo đạc địa đồ quần đảo Trường Sa để xác lập chủ quyền quốc gia và tổ chức khai thác hải sản.
Về ngoại giao, Ở Đàng Trong thời bấy giờ, khuynh hướng “bế quan tỏa cảng” có từ đời các chúa trước vẫn còn được duy trì. Quốc Chúa Phúc Chu là một người có tầm nhìn rộng. Trong thời gian chúa cai trị, rất nhiều thương thuyền Tây phương ra vào buôn bán, trao dổi hàng hóa thường xuyên. Chúa lại biết lợi dụng người Tây Âu để huấn luyện binh pháp và kỹ thuật quân đội: dùng Jean de Arnedo để mở rộng về khoa học và kỹ thuật. Thời Quốc Chúa, quan hệ giữa Đàng Trong với nhà Thanh khá tốt. Năm 1702, Quốc Chúa sai Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc thư và cống phẩm sang Trung Hoa cầu nhà Thanh phong cho ông làm vua một quốc gia riêng biệt. Nhưng do lo sợ sự lớn manh của Đàng Trong sẽ “hùng trị một phương, … sau tất sẽ lớn”(1), là hậu họa cho nhà Thanh ở phương Nam nên Khang Hi (1662 - 1723) đã không đồng ý.
Đánh giá công trạng của chúa Nguyễn Phúc Chu, sách Nguyễn Phúc tộc thế phả do Hội đồng trị sự họ Nguyễn Phúc biên soạn, tổng kết: “Trong 34 năm trị vì, ngài thực hiện được nhiều công việc quan trọng: Việc nội trị, giáo dục và thi cử được phát triển có qui mô; Binh lực hùng mạnh, được các lân bang nể sợ; Mở mang bờ cõi đến tận biên giới Chân Lạp, lập thêm các phủ Bình Thuận và Gia Định. Chiêu mộ những người nghèo khổ đưa đi khai khẩn những vùng đất mới, lập thành làng, xã làm miền Nam ngày càng phồn thịnh; Dân chúng được sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra ngài là người thông suốt kinh sử, giỏi thi văn. Bút tích của ngài còn lưu lại nhiều nơi ở đất Thần kinh”.
Có nhiều nguyên nhân Đàng Trong thời Quốc Chúa Phúc Chu phát triển mạnh mẽ như vậy. Đó là những di sản to lớn mà các vị chúa trước đó để lại; Là vai trò, sức lao động sáng tạo của nhân dân Đàng Trong,… Nhưng không thể không kể đến đường lối trị nước sáng suốt của Quốc chúa Phúc Chu. Một điểm nổi bật lên trong đường lối trị nước của Quốc chúa Phúc Chu đó là có sự kết hợp nhuần nhuyễn tư tưởng Nho giáo và tư tưởng Phật giáo.
2. Sự kết hợp tư tưởng Nho giáo và Phật giáo trong đường lối trị nước của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu.
Đến thế XVII, cùng với quá trình củng cố, mở rộng lãnh thổ, dân số gia tăng, kinh tế, văn hóa phát triển, đã đặt ra một loạt yêu cầu cấp thiết nhất là yêu cầu xây dựng một bộ máy nhà nước vững mạnh để chống lại họ Trịnh ở Đàng Ngoài. Tình hình trên đòi hỏi các Chúa Nguyễn cũng như Quốc chúa Phúc Chu không thể không vận dụng những tư tưởng Nho giáo vào trong chính sách cai trị của mình. Hơn nữa, các Chúa Nguyễn cũng đã tìm thấy những ưu thế của Nho giáo trong việc trị nước, phù hợp với thời đại đương thời, nên đã ra sức khai thác trong chừng mực có thể.  
Một thực tế mà các Chúa Nguyễn có thể nhìn thấy được là sự phát triển của chế độ quân chủ trung ương tập quyền đặt ra những đòi hỏi mà Phật giáo không thể đảm đương nổi, như việc tạo ra một lối sống xã hội, trong đó mỗi người phải ý thức đầy đủ và thực thi tốt bổn phận thần dân của mình; một xã hội mà vua phải ra vua, tôi ra tôi, một xã hội mà trong đó tam cương, ngũ thường phải được thực hiện nghiêm túc để tạo ra sự ổn định bền vững.
Quốc Chúa là người rất trọng đạo Nho. Lúc mới lên ngôi, Chúa  đã tiến hành xây dựng phủ mới, định lại quan tước, phẩm hàm, cải cách cơ chế tổ chức trung ương theo hướng xây dựng mô hình nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền. Nho giáo được lấy làm hệ tư tưởng chính thống.
Chúa quan tâm đến việc đào tạo nhân tài và tổ chức thi cử. Vừa lên ngôi, năm 1692, cùng với việc sửa lại chùa núi Mỹ Am (núi Thúy Vân ngày nay) Chúa đã cho sửa sang Văn Miếu ở làng Triều Sơn,….Đó là những việc làm của một vị quân vương lý tưởng theo khuôn mẫu Nho giáo.
Đại Nam thực lục chép:
“Năm 1692, chúa liền cho sửa Văn miếu. Năm 1698, chúa sai quan làm duyệt tuyển lớn. Chúa chiêu hiền đãi sĩ, cầu lời nói hay, nạp lời can gián, bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế mà giao dịch, bớt hình ngục, …(2)
Năm 1694, Chúa sai quan làm duyệt tuyển lớn. Thi nhiêu học, lấy được 133 người trúng cách về chính đồ, 92 người trúng cách về hoa văn. Tổ chức thao diễn trận voi. Sai các cơ chia phiên theo diễn trận pháp, mỗi ngày một lượt, thưởng tiền theo thứ bực (3).
Năm 1695, Mở khoa thi lấy 5 người trúng cách về chính đồ làm giám sinh, 8 người làm sinh đồ, 15 người làm nhiêu học, 22 người trúng cách về hoa văn, 10 người trúng cách về thám phỏng. Giám sinh bổ văn chức và tri huyện, sinh đồ bổ huấn đạo, nhiêu học bổ lễ sinh, hoa văn bổ vào Tướng thần lại ty và Lệnh sử ty, thám phỏng bổ vào Xá sai ty (4).
“tháng 8 năm 1701, mở khoa thi. Ngày thi chúa ra đầu đề, lấy trúng cách về chính đồ được 4 người Giám sinh, 4 người Sinh đồ, và 5 người Nhiêu học, trúng cách về hoa văn được 17 người, trúng cách về thám phỏng được 1 người. Giám sinh bố Trí phủ, Sinh đồ bố Trí huyện, Nhiêu học bổ Huấn đạo, hoa văn và thám phỏng bổ vào ba ty” (5).
Đặc biệt chúa đã đặt ra kỳ thi Văn chức và thi Tam ty để thường xuyên kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức. Tháng 8 năm 1695, lại tổ chức thi văn chức và tam ty ở sân phủ. Cũng từ đây Chúa đã quy định rõ thể lệ thi văn chức thì kỳ đệ nhất tứ lục, kỳ đệ nhị thơ phú, kỳ đệ tam văn sách. Thi Xá sai ty thì hỏi về số tiền thóc xuất nhập và việc ngục tụng xử quyết trong một năm. Thi hai ty Tướng thần lại và Lệnh sử thì viết một bài thơ. Đình thí bắt đầu từ đấy (6).
Có thể thấy trong những năm đầu mới cầm quyền Minh vương rất chăm lo đến giáo dục, khoa cử Nho học. Hàng loạt các kỳ thi Nho học được tổ chức. Giáo dục và khoa cử thời này đã đào tạo một đội ngũ trí thức Nho học đông đảo, đáp ứng yêu cầu kiện toàn bộ máy nhà nước quân chủ tập quyền từ trung ương đến địa phương. Khi tầng lớp quan lại hầu hết xuất thân từ Nho học thì những sở đắc của họ sẽ được đem ra thi thố, thực sự là nền tảng của nhà nước phong kiến quân chủ quan liêu.
Quốc Chúa Phúc Chu trong khi dụng Nho làm đạo trị nước cũng là một người sùng mộ đạo Phật, hết lòng xiển dương cho đạo Phật và có nhiều đóng góp cho việc hưng nghiệp Phật giáo ở Đàng Trong.
Chúa hiểu rằng thực thi pháp luật là điều hết sức cần thiết đối với dân chúng. Nhưng một xã hội mọi người đều sống yên vui, khoan dung độ lượng, từ bi hỷ xả với nhau; một lối sống “tốt đạo đẹp đời” có tác dụng “hỗ trợ tích cực” cho hoạt động quản lý của nhà nước quân chủ. Người dân khi thực hành ngũ giới, thập thiện rộng khắp trong cả nước sẽ tạo nên không khí yên vui, hòa hợp. Tấm lòng vị tha sẽ giúp con người xích lại gần nhau tạo nên sức mạnh đoàn kết dân tộc.      
Bản thân Quốc Chúa rất mộ Phật, và trở thành những tấm gương tiêu biểu cho đức hạnh của giới tu hành để chúng sinh noi theo mà giải thoát. Quả là một sự kết hợp khéo léo, đầy trí tuệ sáng tạo của Quốc Chúa làm cho cả tư tưởng Phật giáo cũng như Nho giáo đều có thể phát huy một cách có hiệu quả trong việc trị nước an dân.        
Vừa lên ngôi, năm 1692, Chúa đã cho sửa lại chùa núi Mỹ Am (núi Thúy Vân ngày nay) ( cùng với việc sửa sang Văn Miếu ở làng Triều Sơn),…. Những việc làm của Chúa mang đậm nét ảnh hưởng của lòng từ bi nhà Phật: bỏ xa hoa, bớt chi phí, nhẹ thuế mà giao dịch, bớt việc hình ngục (7).
Ngay cả với đối thủ, vua của Chiêm Thành, Quốc chúa cũng thể hiện chính sách khoan lượng, nhân ái. Năm 1693, Khi đánh bại Chiêm Thành, vua Chiêm là Bà Tranh bị bắt. Quốc Chúa cho giam ở núi Ngọc Trản nhưng “hàng tháng cấp cho tiền gạo vải lụa đủ dùng (8). Năm 1694, Bà Tranh chết, Chúa sai “cấp cho 200, quan tiền và gấm vóc để hậu táng (9).
Nổi bật nhất trong chính sách với Phật giáo, dùng Phật giáo để cố kết nhân tâm đó là năm 1694 Quốc chúa mời Hòa thượng Thạch Liêm (dòng thiền Tào Động, Trung Quốc) tới Phú Xuân thuyết pháp, lập trai đàn ở chùa Thiên Mụ để cầu siêu và tịnh độ cho binh dân xứ Thuận Hóa. Bản thân chúa cũng thọ giới Bồ tát với thiền sư Thạch Liêm, lấy pháp danh là Hưng Long, đạo hiệu là Thiên Túng đạo nhân.
Quốc Chúa thường xuyên quan tâm việc xiển dương Phật giáo, trọng đãi các bậc cao tăng, xây đắp tự viện, đúc chuông, lập khánh, dựng bia trước chùa, khuyến khích việc xây lập chùa tại các vùng đất mới,…
Một trong những ngôi chùa được Quốc Chúa cho trùng tu đó là chùa Thiên Mụ. Đây là công trình lớn mà Quốc Chúachẳng hề sợ hao tốn khó nhọc, chẳng lo ngày tháng”.“Thi công chừng một năm,…thì điện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, điện Đại Hùng, nhà thuyết pháp, lầu kinh, lầu chuông trống hai bên, điện Thập vương, nhà nghỉ, nhà ăn, nhà thiền, điện Đại Bi, điện Dược Sư, nhà tăng, thiền xá kể hàng chục nhà. Sau vườn Tỳ Gia là phương trượng cũng trên chục nhà. Tất cả đều sáng loáng rực rỡ, khiến người xem phải kinh hãi, giật mình. Thật là một kim sắc giới, một quang minh tạng vậy.” (10)
Quốc Chúa còn cho đúc Đại hồng chung (nặng gần 2 tấn) treo tại chùa Thiên Mụ rồi đích thân viết bài minh lên chuông nói rõ mục đích của việc đúc chuông cũng xiển dương Phật giáo là: “để vĩnh viễn cung phụng tam bảo, chú nguyện mưa hoà gió thuận, quốc thái dân an”, để mãi mãi gặp năm phong phú, bờ cõi mở mang thêm, nông thương tấp nập nữa, nước giàu binh mạnh, giữ cơ nghiệp, yên thời thế (11).
Tư tưởng kết hợp Nho, Phật của Quốc Chúa còn được thể hiện ở bài thơ của Ông được khắc trên bia tại chùa Thiên Mụ:
Việt quốc chi nam hề giai thủy giai sơn
Bảo sát chi tráng hề nhật chiếu thiền quan
Tính chi thanh tịnh hề khê hưởng sàn sàn
Quốc chi điện an hề tứ cảnh u nhàn
Vô vi chi hóa hề nho thích đồng ban
Kí tư thắng khái hề nhân quả hồi hoàn
Kiến tiêu lập đích hề thành tồn tà nhàn
Bản dịch của Thích Giới Hương:
Phương Nam nước Việt chừ vững núi đẹp non
Chùa viện hùng tráng chừ tuệ nhật soi cửa
Nội tâm thanh tịnh chừ nước từ bi thấm
Đất nước yên ổn chừ bốn phương êm ấm
Pháp hóa vô vi chừ Phật Nho thuận đạo
Viết lời cảm khái chừ nhân quả vuông tròn
Dựng bia lưu niệm chừ, chánh còn tà tiêu.
(12)
Trên đây cho thấy Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã kết hợp Nho – Phật trong đường lối trị nước của mình. Đương nhiên, Phật giáo có mặt hạn chế của Phật giáo, Nho giáo có mặt hạn chế của Nho giáo. Nhưng Quốc Chúa đã biết rút tỉa từ Nho giáo và Phật giáo những gì tinh tuý nhất, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của Đàng Trong để xây dựng một chính quyền vững mạnh, phát triển kinh tế và văn hóa, đem lại cho nhân dân một cuộc sống thanh bình.         
Quốc Chúa Phúc Chu cũng như nhiều vua, chúa nhà Nguyễn khác đều là những người “cư Nho, mộ Thích”. Nho hay Phật với Quốc Chúa đều nhằm mục đích xây dựng chính quyền vững mạnh, chăm lo đời sống nhân dân. Ta hãy nghe Quốc Chúa nói về việc kết hợp Nho và Phật cũng như mục đích của sự kết hợp ấy trong dường lối trị nước của ông: “Sống theo đạo Nho, chuộng đạo Phật vì chính trị không thể chẳng làm nhơn, tin đạo kính thầy, lấy nhân quả mà nghĩ điều gieo phước. Nhờ vậy, biên giới được thanh bình, thân tâm an ổn” (Nguyên văn: , , . Phiên âm: Cư Nho mộ Thích, dĩ chính trị vô bất hành nhân. Tín đạo sùng tăng, tựu nhân quả nhi tư chủng phúc. Thừa bình Quốc giới, an lạc thân tâm)(13).
Nói tóm lại, Quốc Chúa Nguyễn Phúc Chu đã sử dụng cả tiềm năng của Phật giáo, Nho giáo để phục vụ chính trị. Vì mục đích thu phục nhân dân, cố kết nhân tâm, góp phần củng cố địa vị của mình và vương triều mà Quốc Chúa đã dụng Phật và vì sự vững mạnh của chính quyền phong kiến Quốc Chúa nhất thiết phải dụng Nho. Chính sự vận dụng linh hoạt, khéo léo đó đã đem lại cho chính quyền Đàng Trong thời Quốc Chúa một sức mạnh to lớn, thu phục lòng người một cách hiệu quả. Đàng Trong thời Quốc Chúa thực sự phát triển rực rỡ về mọi mặt nhất là lãnh thổ quốc gia. Phật giáo thời Quốc Chúa thực sự đã đóng vai trò to lớn đối với sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Quốc Chúa thực sự là một đấng minh quân.
 Chú thích:
(1), (2), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9): QSQ triều Nguyễn (2002),  Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện sử học, Tái bản lần 1, Tập 1, Nxb GD, Hà Nội, trang: 112, 106, 107, 114, 108, 106, 106, 107.
(10):  Phan Hứa Thụy: Chùa Thiên Mụ qua một số văn bia, Tạp chí Sông Hương.
http://tapchisonghuong.com.vn/index.php?main=newsdetail&pid=2&catid=15&ID=6714&shname=Chua-Thien-Mu-qua-mot-so-bai-van-bia
(11): Đoàn Khoách: Bài văn bia của Nguyễn Phúc Chu tại chùa Thiên Mụ.
http://sites.google.com/site/levandangswebsite/chuyen-khao/baivanbiacuanguyenphucchutaichuathienmu
(12), (13): Thích Giới Hương dịch (1994), Văn bia chùa Huế, Huế.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, 2 tập, Nxb.Tp.HCM.
2. Thích Giới Hương (1994)(dịch), Văn bia chùa Huế, Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

3. QSQ triều Nguyễn (2002),  Đại Nam thực lục, Bản dịch của Viện sử học, Tái bản lần 1, Tập 1, Nxb GD, Hà Nội.
4. Lê Nguyễn Lưu - Tuyển dịch văn bia chùa Huế - Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, số 49 - 50, Huế - 2005
4. Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự, Nguyễn Phương và Nguyễn Duy Bột dịch, Viện Đại học Huế xuất bản.
6. Đoàn Khoách: Bài văn bia của Nguyễn Phúc Chu tại chùa Thiên Mụ.
6. Phan Hứa Thụy: Chùa Thiên Mụ qua một số văn bia, Tạp chí Sông Hương.
------- ***--------