Thứ Sáu, 24 tháng 9, 2010

Tìm hiểu về Côi Trì đinh bạ


Hội nghị Hán Nôm học năm 2009.
Đinh Văn Viễn tham dự có bài: Tìm hiểu Côi Trì Đinh bạ.
Đây là bài được tác giả viết trên cơ sở tư liệu mới(Côi Trì Đinh bạ) thu thập được khi làm luận văn Thạc sỹ Lịch sử từ năm 2007-2009.
Đường dẫn tới danh sách những tác giả, bài tham gia Hội nghị:
http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=47
 Nội dung bài viết:

TÌM HIỂU VỀ “CÔI TRÌ ĐINH BẠ”(1722)
Côi Trì là một làng được thành lập sau công cuộc khai hoang theo “phép chiếm xạ” thời Lê sơ, gắn liền với sự ra đời của con đê Hồng Đức (1472). Hiện nay, Côi Trì thuộc xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.
Vừa qua trong dịp khảo sát thực tế tại Côi Trì chúng tôi thu thập được nhiều tư liệu quý trong đó có “Côi Trì Đinh bạ”(các năm 1669,1722)…. Ở đây xin giới thiệu về “Côi Trì Đinh bạ”(năm Nhâm Dần -1722, niên hiệu Bảo Thái thứ 3).
“Côi Trì Đinh bạ”(1722) được chép trong cuốn “Ninh Thị khảo đính” của Ninh Tốn (Cuốn sách nàychưa thấy nhắc đến trong các nghiên cứu trước đây về Ninh Tốn. Hiện nay cuốn sách được lưu giữ ở nhà cụ Ninh Văn Yết, xóm Bút Thị , xã Yên Mỹ, . Xin giới thiệu trong một dịp khác). “Ninh Thị khảo đính” được viết bằng chữ Hán, dày trên 100 tờ, khổ 18 x 27 cm. Mỗi tờ được viết trên một mặt giấy. Mỗi mặt giấy có 8 hàng viết tay. Trừ một số tờ đầu bị mất góc và một số tờ cuối bị mất hiện nay sách còn khá đầy đủ, giấy tốt, chữ viết rõ ràng.
Riêng phần “Côi Trì Đinh bạ”(1722)  được chép trong 9 tờ, chữ viết còn rõ ràng. Mỗi tên người được đánh dấu bằng khuyên tròn mực đỏ. Căn cứ vào những dòng đầu và cuối thì thấy “Côi Trì Đinh bạ”(1722) được lập vào ngày 10 tháng 3 năm Nhâm Dần, niên hiệu Bảo Thái năm thứ 3 (tức năm 1722 thời Lê Dụ Tông).
Tìm hiểu về “Côi Trì Đinh bạ”(1722)  chúng tôi xin đề cập một vài vấn đề sau:
Thứ nhất: “Côi Trì Đinh bạ”(1722) cho ta biết nhiều thông tin về Côi Trì ở năm 1722, một vấn đề được nhiều người quan tâm về tình hình Côi Trì từ sau khi thành lập làng (thế kỷ XV). Điều rõ nhất mà “Côi Trì Đinh bạ”(1722) cho biết đó là làng này đã được đổi tên từ Côi Đàm trước đây thì bây giờ mang tên là Côi Trì. Năm 1722, làng Côi Trì là một xã thuộc huyện Yên Mô, phủ Trường Yên. Số lượng đinh của làng này ở năm 1722 là 166 (tăng gần 2 lần so với thời kỳ lập làng, cuối thế kỷ XV).
Thứ hai: Qua “Côi Trì Đinh bạ”(1722) cho chúng ta biết họ tên, trình độ, số tuổi của các đinh nam trong làng trong đó có các xã trưởng ở Côi Trì vào thời điểm này: Xã chính- Ngô Hữu Thành (Sinh đồ), Xã xử- Trần Ngưỡng (41 tuổi), Xã tư- Tạ Tâm Xưng (39 tuổi). Đối chiếu với quy định của thời Lê – Trịnh cho thấy Côi Trì bấy giờ là một xã vừa. Các xã trưởng đều trên 30 tuổi. Riêng xã chính Ngô Hữu Thành đã đỗ Sinh đồ. Điều này rất phù hợp với quy định của chính quyền Lê – Trịnh về tiêu chuẩn của xã trưởng.
Thứ ba: Nét nổi bật dễ nhận thấy trong cơ cấu dân cư của Côi Trì qua “Côi Trì Đinh bạ”(1722) đó là những người có bằng cấp chiếm số lượng khá lớn: 32/166 người(tức chiếm 19,27%). Cùng với một số tư liệu khác chứng tở Côi Trì là một làng có nền giáo dục, khoa cử khá phát triển.
Mặt khác những lãnh binh chiếm số lượng không nhỏ: 35/166(tức chiếm 21,08 %). Điều này cho thấy số lượng khá lớn người dân phải thực hiện nghĩa vụ binh dịch cho Nhà nước.
Thứ tư: Qua “Côi Trì Đinh bạ”(1722) cũng cho thấy việc quản lý dân cư của Nàh nước phong kiến Lê – Trịnh khá chặt chẽ. Dân cư được phân hạng, thống kê rõ ràng cả về họ tên, chức tước, tuổi tác… Việc kê khai số đinh được quy định chặt chẽ về trách nhiệm pháp lý: “Nếu có ẩn lậu” tức thì những người đứng đầu làng, xã, chịu trach nhiệm trước nhà nước về việc kê khai đinh sẽ bị “trọng tội, ruộng đất, tài sản phải nộp cho quan trên, không chối cãi”.
Sau đây xin giới thiệu bản dịch “Côi Trì Đinh bạ”(1722):
BẢO THÁI- NHÂM DẦN ĐINH BẠ(CÔI TRÌ)
(Án thị niên) Định hàng năm mỗi đinh tiền làng là 1 quan,2 mạch, 4 bát gạo. Sinh đồ, lão hạng, hoàng đinh 2 xuất chuẩn là 1 đinh.
            (Từ 17-19 tuổi gọi là Hoàng đinh;
Từ 20 tuổi trở lên gọi là Chính đinh;
Từ 55 tuổi trở lên goi là Lão hạng;
Từ 60 tuổi trở lên gọi là Lão nhiêu)
Trường Yên phủ, Yên Mô huyện,Côi Trì xã, sắc mục Phạm Tuấn Dụng, Vũ Đăng Sĩ, Vũ Quỳnh, xã trưởng Ngô Hữu Thành, Trần Ngưỡng. Những người này coi giữ hộ tịch, chiếu số người trong xã nếu lúc ấy có quan viên, sắc mục, lãnh binh, lão nhiêu và tất cả các hạng trong làng ghi rõ họ tên, chức sắc, bằng sắc. Bản xã quan viên, sắc mục, binh dân các hạng có 166 người.
- Quan viên: 03 người:
Ninh Địch (Hàn lâm thị độc)
Phạm Dương (Tri Châu, 57 tuổi)
Ninh Dật 57 tuổi.
- Giám sinh: 01 người: Ninh Nhạ, 33 tuổi
- Sinh đồ: 27 người:
Vũ Duy (45 tuổi), Vũ Sĩ (39 tuổi), Vũ Quỳnh (49 tuổi), Phạm Dám (40 tuổi), Ninh Tích (29 tuổi), Lê Toàn (31 tuổi), Phạm Mai (31 tuổi), Trần Doãn (31 tuổi), Phạm Hiển (43 tuổi), Phạm Cơ (33 tuổi), Vũ Thiện (26 tuổi), Ngô Tương (22 tuổi), Nguyễn Hưng (56 tuổi), Nguyễn Ngạn (60 tuổi), Nguyễn Minh (60 tuổi), Trần Lại (61 tuổi), Phạm Giáo (60 tuổi), Nguyễn Hán (66 tuổi), Vũ Tiên (67 tuổi), Tạ Văn (70 tuổi), Phạm ? (72 tuổi), Nguyễn Trang (74 tuổi).
- Xã trưởng: 03 người:
Ngô Hữu Thành (Sinh đồ, Xã chính)
Trần Ngưỡng (Xã sử, 41 tuổi)
Tạ Tâm Xưng (Xã tư, 39 tuổi).
- Lãnh binh: 35người:
Vũ Dung (41 tuổi), Nguyễn quan (40 tuổi), Phạm Tích (37 tuổi), Tạ  Nhượng (37 tuổi), Nguyễn Trụ (42 tuổi), Nguyễn Hiệu (42 tuổi), Vũ Hảo (36 tuổi), Vũ Kích (39 tuổi), Ngô Dung (34 tuổi), Trần Cư (38 tuổi), Hoàng ? (38 tuổi), Vũ Truyền (35 tuổi), Phạm Luận (32 tuổi), Phạm Nhậm (30 tuổi), Nguyễn Luân (21 tuổi), Phạm Xuân (35 tuổi),  Nguyễn Thiện (40 tuổi), Vũ Cung (35 tuổi), Bùi Thiện (34 tuổi), Nguyễn Tốt (37 tuổi), Lê Giai (32 tuổi), Nguyễn Hữu (39 tuổi), Nguyễn Thái (38 tuổi), Nguyễn Nhu (37 tuổi), Tạ Gia (33 tuổi), Ngô Vinh (28 tuổi), Tạ Minh (44 tuổi), Phạm Tập (29 tuổi), Vũ Hiệp (26 tuổi), Trần Luân (29 tuổi), Tạ Uyên (29 tuổi), Tạ Xuân (27 tuổi), Trần Dược (24 tuổi), Phạm Trực (22 tuổi), Phạm Thư (43 tuổi).
- Người tuỳ hành: 06 người:
 Lê ức (28 tuổi)
Nguyễn Dự (30 tuổi)
Tạ Bình (33 tuổi)
Trần Lân (37 tuổi)
Phạm Minh (37 tuổi)
Lê Phú (42 tuổi).
- Hoàng đinh: 34 người:
Nguyễn Luân (24 tuổi), Lê Tuấn (25 tuổi), Trần Tạp (36 tuổi), Bùi Du (38 tuổi), Tạ Mưu (28 tuổi), Vũ Thanh (28 tuổi), Phạm Tịnh (31 tuổi), Nguyễn Huyên (31 tuổi), Vũ Phùng (22 tuổi), Phạm Vọng (31 tuổi), Nguyễn Giáo (32 tuổi), Vũ Lộc (33 tuổi), Ngô Phụng (33 tuổi), Tạ Dụng (33 tuổi), Vũ Loan (33 tuổi), Nguyễn Thập (35 tuổi), Nguyễn Đài (25 tuổi), Hoàng Quí (27 tuổi), Nguyễn Dụng (27 tuổi), Nguyễn Xưng (27 tuổi), Nguyễn Thản (28 tuổi), Ngô Thưởng (39 tuổi), Vũ Tuân (39 tuổi), Trần Sầm (43 tuổi), Nguyễn Minh (45 tuổi), Nguyễn Viện (46 tuổi), Nguyễn Gia (47 tuổi), Nguyễn Phú (47 tuổi), Tạ Long (47 tuổi), Bùi Nho (47 tuổi), Vũ Lương (47 tuổi), Nguyễn Huân (47 tuổi), Vũ Diệu (41 tuổi), Vũ Công (43 tuổi).
- Lão Hạng: 17 người:
Nguyễn Bình (55 tuổi), Lê Chí (55 tuổi), Vũ Hiền (55 tuổi), Vũ Minh (55 tuổi), Vũ Chiêm (55 tuổi), Nguyễn Ức (55 tuổi), Ninh Tài (55 tuổi), Nguyễn Công (55 tuổi), Nguyễn Chí (56 tuổi), Lê Tương (56 tuổi), Phạm Vị (56 tuổi), Nguyễn Vị (56 tuổi), Vũ Ngạn (56 tuổi), Phạm Liêu (57 tuổi), Vũ Đức (58 tuổi), Tạ ? (58 tuổi), Vũ Hựu (59 tuổi).
- Lão nhiêu:29 người:
 Nguyễn Dự (60 tuổi), Phạm Vinh (60 tuổi), Nguyễn Hữu Điền (60 tuổi), Vũ Tài (60 tuổi), Phạm Phương (60 tuổi), Trần Mậu (62 tuổi), Phạm Phú (62 tuổi), Vũ Chí (62 tuổi), Trần Tiến (62 tuổi), Nguyễn Tương (63 tuổi), Phạm Nho (63 tuổi), Vũ Thanh (63 tuổi), Phạm Liên (64 tuổi), Phạm Hội (64 tuổi), Vũ Tài (65 tuổi), Tạ Hoa (65 tuổi), Nguyễn Lĩnh (65 tuổi), Trần Bảng (65 tuổi), Vũ Nam (66 tuổi), Nguyễn Tài (67 tuổi), Tạ Quý (67 tuổi), Phạm Vân (69 tuổi), Tạ Ánh (69 tuổi), Vũ Triều (70 tuổi), Nguyễn Tài (70 tuổi), Phạm Tuấn (73 tuổi), Hoàng Lượng (73 tuổi), Bùi Học (67 tuổi).
- Người tàn tật: 02 người:
 Vũ Hiền (mù hai mắt, 37 tuổi)
Trần Quảng (mù hai mắt, 40 tuổi).
- Người thân thể không đầy đủ: 03 người:
 Tạ Lộc (gãy hai chân, 66 tuổi)
Tạ Hiển (gãy 1 tay, 59 tuổi)
Hoàng Tửu (gãy hai chân, 59 tuổi).
- Vào thêm:
+ Chính đinh: 02 người (Nguyễn Lăng, Nguyễn Chấn)
+ Lão hạng: 02 người (Vũ Sĩ, Trần Tuyển)
+ Trẻ nhỏ: 01 người (Phạm Huyền)
Từ đây trở lên số người trong xã là đúng thực. Nếu có ẩn lậu, (tức thì) bản xã Xã chính Ngô Hữu Thành, xã xử Trần Ngưỡng sẽ chịu trọng tội, ruộng đất, tài sản phải nộp cho quan trên, không chối cãi.
            Bảo Thái thứ 3 tháng 3 ngày 10.
Xã chính Ngô Hữu Thành
Địa chỉ: Thạc sĩ ĐINH VĂN VIỄN. Trường THPT Kim Sơn A, Thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Điện thoại: 0949797915.
(Ghi chú: Bài viết này đã được ông Ninh Quang Thắng, hiện là Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo của Đại học Kiến trúc TP. HCM góp ý. Tác giả đã chỉnh sửa lại. Xin chân thành cảm ơn ông Ninh Quang Thắng)

Chụp ảnh lưu niệm khi dự Hội nghị:


Thứ Ba, 14 tháng 9, 2010

Bài học về dân chủ từ việc dời đô của Lý Thái Tổ


BÀI HỌC VỀ DÂN CHỦ TỪ VIỆC DỜI ĐÔ CỦA LÝ THÁI TỔ 

Đinh Văn Viễn


Đã và sẽ còn có rất nhiều lời tán tụng, ca ngợi việc thiên đô, Thiên đô chiếu của Lý Thái Tổ. Điều này là hiển nhiên bởi ý nghĩa, và tầm vóc lịch sử của việc làm đó. Trong đó tinh thần dân chủ, trọng dân của vị Hoàng đế đứng đầu đất nước Lý Thái Tổ cũng được thể hiện khá đậm nét.
Chúng ta cùng đọc lại ghi chép của Đại Việt sử kí toàn thư về sự kiện này:
“Vua thấy thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đi nơi khác, tự tay viết chiếu truyền rằng: Ngày x
ưa nhà thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, Nhà chu đến Thành Vương ba lần dời đô, há phải các vua thời Tam Đại ấy theo ý riêng tự tiện dời đô xằng bậy đâu. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.
Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn, hổ ngồi chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ, thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời.
Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?
Bề tôi đều nói: “Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giầu có, điều lợi như thế ai giám không theo.” Vua cả mừng.”( Đại việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb. KHXH, H, 2004).
Nội dung trong sử ghi chép đấy chính là nội dung của một buổi nghị đình hay còn còn gọi là một buổi đại triều. Vua Lý Thái Tổ trước khi đưa ra quyết định rời đô đã cùng họp với các quan đại thần bàn kỹ lưỡng. Lý Thái Tổ đưa ra lý lẽ của việc chuyển đô từ Hoa Lư ra Thăng Long:
- Dời đô là việc vô cùng hệ trọng, không thể “ấy theo ý riêng tự tiện ”.
- Mục đích của việc dời đô là nhằm "Mưu toan nghiệp lớn, tính kế cho con cháu muôn vạn đời".
- Không thể tiếp tục đóng đô ở Hoa Lư được nữa bởi: “thành Hoa Lư ẩm thấp chật hẹp, không đủ làm chỗ ở của đế vương”. Nếu cứ tiếp tục đóng đô ở đây sẽ “triều đại không bền lâu, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp”.
- Đại La là nơi thích hợp cho việc đóng đô. Bởi:
+ Địa thế phù hợp cho cả nhu cầu phòng thủ và phát triển (“Đã đúng ngôi nam bắc đông tây; Lại tiện hướng nhìn sông dựa núi”).
+ Thuận lợi cho dân sinh sống, làm ăn, và thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp (“Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi”).
+ Ở vị trí trọng yếu, là nơi hội tụ của các nẻo đường đất nước, đầu mối giao thông và giao lưu kinh tế, văn hóa (“Thật là chốn tụ hội của bốn phương đất nước”).
+ Xứng đáng là bộ mặt của một quốc gia độc lập, tự cường, có uy thế trong khu vực(“Cũng là kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”).
Từng ý kiến của tác giả bài chiếu đều rất xác đáng, cho thấy cái nhìn sắc sảo của người lãnh đạo và trên hết, sự toàn tâm cho đất nước và nhân dân.  
Sau khi nêu ra các lý lẽ của mình nhà vua đã không vội tự ý, lấy quyền lực vốn có để quyết định mà lại hỏi các triều thần:Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?. Câu hỏi của nhà vua đã được các triều thần đáp lại với sự nhiệt thành ủng hộ cao: “Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giầu có, điều lợi như thế ai giám không theo”. Rồi nhà vua đáp lại thể hiện sự đi đến quyết định cuối cùng theo lời của sử gia: “vua cả mừng”.
Như vậy thông qua buổi đại triều ấy phản ảnh được sự sáng suốt của nhà vua trong cách làm về di chuyển kinh đô ra Thăng Long. Nguyện vọng xây dựng một vương triều mạnh đã được Lý Thái Tổ chuyển hóa từ nguyện vọng cá nhân, dòng họ thành nguyện vọng của dân tộc, quốc gia khi đưa ra những lý lẽ của mình để bàn bạc trong buổi đại triều. Quyết định của vua đã được dân chúng và trăm quan ủng hộ nhiệt thành. Nhà vua đã mang việc lớn ra bàn bạc và lấy ý kiến của nhân dân của triều thần Đại Việt. Trên cơ sở sự đồng thuận cao của nhân dân Đại Việt mới đưa ra quyết định cuối cùng đó là chuyển Hoa Lư ra Thăng Long.
Ở đây không chỉ có sự tôn trọng dân mà Lý Thái Tổ còn đặt cả niềm tin vào dân. Vận mệnh đất nước, vận mệnh của vương triều, của dòng họ đã được Lý Thái Tổ trân trọng đặt vào tay dân, “theo ý dân”.
Việc làm mang tính dân chủ, trọng dân ấy của Lý Thái Tổ không chỉ là sự sáng suốt mà còn là cái đức của người lãnh đạo quốc gia. Bởi điều này không phải dễ thực hiện đối với người trong tay đang nắm quyền uy tối thượng. Chính vì xem trọng dân nên mặc dù ở cương vị tối cao, có thể tự quyết mọi việc, kể cả việc dời đô nhưng Lý Thái Tổ đã đặt lợi ích của dân lên trên, hỏi ý kiến nhân dân.
Chính thái độ, tinh thần trọng dân đó của Lý Thái Tổ và sự đồng thuận của nhân dân là nguyên nhân dẫn đến việc dời đô thành công và là tiền đề cho Đại Việt phát triển mãi về sau.
Bài học kinh nghiệm của lịch sử thông qua việc dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long chính là: lấy dân làm gốc, dựa vào dân và phát huy sức mạnh của dân. Đó là chìa khóa của mọi thành công mà bậc minh quân Lý Thái Tổ đã biết nắm giữ.

------------- Hết-------------

Bài đăng trên Tạp chí Văn nghệ Ninh Bình số 92(tháng 5-2011). Tr 93-95



http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/lich-su/5167-Bai-hoc-ve-Dan-chu-tu-Thien-do-chieu-cua-Ly-Thai-To.html

Đinh Văn Viễn: Lý Công Uẩn với Phật giáo

Lý Công Uẩnhttp://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/con-nguoi-vn/5166-Ly-Cong-Uan-voi-Phat-giao.html

Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Đê Hồng Đức ở Ninh Binh

http://nonkhe.net/showthread.php?t=204Đinh Văn Viễn

Đê Hồng Đức- một thành tựu lớn trong công tác trị thuỷ của dân tộc ta dưới thời vua Lê Thánh Tông. Tìm hiểu về đê Hồng Đức có ý nghĩa rất lớn trong điều kiện dân tộc Việt Nam đã và đang phải liên tục đối mặt với lũ lụt, hạn hán.


Gọi là đê Hồng Đức bởi con đê được đắp dưới thời Hồng Đức (1470- 1497)(một niên hiệu của vua Lê Thánh Tông).



Sử cũ chép về đê Hồng Đức rất sơ sài. Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến đê Hồng Đức nhưng có chi tiết không giống nhau.



Đại Nam nhất thống chí đã chép: “ở địa phận Yên Mô đê Hồng Đức được đắp từ năm Hồng Đức thứ hai (1471), từ bờ phía bắc đến bờ phía nam cửa Càn đắp đê đá, từ bờ phía bắc sông Thần Phù đến bờ phía nam sông Bồng Hải đắp đê đất...” [3-256].



Khâm định Việt sử thông giám cương mục lại chép: “Ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, có đê đá được đắp từ phía bắc của sông Thần Phù đến bờ nam sông Càn và đê đất từ xã Côi Trì huyện Yên Mô đến xã Bồng Hải huyện Yên Khánh” [4-1019].



Ghi chép trên của Đại Nam nhất thống chí không chính xác cả về thời gian đắp đê và địa điểm của đê. Sách này đã nhầm lẫn, không phân biệt được đâu là cửa Càn, đâu là sông Thần Phù.



Năm 1978, Giáo sư Phan Đại Doãn - tác giả của “Tìm hiểu công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải- Kim Sơn” xác định thêm một đoạn đê Hồng Đức ở huyện Xuân Thuỷ (Nam Định) dài khoảng 25 km.[2-25].



Năm 1982, Trương Hữu Quýnh trong cuốn “Chế độ ruộng đất Việt Nam từ thế kỉ XI đến XVIII, Tập 1” đã xác định những ghi chép trong Cương mục và chỉ ra đoạn đê Hồng Đức ở xã Phù Sa – Nghĩa Hưng- Nam Định được đắp vào năm 1474 [8- 43]



Tuy nhiên cả một đoạn đê dài của con đê Hồng Đức qua huyện Yên Mô và làng Côi Trì chưa được các tác giả nghiên cứu cụ thể.



Qua nghiên cứu, khảo sát chúng tôi xin cung cấp một số hiểu biết về con đê này.



Ở thế kỷ XV, đê Hồng Đức là tuyến đê ngăn mặn có quy mô lớn kéo dài từ cửa Thần Phù, (nay thuộc xã Yên Lâm – Yên Mô- Ninh Bình) đến cửa Muộn Hải - cửa sông Hồng thời bấy giờ (nay thuộc Xuân Thuỷ Nam Định); Đương thời con đê này được đắp khá kiên cố. Có khoảng 5km (đoạn từ chân núi Soi nằm trong dãy núi con Lợn, thuộc thôn Thần Phù (xã Yên Lâm, Yên Mô) đến Cống Đồn thuộc làng Yên Mô Càn (nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô) được đắp bằng đá. Phần còn lại được đắp bằng đất.



Đê Hồng Đức ở Ninh Bình được đắp vào các năm 1471, 1472, dài gần 30 km chạy suốt từ cửa biển Đại Nha (chỗ làng Phụng Công- Khánh Cường- Yên Khánh) tới cửa Thần Phù (nay thuộc xã Yên Lâm – Yên Mô ). Hiện nay đê dã thành đường – đường Hồng Đức – 58 B Yên Khánh và một phần đường 59 thuộc huyện Yên Mô. Riêng đoạn đê Hồng Đức qua làng Côi Trì- Yên Mô, theo Bia ghi việc đắp đê (1472)ở xã Yên Mạc, sách Ninh Bình tỉnh chí (thư viện Hán Nôm kí hiệu A-1112) được đắp vào năm 1472. Sách “Côi Trì lịch sử giải âm ” (sách của làng Côi Trì)cũng xác nhận thời gian đắp đê như vậy: “Năm (Hồng Đức – ĐVV) thứ 3(tức năm 1472) có chiếu chung đắp đê ngăn mặn” [1-2].



Theo các tư liệu địa phương thì con đê được đắp bằng cách dựa vào những cồn cát ven biển, đào chân móng dọc theo dải cồn cát đó rồi chuyển đất sét già (đất đồng) từ trong chân núi ra dồn vào móng đê sau đó mới dùng đất thịt pha cát đắp lên. Khảo sát thân đê tại Cầu Bút (Côi Trì – Yên Mô)cho thấy thân đê có chiều rộng 6m, độ cao trung bình so với mặt ruộng là 1,56m. Sau lớp đá được rải sau này phía dưới là lớp đất thịt pha cát dày từ 1-1,2m, tiếp đó là lớp đất sét già dày 0, 8 – 1,1m.





Sơ đồ khảo sát lát cắt thân đê tại Cầu Bút (Km2 + 550m)



Riêng đoạn đê bằng đá từ chân núi Soi nằm trong dãy núi con Lợn, thuộc thôn Thần Phù (xã Yên Lâm, Yên Mô) đến Cống Đồn thuộc làng Yên Mô Càn (nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô) người ta đã dùng hai loại thuyền to, thuyền nhỏ đan bằng tre, nứa để chở đá, khi đến chỗ cần đắp họ chọc thủng thuyền chở đá cho chìm xuống và nhảy sang thuyền con để trở vào bờ. Nguồn đá được nhân dân lấy từ những núi đá gần đó như núi Yên Dũng(Yên Mô).



Nếu nói mỗi lần quai đê là một kỳ tích thì đợt quai đê Hồng Đức là sự mở đầu rực rỡ nhất, thành công nhất trong việc đắp đê ngăn mặn. Đê Hồng Đức được đắp là kết quả của chính sách đúng đắn của triều đình Lê Thánh Tông và sự nỗ lực của nhân dân. Đê Hồng Đức đã tạo ra điều kiện thuận lợi có tính quyết định đối với công cuộc khai hoang lập làng ở khu vực nam sông Hồng bấy giai đoạn cuối thế kỷ XV. Riêng ở địa bàn Ninh Bình, đê Hồng Đức ra đời đã tạo thuận lợi to lớn cho việc khai hoang, thành lập nhiều làng xã mới mà tiêu biểu là làng Côi Trì (Yên Mô – Ninh Bình), làng Cống Thuỷ (Yên Khánh),….



Đê Hồng Đức được ví như chiếc đòn gánh vàng, quẩy nặng hai đầu một gánh văn chương. Từ sau khi đê Hồng Đức ra đời, những xóm làng văn hoá với những danh nhân tiêu biểu của Ninh Bình san sát nhau mọc lên ở hai đầu con đê ấy. Phía Đông là làng Bồng Hải vốn được mệnh danh là đất học, đất văn.



“Nho Lâm những bậc văn hùng



Tiếng đồn phú Bái, văn Bồng từ đây”



(Bồng Hải đình tự ca)



Còn phía Tây nam là “Yên Mô văn hiến địa” với hàng loạt xóm làng tiêu biểu. Đó là Yên Mô Thượng chỉ từ thời Cảnh Hưng (1740) về trước đã có 56 sinh đồ.…Đó là Côi Trì mà ở họ Ninh trong một nhà có tới ba tiến sĩ(tiêu biểu nhất là Ninh Tốn), ở họ Nguyễn ba cha con đều đỗ cử nhân, Phó bảng. …..



“Côi Trì sơn xuyên dục tú.



Nhân vật tiêu anh xuất Tràng An”



(Bia C«i Tr× Vò héi bi ký )



Đê Hồng Đức có một vai trò rất to lớn về kinh tế trong thời Lê Sơ. Trước hết nó là tuyến đê ngăn mặn, một tuyến đường thành vững chắc đối diện với sóng gió, bảo vệ xóm làng, bảo vệ thành quả lao động của nhân dân ven biển. Hiện nay biển đã lùi xa, đê đã thành đường nhưng bài học kinh nghiệm của một chủ trương, việc làm sáng suốt, vì dân của vua Lê Thánh Tông vẫn còn nguyên giá trị. Dấu ấn của con đê mãi tồn tại trong người dân đồng bằng sông Hồng nói chung người dân Ninh Bình nói riêng.



Tài liệu tham khảo:



1 Côi Trì lịch sử giải âm, viết năm 1911 của nhóm tác giả người Côi Trì đứng đầu là Nguyễn Đình Tuyên.-Tg sưu tầm ở địa phương.



2. Phan Đại Doãn: Tìm hiểu công cuộc khẩn hoang thành lập hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn đầu thế kỷ XIX. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3(180) năm 1978



3. Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam Nhất thống chí. Tập 3. NXB KHXH, HN 1971.



4. Quốc sử quán Triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập I. NXB Giáo dục, HN 2007.



5. Trương Hữu Quýnh: Chế độ ruộng đất ở Việt Nam từ thế kỷ XI đến XVIII, Tập 1: Thế kỷ XI-XV,. NXB KHXH, HN 1982.


(Bài được đăng trên tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, tháng 86 tháng 11-2010)