Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011

Đinh Văn Viễn: Nguyễn Trãi - Nhà giáo dục


NguyÔn Tr·i - Nhµ gi¸o dôc
      
  Thạc sỹ Đinh Văn Viễn
 
       
Chúng ta đã đánh giá rất cao Nguyễn Trãi: nhà chính trị, quân sự, triết học, văn hoá, lịch sử, địa lí, ngoại giao, nghệ thuật,... Nhưng những cống hiến của ông về mặt giáo thì ít được nhắc đến. Bài viết này tìm hiểu Nguyễn Trãi với tư cách một nhà giáo dục.
1. Một đời gắn bó với giáo dục.
Nguyễn Trãi sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học và khoa cử: cha là Nguyễn Phi Khanh vốn là thầy đồ, sau thi đỗ Tiến sĩ (1374), ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Năm 1400, mới 21 tuổi, Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ).
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng: Nguyễn Trãi có nhiều thời kỳ mở trường dạy học. GS.TSKH Dương Thiệu Tống cho rằng Nguyễn Trãi có ít nhất bốn thời kỳ mở trường dạy học: Thời kỳ thứ nhất (trước 1400) khi chưa thi đỗ, tại Nhị Khê; thời kỳ thứ hai trong khoảng 10 năm lưu lạc (1407 - 1416); thời kỳ thứ ba sau khi gặp Lê Lợi và trước khi khởi nghĩa (1416 - 1418); và thời kỳ thứ tư, trước khi gặp thảm họa vì vụ án Lệ Chi Viên (1442) [6; 211-219]. GS Bùi Văn Nguyên: “Chắc chắn Nguyễn Trãi có vài lần trực tiếp dạy học”[4;298].
Sau khi đất nước được giải phóng khỏi giặc Minh, Nguyễn Trãi đã giúp vua Lê Thái Tổ xây dựng và tổ chức lại chế độ giáo dục, thi cử. Ông được nhà vua giao soạn Chiếu cầu hiền tài, Chiếu ban “Hậu tự huấn” để răn bảo Thái tử,.... Sau ông lại được vua Lê Thái Tông cử vào điện Kinh Diên giảng bài cho vua. Năm 1442, ông được cử làm giám khảo cho khoa thi Hội đầu tiên,...
Tuy không phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp nhưng cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách cao thượng của Nguyễn Trãi đã lưu lại dấu ấn đẹp đẽ trong lịch sử dân tộc mà còn có tác dụng giáo dục lớp lớp thế hệ người Việt Nam hiện nay. 
2. Quan niệm của Nguyễn Trãi về giáo dục.
* Về vai trò của giáo dục:
Nguyễn Trãi coi giáo dục là điều kiện hết sức cần thiết cho sự hình thành phẩm chất nhân cách con người. Ông quan niệm giàu có không phải là ở của cải vật chất mà chính là ở chữ nghĩa. Vì thế, không có cách nào khác là phải tự học, tự tu dưỡng bản thân (“Nhiều của ấy chăng qua chữ nghĩa/Dưỡng người cho kẻo nhọc chân tay” [7;977]). Nền giáo dục tốt phải đào tạo được con người toàn vẹn, vừa có đức, vừa có tài.
Nguyễn Trãi chỉ rõ giáo dục có tác dụng làm thay đổi bản tính con người, hướng con người tới bản chất thiện (“Trời phú tính, uốn nên hình/Ắt đã trừng trừng nẻo thuở sinh”[7;856]). Giáo dục đóng vai trò tạo ra “thợ  tốt”, “thầy tốt”(“Nên thợ nên thầy vì có học” [3;1031]); Chăm lo cho giáo dục thì sẽ đạt thành quả như mong muốn, đất nước vững bền, non sông đổi mới”.
* Mục đích giáo dục:
Nguyễn Trãi coi mục đích giáo dục là xây dựng nhân cách con người, tạo ra những người quân tử để phục vụ đất nước. Những phẩm chất cơ bản của người quân tử mà ông nêu lên: có lòng nhân đức, thực hành nhân nghĩa; giữ chữ tín, luôn thức thời, …
Nguyễn Trãi cho rằng, giáo dục còn phải nhằm mục đích hướng về nhân dân, đào tạo họ trở thành người có ích cho đất nước, biết hy sinh, cống hiến cho dân tộc. Ở ông, giáo dục và đào tạo con người là nhằm phát huy sức mạnh nội sinh xây dựng nền thái bình, thịnh trị. Ông coi việc dạy học cần phải đạt mục đích giáo dục tư tưởng nhân nghĩa nhằm thực hiện lí tưởng cứu nước, giải phóng dân tộc và xây dựng cuộc sống hoà bình cho nhân dân.
