Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018



QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ CỦA HỒ CHÍ MINH VỀ XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN CƠ SỞ VÀ VIỆC VẬN DỤNG TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Ths Đinh Văn Viễn, Ths Nguyễn Văn Mão
Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia "Kế thừa và phát huy tư tưởng chính trị Hồ Chí Minh tăng cường thế và lực của đất nước trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập", Đại học Quốc gia tp Hồ Chí Minh, Đại học Phú Yên tổ chức, Phú Yên.
Tóm tắt:
Hồ Chí Minh rất coi trọng chính quyền cấp cơ sở. Điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chính quyền cơ sở là xây dựng chính quyền “bao nhiêu lợi ích đều thuộc về nhân dân”.
Từ khóa: Quan điểm chính trị, Hồ Chí Minh, chính quyền cơ sở, phân cấp quản lý, nhân dân.
Adstract:
Ho Chi Minh attaches great importance to grassroots administrations. The core of Ho Chi Minh's idea of grassroots government is to build the government with "benefits belong to the people".
Key words:
Primary position, Ho Chi Minh, grassroots administration,decentralization, people.

  1. Vị trí vai trò của chính quyền ở cơ sở
Hệ thống 4 cấp của quản lý hành chính nhà nước của nước ta hiện nay gồm: Trung ương - tỉnh, thành phố - quận, huyện và xã. Bốn cấp quản lý này được tổ chức theo một hệ thống dọc. Từ trên xuống sẽ là trung ương - địa phương và cơ sở. Nếu nhìn dưới lên sẽ là cơ sở - địa phương và toàn quốc. Nếu trung ương và toàn quốc được xem là một chỉnh thể, hệ thống của cái vĩ mô, đứng đầu là nhà nước trung ương. Cơ sở thường được xem là cái vi mô, là một tế bào, một phần tử hợp thành của cái vĩ mô - cả nước và toàn quốc.
Chính quyền cơ sở chính là chính quyền xã, phường. Tính đến ngày 12 tháng 4 năm 2018, Việt Nam có 11.162 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 1.594 phường, 606 thị trấn và 8962 xã, trong đó có 336 xã thuộc các thành phố trực thuộc tỉnh, 299 xã thuộc các thị xã và 8336 xã thuộc các huyện.
Chính quyền cơ sở là cấp chính quyền cuối cùng ở nông thôn, gần dân nhất trong hệ thống hành chính nhà nước 4 cấp ở nước ta, là nền tảng của hệ thống chính trị, có vai trò quan trọng trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính quyền cơ sở trực tiếp tuyên truyền, phổ biến và kiểm nghiệm sự đúng đắn, chính xác của đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật và các giải pháp quản lý phát triển xã hội của Nhà nước, việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý chí của nhân dân. Chính quyền cơ sở hoạt động có hiệu quả thì các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dễ dàng đi vào cuộc sống, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển, tạo niềm tin và sự phấn khởi của nhân dân vào Đảng và Nhà nước.
Chính quyền nhà nước các cấp Trung ương, tỉnh, huyện đều thông qua chính quyền cấp cơ sở để phát huy vai trò lãnh đạo, quản lý phát triển xã hội; nếu chính quyền xã không trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả quản lý phát triển xã hội hạn chế, các chính quyền cấp trên khó có thể thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ của mình. Với tư cách là “nền tảng của hành chính nhà nước”, chính quyền cơ sở có vững mạnh thì hệ thống chính quyền quốc gia mới thực sự vững mạnh và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Hồ Chí Minh rất quan tâm đến xây dựng chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cơ sở mà Người gọi là “cấp xã”.
Chính quyền cơ sở là một cấp trong hệ thống chính quyền nhà nước được tổ chức chặt chẽ và thống nhất từ Trung ương cho đến cơ sở. Chính quyền cơ sở, tức các xã, phường, thi trấn là cấp cuối cùng, trực tiếp với nhân dân; là nơi thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Hồ Chí Minh còn coi đây là “nền tảng của hành chính”. Chính quyền cơ sở được sử dụng quyền lực nhà nước để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên địa bàn thuộc chính quyền cơ sở quản lý. Đồng thời là cơ quan gần dân nhất, hiểu dân nhất, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, chăm lo về mọi mặt, mọi hoạt động của cộng đồng dân cư. Cơ sở làng, xã chính là nơi thể hiện trình độ, năng lực làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Trong việc tổ chức thiết lập bộ máy chính quyền các cấp trong đó đặc biệt là ở cơ sở Hồ Chí Minh đã xây dựng một bộ máy vừa mang tính dân chủ nhân dân vừa mang tính tự quản trong việc quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Để có được một bộ máy điều hành quản lý có hiệu lực, hiệu quả Người đã chỉ dẫn về "Cách tổ chức các Uỷ ban nhân dân" của chế độ mới. Người viết: "Uỷ ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương, sau khi khởi nghĩa thắng lợi". Đó chính là công cụ để quản lý của nhà nước, sau khi giành chính quyền cần phải có một bộ máy được tổ chức từ Trung ương cho đến làng xã. Sau một tuần, trong bài "Chính phủ là công bộc của dân" Người tiếp tục khẳng định: "Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương"... Đây là một bộ phận trong cơ cấu bộ máy hành chính nhà nước ở địa phương. Chính quyền địa phương từ làng (xã, huyện, phủ) tỉnh, thành phố là tổ chức hành chính nhà nước ở mỗi cấp; là hình thức chính phủ của nhân dân địa phương đó. Trên cơ sở xác lập và quy định rõ ràng vị trí sẽ bảo đảm cho chính quyền địa phương thực hiện quyền hạn và trách nhiệm trên hai phương diện chủ yếu:
Một là, chính quyền thực hiện vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương cơ sở, bảo đảm thực thi các mệnh lệnh hành chính, các chế định của nhà nước Trung ương.
Hai là, chính quyền do nhân dân bầu ra, là người đại diện cho tâm tư nguyện vọng của nhân dân, có trách nhiệm thực hiện ý chí, quyền lợi của nhân dân.
Tại Điều 1 của Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945 về tổ chức các Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính, một trong những sắc lệnh đầu tiên của Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ban hành về tổ chức của cơ quan chính quyền địa phương cơ sở, đã nêu cụ thể: chính quyền nhân dân địa phương trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ đặt hai thứ cơ quan là Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính.
Hội đồng nhân dân do nhân dân bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu, là cơ quan thay mặt nhân dân, được nhân dân uỷ quyền.
Uỷ ban hành chính do các Hội đồng nhân dân bầu ra là cơ quan hành chính vừa thay mặt cho nhân dân vừa đại diện cho Chính phủ để điều hành quản lý nhà nước, quản lý xã hội trên phạm vi địa phương cơ sở mình phụ trách.
Cùng với việc xác định vị trí, vai trò của chính quyền địa phương là việc xác định cách tổ chức chính quyền, tức là tổ chức hành chính nhà nước ở địa phương. Mặc dù học tập nghiên cứu ở nước Nga nhiều năm, nhưng Hồ Chí Minh đã không áp dụng mô hình xô viết ở các cơ quan, đơn vị sản xuất, công tác như xô viết, nhà máy, xô viết nông trường... mà Hồ Chí Minh đã tiếp thu có chọn lọc mô hình các nước có nền hành chính lâu đời để vận dụng vào điều kiện, đặc điểm lịch sử, xã hội Việt Nam, quyết định lựa chọn mô hình bầu cử theo các địa bàn dân cư, tổ chức chính quyền địa phương theo các đơn vị hành chính. Như vậy, Hồ Chí Minh đã xác định rất sớm và rõ ràng cả về vị trí, phương thức và mô hình tổ chức của chính quyền địa phương cơ sở, với tầm tư duy hết sức sáng tạo đó sau khi giành được độc lập, thành lập nhà nước kiểu mới, hệ thống tổ chức các cơ quan từ Chính phủ trung ương đến làng xã đã hình thành tổ chức bộ máy gọn nhẹ thống nhất, ổn định.
  1. Hồ Chí Minh tư tưởng phân biệt hai mô hình: chính quyền ở nông thôn và chính quyền ở đô thị
Trong Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945 về tổ chức các Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính đã quy định cách tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương cơ sở ở các tỉnh trên địa bàn nông thôn.
Về cách tổ chức: Cấp xã và cấp tỉnh có đầy đủ hai cơ quan là Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính. Riêng cấp huyện và cấp kỳ chỉ có Uỷ ban hành chính, không tổ chức Hội đồng nhân dân. Đây là một tư duy độc đáo mang tính khoa học, thể hiện được tính dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong việc hình thành các thiết chế về tổ chức của chính quyền địa phương, vừa đảm bảo hiệu lực quản lý vừa đảm bảo tính khả thi cao.
Về quyền hạn và phân công, cách làm việc: Ở mỗi cấp đều được xác định hết sức cụ thể, rõ ràng về thẩm quyền và trách nhiệm, cách thức tổ chức, hoạt động của từng cơ quan.
Tiếp đến, ngày 21/12/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 77 về: "Tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã và thành phố". Văn bản đã nêu lên các nội dung phân biệt rõ ràng giữa tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương nông thôn và chính quyền địa phương thành thị.
Trong Điều 2 của Sắc lệnh số 77 xác định: "Cách tổ chức chính quyền nhân dân ở các thị xã cũng y như cách tổ chức chính quyền xã đã xác định trong Sắc lệnh số 63 ngày 22/11/1945". Điều 3 Sắc lệnh 77 ghi rõ: "...ở mỗi thành phố sẽ đặt ba thứ cơ quan: Hội đồng nhân dân thành phố, Uỷ ban hành chính thành phố và Uỷ ban hành chính khu phố... Hội đồng nhân dân thành phố do nhân dân thành phố bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu, là cơ quan thay mặt cho nhân dân thành phố. Uỷ ban hành chính thành phố do Hội đồng nhân dân thành phố bầu ra, vừa thay mặt cho nhân dân thành phố vừa thay mặt cho chính phủ. Ủy ban hành chính khu phố do dân khu phố bầu ra theo lối phổ thông và trực tiếp đầu phiếu là cơ quan vừa thay mặt cho dân khu phố vừa thay mặt cho chính phủ".
Ở thành phố trực thuộc Trung ương có 02 cấp hành chính là thành phố và khu phố. Cấp khu phố không có Hội đồng nhân dân chỉ có Uỷ ban hành chính. Tuy có nét tương đồng với cấp huyện là cấp huyện cũng không có Hội đồng nhân dân nhưng Uỷ ban hành chính huyện do uỷ viên Hội đồng nhân dân các xã bầu, còn Uỷ ban hành chính khu phố do cử tri khu phố trực tiếp bầu ra.
Ngoài ra, việc chế định bỏ phiếu tín nhiệm Uỷ ban hành chính khu phố khi có 2/5 cử tri yêu cầu phúc quyết Uỷ ban hành chính...,hay thể thức ứng cử, bầu cử ở địa bàn đô thị cũng có những điểm khác với địa bàn nông thôn.
Từ sự phân biệt rõ ràng mô hình tổ chức bộ máy và công tác quản lý ở đô thị với nông thôn đã cho thấy rõ sự am tường về tổ chức hành chính nhà nước của Hồ Chí Minh.
  1. Xây dựng tổ chức bộ máy chính quyền cơ sở gọn nhẹ, khoa học
Để quản lý điều hành các hoạt động của nhà nước bảo đảm chất lượng, theo Hồ Chí minh phải xây dựng được tổ chức bộ máy chính quyền gọn nhẹ khoa học nhằm mang lại hiệu quả trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Người đã nghiên cứu và kế thừa có chọn lọc các mô hình thiết chế của một số nước điển hình trên thế giới, đồng thời vận dụng sáng tạo trong điều kiện đặc điểm lịch sử phong tục, tập quán của dân tộc ta để xây dựng một thiết chế phù hợp với bản chất của nhà nước dân chủ. Trong bài " Cách tổ chức các Uỷ ban nhân dân" đăng trên báo Cứu quốc số 40 ngày 11/9/1945, Hồ Chí Minh đã nêu lên cách tổ chức nhân sự của Uỷ ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) gồm từ 5 đến 7 người với các công việc rõ ràng như sau:
1. Một chủ tịch, đứng đầu Uỷ ban, có nhiệm vụ đốc xuất, cử soát các Uỷ viên khác, liên lạc với các cấp bộ trên và các tổ chức trong địa phương, chiêu tập và điều khiển các cuộc họp.
2. Một phó chủ tịch, giúp đỡ và thay Chủ tịch khi anh này bận hay đi vắng.
3. Một thư ký giữ sổ sách, làm biên bản trong các cuộc hội họp.
4. Một uỷ viên phụ trách chính trị có nhiệm vụ thành lập toà án dân chúng trừng trị những kẻ phạm tội, trái luật, do thám, tiễu trừ Việt gian. Tuyên truyền hay huấn luyện chính trị cho dân, làm cho họ đoàn kết chặt chẽ xung quanh Chính phủ.
5. Một Uỷ viên phụ trách kinh tế tài chính, có nhiệm vụ:
a. Giữ và dùng quỹ địa phương, quyền tiền, thu thuế...
b.Khuyếch trương nền kinh tế địa phương; nâng cao trình độ nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp.
c. Cải tiến đời sống cho nhân dân.
6. Một Uỷ viên phụ trách quân sự có nhiệm vụ:
- Đốc suất tự vệ giữ vững an toàn cho nhân dân.
- Võ trang và huấn luyện quân sự,...
7. Một uỷ viên phụ trách xã hội có nhiệm vụ:
- Tổ chức và giám đốc các cơ quan y tế, vệ sinh, cứu tế...
- Tổ chức và điều khiển những cuộc giải trí công cộng, du lịch, ca kịch,...
- Tổ chức và trông coi công cuộc giáo dục nhân dân: mở trường học chống nạn mù chữ, mở thư viện,...
Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Thư ký có thể kiêm phụ trách hoặc kinh tế, tài chính, hoặc tuyên truyền huấn luyện, hoặc quân sự, xã hội.
Họp Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký thành Ban thường vụ để chỉ huy công tác hàng ngày.
Tiếp đó trong hai ngày liên tiếp Hồ Chí Minh có bài viết trên báo Cứu quốc chỉ dẫn về tổ chức, hoạt động của các UBND. Đó là bài: "Thiếu óc tổ chức, một khuyết điểm lớn trong các Uỷ ban nhân dân"(Báo Cứu quốc ra ngày 4/10/1945), Người đã chỉ rõ: "Một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các Uỷ ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức. Về cán bộ hành chính, ta phải thú nhận là thiếu rất nhiều. Người đi tuyên truyền, người chiến đấu thì có. Người ngồi bàn giấy làm việc cai trị rất hiếm. Vào trụ sở một Uỷ ban nhân dân, người ta nhận thấy sự lộn xộn trong việc xếp đặt bàn giấy...Trong một Uỷ ban nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc...Chia công việc không khéo thành ra bao biện...”.
Trong bài "Tinh thần tự động trong Uỷ ban nhân dân" (báo cứu quốc số 59 ngày 5/10/1945), Người nhấn mạnh "...Nhiều uỷ viên trong các Uỷ ban đã được phân công rõ ràng, đã nhận phụ trách một việc nhất định, không biết xoay xoả nghĩ cách thực hành công tác cho có hiệu quả, lại nhất nhất điều gì cũng chỉ đòi hỏi chủ tịch hay thượng cấp, không biết tự quyết, tự định cái gì, như vậy làm sao công tác phát triển được. Có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ...". Nói tóm lại các nhân viên trong các uỷ ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện.
Người nhắc nhở, chỉ ra cách chia công việc cho khéo léo, tổ chức trong các uỷ ban sao cho có khoa học, cán bộ làm việc phải có tinh thần tự chủ, có ý thức cao, cần phải làm việc một cách có phương pháp khoa học, không trông chờ ỷ lại người khác, có như vậy hoạt động của các cơ quan nhà nước mới có hiệu quả.
Trong Sắc lệnh số 63 còn quy định cách tổ chức Ủy ban hành chính các cấp, ấn định mỗi xã đặt một uỷ ban hành chính gồm có 5 uỷ viên chính thức (01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch, 01 thư ký, 01 thủ quỹ và 01 uỷ viên) và 02 uỷ viên dự khuyết. Mỗi huyện đặt một uỷ ban hành chính gồm 03 uỷ viên chính thức (01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch, 01 thư ký) và 02 uỷ viên dự khuyết. Mỗi tỉnh đặt một uỷ ban hành chính gồm 03 uỷ viên chính thức (01 chủ tịch, 01 phó chủ tịch, 01 thư ký) và 02 uỷ viên dự khuyết.
Cơ cấu nhân sự uỷ ban hành chính các cấp đã thể hiện hết sức tinh gọn, vị trí, chức năng nhiệm vụ của mỗi chức danh rất rõ ràng, cụ thể và các vị trí của các chức danh có thể kiêm nhiệm. Trên cơ sở của những chỉ dẫn đó cách thức tổ chức cũng như về chức năng nhiệm vụ được thể hiện hết sức cụ thể trong những quy định của Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp 1959 và những văn bản pháp luật trong quá trình lãnh đạo của Hồ Chí Minh lúc sinh thời.
  1. Trách nhiệm, tư cách phẩm chất đạo đức của cán bộ cơ sở
 Hồ Chí Minh rất coi trọng đến phẩm chất và năng lực của người cán bộ cách mạng. Người cho rằng, đối với người cán bộ cách mạng, hai mặt đức và tài, phẩm chất và năng lực, không thể thiếu mặt nào, cũng không thể coi nhẹ mặt nào. Người chỉ rõ: “Có tài phải có đức, có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nhà nước. Có đức không có tài, như ông Bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Đức của người cán bộ, đảng viên là đạo đức cách mạng. Người coi đạo đức cách mạng là “nền tảng”, là “cái gốc” của người cán bộ. Đức của người cán bộ cách mạng thể hiện ở phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, là lòng trung thành vô hạn đối với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, với chế độ XHCN; là trình độ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng XHCN, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì mục tiêu, lý tưởng cao đẹp đó. Đức được thể hiện ở sự trong sáng, thành thật, trung thực, không cơ hội, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, biết hy sinh lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Có lối sống trong sạch, lành mạnh, gần gũi với quần chúng, gương mẫu gắn bó với nhân dân, khiêm tốn học hỏi, thực sự cầu thị. Có tinh thần đoàn kết, thương yêu, tương thân, tương ái lẫn nhau. Đức là cái gốc giúp người cán bộ cách mạng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó. Người nói: “cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”.
Tài được thể hiện ở trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ, khả năng nhận thức đúng các quy luật, sáng tạo trong giải quyết công việc; luôn làm chủ được tri thức khoa học và có khả năng hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực chuyên môn của mình. Bác nói: “Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn; chính trị là đức, chuyên môn là tài”. Người chỉ rõ: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thành thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn, không thể lãnh đạo chung chung”.
Hồ Chí Minh cho rằng “Đức” và “Tài” của người cán bộ, đảng viên phải luôn kết hợp chặt chẽ với nhau, là hai mặt không tách rời mà hoà quyện với nhau, là cơ sở, điều kiện, tiền đề của nhau, thúc đẩy lẫn nhau để hoàn thiện hình thành nhân cách người cán bộ cách mạng.
Từ việc coi trọng cả “Đức” và “Tài” trong đó coi “Đức” là gốc, Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ trong đó có cán bộ cấp cơ sở cần có tinh thần trách nhiệm của mình trong thực thi công việc.
Khi nói về trách nhiệm của cán bộ, công chức đối với nhà nước, đối với nhân dân, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề một cách giản dị mà sâu sắc trong tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc". Người đã nêu lên: "Nếu chúng ta hỏi cán bộ “Việc đó làm cho ai? Đối với ai phụ trách? Chắc số đông trả lời: “Làm cho Chính phủ hoặc Đảng, phụ trách trước cấp trên”...Câu trả lời đó chỉ đúng một nửa. Nếu chúng ta lại hỏi: “Chính phủ và Đảng vì ai mà làm việc đó? Và phụ trách với ai?" thì e nhiều cán bộ sẽ không trả lời được.Chính phủ và Đảng chỉ mưu giải phóng cho nhân dân, vì thế, bất kỳ việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân mà làm và chịu trách nhiệm trước nhân dân". Đó chính là tinh thần trách nhiệm làm việc của người cán bộ, cần phải nhận thức hết sức sâu sắc trước thái độ làm việc của mình.
Nói về tư cách phẩm chất của cán bộ chính quyền địa phương, cơ sở. Hồ Chí Minh cho rằng còn quá nhiều yếu kém. Người nhận định: "phần nhiều cấp xã là uể oải, thiếu năng lực, kém tinh thần", do vậy cần phải tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ ở cơ sở cả về năng lực và phẩm chất. Trong "Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà" Hồ Chí Minh dành phần lớn những lời tâm tình chỉ bảo về sửa đổi những khuyết điểm trên các phương diện để đưa sự nghiệp kiến quốc tiến lên. Người chỉ ra những khuyết điểm lớn ở địa phương là khuynh hướng chật hẹp và bao biện, lạm dụng hình phạt, kỷ luật không nghiêm, hủ hoá...Người chỉ rõ, những khuyết điểm trên làm ảnh hưởng rất lớn đến tư tưởng nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân, do đó cần phải chỉnh đốn lại.
Trong bài viết "Bỏ cách làm tiền ấy đi" trên báo Cứu quốc ngày 17/10/1945, Người phê phán những biểu hiện tiêu cực và cảnh báo: "Bán ngôi thứ làm cho óc người đen tối thêm".
Trong "Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng" Người chỉ ra những lỗi lầm nặng nề mà chính quyền các cấp phải sớm sửa chữa:
"1. Trái phép - Những kẻ Việt gian phản quốc, chứng cớ rõ ràng thì phải trừng trị đã đành, không ai trách được.
Nhưng cũng có lúc vì tư thù, tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán.
2. Cậy thế - cậy thế mình ở trong ban này ban nọ rồi ngang tàng, phóng túng, muốn sao được nấy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân, quên rằng dân bầu mình ra là để làm cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.
3. Hủ hoá - ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ,, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?
Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên, cho đến các cô, các cậu uỷ viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?
4. Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài...
5. Chia rẽ - Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hoà thuận với nhau...Quên rằng lúc này ta phải toàn dân đoàn kết, không chia già trẻ, giàu nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung.
6. Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt " quan cách mạng" lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ...”. Nguời nhắc nhở mỗi cán bộ công chức không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”.
Trong bài "Đạo đức cách mạng" trên báo Nhân dân số 458 ngày 04/6/1955, Người đã nêu lên yêu cầu: muốn cải thiện đời sống thì trước hết phải ra sức thi đua phát triển sản xuất và phải nâng cao mức sống của nhân dân, rồi mới nâng cao mức sống của cá nhân mình, tức là: "Lo, thì lo trước thiên hạ, hưởng, thì sau thiên hạ". Người cũng chỉ ra: ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ trong và ngoài Đảng hủ hoá. Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm: kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân.
5. Vấn đề vận dụng quan điểm chính trị của Hồ Chí Minh trong việc xây dựng chính quyền cơ sở ở nước ta hiện nay

Việt Nam đang đẩy mạnh cải cách, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tất cả quyền lực thuộc về toàn dân. Những quan điểm chính trị của Hồ Chí Minh về xây dựng chính quyền cơ sở có ý nghĩa rất quan trọng, thiết thực vào công cuộc cải cách, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nhất là xây dựng chính quyền cấp cơ sở. Từ những quan điểm chính trị của Hồ Chí Minh về chính quyền cơ sở cho chúng ta một số bài học sau:
Thứ nhất, xây dựng chính quyền cơ sở phù hợp với điều kiện đặc thù từng khu vực
Việt Nam là nước có hệ thống chính quyền từ Trung ương đến địa phương được xây dựng trên nguyên tắc “quyền lực là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Nhưng với mỗi khu vực nông thôn, đô thị có chính quyền cơ sở phù hợp. Hiến pháp năm 2013 xác định việc xây dựng chính quyền cơ sở sao cho phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo. Mỗi địa phương đều có những điều kiện, đặc điểm về địa lý, dân cư, mức sống, trình độ và nhu cầu phát triển khác nhau. Các cơ quan chuyên trách ở mỗi địa phương cũng có thể khác nhau để phù hợp với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của từng địa phương. Nơi nào có thế mạnh về nông nghiệp phải có bộ phận chuyên trách về nông nghiệp; địa phương có thế mạnh về thủy, hải sản thì cần có bộ phận chuyên trách về ngư nghiệp,… Việc xây dựng chính quyền cơ sở như vậy tạo điều kiện cho mỗi địa phương có thể xây dựng bộ máy chính quyền phù hợp với những nét riêng của địa phương mình.
Thứ hai, xây dựng chính quyền cơ sở phải đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở
Các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội đều trực tiếp diễn ra ở cấp cơ sở. Chính quyền cơ sở trực tiếp tiếp xúc, làm việc với nhân dân đáp ứng nhu cầu của mỗi người dân sao cho vừa đúng pháp luật, vừa phù hợp với truyền thống, điều kiện của mỗi cư dân trên địa bàn. Nếu chính quyền cơ sở làm việc có hiệu quả thì đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống thực tế của nhân dân. Tạo ra sự tin tưởng, phấn khởi gắn kết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Ngược lại, những vướng mắc, thắc mắc của nhân dân không được chính quyền địa phương đề cập hay giải quyết thấu đáo dễ gây nên những phản ứng của người dân đối với chính quyền nhà nước, với sự lãnh đạo của Đảng.
Việc giải quyết các công việc của chính quyền cơ sở cần mềm dẻo, linh hoạt trên cơ sở Hiến pháp và pháp luật. Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn phê bình nhiều Ủy ban nhân dân trong giải quyết công việc tại địa phương: “khi nhận được mệnh lệnh gì của cấp trên là chỉ biết cắm đầu, cắm cổ thi hành (…) một cách máy móc. Họ không biết tùy vào hoàn cảnh địa phương, tùy tình thế từng lúc mà châm chước đi, không biết biến báo, làm khác đi ít nhiều cho được thích hợp”.
Thứ ba, chú trọng nâng cao năng lực và phẩm chất của cán bộ chính quyền cơ sở
Hồ Chí Minh cán bộ coi cán bộ là mấu chốt của tất cả các vấn đề; cán bộ có tốt thì việc gì mới xong; việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém... Đội ngũ cán bộ của chúng ta hiện nay còn bộ lộ nhiều yếu kém. Một bộ phận cán bộ, công chức thoái hóa về đạo đức lối sống. Hơn nữa chất lượng của cán bộ nói chung, cán bộ ở cơ sở nói riêng còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ mới…
Việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ được đặt thành nhiệm vụ hàng đầu của chính quyền cơ sở. Cán bộ phải có tinh thần đoàn kết, tận tụy phục vụ nhân dân, “tránh tư tưởng chủ quan thỏa mãn, tránh tác phong quan liêu, mệnh lệnh, phải khắc phục lề lối làm việc luộm thuộm”.  Phải “xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương”. Đồng thời đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tệ tham nhũng, lãng phí,… .
Cần xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm đối với mỗi cán bộ, công chức của chính quyền cơ sở, nhất là người đứng đầu Ủy ban nhân dân và các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân.
Đồng thời Nhà nước cần có chính sách tiền lương, phụ cấp, khen thưởng thỏa đáng về mặt vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho cán bộ, công chức chính quyền địa phương phát huy năng lực của mình; tận tụy với công việc.
Tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước kiểu mới ở Việt Nam được thể hiện rõ ở việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; một nhà nước thống nhất từ trung ương xuống địa phương, cơ sở và mọi quyền lực trong đó đều thuộc về nhân dân; một nhà nước điều hành quản lý xã hội bằng pháp luật kết hợp với giáo dục đạo đức. Trong nhà nước đó, chính quyền ở địa phương mà đặc biệt là cấp cơ sơ có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Đây là cấp gần dân nhất, hiểu dân nhất. Do vậy, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, trong đó có công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn thì việc xây dựng chính quyền ở cơ sở bảo đảm trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả là công việc cần thiết trong giai đoạn hiện nay ở mỗi địa phương trong cả nước.
Trong giai đoạn hiện nay, công cuộc cải cách, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang được đẩy mạnh thì chính quyền cơ sở càng có vai trò quan trọng. Việc vận dụng những quan điểm chính trị của Hồ Chí Minh về chính quyền cơ sở càng có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết.
Tài liệu tham khảo
[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (20161), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016.
[2]. Quốc hội (2015), Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.
[3]. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[4]. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[5]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, tập 13, Nxb, Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[6]. Văn phòng Quốc hội (1995), Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét