Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018




NINH NGẠN (1715-1781) VFA TÁC PHẨM VŨ VU THIỂN THUYẾT
Đinh Văn Viễn
Tạp chí Xưa và Nay, số 495, tháng 5 năm 2018, tr 22-25 (ISSN 868-331X).


Tóm tắt:
Ninh Ngạn (1715-1781) người làng Côi Trì ( nay thuộc Yên Mỹ, Yên Mô, Ninh Bình). Bài viết tìm hiểu một số quan niệm của ông về Nho giáo, giáo dục. Quan niệm, tư tưởng của ông được thể hiện rõ nhất trong tác phẩm Vũ vu thiển thuyết. Những quan niệm này đặt trong bối cảnh thế kỷ XVIII là khá tiến bộ.
Từ khóa:
Ninh Ngạn, làng Côi Trì, Nho giáo, giáo dục, Vũ vu thiển thuyết, thế kỷ XVIII.
Adstract:
Ninh Ngạn (1715-1781) is Côi Trì villager (present-day Yên Mỹ ward, Yên Mô district, Ninh Bình province).  
This article studies some of his notions of Confucianism and education. His thoughts are best expressed in the works of Vu Vu Thien Thuyet.  The perceptions are considered to be quite progressive in the context of the XVIII century.
Keywords:
Ninh Ngạn, Côi Trì village, Confucian, education, Vu Vu Thien thuyet, the XVIII century.

Ninh Ngạn hiệu Dã Hiên, Hy Tăng cư sỹ, sinh ngày 13 tháng 12 năm Ất Mùi, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), mất ngày 3 tháng 3 năm Tân Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 42 (1781). Ông người làng Côi Trì, nay thuộc xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Tổ tiên họ Ninh vốn ở Ninh Xá, Vọng Doanh, đến khai hoang lập ấp ở Côi Trì, Yên Mô, Ninh Bình từ đời Lê Hồng Đức. Bố ông tên huý là Lệnh tên thật là Dật tên hiệu là Hoằng nghị tiên sinh đỗ Hương cống làm quan huyện ở Quảng Bình được ấm thụ Đông các đại học sĩ do có con trưởng đỗ Hoàng giáp làm thừa chỉ.
Qua một số tài liệu cho chúng ta biết về Ninh Ngạn là người “thông minh đĩnh ngộ”, “phong tư cao, coi khinh giầu sang, chí bền chẳng đổi”, “học hành và xử thế tốt, 24 tuổi vào trường Quốc học, đỗ Cử nhân năm 36 tuổi. Năm 45 tuổi được bổ làm Hiến phó tán chức do trước đó có công triệu tập hương dũng tiểu phỉ ở Bồ Xuyên giúp dân sống yên ổn”.
Ông tuy sống nơi thôn dã nhưng vẫn chú ý giáo dục học trò, đem điều nghĩa cổ vũ Văn hội, đặt lệ nuôi các bậc kỳ lão, đề xuất việc khai hoang, vạch rõ cương giới ruộng đồng, mở chợ để dân trao đổi nông sản và đoàn kết hương thôn. Ông chính là người chủ trì việc phân chia cương giới, mở chợ Bút năm 1761. Bia “Côi Trì Bút thị bi ký” khắc năm Cảnh Hưng thứ 16 (1755)  ghi lại việc hai xã Côi Trì và Yên Mô thượng (nay là xã Yên Mạc) ký giao ước, theo đó Yên Mô thượng nhượng cho Côi Trì 35 đạc (đạc: đơn vị đo diện tích của địa phương thời cổ. 01 đạc = 08 mẫu Bắc bộ), hai bên chôn cột đá phân chia ranh giới. Phía Côi Trì, dưới chủ trương của Ninh Ngạn đã dùng khu đất được nhượng đó mở chợ, đặt tên là chợ Bút (hiện nay chợ Bút là chợ lớn của huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) để dân hai xã đến trao đổi buôn bán. Từ đó không còn chuyện tranh chấp nữa”. Trong gia đình, ông nuôi dạy các em, phụng thờ cha mẹ với lòng hiếu kính. Vợ mất, ông nuôi dạy các con rất chu đáo, kén thày, chọn nơi cho học hành ở chốn kinh thành. Khi con trưởng là Ninh Tốn được tiến triều giữ chức phó Tri Hình phiên thăng Hiến sứ Sơn Nam, về sau đỗ Hội nguyên tiến sĩ khoa Mậu Tuất năm 1778 được giữ chức Thiêm sai Tri binh phiên, làm ở Viện cơ mật, Thư hình bộ Hữu bộ thị lang, Đông các đại học sĩ. Ông có gửi thư cho con trong thư viết: “Chở thuyền và lật thuyền là nước, làm cho vinh và cũng làm cho nhục là quan. Ta có cái đầu của văn trung tử. Người đời tuy có nhiều trước tác nổi tiếng là tác phẩm văn chương tử trung thuyết, nếu con biết chính tâm tu thân, lấy trung thuận mà thờ vua thanh liêm, chăm chỉ mà làm việc thì so với phụng sự bằng ngọt bùi còn quý hơn nhiều”. Cũng do dạy con đến nơi đến chốn, thi đỗ đạt trở thành người hữu ích cho xã hội mà năm Canh Tý 1780 ông được thụ Hàn lâm viện Thị độc.
Bốn lần thi hội không toại nguyện ông chán cảnh trường trung, ghét chuyện thế, lợi … về ở ẩn ở núi Vũ Vu để viết sách và làm thơ.  Tại đây, Ninh Ngạn đào tạo nhiều học trò, cổ vũ văn hội, đặt lệ nuôi các bậc kỳ lão, đề xuất việc khai hoang phục hóa, vạch rõ cương giới ruộng đồng, ... Sau thời gian “điềm tĩnh tu dưỡng…. về già bỗng siêu ngộ,…đem tâm đắc viết sách, đặt lời, nhan đề Thiển thuyết để dạy cháu con.
Năm 1781, sau một trận sốt, biết triệu chứng gần đất xa trời, Ninh Ngạn bèn làm câu đối tự viếng:
Lục thập thất niên mộng kiếp, dĩ giác thử sinh
Bát bách duệ tuế thọ my năng vô nhất tử.
Tạm dịch:
Sáu mươi bảy tuổi mà kiếp này đã tỉnh
Hơn tám trăm năm hưởng thọ một chết ai không.
Ông cho gọi con cháu vào để nhìn lần cuối, rồi bảo với các con trai: “Ta nằm đã ngay ngắn chưa? và nói: Ta sắp cùng Nhan, Tăng, Tư, Mạnh cùng đi du ngoạn”. Ông tự đặt tên thuỵ Văn Định tiên sinh, rồi nhẹ nhàng trút hơi thở cuối cùng. Tiến sĩ Vũ Huy Đĩnh viết bài ký bia Dã Hiên tiên sinh mộ biểu kể về hành trạng của Ninh Ngạn trong đó có câu: “Sống không sai lẽ phải, chết được làm thần”.
Sau khi ông mất, dân làng Côi Trì tôn ông làm hậu thần. Ông và 7 người khác có công lớn với làng Côi Trì được phối thờ cùng Thành hoàng tại đình làng. Đến nay dân Côi Trì vẫn gọi đây là “bát vị hậu thần” cúng tế hàng năm.
Tác phẩm của Ninh Ngạn gồm có “Vũ Vu thiển thuyết”, “Phong vịnh tập”, “Ninh tướng công hành trạng” và hai bài thơ được khắc ở bãi đá vườn Vải, bãi Vũ Vu, nơi ông từng ở ẩn.
Trong các tác phẩm của Ninh Ngạn thì Vũ Vu thiển thuyết được con trai là Ninh Tốn dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781), tức là ngay sau khi cha mất, hiện đặt tại nhà thờ họ Ninh ở xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Tác phẩm gồm 3 phần.
Phần 1 là lời dẫn ghi lại sự nghiệp của Ninh Ngạn và tác phẩm của ông.
Bài văn có đoạn: “Tốn tôi vâng lời di huấn của cha, thẹn nỗi chưa làm theo được hết, bèn tự tay chép sách của Người vào đá rồi thuê thợ khắc để chỉ bảo cho đám con cháu muốn dốc lòng cầu đạo”
Phần 2 khắc toàn văn bộ sách gồm 2 quyển thượng, hạ, gồm 45 chương sách.
Chương 1 và 2: Bàn về chữ Hiếu, cách đánh giá, thế nào là hiếu, là bất hiếu.
Chương 3: Quan hệ giữa nuôi và dạy con cái trong gia đình.
Chương 4 và 5: Bàn về chữ Trung, nội dung và biểu hiện của lòng trung.
Chương 6 và 7: Bàn về quan hệ vợ chồng.
Chương 8: Bàn về điều Nhân.
Chương 9: Bàn về chữ Tín.
Chương 10: Bàn về đạo làm người.
Chương 11: Biện luận về “dục chướng” và “lý chướng”. Quan hệ giữ “Lý” và “Đạo”.
Chương 12: Giải thích về “bệnh thể” và “bệnh tâm”. Ba loại bệnh tâm là “giầu”, “sang”, “thọ”.
Chương 13: Coi điều thiện làm thầy. Ai có điều thiện, dầu là kẻ dưới, đều nên coi là thầy mà học.
Chương 14: Những biểu hiện khác nhau của Lý, áp dụng trong các mối quan hệ xã hội khác nhau.
Chương 15: Người quân tử với điều nhân.
Chương 16: Cái lý trong Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Chương 17: Kinh và Quyền, hai mặt thống nhất giữa Kinh và Quyền.
Chương 18: Bàn về Đạo học của Tống Nho. Những hạn chế của nó.
Chương 19: Những hạn chế của danh thần đời Tống như Hàn Kỳ, Tư Mã Quang… là không biết nghe người dưới.
Chương 20: Quan hệ giữa Trí thông minh và Tâm cầu đạo.
Chương 21: Hành động theo quy luật tự nhiên.
Chương 22: Quan hệ giữa “Nghĩa” và “Lợi”.
Chương 23: Dùng khách quan để đối chiếu lại mình, sửa bệnh chủ quan.
Chương 24: Học không nệ cổ, không hùa theo tục.
Chương 25: Chuyên tâm làm điều thiện.
Chương 26: Những biểu hiện thiên hình vạn trạng của Lý, công hiệu của Lý.
Chương 27: Vấn đề “lập đức”.
Chương 28: Bàn về “liêm” và “trực”; “Bán liêm” và “Bán trực”.
Chương 29 và 30: Làm điều tốt không cốt ở tiếng khen, đánh giá người phải xét lời nói và việc làm.
Chương 31 và 32: Vấn đề tu dưỡng đạo đức, lập thân, lập danh.
Chương 33 và 34: Những điều cần tránh: Rượu chè cờ bạc, sắc dục, lười biếng, nói năng khinh suất.
Chương 35: Làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác.
Chương 36: Vấn đề thành kính trong tế lễ.
Chương 37 và 38: Bàn về xét mình, sửa mình, làm điều thiện, tránh điều ác.
Chương 39: Bàn về sống và chết.
Chương 40: Bàn về vinh và nhục.
Chương 41: Quan hệ giữa thân và đạo.
Chương 42: Bàn về “dụng tâm” và “vô tâm”, “cố kết” và “cảm hóa”.
Chương 43: Nhận xét về Thuấn, Cổ Tẩu và Tượng.
Chương 44: Quan hệ giữa giầu sang và nghèo hèn với Đạo.
Chương 45: Bàn về “khí”, về “âm dương” về “tri giác”. Những biểu hiện muôn vẻ của “khí”.
Phần 3: Lời bạt của tiến sĩ Chu Doãn Mại (hiệu Hy Thích, người Dục Tú, Đông Ngàn (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội)) đỗ cùng khoa với con trai của Ninh Ngạn là Ninh Tốn. 
Vũ vu thiển thuyết được đánh giá là tác phẩm văn học, triết học có giá trị. Tác phẩm chứa đựng những quan niệm tiến bộ trong nhận thức về Nho giáo, về giáo dục.
Nho giáo vốn dĩ rất coi trọng đạo trung - hiếu (trung với vua, trung quân ái quốc; hiếu với cha mẹ - tổ tiên); Tam cương (vua - tôi, cha - con, vợ - chồng); Ngũ thường (nhân, nghĩa, lễ, trí, tín). Đạo trung hiếu cương thường được coi là rường cột của xã hội phong kiến Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên Ninh Ngạn có những quan niệm rất khác, rất linh hoạt, mang tính thực tiễn, chứa đựng tinh thần nhân văn, nhân bản và cả sự sáng tạo.
Về “trung” nếu như quan niệm của Nho gia theo kiểu “vua bảo chết mà không chết là bất trung” thì Ninh Ngạn cho rằng: “vua cho việc ấy là trung, chưa đủ là trung”. Ông cho rằng trung với vua không chỉ là tuân mệnh vua, nếu gặp ông vua tàn ác như Kiệt, Trụ thì “không coi là có vua, …thường làm điều thiện mới là trung”.
Về chữ “Hiếu”, Ninh Ngạn cho rằng những biểu hiện bề ngoài, việc người đời đáng giá chưa đủ coi là có hiếu mà quan trọng hơn cả chính là “Hiếu phải đạt đến đức”, “chủ yếu ở cái tâm”.
Chữ “Tín” là khi làm việc gì đó cốt sao để “không thẹn với trời đất”.
Người có nhân thì phải biết mang hết sức ra giúp đỡ người khác: “lúc có người cầu mong chữa bệnh, mang khả năng ra nâng đỡ họ”.
Người quân tử phải “liêm, trực”, phải học “đạo lý”, “tu thân, học tập, lập thân, nên danh” để “có khả năng để tiếng cho đời, sau có thể mang vinh hạnh cho cha mẹ, vợ, con, anh, em”. “Ngày thường ở đời, lúc chưa thành đạt, thường lấy việc có ích mà làm. Khi thành đạt, làm vẻ vang tổ tiên, cha mẹ, lấy việc làm mà cảm hoá mọi người, đưa họ cùng về đường thiện. Khi sống thì có ích cho đời, khi mất để tiếng cho đời sau”.
Cũng qua tác phẩm Vũ vu thiển thuyết còn phản ánh những quan niệm tiến bộ về giáo dục của Ninh Ngạn. Ông cho rằng việc học trước hết phải là “học đạo làm người”. Mục đích của việc học là để “lập thân, nên danh”, “để tiếng cho đời”. “Việc học của người quân tử thì tâm chẳng ngoài cầu đạo, tiến tới lập thân”.
Người làm thày là người “làm điều thiện”. Người thày phải là người mẫu mực: “Khéo léo mà làm thày, chắc chưa đủ đạo vậy. Nên xét theo lời nói có thể là thày. Lời nói có thể là thày (khiến theo) việc làm của thày có thể là thày”.
Với ông việc học không phải chỉ biết học thuộc lòng sách vở mà phải biết suy nghĩ, ứng biến cho phù hợp. “Việc học có thể ứng biến, việc học đạo Nho ta có hai chữ “kinh” (bất biến) “quyền” (biến), lúc cần có thể kinh, quyền”.
Đặc biệt ông chỉ ra hạn chế trong cách học của người đương thời: “Việc học của người ngày nay có khả năng lý thuyết rất ít, … lời nói gần lý mà thực lại xa, không sáng tỏ lý”. Từ đó ông cho rằng: “Việc học của người hiền từ không câu nệ cổ xưa mà gắn với đời, cổ xưa có thể không phù hợp với nay cho nên không nệ cổ”. Đây là một quan niệm tiến bộ của Ninh Ngạn.
Đương thời, Ninh Ngạn cũng như tác phẩm Vũ vu thiển thuyết được đánh giá rất cao. Tiến sĩ Chu Doãn Lệ (hiệu Hy Thích, người Dục Tú, Đông Ngàn, Bắc Ninh) viết: “người đời nay học mà biết nói đến nghĩa lý quả rất hiếm. Thảng hoặc có đi nữa thì cũng thường là người thiển cận, bị hạn chế ở chỗ đứng thấp. Người cao xa thì bị đắm đuối vào chỗ viển vông, người khéo léo thì cố đi vào gọt rũa, mài đẽo, chứ chưa hề ai nói gần mà chỉ được xa, lời không phiền toái rườm rà mà lý rất rõ như ở Vũ vu thiển thuyết”. Đó là sự đánh giá cao, khách quan về Vũ vu thiển thuyết và Ninh Ngạn, một nhà hiền triết, nhà thơ.
Tóm lại, cuối thời Lê Sơ, chế độ phong kiến Việt Nam, những cuộc chiến tranh giành quyền lực kéo dài giữa Lê và Mạc, Trịnh và Nguyễn, kéo theo sự sa sút của Nho giáo. Việc học tập, thi cử Nho học vẫn được duy trì, song cả về mục đích, nội dung đã có sự xa rời đạo lý thánh hiền Khổng – Mạnh. Phan Huy Chú nhận xét: “ Từ khi kẻ nịnh thần đề nghị đổi phép thi, hạng sinh đồ ba quan đầy cả thiên hạ. Người trên do đó lấy tiền mà không ngại, kẻ dưới nộp tiền để được đỗ mà không thẹn, làm cho trường thi thành ra chỗ buôn bán”. Tuy nhiên, Ninh Ngạn qua những di sản thơ, văn ông để lại đã chứng tỏ ông là một nhà nho, nhà giáo dục tiến bộ.
--------------***--------------
Tài liệu tham khảo
  1. Côi Trì Bút thị bi ký (瑰 池 筆 市碑 記) (1755) (hiện dựng ở cạnh chợ Bút thuộc xóm 9, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, Ninh Bình).
  2. Hoàng Lê (1984), Thơ văn Ninh Tốn, Nxb KHXH, Hà Nội.               
  3. Hoàng Lê (1986), Hai tấm bia về Ninh Ngạn và cuốn Vũ Vu thiển thuyết”, Tạp chí Hán Nôm, số 1/1986.
  4. Lịch đại tiên hiền biểu thứ (歷 代 仙 贤 俵 次 ) (1780) (Bia hội Tư Văn của Côi Trì, hiện dựng tại đình làng Côi Trì, Yên Mỹ, Yên Mô, Ninh Bình).
  5. Nguyễn Tử Mẫn (2001), Ninh Bình toàn tỉnh địa chí khảo biện. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  6. Nguyễn Tài Thư (chủ biên)(1998), Lịch sử tư tưởng Việt Nam. Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
  7. Đinh Văn Viễn (2011), “Về bản giao ước nhượng đất, mở chợ của hai xã Côi Trì và Yên Mô năm 1755”, Tạp chí Xưa và Nay, (số 477), tr. 53-56.
  8. Đinh Văn Viễn (2016), “Di sản văn hóa làng Côi Trì (Yên Mô, Ninh Bình)”, Tạp chí Xưa và Nay, (số 477), tr. 53-56.
  9. Vũ vu thiển thuyết ( ) (1781)(tác giả: Ninh Ngạn. Người cho khắc bia: Ninh Tốn. Bia hiện dựng tại nhà thờ họ Ninh, xóm 8, làng Côi Trì, xã Yên Mỹ, huyện Yên Mô, Ninh Bình). (bản dịch của Bảo tàng Ninh Bình năm 1998)


PHỤ LỤC: BIA VŨ VU THIỂN THUYẾT


D:\NCS\Van bia Yen Mo\17. Nhà Thờ Ninh Tốn-Tên Mỹ\IMG_7671.JPG
D:\NCS\Van bia Yen Mo\17. Nhà Thờ Ninh Tốn-Tên Mỹ\IMG_7663.JPG


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét