Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2011

Đinh Văn Viễn: MỘT VÀI BIỆN PHÁP HƯỚNG DẪN HỌC SINH SỬ DỤNG SGK TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG THPT

Đinh Văn Viễn:
MỘT VÀI BIỆN PHÁP HƯỚNG DẪN HỌC SINH SỬ DỤNG SGK
TRONG DẠY HỌC LỊCH SỬ Ở TRƯỜNG THPT
  1.  Ý  nghĩa  của  việc  rèn luyện kỹ năng  sử  dụng  SGK Lịch sử cho học sinh THPT.
 Trong các nguồn  tài  liệu,  phương  tiện  và  thiết bị dạy  học  thì  SGK  là  nguồn  tri  thức  và phương  tiện  dạy học đặc  biệt, có sự tổng  hợp nhiều phương  tiện  dạy  học  lịch sử  khác  như bản đồ, biểu đồ, tranh ảnh, bảng biểu, sơ đồ. SGK vừa  là nguồn  tri  thức cơ bản, cần thiết, vừa có sự định hướng cho học  sinh  rèn  luyện  các kỹ năng và phương pháp học tập bộ môn. Đồng thời SGK còn giúp học sinh củng cố, ôn tập, khái quát hoá, hệ thống hoá kiến thức, giúp học  sinh  tự  đánh  giá kết  quả học tập  của  mình  và  còn  góp phần bồi dưỡng cho các em nhiều hiểu biết khác về nhân sinh quan, thế giới quan. 
Rèn luyện kỹ năng sử dụng SGK là một biện pháp hữu hiệu trong dạy học nói chung, dạy học lịch sử nói riêng. Nó phù hợp với xu hướng dạy học lấy học sinh  làm  trung  tâm  trong định hướng  đổi  mới  phương  pháp  dạy  học.
Việc  rèn  luyện kỹ năng khai  thác, vận dụng kiến thức lịch sử trong SGK có ý  nghĩa  quan  trọng  như  vậy  nhưng trong  thực  tế  giảng  dạy  hiện  nay,  việc hướng dẫn học sinh sử dụng SGK chưa được quan tâm đúng mức, hiệu quả còn thấp.  Việc  sử  dụng  SGK  chưa  tương xứng  với  tiềm  năng to  lớn và giá trị đích thực của nó.
2. Một số biện pháp hướng dẫn học sinh sử dụng SGK Lịch sử ở trường THPT.
Sách giáo khoa có vai trò to lớn trong dạy học (nhất là đối với học sinh) như vậy nhưng việc để sử dụng hợp lý nó đòi hỏi giáo viên phải căn cứ vào từng hoàn cảnh, đối tượng học sinh, nội dung bài học cụ thể để hướng dẫn. Sau đây chúng tôi xin giới thiệu một vài biện pháp hướng dẫn học sinh sử dụng SGK trong dạy học Lịch sử ở trường THPT.
Biện  pháp  trước tiên là giáo viên  phải hình thành  ở  học  sinh  tình  cảm  quý trọng SGK Lịch sử, coi kiến thức trong SGK là cơ bản, chuẩn mực
Giáo viên nên bắt  đầu  môn  học bằng sự hứng thú và nhu cầu học tập ở học sinh từ  SGK. Trong các tiết  học đầu năm, giáo viên nên dành một phần thời gian thích hợp để giới thiệu bộ SGK Lịch sử với những giá trị về nội dung, hình thức, công sức  của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước, có thể sơ  lược tiểu sử của một số tác giả tiêu biểu cùng với các cống  hiến  khoa  học nổi bật nhất(ví dụ Phan Ngọc Liên, Phan Đại Doãn, Vũ Dương Ninh, Trần Bá Đệ, Nguyễn Cảnh Minh,...). Đây  là  biện  pháp  tốt để tạo hứng thú với môn học và ý thức thường trực sử dụng SGK trong học tập của học sinh.
Biện  pháp  thứ  hai  là  hướng  dẫn học  sinh  trả  lời  các  câu  hỏi  xen  trong các bài học trên  lớp. Giáo viên nên  tận dụng tối đa số câu hỏi đã có trong SGK nhưng  cũng  phải  có  sự  chuẩn  bị  cách hỏi để phù hợp hơn với từng đối tượng (Giỏi, Khá, Trung bình, yếu) học sinh. Giáo viên cũng nên đặt thêm câu  hỏi  ở  những  nội dung cần thiết khác. 
Ví dụ câu hỏi: Dưới tác động của chính sách khai thác thuộc địa của Pháp, các giai cấp ở Việt Nam có sự chuyển biến ra sao ?(SGK Lịch sử 12- ban Cơ bản, trang 79). Với đối tượng học sinh khá, giỏi, giáo viên không nhất thiết phải gợi ý cách trả lời. Nhưng với các học sinh trung bình, yếu thì giáo viên nên gợi ý, chia tách câu hỏi thành các ý nhỏ để học sinh dễ trả lời (Giai cấp nông dân Việt Nam có sự chuyển biến như thế nào ?, Giai cấp địa chủ có sự chuyển biến như thế nào ?,…). Trong nhiều trường hợp giáo viên nên hướng dẫn học sinh sử dụng kiến thức ở mục, phần nào, trang nào trong SGK để trả lời. (Trong câu hỏi trên giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng kiến thức ở mục 3, phần I, trang 77, 78 SGK Lịch sử 12- ban Cơ bản để trả lời.)
Biện  pháp  thứ  ba  là  hướng  dẫn  học sinh  hoàn  thành  tốt  các  bài  thực  hành trong  SGK  vì đây  là những bài  tập  vừa củng cố kiến thức lý thuyết vừa rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức lịch sử. Ở biện pháp này khi sử dụng, giáo viên cần lưu ý hướng dẫn học sinh phải bám vào kiến thức lý thuyết trong SGK, tránh trình bày lan man, không đúng trọng tâm.
Ví dụ khi dạy xong bài 12: “Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1925”, giáo viên hướng dẫn học sinh sử dụng SGK để hoàn thành bài tập: Lập bảng niên biểu những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc từ năm 1919 đến năm 1925 theo những nội dung:
Thời gian
Nội dung hoạt động
Ý nghĩa của hoạt động



Giáo viên cần hướng dẫn học sinh lựa chọn các kiến thức trình bày ở mục 3, phần II, bài 12: “Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ năm 1919 đến năm 1925” để hoàn thành bài tập
Biện  pháp  thứ  tư  là  chú  trọng hướng  dẫn  học  sinh  khai  thác  tri  thức Lịch sử từ  kênh  hình  trong  SGK.  Sự phong  phú  và  có  tính  mỹ  thuật  của kênh hình trong SGK Lịch sử THPT là  thuận lợi  để  giáo  viên  tạo  sự hứng  thú học  tập  cho học sinh. Vì vậy, cả ở trên lớp và ở nhà, giáo viên nên tận dụng các tranh, ảnh, bản đồ, biểu đồ, sơ đồ, bảng số liệu để hướng dẫn học sinh khai thác tri  thức  Lịch sử đã  được  thể  hiện sinh động, trực quan qua kênh hình.
Ví dụ khi dạy phần II: Cuộc tiến công chiến lược Đông – Xuân 1953-1954 và chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, bài 20 SGK Lịch sử 12- ban Cơ bản, giáo viên nên hướng dẫn học sinh tìm hiểu lược đồ: Hình thái chiến trường Đông Dương trong đông – xuân 1953-1954(trang 148). Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc các kí hiệu trên lược đồ, quan sát lược đồ kết hợp với nội dung trình bày trong SGK để nắm được hình thái chiến trường Đông Dương trong đông xuân 1953-1954. các cuộc tấn công của ta trong đông xuân 1953-1954, vị trí của Điện Biên Phủ, … Kết thúc tiết học, giáo viên ra bài tập về nhà cho học sinh vẽ lại lược đồ trên và tô màu khác nhau vào các vùng ký hiệu, đồng thời kẻ các mũi tên chỉ hướng phân tán quân và đánh dấu những địa điểm Pháp phải tập trung quân. Việc này sẽ giúp học sinh hiểu rõ kế hoạch Nava bước đầu bị phá sản như thế nào và vị trí địa lý Điện Biên Phủ. Đến tiết học sau giáo viên có thể dùng lược đồ để kiểm tra bài cũ của học sinh.
Biện  pháp  thứ  năm  là  chú  trọng hướng  dẫn  học  sinh  sử  dụng  SGK  để thảo  luận nhóm  trong học  tập. Ưu thế của SGK Lịch sử THPT cũng đã tạo thuận  lợi  để  giáo  viên  thực  hiện phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học. Các nhóm học sinh sử dụng SGK cả kênh  chữ và kênh hình để hoàn  thành các  nhiệm  vụ  học tập  dưới  sự  chỉ  đạo của giáo viên. Sử dụng biện pháp này giáo viên cần lưu ý học sinh có thể quá lệ thuộc vào SGK, lấy ngay các nội dung trình bày trong SGK làm câu trả lời hoặc học sinh xa rời SGK. Vì vậy trong khi hướng dẫn thảo luận nhóm, giáo viên hướng dẫn học sinh tham khảo kiến thức trong sách giáo khoa để thảo luận, trả lời câu hỏi đạt hiệu quả nhất.
Ví dụ khi dạy phần I: Tình hình và nhiệm vụ cách mạng nước ta sau hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, giáo viên có thể chia thành ba nhóm: Nhóm 1 thảo luận về tình hình miền Bắc sau năm 1954 và  nhiệm vụ của cách mạng miền Bắc sau năm 1954. Nhóm 2 thảo luận về tình hình miền Nam sau năm 1954 và  nhiệm vụ của cách mạng miền Nam sau năm 1954. Nhóm 3 thảo luận về nhiệm vụ chung của cách cả nước sau năm 1954. Giáo viên hướng dẫn học sinh tham khảo các nội dung được trình bày trong trang 157,158 trong SGK Lịch sử 12- ban Cơ bản để có câu trả lời chính xác.
Biện  pháp  thứ  sáu  là  chú  trọng hướng dẫn học sinh hoàn thành có hiệu quả  các  câu  hỏi  và  bài  tập  cuối bài học (thường là các bài tập học sinh làm ở nhà). Biện pháp này cần phải kết hợp cả khâu hướng dẫn học sinh tự học, tự làm bài tập và khâu kiểm tra, đánh giá ở tiết học sau. Để có hiệu quả cao hơn, giáo viên nên bố trí phân công cán sự bộ môn để nắm được kết quả làm bài tập của các thành viên trong lớp trước khi học bài mới.
Ví dụ khi dạy xong bài 20 SGK Lịch sử 12- ban Cơ bản, giáo viên hướng dẫn học sinh làm các câu hỏi, bài tập trang 156: ”Lập niên biểu các sự kiện lịch sử lớn của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ sau chiến dịch Biên giới năm 1950 đến khi kết thúc cuộc kháng chiến (7-1954)”. Giáo viên có thể hướng dẫn học sinh lựa chọn các sự kiện lịch sử được trình bày từ bài 18 đến bài 20 trong SGK Lịch sử 12- ban Cơ bản để hoàn thành bài tập. Đồng thời để giúp học sinh dễ dàng lựa chọn được các sự kiện lịch sử, hoàn thành được bài tập, giáo viên nên định hướng cho các em lựa chọn sự kiện lịch sử theo từng chủ để: các sự kiện về kinh tế, các sự kiện về chính trị, văn hoá, giáo dục, các sự kiện về quân sự, ...
Cuối cùng cần chú ý là phải có sự kết hợp  linh  hoạt,  sinh  động  giữa  việc hướng  dẫn  học  sinh  sử  dụng  SGK  với các phương pháp dạy học tích cực khác bởi  vì  các phương pháp dạy học cần  có sự kết hợp bổ sung hỗ trợ lẫn nhau.
Tóm lại: Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, học sinh có nhiều nguồn để tiếp nhận kiến thức(trên mạng Intenet, báo, đài...). Nhưng kiến thức từ các nguồn thông tin đó nhất là kiến thức lịch sử chưa hẳn là chính xác, khoa học, đảm bảo tính Đảng. Vì vậy kiến thức trong SGK vẫn là (và phải là) những kiến thức chuẩn mực. Vì vậy việc hướng dẫn học sinh sử dụng SGK Lịch sử là một yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa thiết thực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục bộ môn./.
Tài liệu tham khảo
1.   Phan Ngọc Liên, Trần Văn Trị, Phương pháp dạy học lịch sử, NXB Giáo dục, H. 1992.
2. Sách giáo khoa và Sách giáo viên Lịch sử lớp 10,11, 12, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2006.
3. Tài liệu bồi dưỡng giáo viên thực hiện chương trình SGK Lịch sử lớp 10, 11,12, Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2006. 
(Bài đã đăng trên tạp chí Thiết bị giáo dục, ISSN 1859-0810, số 60, tháng 8-2010)
  Địa chỉ liên hệ: Đinh Văn Viễn.
Giảng viên Khoa Xã hội – Du lịch, Trường Đại học Hoa Lư – Ninh Bình.
Điện thoại: 0949797915.

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

Đinh Văn Viễn: Thiền sư Khuông Việt với hai triều ĐInh, Tiền Lê

  Thiền sư Khuông Việt với hai triều Đinh, Tiền Lê


Bài này tác giả trình bày tại Hội thảo quốc tế: Thiền sư Khuông Việt và Phật giáo Việt Nam kỷ nguyên đầu độc lập(Đại học KHXHNV - ĐH QG Hà Nội và Học viện Phật giáo VN tổ chức ngày 18,19-3-2011.
Quý vị có thể đọc tại một trong các trang web sau:
http://www.daophatngaynay.com/vn/phatgiao-vn/lich-su/7683-Thien-su-Khuong-Viet-voi-hai-trieu-Dinh-tien-Le.html)
http://www.nigioingaynay.com/loadpage.aspx?p=VH&ps=%&id=13998
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số 5 (121) - 2012 ngày 15-8-2012
http://repository.vnu.edu.vn/handle/VNU_123/55256