Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

Đinh văn Viễn: Hội nghị Hán nôm học năm 2011


VỀ “ TUỲ HỐI XÃ ĐỊA BẠ”
VÀ NHỮNG TƯ LIỆU RUỘNG ĐẤT Ở TUỲ HỐI
(GIA VIỄN – NINH BÌNH) ĐẦU THẾ KỶ XIX
Đinh Văn Viễn([1])
Nguyễn Huy Thiêm([2])

Tuỳ Hối (nay thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là một làng được thành lập sớm. Nơi đây gắn liền với những nhân vật nổi tiếng thời Trần: Nguyên Từ Quốc Mẫu và Trần Quốc Tảng. Theo bản Trần Triều Ngọc phả(xin giới thiệu vào dịp khác) lưu tại đền Quốc Mẫu ở làng Tuỳ Hối cho biết: sau khi Hưng Đạo Đại Vương mất( ngày 20 tháng 8 năm 1300). Đức Hưng Nhượng cùng thân mẫu Trang Nương …đến xã Tùy Hối… thiết lập cung sở, tổ chức cho dân khai hoang lập làng, khuyên bảo nhân dân phải cần cù lao động, lấy nông nghiệp làm gốc, lấy nhân nghĩa dạy dân, phải ăn ngay ở thẳng, cùng nhau đoàn kết, trên thuận dưới hòa, trở thành thuần phong mỹ tục. Khi Quốc Mẫu mất Hưng Nhượng vương đã xin với nhà vua miễn thuế cho dân làng Tuỳ Hối.
     Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu lịch sử dựa vào số liệu ở Sĩ hoạn tu tri lục đều cho rằng đầu thế kỷ XIX, ruộng công làng xã bị thu hẹp thì các tư liệu địa phương, địa bạ lại cho thấy tình hình sở hữu ruộng đất là rất đa dạng. Tình hình sở hữu ruộng đất ở Tuỳ Hối đầu thế kỷ XIX là một trường hợp như vậy.
 Chúng tôi xin được giới thiệu về “Tuỳ Hối xã địa bạ” một số thông tin về tình hình ruộng đất ở Tuỳ Hối (nay thuộc Gia Tân, Gia Viễn, Ninh Bình) đầu thế kỷ XIX.
1. Về văn bản: “Tuỳ Hối xã địa bạ” hiện được lưu giữ tại Viện Hán Nôm, ký hiệu AG a4/16. Văn bản viết bằng chữ Hán, chữ viết chân phương, gồm 25 tờ. Qua nội dung văn bản cho biết: Địa bạ được lập lần đầu vào ngày 25 tháng 12 năm Minh Mệnh thứ 12(1831). Những chức sắc của Tuỳ Hối kê khai địa bạ gồm: Lý trưởng: Phạm Phú Cơ, Hương mục: Nguyễn Phú Thái, Trùm trưởng: Lâm Đình Thịnh.
2. Qua các thông tin của địa bạ cho chúng ta biết vào đầu thế kỷ XIX, Tuỳ Hối là một xã thuộc tổng Tri Hối, huyện Gia Viễn, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ranh giới của Tuỳ Hối được xác định như sau: Phía Đông giáp xã La Mai. Phía Tây giáp xã Trường Yên Hạ. Phía Nam giáp xã Trung Trữ. Phía Bắc giáp sông lớn, xã La Mai.
3. Về tình hình ruộng đất thời Minh Mệnh ở Tuỳ Hối.
Địa bạ cho biết: vào năm 1832 làng Tuỳ Hối có tổng diện tích Công tư điền thổ các hạng là 500 mẫu 5 sào 3 thước. Trong đó:
3.1. Công điền: 350 mẫu 2 sào 7 thước (nhị đẳng 119 mẫu 5 sào 6 thước, tam đẳng 230 mẫu 6 sào 12 thước)
                    Hạ vụ điền 5 mẫu (nhị đẳng là 2 mẫu, tam đẳng là 3 mẫu)
Thu vụ điền 345 mẫu 2 sào (nhị đẳng 117 mẫu 5 sào 10 thước, Tam đẳng 226 mẫu 17 sào)
- Xứ Đầu khê tranh khê bảo tường: 18 mẫu.
Hạ vụ điền 2 mẫu
Thu vụ điền 81 mẫu.
- Xứ Đông nha hậu quan thổ: 32 mẫu 5 sào 10 thước
- Xứ Tiền hối Chí linh: 23 mẫu( đều hạng 3)
- Xứ Hậu linh đường khoái: 177 mẫu 6 sào 10 thước.
Hạ vụ điền 3 mẫu,
Thu vụ điền 174 mẫu 6 sào 12 thước
- Xứ Thằn đồng: 30 mẫu (đều hạng 3)
3.2 Tư điền: 121 mẫu 1 sào 4 thước 4 tấc. (đều hạng 2)
                    Hạ vụ điền 3 mẫu.
                    Thu vụ điền 118 mẫu, 1 sào, 4 thước.
- Xứ Lộc đề: 121 mẫu 1 sào 4 thước 4 tấc (đều hạng 2 ).
Hạ vụ điền: 3 mẫu.
Thu vụ điền: 118 mẫu, 1 sào, 4 thước.
3.3 Công phù sa điền:  37 mẫu
- Xứ Bảo tường: 28 mẫu 6 sào
- Xứ Đông nha: 8 mẫu 4 sào
3.4 Tư thổ trạch viên trì: 91 mẫu 2 sào 3 thước
3.5 Lưu hoang thổ: 2 mẫu
3.6 Phế canh thổ: 82 mẫu 7 sào 6 thước 5 tấc
3.7 Võ chùa xứ thổ: 38 mẫu 6 sào
3.8 Mộ địa: 30 mẫu
Qua tài liệu trên đây, chúng tôi nhận thấy một số đặc điểm về tình hình sở hữu ruộng đất ở Tuỳ Hối thời Minh Mệnh như sau:
- Khác với nhiều địa phương khác, ở Tuỳ Hối ruộng đất công chiếm số lượng khá lớn: 70% (Trong khi đầu thế kỷ XIX, trên phạm vi toàn quốc, ruộng công làng xã chỉ chiếm 17,08%, ở Bắc Bộ chỉ chiếm 25%).
- Các hình thức sở hữu ruộng đất khác ở Tuỳ Hối nhất là sở hữu tư nhân không phát triển mạnh. Số ruộng tư chỉ chiếm tỷ lệ: 24,19%  (Trong khi đầu thế kỷ XIX, ruộng tư trên toàn quốc đã chiếm tỷ lệ 82,92%, ở Bắc Bộ chiếm khoảng 75%).
Việc duy trì, bảo tồn khá nhiều ruộng đất công ở Tuỳ Hối là một đặc trưng khá nổi bật. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chính trị, xã hội và văn hoá của Tuỳ Hối.
----------------------------------
 


[1] : Thạc sỹ, GV Đại học Hoa Lư, Ninh Bình.
[2] : Sinh viên, lớp D1 VS, ĐH Hoa Lư, Ninh Bình.

Đinh văn Viễn: Hội thảo khoa học về Trần Nhân Tông



Bài tham luận tại Hội thảo khoa học
“ TRẦN NHÂN TÔNG VÀ CON ĐƯỜNG CHÍNH PHÁP ”

TRẦN NHÂN TÔNG - KẾT HỢP NHO, PHẬT
TRONG ĐƯỜNG LỐI TRỊ NƯỚC
Thạc sỹ KHLS Đinh Văn Viễn

1. Vài nét về Đức vua Trần Nhân Tông
Trần Nhân Tông huý là Khâm, còn có tên là Phật Kim và Nhật Tôn, Nhân Tông là thụy hiệu. Ông là con trưởng Trần Thánh Tông, sinh ngày 11 tháng Mười Một năm Mậu Ngọ (7-12-1258), làm vua từ Kỷ mão (1279) đến Quý tî (1293), niên hiệu là Thiệu Bảo (1279-1284) và Trùng Hưng (1285-1293). Mất ngày 3 tháng Mười Một, năm Mậu Thân (16-11-1308) tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử.
Sách Đại Việt Sử ký toàn thư ghi: Vua Trần Nhân Tông tên “Húy là Khâm, con trưởng của Thánh Tông, mẹ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu, sinh năm Mậu Ngọ, Nguyên Phong năm thứ 8, tháng 11, ngày 11, được tinh anh thánh nhân, thuần túy đạo mạo, sắc thái như vàng, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng. Hai cung đều cho là lạ, gọi là Kim Tiên đồng tử. Trên vai bên trái có nốt ruồi đen, cho nên có thể cáng đáng được việc lớn, ở ngôi 14 năm, nhường ngôi 5 năm, xuất gia 8 năm, thọ 51 tuổi, băng ở am Ngoạ Vân núi Yên Tử, đưa về táng ở Đức Lăng. Vua nhân từ hòa nhã, cố kết lòng dân, sự nghiệp trùng hưng sáng ngời thuở trước, thực là bậc vua hiền của nhà Trần.
Triều đại nhà Trần kéo dài 175 năm, từ năm 1225 đến năm 1400 và trải qua 14 đời vua. Trần Nhân Tông là đời vua thứ 3, sau ông nội là vua Trần Thái Tông và vua cha là Trần Thánh Tông.
Năm 16 tuổi, được vua cha lập làm Hoàng Thái tử, Ngài hai lần cố xin nhường ngôi lại cho em là Đức Việp, nhưng Vua Trần Thánh Tông không cho, vì thấy Ngài có khả năng gánh vác việc lớn.
Làm vua 14 năm, Trần Nhân Tông truyền ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, xuất gia tu hành tại Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử, Quảng Ninh tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). 
Ông được ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam. Trần Nhân Tông làm vua thời kỳ đất nước đứng trước hiểm họa xâm lược. Ông đã cùng vua cha lãnh đạo triều đình và dân chúng giành thắng lợi trong hai lần đọ sức với 50 vạn quân xâm lược Nguyên Mông hùng mạnh (1285 và 1288). Ông còn là nhà văn hóa, nhà thơ xuất sắc thời Trần. Ông đã sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm, đáp ứng một nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người Việt đương thời, đồng thời nhằm xây dựng một nước Đại Việt có nền văn hóa, văn minh độc lập, một quốc gia hùng mạnh về các mặt.
Có nhiều nguyên nhân khiến Trần Nhân Tông đạt nhiều thành công như vậy. Nhưng có lẽ một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó là Ngài đã có một đường lối trị nước sáng suốt. Nét nổi bật trong đường lối trị nước của Ngài chính là đã kết hợp chặt chẽ những tinh tuý của các hệ tư tưởng, tôn giáo đương thời nhất là Nho giáo và Phât giáo.
2Chủ trương dụng Nho làm đạo trị nước, dụng Phật làm phương tiện giải thoát của Vua Trần Nhân Tông
Sang thời Trần, việc xây dựng nền quân chủ tập quyền đã trở thành nhu cầu bức thiết. Tình hình trên đòi hỏi những người lãnh đạo quốc gia không thể không vận dụng những tư tưởng Nho giáo vào trong chính sách cai trị của mình. Hơn nữa, Trần Nhân Tông cũng đã tìm thấy những ưu thế của Nho giáo trong việc trị nước, phù hợp với thời đại đương thời, nên đã ra sức khai thác trong chừng mực có thể, miễn là không ảnh hưởng đến sự phát triển của Phật giáo. Nho giáo vì thế đã từng bước khẳng định vị thế của mình trong xã hội, vươn lên chiếm địa vị độc tôn và từng bước đi sâu vào đời sống tinh thần của dân tộc ta.
Trần Nhân Tông cũng như các vua Trần không chỉ dừng lại ở chỗ tham khảo để mở rộng tri thức của mình khi nghiên cứu Nho học mà còn xem nó như là giáo điển thứ hai. Trần Nhân Tông trong thời gian ở ngôi đã làm khá nhiều việc gắn với Nho học, trong đó đặc biệt là việc đề cao tư tưởng trung quân, chú trọng khoa cử. Giáo dục và khoa cử thời này đã đào tạo một đội ngũ trí thức Nho học đông đảo, đáp ứng yêu cầu kiện toàn bộ máy nhà nước quân chủ tập quyền từ trung ương đến địa phương. Những quy phạm, chuẩn mực đạo đức Nho giáo đã trở thành chuẩn mực để tuyển chọn quan lại….
Một thực tế mà Trần Nhân Tông cũng như các vua Trần có thể nhìn thấy được là sự phát triển của chế độ quân chủ trung ương tập quyền đặt ra những đòi hỏi mà Phật giáo không thể đảm đương nổi, như việc tạo ra một lối sống xã hội, trong đó mỗi người phải ý thức đầy đủ và thực thi tốt bổn phận thần dân của mình; một xã hội mà vua phải ra vua, tôi ra tôi, một xã hội mà trong đó tam cương, ngũ thường phải được thực hiện nghiêm túc để tạo ra sự ổn định bền vững.
Đức vua Trần Nhân Tông trong khi dụng Nho làm đạo trị nước vẫn hết lòng xiển dương cho đạo Phật. Người hiểu rằng thực thi pháp luật là điều hết sức cần thiết đối với dân chúng. Nhưng một xã hội mọi người đều sống yên vui, khoan dung độ lượng, từ bi hỷ xả với nhau sẽ có tác dụng “hỗ trợ tích cực” cho việc trị vì quốc gia.
Ngay từ khi còn trẻ Trần Nhân Tông đã rất chuộng đạo Phật, muốn xuất gia tu hành. Sách Tam tổ thực lục có chép:“Năm 16 tuổi được lập làm Hoàng thái tử, Trần Nhân Tông đã ba lần cố từ chối, nhường ngôi cho em mà không được, vua bất đắc dĩ phải lên ngôi. Vào một đêm nọ, vua vượt thành trốn ra ngoài, định vào núi Yên Tử, nhưng khi đến chùa Tháp, núi Đông Cứu thì trời vừa sáng, lại vì quá mệt nên phải vào nghỉ trong tháp. Vị tăng chùa ấy thấy vua tướng mạo khác thường, liền đem thức ăn lên mời. Ngày hôm ấy, thái hậu đem chuyện thuật lại đầy đủ với Thánh Tông. Vua liền sai quần thần đi tìm khắp bốn phương, Nhân Tông bất đắc dĩ phải về”.
Lên ngôi vua nhưng Trần Nhân Tông vẫn rất quan tâm đến đạo Phật. Cũng trong Tam tổ thực lục kể lại rằng: “Khi Nhân Tông lên ngôi, tuy ở chốn cửu trùng cao sang mà vua vẫn sống thanh tịnh. Vua thường ngủ trưa ở chùa Tư Phúc trong đại nội. Một hôm mơ thấy trên rốn nở một bông sen vàng lớn như bánh xe, trên hoa có Phật vàng, có người đứng bên cạnh chỉ vua hỏi: Biết người này không? Đức Biến Chiếu Tôn đấy. Giật mình thức dậy, vua đem giấc mộng ấy thuật lại với Thánh Tông. Thánh Tông lấy làm lạ. Do đó, vua thường dùng chay lạt, chẳng dùng thức mặn, khiến long nhan trở nên gầy yếu. Thánh Tông thấy lạ hỏi, vua cứ thực nguyên nhân mà nói. Thánh Tông khóc nói: Ta nay già rồi, trông cậy một mình con, nếu con như vậy thì thịnh nghiệp của tổ tông biết làm thế nào? Vua cũng rơi nước mắt”.
Khi đương triều, đức vua Trần Nhân Tông hết lòng đối đãi với các tăng sư. Ngài không chỉ khoan dung, độ lượng đối với dân chúng Đại Việt mà tấm lòng khoan dung của Ngài còn bao dung cả đối với kẻ thù. Trên tư cách bậc đế vương, Trần Nhân Tông đã có lời nói và hành động khá đặc biệt trước việc chém được đầu Nguyên soái Toa Đô. Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: "Vua trông thấy thủ cấp của Toa Đô, thương hại nói: "Người làm tôi phải nên như thế này". Rồi cởi áo ngự, sai quân đem liệm chôn, nhưng ngầm sai lấy đầu Toa Đô đem tẩm dầu để răn, vì cớ Toa Đô mượn đường vào cướp nước ta đã ba năm". Thấm nhuần tư tưởng Nho giáo, Trần Nhân Tông đề cao lễ nghĩa kẻ bề tôi ngay cả khi biết đó là kẻ đối địch; mặt khác, ở vị thế người đứng đầu cả một nước, một dân tộc độc lập, tự chủ, ông kiên quyết sai lấy đầu Toa Đô tẩm dầu làm răn vì can tội "mượn đường vào cướp nước ta"...
Khi quyết chí xuất gia đến với đạo Phật, nhà vua đã dồn hết tâm sức để phát triển Phật giáo. Là một vị vua thấu hiểu Phật lý với đầy đủ tinh thần Bi –Trí - Dũng, lên ngôi trong lúc đất nước có giặc ngoại xâm, chứng kiến bao cảnh thương tâm của cuộc sống nhân gian, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã chủ trương xây dựng một phái Thiền thuần Việt – Thiền phái Trúc Lâm, nhằm tìm một con đường giải thoát cho chính mình, đồng thời giải thoát cho những người khác, quy tụ nhân tâm về một mối, vừa giúp cho phong hóa được thuần hậu, người dân sống tốt đời đẹp đạo, đồng thời tăng cường sợi dây liên kết lòng người trong một thời buổi đất nước có chiến tranh, rất cần sự đoàn kết, tập trung sức mạnh.
Với Trần Nhân Tông, việc xuất gia tu hành không chỉ giản đơn để tìm giải thoát cho cá nhân mà cho cả dân tộc. Người chủ trương qua tín ngưỡng Phật giáo để nuôi tâm đạo đức, dạy trí làm người; bồi đắp tính độc lập, tự cường; phát huy sự thuận hòa trong nhân tâm trăm họ,  tạo ra sự hòa hợp quốc gia, hòa hợp vua tôi, hòa hợp cha con, hòa hợp vợ chồng, gia đình,... tạo cội rễ cho sức mạnh lâu bền của đất nước.
 Sự kiện xuất gia đi tu của vua Trần Nhân Tông đã làm cho Phật giáo thời bấy giờ có những thay đổi đáng kể. Thiền phái Trúc Lâm mà Trần Nhân Tông sáng lập, đã thống nhất sự phân chia của các hệ phái Phật giáo, củng cố lại tăng đoàn, trang nghiêm giáo hội và đưa hoạt động của Phật giáo đi vào nề nếp, ổn định hơn.
Nhưng đi theo con đường tu hành, Trần Nhân Tông không chủ trương xuất thế mà chủ trương lấy cuộc đời nhân quần xã hội làm kinh nghiệm thử thách cho sự giải thoát. Ngài lặn lội khắp nơi trong nước để giáo hóa cho dân bằng cách vận động nhân dân tích cực thực hành thập thiện, dứt bỏ dâm từ. Trong Tam Tổ thực lục có chép: "Năm Giáp Thìn, Tổ Trúc Lâm đi dạo trong nhân gian khuyên dân chúng giữ Ngũ giới và tu Thập thiện". Đây là tính tích cực đem Phật giáo vào nhân gian, trước xây dựng con người, cá nhân tốt thì gia đình tốt, gia đình tốt thì quốc gia tốt.    
Sự vận dụng linh hoạt, khéo léo đó đã giúp cho nhà vua thu phục nhân tâm một cách hiệu quả. Trần Nhân Tông đã sử dụng tiềm năng của Phật giáo để phục vụ chính trị. Sự kiện xuất gia của nhà vua cũng như những năm hành đạo trong dân gian của nhà vua đã khiến cho phái Phật giáo Trúc Lâm trở nên một lực lượng tôn giáo hùng mạnh yểm trợ cho triều đại. Mặc dù sử dụng tiềm lực Phật giáo để cố kết nhân tâm dân tộc nhưng không phải Ngài giả danh tu hành mà chính Ngài là một bậc chân tu mẫu mực. Ngài hết lòng phụng sự đạo Phật, phụng sự quốc gia.
Thấy được những mặt tích cực của tôn giáo để hành xử trong xã hội, vua Trần Nhân Tông đã làm cho lòng người trong thiên hạ nhất tâm quy thuận mà không sinh lòng phản trắc. Hướng con người đến với những giá trị chân, thiện, mỹ của Phật giáo nhưng cũng không quên việc trị quốc dựa trên nền tảng Nho gia. Con người dù có tốt đẹp đến mấy nhưng không được trọng dụng, không được phát huy tài năng phục vụ cho quốc gia, dân tộc thì cũng là sự uổng phí mà thôi. Do đó, việc giáo dục cần phải song song ở cả hai phương diện: Tinh thần phá chấp, từ bi hỉ xả của Phật giáo cũng như tư tưởng danh, phận của Nho gia.
Trong Tam Tổ thực lục chép rằng: "Năm Mậu Thân, sư vâng lệnh làm trụ trì nối dòng pháp ở chùa Siêu Loại. Để khai đường và làm lễ trao truyền, vua cho đặt bài vị của liệt tổ, cho tấu đại nhạc, đốt hương thơm, Điều Ngự dẫn sư lên lễ tổ đường xong. Sau khi ăn cháo, sai tấu nhạc, đánh trống pháp, tập hợp đại chúng lên pháp đường. Bấy giờ Anh Tông xa giá đến chùa. Sau khi đặt ngôi chủ khách xong, vua Anh Tông vì là Đại thí chủ của Phật pháp đứng vào ngôi khách ở pháp đường, Thượng tể đem bá quan đứng ở dưới sân. Điều Ngự lên toà thuyết pháp. Giảng xong bèn đi xuống, đỡ sư lên toà. Điều Ngự đứng đối diện chắp tay hỏi han. Sư đáp lễ xong nhận pháp y mặc vào, Điều Ngự bèn bước sang một bên, ngồi trên ghế khúc lục nghe sư thuyết pháp. Đem chùa Siêu Loại của sơn môn Yên Tử sai sư kế thế trụ trì làm đời thứ hai của dòng Trúc Lâm. Lại đem ngoại thư kinh sử 100 hộp và Đại tạng 20 hộp nhỏ chép bằng máu chích ra để mở rộng việc học nội và ngoại điển".
Chỉ qua việc trao truyền đạo pháp của Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông cho Đệ nhị Tổ Trúc Lâm Pháp Loa này thôi, ta cũng đã thấy được tinh thần cốt lõi và lí tưởng về mẫu người xã hội dưới thời Trần mà Trần Nhân Tông đã đề cập. Việc trao truyền cho Pháp Loa kinh sử và dặn dò Pháp Loa phải mở rộng cái học bên trong và bên ngoài đã chứng tỏ, học Phật giáo không có nghĩa là loại bỏ những cái học bên ngoài Phật giáo và học những môn bên ngoài Phật giáo không có nghĩa là loại bỏ những cái học Phật giáo. Điều đó không chỉ thể hiện quan điểm giáo dục của vua Trần Nhân Tông và của Phật giáo đồ Việt Nam mà còn thể hiện rất rõ chủ trương "giáo lí của đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời" của vua Trần Thái Tông. Mẫu người lí tưởng này, như vậy, phải là mẫu người được giáo dục toàn diện. Không phải là học kinh nhà Phật rồi chối bỏ kinh điển nhà Nho, không phải là học kinh nhà Nho rồi phủ nhận hoàn toàn kinh điển nhà Phật. Việc đó phải luôn luôn được tiến hành song song và coi đó là hai nguồn tri thức bổ trợ, tương hỗ lẫn nhau và việc thực hiện giáo lý của tôn giáo nào cũng phải vì mục tiêu xây dựng và phát triển xã hội. Học Nho, học Phật không chỉ phục vụ cho những việc bên trong nhà Nho, nhà Phật mà còn cho cả những lợi ích bên ngoài của Nho hay của Phật. Trần Nhân Tông muốn xây dựng một hình mẫu con người, mà nhân cách của con người đó là sự kết hợp cả tinh hoa của Nho và Phật.
Thể hiện sự nhập thế, nhằm đưa Phật giáo đến với quảng đại quần chúng nhân dân, phát huy những yếu tố tích cực của Phật giáo trong xã hội, làm cho con người sống tốt hơn, ý nghĩa hơn chính là mục tiêu mà Trần Nhân Tông đưa ra, đó vừa là để trợ giúp điều hành quốc gia, vừa là để “tác Như Lai sứ, hành Như lai sự” của một người con Phật.
Trong cách ứng xử của Trần Nhân Tông với đạo Nho và đạo Phật, tinh thần cư trần lạc đạohòa quang đồng trần đã được phát huy một cách triệt để:
Ở trần vui đạo hãy tuỳ duyên
Đói cứ ăn no, mệt ngủ liền
Báu sẵn trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh hỏi chi Thiền.
                                 (Cư trần lạc đạo phú)
         Tinh thần “cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông đã trở thành kim chỉ nam định hướng trong việc thực thi các chính sách dưới thời Trần. Đây đồng thời cũng là sự thể hiện tinh thần phá chấp của Phật giáo trong sự nhập thế tích cực. )
         Ở Trần Nhân Tông đạo và đời kết hợp thật chặt chẽ. Ông khẳng định vai trò của đạo - tức Phật giáo và đời tức Nho giáo, trong một mối tương quan. Sự kết hợp này là cần thiết và thực sự đem lại hiệu quả cũng như ý nghĩa cho công cuộc trị nước:
“Sách Dịch xem chơi, yêu tính sáng hơn yêu châu báu
Kinh nhàn đọc dấu, trọng lòng rồi trọng nữa hoàng kim”
                              (Cư trần lạc đạo phú)
Như thế, đạo và đời đâu có xa rời nhau, mà ngược lại đạo và đời còn gắn bó, bổ sung cho nhau. Ở đây, đạo chính là sự biểu hiện của Phật giáo và đời chính là sự biểu hiện của Nho giáo. Vua Trần Nhân Tông đã lĩnh hội và phát huy được tinh thần trong tư tưởng về sự phân công Nho - Phật của vua Trần Thái Tông. Sống đời mà vui đạo theo vua Trần Nhân Tông là một cuộc sống thiền, có thể dùng các phương pháp thiền khác nhau nhưng có chung một mục đích là giác ngộ, làm cho con người sống tốt đẹp hơn, nhân ái hơn, đoàn kết hơn.
Tinh thần nhập thế và tư tưởng Cư trần lạc đạo, tùy duyên (Sống giữa cõi phàm trần, hãy tùy duyên mà vui với đạo) đã xác lập cốt cách Trần Nhân Tông và thể hiện rõ nhất sự dung hợp, dung hòa mối quan hệ giữa đạo và đời...
         Sự kết hợp Nho – Phật trong một xã hội với những mối tương quan khăng khít chính là để thoả mãn cho sự đòi hỏi bức thiết của một giai đoạn Phật giáo mới trong xã hội, giai đoạn người phật tử phải thực hiện nhiệm vụ dân tộc của mình, đồng thời phải tạo cho Phật giáo một sức sống mới, bằng cách đưa giáo lý vào trong việc thực hiện nhiệm vụ dân tộc, mà bản thân vua Trần Nhân Tông là một điển hình nổi bật.
Nói tóm lại, vì mục đích giải thoát, Trần Nhân Tông đã dụng Phật làm phương tiện giải thoát, và vì sự phát triển của quốc gia phong kiến Việt Nam, vua Trần Nhân Tông đã dụng Nho.  Trần Nhân Tông thể hiện hai con người trong mình, một con người của dân tộc, lĩnh trách nhiệm của người đứng đầu đất nước, làm tròn bổn phận của người làm con, nhưng đồng thời cũng tồn tại một con người của Phật giáo vì đạo pháp. Nói rộng ra, đây cũng chính là sự gắn bó, hoà hợp của hai thực thể, giữa một bên là phần đời, được ràng buộc bởi thể chế chính trị của Nho gia và một bên là phần đạo với tinh thần từ bi, hỉ xả của đạo Phật. Trần Nhân Tông đã hài hoà gắn kết khéo léo cả hai thực thể này. Sự kết hợp đạo Nho và đạo Phật trong đường lối trị nước của vua Trần Nhân Tông vừa mang tinh thần từ bi, phá chấp, tính nhập thế tích cực của đạo Phật, vừa thể hiện đầy đủ quan điểm danh, phận của đạo Nho trong trong đời sống xã hội và trong thể chế chính trị.
- - - - - - - - - - - - - -
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Mạnh Thát: Trần Nhân Tông, con người và tác phẩm, Nxb TP. HCM, 1999,
2.  Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I (Hoàng Văn Lâu dịch, chú). Nxb KHXH, H, 1998,
3. Tam tổ thực lục (Thích Phước Sơn dịch, chú). Viện NNCPH Xb, TP Hồ Chí Minh, 1995, 4. Nguyễn Lang: Trần Nhân Tông và Thiền phái Trúc Lâm, trong sách Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập I. In lần thứ tư. Nxb Văn học, H, 1994.
5. Nguyễn Tài Thư (cb). Lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, 1988.