* Nội dung giáo dục:
Quan niệm của Nguyễn Trãi về nội dung giáo dục tập trung vào giáo dục đạo đức theo tinh thần Nho học. Trong những phẩm chất đạo đức cơ bản của đạo làm người, ông coi trọng giáo dục “nhân”, “nghĩa” (“nhân nghĩa”) “trung”, “hiếu”, “cần”.
Về giáo dục nhân nghĩa
Với Nguyễn Trãi, nhân nghĩa chính là lòng yêu thương con người, thái độ khoan dung; khi có ngoại xâm phải đánh giặc cứu nước; khi hoà bình phải dốc hết tài trí xây dựng đất nước, đem lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Nguyễn Trãi cho rằng, đạo nhân đối với con người không tự có mà phải trải qua quá trình tự tu dưỡng, cũng như cỏ xanh tự sinh trưởng trong tự nhiên vậy [3;663]. Ở đây, ông đã nêu lên tư tưởng về tự giáo dục của mỗi người. Nếu nói theo quan điểm hiện đại thì đó là tư tưởng tự thân vận động, tự thân phát triển trong quá trình tự đào tạo.
            Nguyễn Trãi quan tâm giáo dục tình yêu thương con người và tinh thần trách nhiệm đối với nhau trong từng mối quan hệ xã hội. Đối với anh em, Nguyễn Trãi cho rằng chớ có quên “nghĩa đệ huynh” [3;987], phải biết yêu thương nhau, chớ làm hại nhau vì cùng do cha mẹ sinh ra, cũng như cành, lá, hoa, trái cùng do một cây sinh ra. Đối với những người là học trò, bạn bè cùng học phải coi nhau như anh em. Đối với nhân dân, Nguyễn Trãi đặc biệt chú trọng giáo dục tình yêu thương và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội. Nhân nghĩa vì dân thì làm việc gì cũng phải biết hy sinh lợi ích bản thân, thương yêu dân, bảo vệ dân, làm lợi cho dân, thuận lòng dân. Nhân nghĩa vì dân thì phải thân dân, “có chính sách khoan nhân”, phải tin tưởng sức mạnh của dân(“chở thuyền và lật thuyền cũng là dân” [2-185]). Nhân nghĩa vì dân thì phải “trừ bạo ngược” để “khiến cho dân trong thôn xóm vắng không có một tiếng hờn giận oán sầu”, để “dân giàu đủ khắp đòi phương” [3;946;1025],...
+) Giáo dục trung, hiếu, cần
Chữ “Trung” với Nguyễn Trãi là trung với những ông vua vì dân vì nước. Mở rộng hơn, đó là “trung với nước”.
Nguyễn Trãi tập trung giáo dục thực hiện chữ “trung” gắn liền với tinh thần yêu nước. Theo ông, “trung” là sự biểu hiện tấm lòng trung thành son sắt của mỗi người đối với đối với nhà vua biết vì dân vì nước, với quốc gia. Mỗi khi chúng ta được bưng bát cơm ăn, được sống trong cảnh thanh bình cần phải biết ơn đối với đất nước (“Bát cơm xoa nhờ xã tắc” [3;669]). Mong ước và quyết tâm thôi thì chưa thể gọi là trung được mà phải thông qua mỗi hành động, ví như chỉ khi gặp hoạn nạn, gió bão, mới biết được lòng trung thành, của đạo bề tôi (“Khi bão mới hay là cỏ cứng,/Thuở nghèo thì biết có tôi lành”[3;944]). Không chỉ dừng lại ở đó, “trung” còn được mở rộng ra ở tinh thần trách nhiệm của bề tôi phải làm mọi cách để nước giàu, binh mạnh, đem lại ích lợi cho dân [3;719]. Ở đây, Nguyễn Trãi đã hợp nhất hóa giáo dục chữ “trung”, đó là trung với nước, trung với vua, với triều đình. Trung với nước là vô điều kiện, còn trung với vua, với triều đình là có điều kiện. Điều kiện đó là vua và triều đình phải vì dân(“triều đình khoan nhân”), biết chăm lo dựng xây đất nước, làm cho dân yên ổn.
            Nguyễn Trãi chú trọng gắn liền giáo dục chữ “trung” với giáo dục chữ “hiếu”. Trong quan niệm của ông “hiếu” trước hết là hiếu với cha mẹ, mở rộng ra là hiếu với dân - đó là đại hiếu. Nguyễn Trãi là tấm gương điển hình vượt lên những hạn chế cứng nhắc khuôn mẫu giáo lý về hiếu của Nho gia. Việc ông thực hiện lý tưởng cứu nước do người cha truyền dạy đã có tác dụng giáo dục sâu sắc về sự gắn bó chặt chẽ trong trách nhiệm của người con đối với Tổ quốc, đối với gia đình lớn là nhân dân. Ông cho rằng, đạo hiếu có ở mỗi người nên những người có bổn phận làm con phải lấy lòng thảo kính báo đáp công ơn cha mẹ. Thông qua triết lý dân gian, ông truyền tải tinh thần hiếu thuận một cách rất gần gũi mà ai ai cũng hiểu thấu được: “Sinh được con thì cảm đức cha”, “Có con mới biết ơn cha nặng” [3;725;1013],…
            Về giáo dục chữ “cần”, Nguyễn Trãi tập trung vào vấn đề chăm lo lao động, cống hiến và thực hành tiết kiệm. ông cho rằng, dù tài năng có thể còn hạn chế nhưng người học cần phải thể hiện ý chí quyết tâm tìm hiểu và thực hành đạo lý thánh hiền, nghiền ngẫm kinh sách, phải coi việc đọc sách chuyên cần như việc đảm đương gánh vác công việc triều chính (“Nghiệp cũ thi thư hằng một chức”) [3;650]. Ông đã nêu lên quá trình tích lũy tri thức dẫn đến thành công của người học theo phương châm “phải làm nên việc lớn từ ở việc nhỏ” [2;156]. Ngoài ra, ông còn chú trọng giáo dục tinh thần lạc quan cho người học, nêu cao ý chí vượt khó để đạt tới vinh quang (“Khó khăn thì mặc có màng bao,/Càng khó bao nhiêu chí mới hào” [3;794]). Cuộc đời ông là tấm gương vượt gian khổ để trở thành người “văn chương nổi tiếng. Kinh, sử, bách gia, binh thư thao lược, đều am hiểu cả” [1;275].  
Ở Nguyễn Trãi đã thể hiện rõ tinh thần coi trọng thành quả của nhân dân lao động: “Ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày” [3;977]. ông không chỉ gắn kết giữa lao động trí óc và lao động chân tay mà còn chú trọng giáo dục tình yêu lao động. Bản thân Nguyễn Trãi cũng thể hiện tấm gương yêu lao động, dù “lưng gầy da xỉ tướng lù khù” nhưng ông vẫn làm những việc có ích như “dạy láng giềng mấy sĩ nho” [3;669].
            KẾT LUẬN
Như vậy có thể nói Nguyễn Trãi là một nhà giáo dục lớn của dân tộc. Ông nêu cao vai trò quan trọng của giáo dục đối với việc đào tạo nhân tài, giữ gìn và phát huy đạo đức xã hội, thay đổi bản tính và hoàn thiện phẩm chất nhân cách con người, là con đường tạo ra những sức mạnh vật chất và những lực lượng tiến bộ thúc đẩy xã hội phát triển. Ông chú trọng giáo dục những phẩm chất cơ bản của đạo làm người, tập trung vào nhân nghĩa, trung cần,… và chính ông là một tấm gương sáng về đạo làm người với cốt cách dân tộc và tinh hoa nhân loại.
[1] Phan Huy Chú, 2006. Lịch triều hiến chương loại chí, tập I (Tổ biên dịch Viện Sử học dịch và chú giải).Nxb Giáo dục.
[2] Mai Quốc Liên chủ biên, 2001. Nguyễn Trãi toàn tập (tân biên), tập 2 (in lần thứ hai). Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học.
[3] Mai Quốc Liên chủ biên, 2001. Nguyễn Trãi toàn tập (tân biên), tập 3 (in lần thứ hai). Trung tâm nghiên cứu Quốc học và Nxb Văn học.
[4] Bùi Văn Nguyên, 1984. Văn chương Nguyễn Trãi. Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
[6] Dương Thiệu Tống, 2003. Suy nghĩ về giáo dục truyền thống và hiện đại. Nxb Trẻ. 
(Bài đăng trên Tạp chí Kiến thức ngày nay, số ra ngày 1 tháng 9 năm 2011)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét