Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

Khải Đồng Thuyết Ước - sách dạy cấp tiểu học xưa và tấm bản đồ Việt Nam ghi chú đảo Hoàng Sa

Khải Đồng Thuyết Ước
- sách dạy cấp tiểu học xưa và tấm bản đồ Việt Nam ghi chú đảo Hoàng Sa


(Cadn.com.vn) – LTS: Tác giả Trần Văn Quyến – giảng viên khoa Xã hội -  Nhân văn, Đại học Phú Xuân, Huế, mới đây đã gửi cho chúng tôi bài viết dựa trên tư liệu thời Tự Đức khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước – quần đảo Hoàng Sa. Bài viết này đã qua thẩm định của Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH TP Đà Nẵng – người đang thu thập tư liệu về huyện đảo Hoàng Sa theo yêu cầu của lãnh đạo TP Đà Nẵng. Tiến sĩ Sơn cho biết, đây có thể là bài viết đầu tiên và mới nhất về một trong những tư liệu được tìm thấy ở kho tư liệu của Viện nghiên cứu Hán Nôm. Chúng tôi giới thiệu đến độc giả Báo Công an TP Đà Nẵng.    
Khải đồng thuyết ước là quyển sách dạy trẻ em bắt đầu học vỡ lòng, bằng chữ Hán. Sách dạy về nhiều môn, dựa trên quan điểm tam tài (thiên, địa, nhân), dạy đại khái từ thiên văn, địa lý, rồi đến nhân sự…, nghĩa là bao gồm các tri thức trong vũ trụ.
Sách viết theo lối văn tứ tự có vần, mỗi câu có 4 chữ, 4 câu hai vần, các thanh bằng, thanh trắc thay đổi nhịp nhàng nhằm giúp người mới học đọc thuận miệng, dễ học thuộc lòng. Nội dung sách cung cấp nhiều kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực. Đặc biệt sách có viết nhiều về các sự việc trong lịch sử ViệtNam, thiết thực cho trẻ em ViệtNamthời đó.
Sách bao gồm 2 quyển: thượng, hạ do tác giả Phạm Vọng (hiệu Trúc Đường), Ngô Thế Vinh (hiệu Khúc Giang) biên soạn và Dương Đình (1802 – 1856) quê xã Bái Dương, H. Nam Chân (nay là H. Nam Trực, Nam Định) nhuận sắc. Tác giả Phạm Vọng, tên tự là Phục Trai, hiệu là Kim Giang, người làng Kim Đô, H. Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh, đậu Cử nhân năm Thiệu Trị Tân Sửu (1841). Hiện nay chưa rõ năm sinh năm mất.
Sách in trên ván gỗ, giấy bản thường, gồm 44 tờ, mỗi tờ 2 trang, mỗi trang có 6 dòng,  mỗi dòng 16 chữ, khắc to rõ ràng. Trong bài tựa in sách tác giả nói rõ mục tiêu viết sách là: “Sưu tập nhiều sách, xem được ít nhiều, bèn trích lấy những điều đại lược về thiên văn địa lý, thế thứ các đời, biên thành một tập, chia làm ba phần, mỗi câu bốn chữ, bốn câu có hai vần, thanh bằng thanh trắc thay đổi, để tiện cho trẻ em dễ học thuộc lòng; đặt tên gọi là Khải đồng thuyết ước, khiến cho các con cháu trong nhà học tập, may ra biết được qua loa về tam tài, điều cốt yếu là muốn nói về nước nhà, điều ấy cũng còn tự mở rộng thêm kiến văn cho tôi học được từ xưa”.
 
Bản quốc địa đồ trong sách Khải đồng thuyết ước (phần chú thích Hoàng Sa đã khoanh vuông). 
Bản đồ trong Khải đồng thuyết ước có vẽ Hoàng Sa. Bản đồ được khắc in trong sách có tên là Bản quốc địa đồ thuộc các trang 15-16 của sách. Trên bản đồ ghi vị trí của các tỉnh và các ngọn núi lớn từ cửa Nam Quan đến Biên Hòa, Vĩnh Long. Sau đó là những ghi chú số phủ, huyện, tổng, xã, phường, ấp, giáp, thuộc của từng tỉnh. Phần ngoài biển đối diện với địa phận của Thừa Thiên và QuảngNamtrong bản đồ có ghi chú về quần đảo Hoàng Sa với ba chữ: Hoàng Sa Chử, có nghĩa là Bãi (hay quần đảo) Hoàng Sa.
Khải đồng thuyết ước là một cuốn sách giáo khoa thời xưa có nhiều ưu điểm như dạy sử Việt Nam, những ghi chép về sản vật, các kiến thức về xã hội (nhân sự, niên hiệu nước Việt Nam qua các đời); thiên nhiên (thiên văn, địa lý); cách tu dưỡng bản thân, có hình vẽ bản đồ Việt Nam, mặt trời, mặt trăng, thân thể con người. Các bí quyết về việc xem vận số.
Đọc bài tựa của tác giả, ta thấy từ sau khi sách Khải đồng thuyết ước ra đời năm 1853, có một sự chuyển biến lớn về phương pháp sư phạm ở Việt Nam, chuyển biến về giáo dục tư tưởng, về tri thức khoa học nhiều hơn văn chương cử nghiệp.
Hiện nay tại Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ rất nhiều bản sách này. Cụ thể gồm: 6 bản in, 5 bản viết, có chữ Nôm và chữ Quốc ngữ. Tại Thư viện quốc gia ngoài bản in năm Duy Tân thứ 6 theo bản in năm Tự Đức thứ 6 ký hiệu R.562 còn có 3 quyển khác ký hiệu: R.1892; R.2031; R.2032 có nội dung tương tự nhưng xuất bản năm Tự Đức Tân Tỵ (1881).
Sách Khải đồng thuyết ước được khắc in lần đầu vào năm Quý Sửu Tự Đức thứ 6 (1853). Vì là sách giáo khoa nên đã được khắc nhiều lần trải qua các triều vua. Chính vì điều đó nên ở trong dân gian vẫn còn rải rác nhiều sách này. Khải đồng thuyết ước là sách được sử dụng trong tất cả các trường học của nước ta ngay từ đầu đời Tự Đức cũng giống như sách giáo khoa ngày nay, với ghi chú về quần đảo Hoàng Sa cho thấy được ý thức chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa đã được xác nhận vững chắc và được nêu lên ngay trong sách học từ bậc tiểu học. Đọc Khải đồng thuyết ước và tấm bản đồ quý chúng ta lại có thêm một chứng cứ về chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn.
Trần Văn Quyến
(cadn.com.vn/03.05.2011)

Ghi chú: Tôi(Đinh Văn Viễn) và Trần Văn Quyến(tác giả bài viết trên biết nhau đã hơn 1 năm nay, tại hội nghị Hán nôm học năm 2010). Cảm nhận của tôi về tác giả trẻ này là người đầy nhiệt huyết với khoa học, nhất là lĩnh vực Hán Nôm.
Hôm nay, chúng tôi chát với nhau và Trần Văn Quyến đã giới thiệu cho tôi biết về bài này. Tôi đã xin phép tác giả, copy bài này lên Blog của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét