Thứ Tư, 8 tháng 9, 2010

Đê Hồng Đức ở Ninh Binh

http://nonkhe.net/showthread.php?t=204Đinh Văn Viễn

Đê Hồng Đức- một thành tựu lớn trong công tác trị thuỷ của dân tộc ta dưới thời vua Lê Thánh Tông. Tìm hiểu về đê Hồng Đức có ý nghĩa rất lớn trong điều kiện dân tộc Việt Nam đã và đang phải liên tục đối mặt với lũ lụt, hạn hán.


Gọi là đê Hồng Đức bởi con đê được đắp dưới thời Hồng Đức (1470- 1497)(một niên hiệu của vua Lê Thánh Tông).



Sử cũ chép về đê Hồng Đức rất sơ sài. Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Đại Nam nhất thống chí có nhắc đến đê Hồng Đức nhưng có chi tiết không giống nhau.



Đại Nam nhất thống chí đã chép: “ở địa phận Yên Mô đê Hồng Đức được đắp từ năm Hồng Đức thứ hai (1471), từ bờ phía bắc đến bờ phía nam cửa Càn đắp đê đá, từ bờ phía bắc sông Thần Phù đến bờ phía nam sông Bồng Hải đắp đê đất...” [3-256].



Khâm định Việt sử thông giám cương mục lại chép: “Ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, có đê đá được đắp từ phía bắc của sông Thần Phù đến bờ nam sông Càn và đê đất từ xã Côi Trì huyện Yên Mô đến xã Bồng Hải huyện Yên Khánh” [4-1019].



Ghi chép trên của Đại Nam nhất thống chí không chính xác cả về thời gian đắp đê và địa điểm của đê. Sách này đã nhầm lẫn, không phân biệt được đâu là cửa Càn, đâu là sông Thần Phù.



Năm 1978, Giáo sư Phan Đại Doãn - tác giả của “Tìm hiểu công cuộc khẩn hoang thành lập huyện Tiền Hải- Kim Sơn” xác định thêm một đoạn đê Hồng Đức ở huyện Xuân Thuỷ (Nam Định) dài khoảng 25 km.[2-25].



Năm 1982, Trương Hữu Quýnh trong cuốn “Chế độ ruộng đất Việt Nam từ thế kỉ XI đến XVIII, Tập 1” đã xác định những ghi chép trong Cương mục và chỉ ra đoạn đê Hồng Đức ở xã Phù Sa – Nghĩa Hưng- Nam Định được đắp vào năm 1474 [8- 43]



Tuy nhiên cả một đoạn đê dài của con đê Hồng Đức qua huyện Yên Mô và làng Côi Trì chưa được các tác giả nghiên cứu cụ thể.



Qua nghiên cứu, khảo sát chúng tôi xin cung cấp một số hiểu biết về con đê này.



Ở thế kỷ XV, đê Hồng Đức là tuyến đê ngăn mặn có quy mô lớn kéo dài từ cửa Thần Phù, (nay thuộc xã Yên Lâm – Yên Mô- Ninh Bình) đến cửa Muộn Hải - cửa sông Hồng thời bấy giờ (nay thuộc Xuân Thuỷ Nam Định); Đương thời con đê này được đắp khá kiên cố. Có khoảng 5km (đoạn từ chân núi Soi nằm trong dãy núi con Lợn, thuộc thôn Thần Phù (xã Yên Lâm, Yên Mô) đến Cống Đồn thuộc làng Yên Mô Càn (nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô) được đắp bằng đá. Phần còn lại được đắp bằng đất.



Đê Hồng Đức ở Ninh Bình được đắp vào các năm 1471, 1472, dài gần 30 km chạy suốt từ cửa biển Đại Nha (chỗ làng Phụng Công- Khánh Cường- Yên Khánh) tới cửa Thần Phù (nay thuộc xã Yên Lâm – Yên Mô ). Hiện nay đê dã thành đường – đường Hồng Đức – 58 B Yên Khánh và một phần đường 59 thuộc huyện Yên Mô. Riêng đoạn đê Hồng Đức qua làng Côi Trì- Yên Mô, theo Bia ghi việc đắp đê (1472)ở xã Yên Mạc, sách Ninh Bình tỉnh chí (thư viện Hán Nôm kí hiệu A-1112) được đắp vào năm 1472. Sách “Côi Trì lịch sử giải âm ” (sách của làng Côi Trì)cũng xác nhận thời gian đắp đê như vậy: “Năm (Hồng Đức – ĐVV) thứ 3(tức năm 1472) có chiếu chung đắp đê ngăn mặn” [1-2].



Theo các tư liệu địa phương thì con đê được đắp bằng cách dựa vào những cồn cát ven biển, đào chân móng dọc theo dải cồn cát đó rồi chuyển đất sét già (đất đồng) từ trong chân núi ra dồn vào móng đê sau đó mới dùng đất thịt pha cát đắp lên. Khảo sát thân đê tại Cầu Bút (Côi Trì – Yên Mô)cho thấy thân đê có chiều rộng 6m, độ cao trung bình so với mặt ruộng là 1,56m. Sau lớp đá được rải sau này phía dưới là lớp đất thịt pha cát dày từ 1-1,2m, tiếp đó là lớp đất sét già dày 0, 8 – 1,1m.





Sơ đồ khảo sát lát cắt thân đê tại Cầu Bút (Km2 + 550m)



Riêng đoạn đê bằng đá từ chân núi Soi nằm trong dãy núi con Lợn, thuộc thôn Thần Phù (xã Yên Lâm, Yên Mô) đến Cống Đồn thuộc làng Yên Mô Càn (nay thuộc xã Yên Mạc, huyện Yên Mô) người ta đã dùng hai loại thuyền to, thuyền nhỏ đan bằng tre, nứa để chở đá, khi đến chỗ cần đắp họ chọc thủng thuyền chở đá cho chìm xuống và nhảy sang thuyền con để trở vào bờ. Nguồn đá được nhân dân lấy từ những núi đá gần đó như núi Yên Dũng(Yên Mô).



Nếu nói mỗi lần quai đê là một kỳ tích thì đợt quai đê Hồng Đức là sự mở đầu rực rỡ nhất, thành công nhất trong việc đắp đê ngăn mặn. Đê Hồng Đức được đắp là kết quả của chính sách đúng đắn của triều đình Lê Thánh Tông và sự nỗ lực của nhân dân. Đê Hồng Đức đã tạo ra điều kiện thuận lợi có tính quyết định đối với công cuộc khai hoang lập làng ở khu vực nam sông Hồng bấy giai đoạn cuối thế kỷ XV. Riêng ở địa bàn Ninh Bình, đê Hồng Đức ra đời đã tạo thuận lợi to lớn cho việc khai hoang, thành lập nhiều làng xã mới mà tiêu biểu là làng Côi Trì (Yên Mô – Ninh Bình), làng Cống Thuỷ (Yên Khánh),….



Đê Hồng Đức được ví như chiếc đòn gánh vàng, quẩy nặng hai đầu một gánh văn chương. Từ sau khi đê Hồng Đức ra đời, những xóm làng văn hoá với những danh nhân tiêu biểu của Ninh Bình san sát nhau mọc lên ở hai đầu con đê ấy. Phía Đông là làng Bồng Hải vốn được mệnh danh là đất học, đất văn.



“Nho Lâm những bậc văn hùng



Tiếng đồn phú Bái, văn Bồng từ đây”



(Bồng Hải đình tự ca)



Còn phía Tây nam là “Yên Mô văn hiến địa” với hàng loạt xóm làng tiêu biểu. Đó là Yên Mô Thượng chỉ từ thời Cảnh Hưng (1740) về trước đã có 56 sinh đồ.…Đó là Côi Trì mà ở họ Ninh trong một nhà có tới ba tiến sĩ(tiêu biểu nhất là Ninh Tốn), ở họ Nguyễn ba cha con đều đỗ cử nhân, Phó bảng. …..



“Côi Trì sơn xuyên dục tú.



Nhân vật tiêu anh xuất Tràng An”



(Bia C«i Tr× Vò héi bi ký )



Đê Hồng Đức có một vai trò rất to lớn về kinh tế trong thời Lê Sơ. Trước hết nó là tuyến đê ngăn mặn, một tuyến đường thành vững chắc đối diện với sóng gió, bảo vệ xóm làng, bảo vệ thành quả lao động của nhân dân ven biển. Hiện nay biển đã lùi xa, đê đã thành đường nhưng bài học kinh nghiệm của một chủ trương, việc làm sáng suốt, vì dân của vua Lê Thánh Tông vẫn còn nguyên giá trị. Dấu ấn của con đê mãi tồn tại trong người dân đồng bằng sông Hồng nói chung người dân Ninh Bình nói riêng.



Tài liệu tham khảo:



1 Côi Trì lịch sử giải âm, viết năm 1911 của nhóm tác giả người Côi Trì đứng đầu là Nguyễn Đình Tuyên.-Tg sưu tầm ở địa phương.



2. Phan Đại Doãn: Tìm hiểu công cuộc khẩn hoang thành lập hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn đầu thế kỷ XIX. Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 3(180) năm 1978



3. Quốc sử quán Triều Nguyễn: Đại Nam Nhất thống chí. Tập 3. NXB KHXH, HN 1971.



4. Quốc sử quán Triều Nguyễn: Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tập I. NXB Giáo dục, HN 2007.



5. Trương Hữu Quýnh: Chế độ ruộng đất ở Việt Nam từ thế kỷ XI đến XVIII, Tập 1: Thế kỷ XI-XV,. NXB KHXH, HN 1982.


(Bài được đăng trên tạp chí Văn nghệ Ninh Bình, tháng 86 tháng 11-2010)