Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Đinh Văn Viễn: Tham gia Hội thảo Quốc tế Việt Nam học lần 4

BÀI THAM DỰ
HỘI THẢO QUỐC TẾ VỀ VIỆT NAM HỌC LẦN THỨ TƯ
Việt Nam trên đường hội nhập và phát triển bền vững
Hà Nội, 26 - 28/11/2012

TÌNH HÌNH SỞ HỮU RUỘNG ĐẤT LÀNG TÙY HỐI
(NAY THUỘC GIA TÂN, GIA VIỄN, NINH BÌNH)
THẾ KỶ XVIII, ĐẦU XIX QUA TƯ LIỆU ĐỊA BẠ
ĐINH VĂN VIỄN*
TÓM TẮT

Tuỳ Hối (nay thuộc xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) là một làng được thành lập sớm. Nơi đây gắn liền với những nhân vật nổi tiếng thời Trần: Nguyên Từ Quốc Mẫu và Trần Quốc Tảng.
Lâu nay nhiều nhà nghiên cứu lịch sử dựa vào số liệu ở Sĩ hoạn tu tri lục đều cho rằng đầu thế kỷ XIX, ruộng công làng xã bị thu hẹp thì các tư liệu địa phương, địa bạ lại cho thấy tình hình sở hữu ruộng đất là rất đa dạng. Tình hình sở hữu ruộng đất ở Tuỳ Hối đầu thế kỷ XIX là một trường hợp như vậy.
Dựa vào địa bạ làng Tùy Hối thời kỳ Quang Trung và Minh Mạng, bằng phương pháp thống kê định lượng, báo cáo tập trung phân tích số liệu ruộng đất, chất lượng ruộng đất, so sánh tỷ lệ công điền và tư điền của Tùy Hối giữa hai thời kỳ (thế kỷ XVIII và đầu XIX) và với các địa phương khác.
Qua phân tích địa bạ, chúng tôi nhận thấy từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX sở hữu công làng xã về ruộng đất ở Tùy Hối vẫn chiếm tỷ lệ lớn hơn sở hữu tư nhân, đối tượng sở hữu chủ yếu nông dân tự canh,..... Báo cáo bước đầu rút ra một số nhận xét về sự phát triển kinh tế của Tùy Hối đầu thế kỷ XIX, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ruộng công làng xã chiếm tỷ lệ lớn ở một làng thuần nông,…

TOÀN VĂN

1. Vài nét về Tùy Hối
Xã Tuỳ Hối nay thuộc xã Gia Tân huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình. Nằm cách huyện lỵ Gia Viễn 7 km về phía Đông Nam. Phía bắc giáp đường quốc lộ 12. Phía đông giáp thôn Gián Khẩu, xã Gia Trấn. Phía Nam giáp sông Hoàng Long. Phía Tây giáp các xã Gia Lập, Gia Tiến, Gia Thắng (thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình).
Diện tích tự nhiên của Tùy Hối là 125.6 ha chiếm 27,5 % diện tích toàn xã Gia Tân, diện tích đất nông nghiệp 110.5ha, diện tích đất thổ cư là 6,6 ha.
Thời Đinh, Tuỳ Hối thuộc đạo Đại Hoàng(đời Tiền Lê đạo Đại Hoàng được gọi là châu Trường Yên. Thời nhà Lý gọi là phủ Trường Yên, sau gọi là châu Đại Hoàng. Đầu đời Trần gọi là Lộ sau đổi là Trấn Trường Yên. Năm Quang Thái thứ 10 đời Trần Thuận Tông, đổi thành Trấn Thiên Quan). Dưới triều Lê Thái Tông, Tùy Hối thuộc huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên của trấn Thanh Hoa. Thời Lê Thánh Tông, Tùy Hối thuộc huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên của Sơn Nam Thừa Tuyên. Thời Mạc, Tùy Hối thuộc huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên của Thanh Hoa ngoại trấn.  Thời Tây Sơn, Tùy Hối thuộc huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, Thanh Hoa ngoại trấn thuộc Bắc Thành. Dưới thời Gia Long, Tùy Hối thuộc huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, đạo Thanh Bình thuộc trấn Thanh Hoa. (Năm 1822 đổi tên đạo Thanh Bình làm đạo Ninh Bình). Năm1829, Tùy Hối thuộc huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, trấn Ninh Bình  Từ 1831 đến trước cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tùy Hối thuộc tổng Tri Hối, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên, tỉnh Ninh Bình.
Sau khi cách mạng Tháng Tám thành công, đơn vị hành chính cấp tổng bị xoá bỏ, tổng Tri Hối được chia thành hai xã là Tri Tân và Quang Trung. Tuỳ Hối thuộc xã Quang Trung. Tháng 7 năm 1949, thành lập xã Gia Tân gồm Sào Long, Xuân Đài, Đồng Mĩ, Lãng Nội, Lãng Ngoại, Vân Thị, Tuỳ Hối, Thiệu Hối, Thành Thiệu). Tuỳ Hối thuộc xã Gia Tân. Tháng 7-1954, xã Gia Tân được chia thành 2 xã Gia Lập và Gia Tân. Gia Tân gồm có Vân Thị, Tuỳ Hối, Thần Thiệu. Từ năm 1954 đến nay, Tuỳ Hối nằm trong xã Gia Tân.
Quá trình phát triển của Tùy Hối gắn liền với nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Thế kỷ XII, vùng đất Tri Hối trong đó có Tuỳ Hối là đất thực ấp của Thái uý Tô Hiến Thành. Nguyên do là năm 1115, Thái Uý Tô Hiến Thành đem quân đánh đuổi Chiêm Thành nên sau chiến thắng, nhà vua đã ban cho ông nhiều thực ấp trong đó có vùng đất Tuỳ Hối[1]. Thế kỷ XIII, thời Trần, sau khi đánh thắng quân Nguyên, “vùng đất Tuỳ Hối trở thành điền trang của Nguyên Từ Quốc Mẫu và Trần Quốc Tảng”. Theo bản Trần Triều Ngọc phả (Lưu giữ tại đền Quốc Mẫu ở Tuỳ Hối) thì sau khi Nguyên Từ Quốc Mẫu cung con (Trần Quốc Tảng) chu du bốn biển đã chọn Tuỳ Hối, là nơi có “ thuỷ hành khuất khúc, long nhiễu oanh vu, tưởng kì linh phục, chinh cổ ứng tiền” bèn “truyền cho binh sĩ đóng lại, cùng với nhân dân trong xã Tuỳ Hối thiết lập cung sở”. Tại đây Nguyên Từ Quốc Mẫu và Trần Quốc Tảng đã “dạy dân khai hoang, mở rộng làng xã”[2]... Làng xóm Tùy Hối vì thế mà ngày càng đông đúc. Sau khi Nguyên Từ Quốc Mẫu và Trần Quốc Tảng qua đời, nhân dân ở đây đã lập đền thờ. Ngôi đền hiện vẫn còn và thường được nhân dân gọi là đền Quốc Mẫu.
Tùy Hối là nơi khá đa dạng về tín ngưỡng, tôn giáo: thờ thành hoàng, thờ Phật,  Thiên Chúa giáo,... Cũng như các làng Việt truyền thống khác, thờ thành hoàng là hiện tượng phổ biến đối với các làng Việt cổ. Tuy nhiên sự xuất hiện của Thiên Chúa giáo ở đây làm cho bức tranh sinh hoạt tôn giáo thêm đa dạng. 
Đồng thời với quá trình hình thành, phát triển làng xã, tình hình ruộng đất ở Tùy Hối cũng có những biến chuyển lớn lao.
2. Tình hình ruộng đất ở Tùy Hối cuối thế kỷ XVIII, đầu XIX qua tư liệu địa bạ.
2.1 Tình hình chung
Việc tìm hiểu về tình hình ruộng đất ở Tuỳ Hối giai đoạn trước thế kỷ XIX là rất khó khăn vì hầu như không có nguồn tài liệu. Dựa trên cơ sở nguồn địa bạ thời Tây Sơn (lập năm Quang Trung thứ 3-1790) được lưu giữ ở Viện Hán Nôm chúng tôi xin phác họa vài nét về tình hình ruộng đất Tùy Hối hồi thế kỷ XVIII như sau[3]:
Bảng 1: Các loại ruộng đất ở Tùy Hối cuối thế kỷ XVIII đầu XIX
           Loại ruộng đất
Thời gian,
số lượng, tỷ lệ
Công điền
Công phù sa
Thần từ Phật tự
Thổ trạch, viên trì
Tha ma
Các loại khác
Tư điền
Tổng
(mẫu.sào.
thước.tấc)
Cuối thế kỷ XVIII
Số lượng
350.2.7

6.9.0
38.2.4
30.7.0
35.0.0
160.1.4
621.2.5
Tỷ lệ %
56,4%

1,1%
6,2%
4,9%
5,6%
25,8%
100%
Đầu thế kỷ XIX
Số lượng
350.2.7
37.0.0
6.0.0
91.2.4
30.0.0
5.4.0
121.1.4.4
641.0.5.4*
Tỷ lệ %
54,6%
5,8%
0,9%
14,2%
4,7%
0,8%
18,9%
100%

Thống kê trên cho thấy, cho đến thế kỷ XVIII, tổng diện tích của Tùy Hối ở hai thời điểm này chênh lệch nhau không nhiều. Số ruộng đất gia tăng này có lẽ có nguồn gốc từ loại ruộng đất công phù sa. Điều này là hợp lý bởi Tùy Hối nằm cạnh, được sông Hoàng Long bồi đắp phù sa. Cho đến hiện nay, Tùy Hối cũng như các xã ven con sông này (Gia Trung, Gia Tiến,… của huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình) vẫn có khu vực ruộng ở bãi bồi được gọi là “ruộng ngoài sông”.
Một nét nổi bật nhất trong tình hình ruộng đất Tùy Hối giai đoạn cuối thế kỷ XVIII dó là hiện tượng ruộng đất bị bỏ hoang rất nhiều. Không chỉ ruộng đất công mà cả ruộng đất tư, thậm chí cả thần từ, phật tự cũng bị bỏ hoang. Thống kê từ địa bạ Quang Trung (1790) cho thấy như sau:
Bảng 2: Ruộng đất bị bỏ hoang ở Tùy Hối cuối thế kỷ XVIII
Công điền
Thần từ
Tư điền
Xứ
 Bảo Tường
Xứ
 Đông Nha
Xứ
Tiền Hối Chí Linh
Xứ
Thăng Đồng
Xứ
Bảo Linh Đường Khoái
Xứ
 Đông Nha
Xứ Lộc Đề
Diện tích
Số bị bỏ hoang; chiếm tỷ lệ %
Diện tích
Số bị bỏ hoang; chiếm tỷ lệ %
Diện tích
Số bị bỏ hoang; chiếm tỷ lệ %
Diện tích
Số bị bỏ hoang; chiếm tỷ lệ %
Diện tích
Số bị bỏ hoang; chiếm tỷ lệ %
Diện tích
Số bị bỏ hoang; chiếm tỷ lệ %
Diện tích
Số bị bỏ hoang; chiếm tỷ lệ %
83.0.0
63.0.0
=
75,90%
36.5.10
7.10
=
21,91%
23.0.0
18.1.0=
78,69%
30.0.0
30.0.0
= 100%
177.
6.7
0
=
0%
5.0.0
5.0.0
=100%
160.14
113.3.4
=
70,75%
236 mẫu 3sào 4 tấc
= 67,49% diện tích công điền bị bỏ hoang

5 mẫu = 100% thần từ bị bỏ hoang
113 mẫu 3sào 4 tấc =
70,75% diện tích tư điền bị bỏ hoang

Như vậy, ta có thể thấy bức tranh chung về tình hình ruộng đất cũng như làng xóm, dân cư Tùy Hối hồi thế kỷ XVIII rất tiêu điều. Có đến 67.49% diện tích ruộng công, 70.75% diện tích ruộng tư bị bỏ hoang. Điều này sẽ tác động sâu sắc tới tình hình ruộng đất ở các giai đoạn sau.
2.2. Ruộng đất công
Ở cả hai thời gian, cuối thế kỷ XVIII và đầu XIX, công điền vẫn chiếm tỉ lệ cao trong tổng số ruộng đất của Tùy Hối. Cuối thế kỷ XVIII, công điền chiếm 56,4%. Sang đầu thế kỷ XIX, nếu như số ruộng công của cả nước chỉ còn chiếm 17,08%[4] thì số ruộng đất công ở Tùy Hối vẫn chiếm số lượng lớn. Tính riêng ruộng công đã chiếm 54,6%. Nếu tính cả 5,8% ruộng công phù sa thì con số này là 60,4%. Như vậy, số lượng ruộng đất công ở đây rất lớn. Sau đây ta so sánh tỉ lệ ruộng đất công ở Tuỳ Hối với một số làng xã khác ở khu vực Ninh Bình cũng như ở Bắc bộ ở thời điểm đó.
Bảng 3: Tỷ lệ ruộng đất công ở Tùy Hối và một số địa phương đầu thế kỷ XIX
TT
Tên làng xã
Tỉ lệ ruộng đất công(%)
1
Mộ Trạch (Hải Dương)
0,93
2
Đa Ngưu (Hưng Yên)
0,94
3
Cống Thuỷ (Yên Khánh - Ninh Bình)
43,3
4
Côi Trì (Yên Mô - Ninh Bình)
53,95
5
Tuỳ Hối (Gia Viễn – Ninh Bình)
70
6
Sơn Dược (Gia Viễn – Ninh Bình)
9,97
7
Trà Lai (Gia Viễn – Ninh Bình)
11,43
8
Tế Mỹ (Gia Viễn – Ninh Bình)
4,93
9
Đoan Bình (Gia Viễn – Ninh Bình)
19,16
10
Ngô Đồng (Gia Viễn – Ninh Bình)
15,58
11
Vân Trình (Gia Viễn – Ninh Bình)
30,01
12
Lỗi Sơn (Gia Viễn – Ninh Bình)
15,85
13
Thanh Quyết (Gia Viễn – Ninh Bình)
7,89
14
Thiện Hối (Gia Viễn – Ninh Bình)
2,56
(Nguồn:Địa bạ năm 1832 ở các làng Ninh Bình của Ninh Bình đầu thế kỷ XIX; Nguyễn Văn Khánh:Biến đổi ruộng đất ở làng Mộ Trạch Hải Dương đầu thế kỷ XIX đến 1945,TCNCLS số1-1998; Đinh Văn Viễn: Vài nét về tình hình ruộng đất Côi Trì(Yên Mô-Ninh Bình) đầu thế kỷ XIX, Tc NCLS số 6 năm 2010 )
            Qua bảng số liệu ta có thể thấy số lượng ruộng đất công ở Tuỳ Hối còn rất lớn chiếm tới 60,4% diện tích của làng trong khi đó ở một số nơi như Đa Ngưu (Hưng Yên) và đặc biệt là Mộ Trạch (Hải Dương) số lượng ruộng đất công quá ít. Ngay ở Ninh Bình ta thấy tỉ lệ ruộng đất công điền cũng khác nhau rõ rệt nếu như ở Côi Trì (Yên Mô, Ninh Bình) ruộng đất công chiếm 53,9% thì Cống Thủy tỉ lệ đó là 43,3%. Còn ở Gia Viễn qua bảng thống kê cho ta thấy trong số 10 xã của huyện này được thống kê thì có tới 9 xã có diện tích công dưới 30%. Chỉ có một xã có diện tích công chiếm trên 30% (Vân Trình cũng chỉ có 30.01% là ruộng công). Như vậy kể cả trong toàn quốc hay chỉ xét riêng ở Ninh Bình hay riêng Gia Viễn thì việc Tùy Hối có tới 60,4% ruộng đất là sở hữu công cũng là vấn đề rất đáng quan tâm.
Sự chênh lệch về tỷ lệ ruộng đất công ở các địa phương khác nhau hoặc ngay trong địa phương Ninh Bình đã được một số nhà nghiên cứu đi sâu tìm tòi nghiên cứu và phản ánh trong các tác phẩm của mình.
          Việc Tùy Hối duy trì tỷ lệ công điền cao như vậy chứng tỏ sự phân hoá ruộng đất ở đây diễn ra chưa mạnh.
Tuỳ Hối có điều kiện mở rộng diện tích đất đai nên sức ép của vấn đề dân số lên ruộng đất còn thấp (đầu thế kỷ XIX, Tùy Hối có thêm 37 mẫu ruộng công phù sa mà ở địa bạ 1790 không có). Hơn nữa do chiến tranh loạn lạc suốt thời kì dài cùng với việc đói kém mất mùa làm dân phiêu tán nên việc chiếm hữu ruộng đất và việc phân hoá ruộng đất diễn ra chưa mạnh (thế kỉ XVIII có = 67,49% diện tích công điền và 70,75% diện tích tư điền bị bỏ hoang. Mặt khác, Tuỳ Hối cũng chịu sự tác động của chính sách bảo vệ ruộng đất công của nhà nước phong kiến đương thời (cấm việc đầu cơ mua bán ruộng đất). Một lý do mang tính đặc thù của Tùy Hối đó là theo truyền thuyết, khi Trần Quốc Tảng đến Tùy Hối, tổ chức khai hoang, sau khi ông mất có “để lại cho làng 500 mẫu ruộng. Số ruộng này được cư dân Tùy Hối rất coi trọng, không ai dám xâm chiếm cả”[5].
Ruộng công của Tuỳ Hối tập trung ở các xứ đồng sau:
Bảng 4: Phân bố ruộng công của Tùy Hối cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX
theo các xứ đồng
STT
Tên xứ đồng
Diện tích sở hữu (mẫu.sào. thước)
1
Bảo Tường
83.0.0
2
Đông Nha
36.5.10
3
Tiền Hối Chí Linh
23.0.0
4
Hậu Linh Đường Khoái
177.6.7
5
Thằn đồng
30.0.0

Tổng
350.2.7
   (Nguồn Tuỳ Hối địa bạ 1832)
Số ruộng công trên được phân làm các hạng sau:
Bảng 5: Phân chia ruộng công của Tùy Hối cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX
theo theo các hạng
TT
Loại ruộng
Diện tích sở hữu (mẫu.sào. thước)
Tỉ lệ %
1
Ruộng hạng 1
0
0
2
Ruộng hạng 2
119.5. 6
34,1%
3
Ruộng hạng 3
230.6.11
65,9%

Tổng
350.2.7
100%
                                                 (Nguồn Tuỳ Hối địa bạ 1832)
          Việc phân chia ruộng công cho các thành viên trong làng ở Tùy Hối đầu thế kỷ XIX cũng qui định của nhà nước. Tuy nhiên có một điểm khác biệt giữa Tùy Hối với các khu vực khác đó là “trừ những người cô nhi, quả phụ, người già trên 60 tuổi, còn lại dân làng ai cũng được chia, mỗi người được khoảng một mẫu kể cả thổ cư. Ví dụ một người có 3 sào thổ rồi thì được chia 7 sào ruộng nữa”[6]. Điều này cho thấy tính công bằng, bình đẳng trong phân chia ruộng đất ở Tùy Hối.
2.2.2. Ruộng đất tư nhân
Về số lượng chung
Xu hướng chung trong tình hình ruộng đất giai đoạn cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX là ruộng đất tư hữu ngày cảng chiếm số lượng lớn, áp đảo ruộng đất tư. Tuy nhiên, tình hình cụ thể ở từng địa phương lại rất đa dạng. Ở một số địa phương ruộng đất tư vẫn không phát triển, vẫn chiếm tỉ lệ nhỏ bé so với ruộng đất công. Tùy Hối là một điển hình cho hiện tượng này.
Giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, theo địa bạ Quang Trung (1790) thì số ruộng đất tư ở Tùy Hối là 160 mẫu, 1 sào, 4 thước, chiếm 25,8%. Nếu ta coi loại thổ trạch viên cư là loại đất tư thì tổng số ruộng đất tư ở Tùy Hối cũng chỉ chiếm 32%. Sang đầu thế kỷ XIX, trong khi ruộng tư trên toàn quốc (theo Sĩ hoạn tu tri lục)đã chiếm tỷ lệ 82,92%, ở Bắc Bộ chiếm khoảng 75%[7] thì ở Tùy Hối là 121 mẫu 1 sào 4 thước 4 tấc chiếm 18,9% (Nếu tính cả loại thổ trạch viên cư cũng chỉ là 33,1%) diện tích toàn xã. Như vậy, ta có thể thấy diện tích ruộng tư ở đây không những không tăng lên mà lại giảm đi (xấp xỉ 1%).
            Tỷ lệ ruộng đất tư ở Tuỳ Hối đầu thế kỷ XIX thấp hơn rất nhiều so với các địa phương khác như: Đa Ngưu (Hưng Yên) tỷ lệ diện tích tư chiếm tới 98,4%, Mộ Trạch(Hải Dương) là 83%, Cống Thuỷ(Yên Khánh – Ninh Bình) là 56,7%. So với các xã ở huyện Gia Viễn, tỷ lệ ruộng tư của Tùy Hối cũng thấp hơn nhiều: Sơn Dược chiếm 90,03%, Thiện Hối chiếm 97,4%, Thanh Quyết chiếm 92,11%, …
Về mặt nào đó thì đúng là tại Tùy Hối sự phân hoá, tư hữu ruộng đất chưa phát triển bằng các nơi khác. Nhưng cũng do những đặc thù ở Tùy Hối khiến ruộng tư hữu ở đây có tỷ lệ thấp. Đầu thế kỷ XIX, Triều đình nhà Nguyễn đã ban hành và thực thi khá mạnh mẽ chính sách ngăn cấm, xử phạt nặng những hiện tượng “chiếm công vi tư” nhằm bảo vệ công điền. Tùy Hối có lẽ là địa phương thực hiện khá hiệu quả chủ trương này. Mặt khác, ở thế kỷ XVIII, diện tích ruộng đất bị bỏ hoang ở Tùy Hối rất lớn (Xem bảng 2)vì thế bước sang thế kỷ XIX, mặc dù số dân gia tăng nhưng vẫn không ảnh hưởng nhiều lắm đến lượng ruộng đất công.
Những nguyên nhân trên đã có thể giúp chúng ta lý giải được hiện tượng ruộng đất tư không những không tăng lên mà lại có phần giảm đi như ở Tùy Hối.
Ruộng đất tư ở Tuỳ Hối được bố trí ở các cánh đồng Lộc Đề, Bảo Tường, Đông Nha. Phần lớn ruộng tư đều là ruộng tốt nhất trong xã (Địa bạ cho biết Tùy Hối không có ruộng hạng 1, chỉ có ruộng hạng 2 và 3) (100% diện tích ruộng tư đều là hạng 2), thuận lợi cho sản xuất. Trong đó ruộng vụ hạ (canh tác khó khăn hơn, dễ bị lũ lụt) chỉ chiếm 3 mẫu, ruộng vụ thu (việc canh tác gặp thuận lợi, chắc ăn hơn) chiếm tới 118 mẫu 1 sào 4 thước 4 tấc.
Về quy mô sở hữu
Theo thống kê từ Tuỳ Hối địa bạ Quang Trung(1790) và Minh Mạng (1832) cho ta thấy về quy mô sở hữu của ruộng đất tư như sau:
Bảng 6: Quy mô sở hữu ruộng ở Tùy Hối đầu thế kỷ XIX
TT
Quy mô
sở hữu
Cuối thế kỷ XVIII
Đầu thế kỷ XIX
Chủ sở hữu
Chủ sở hữu
Số chủ
Tỷ lệ %
Số chủ
Tỷ lệ %
1
Dưới 1 mẫu
3
75%
2
4.16
2
Từ 1-3 mẫu
0

48
58.3
3
Từ 4-5 mẫu
1
25%
3
29.16

Số liệu thống kê giai đoạn cuối thế kỷ XVIII chỉ có 4 chủ (02 người) với số thực canh là 2 mẫu 8 sào 4 thước. Còn lại có tới 113 mẫu 3 sào 4 tấc là phế canh. Trong điều kiện như vậy thì vệc đánh giá quy mô sở hữu ở giai đoạn này không còn nhiều ý nghĩa. Ở đầu thế kỷ XIX, qua thống kê cho thấy ở Tùy Hối hầu như chỉ có chủ sở hữu nhỏ. Các chủ sở hữu từ 1 đến 3 mẫu chiếm tới 58,3 %. Tuyệt nhiên không hề có tầng lớp đại địa chủ. Điều này cho thấy của các quan hệ tư hữu ở Tùy Hối chỉ diễn ra ở mức độ thấp và bộ phận nông dân tự canh là một lực lượng đông đảo trong các chủ sở hữu.
 Về sở hữu tư nhân của nữ giới
Ở địa bạ Tùy Hối năm 1790 hoàn toàn không có chủ sở hữu ruộng đất là nữ. Sang dầu thế kỷ XIX, theo thống kê ở cuốn địa bạ năm Minh mạng (1832) ở Tuỳ Hối có 53 chủ sở hữu thì số chủ sở hữu là nữ giới là 5 chiếm 9,43% số chủ sở hữu ruộng đất.
Bảng 7: sở hữu ruộng nữ giới ở Tùy Hối đầu thế kỷ XIX
TT
Chủ nữ
Diện tích sở hữu (mẫu,sào, thước)
1
Phạm Thị Phương
1.8.2
2
Phạm Thị Hạnh
2.2.0
3
Phạm Thị Phương
2.1.0
4
Phạm Thị Hạnh
3.9.0
5
Phạm Thị Hạnh
1.5.12

Tổng
11.5.14
(Nguồn Tuỳ Hối địa bạ 1832)
Trung bình 1 chủ sở hữu nữ chiếm số ruộng là 2 mẫu 3sào 3 thước. Cả 5 chủ ruộng đất là nữ đều thuộc hạng nông dân tự canh. Như vậy với việc phân bố ruộng đất cho nữ giới ở Tuỳ Hối cho thấy quan hệ ruộng đất phong kiến ở đây khá dân chủ. Người phụ nữ có quyền, có ruộng đất, có vai trò lớn trong đời sống kinh tế làng xã. Số phụ nữ đứng tên chủ ruộng đất có thể là tài sản của bố mẹ được thừa kế, có thể do mua bán hoặc do khai hoang. Dù ở phương diện nào việc phụ nữ có số lượng ruộng đất đáng kể cũng là hiện tượng đáng quan tâm.
Về ruộng đất xâm canh
Nếu như ở cuối thế kỷ XVIII diện tích ruộng xâm canh là 14 mẫu 5 sào (của xã Trung Trữ) thì sang đầu thế kỷ XIX, số ruộng đất xâm canh là 18 mẫu 6 sào 9 thước (chiếm tỉ lệ 15, 4% diện tích ruộng tư của Tùy Hối).
Bảng 8: Ruộng xâm canh ở Tùy Hối đầu thế kỷ XIX
TT
Họ và Tên
Quê quán
Diện  tích xâm canh(mẫu.sào.thước)
Hạng ruộng
1
Đặng Đình Lệ
Tổng Tri Hối
1.5.0
II
2
Đặng Khắc Trị
Tổng Tri Hối
1. 1.0
II
3
Đặng Khắc Trị
Tổng Tri Hối
1. 8.0
II
4
Đặng Đình Lệ
Tổng Tri Hối
1.5.5
II
5
Đặng Khắc Trị
Tổng Tri Hối
1.5. 0
II
6
Đặng Đình Lệ
Tổng Tri Hối
2. 5.0
II
7
Đặng Khắc Trị
Tổng Tri Hối
2.2.8
II
8
Đặng Hữu Quyền
Tổng Tri Hối
3.1.0
II
9
Đặng Đình Lệ
Tổng Tri Hối
0.2.0
II
10
Vũ Đình Định
Trung Trữ
4. 8.0
II
11
Vũ Đình Chức
Trung Trữ
1.3.0
II

Tổng

18.6.9

  (Nguồn Tuỳ Hối địa bạ 1832)
Nếu nhìn vào con số 15,4% diện tích ruộng tư là ruộng xâm canh thì có lẽ đó là con số lớn. Nhưng thực ra suốt từ năm 1790 đến năm 1832, tức là hơn 40 năm sau diện tích xâm canh cũng chỉ tăng thêm hơn 4 mẫu 1 sào 9 thước. Điều này càng cho thấy tính chất “khép kín” của kinh tế Tùy Hối, sự kém phát triển của nền kinh tế hàng háo nơi đây.
Về sở hữu tư điền của các dòng họ
Ở cuối thế kỷ XVIII, do phần lớn diện tích bị bỏ hoang, địa bạ lại chỉ ghi tên có 2 người là chủ sở hữu ruộng đất nên việc tìm hiểu tình hình sở hữu ruộng đất giữa các họ tộc danh là rất khó khăn. Đầu thế kỉ XIX, theo địa bạ 1832, Tùy Hối có 4 dòng họ là: Phạm, Nguyễn, Hoàng, Lâm và tỉ lệ phân bố ruộng đất như sau:
Bảng 9: Sở hữu ruộng đất của các dòng họ ở Tùy Hối đầu thế kỷ XIX
TT
Họ
Số chủ sở hữu
Diện tích
Số lượng
Tỉ lệ(%)
Số lượng (Mẫu.sào.thước)
Tỉ lệ(%)
1
Nguyễn
8
16,6
11.2.8
15,69
2
Phạm
33
50
64.1.0
64,71
3
Hoàng
3
8,3
10.5.13
5,88
4
Lâm
7
20,8
12.2.0
13,72
  (Nguồn Tuỳ Hối địa bạ 1832)
Sự chênh lệch về tỷ lệ chiếm hữu ruộng đất giữa các dòng họ ở Tùy Hối trên đây là do số lượng người của các dòng họ khác nhau. Đồng thời điều này cũng phản ánh thế lực của các dòng họ tại Tùy Hối là khác nhau. Những họ có đông người (như họ Phạm) thường có thế lực kinh tế hơn và nắm quyền chi phối làng xã.
Về sở hữu tư của các chức dịch
Địa bạ năm 1790 không cho biết các chức dịch có bao nhiêu ruộng đất. Đầu thế kỷ XIX, địa bạ năm 1832 cung cấp thông tin tương đối rõ ràng:
Bảng 10: Sở hữu ruộng đất của các chức dịch ở Tùy Hối đầu thế kỷ XIX
TT
Họ tên
Chức danh
Diện tích sở hữu (mẫu.sào.thước)
Tỉ lệ%
1
Phạm Phú Cơ
Lý trưởng
3.6.0
0,89
2
Nguyễn Phú Thái
Hương mục
0.0.0
0
3
Lâm Đình Thịnh
Trùm trưởng
3.0.10
2,53
4
Nguyễn Phú Thứ
Hương mục
2.8.5
2,3
Nguồn: Tuỳ Hối xã địa bạ (1832)
       Từ thống kê trên cho thấy ¾ người có chức dịch trong làng đều có diện tích ruộng đất hơn 1 mẫu trở lên, chiếm tỉ lệ 5,72% tổng diện tích tư điền của xã, một trường hợp còn lại Nguyễn Phú Thái không có ruộng tư. Như thế có thể thấy đặc điểm của Tuỳ Hối có nhiều điểm khác như nhiều địa phương khác trong toàn quốc như ở Thái Ninh - Thái Bình số lượng chức dịch không có ruộng đất chiếm 56,3% hay ở Thuỵ Anh- Thái Bình là 3,57%. Còn Từ Liêm- Hà Nội là 33, 07%.
Qua các số liệu trên cho thấy, mặc dù các chức dịch ở Tùy Hối sở hữu số lượng ruộng đất không phải là lớn. Họ chưa phải là những đại địa chủ nhưng xét trong nội bộ làng thì họ là những người nhiều ruộng tư nhất và đều chiếm ruộng tốt (hạng 2) và đều thuộc loại ruộng thu vụ (chắc ăn hơn hạ vụ). Rõ ràng là lực lượng quản lý làng xã ở Tùy Hối thuộc tầng lớp có thế lực kinh tế nhất trong làng.
Một vài nhận xét
Qua một số vấn đề về tình hình ruộng đất trên đây có thể thấy bức tranh chung về Tùy Hối cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX. Đó là một làng thuần nông, nông nghiệp đóng vai trò chính trong đời sống kinh tế địa phương. Điểm nổi bật trong tình hình ruộng đất Tùy Hối cuối thế kỷ XVIII đó là hiện tượng hoang hóa với số lượng lớn, trên mọi loại ruộng đất. Một điểm cần lưu ý là Tùy Hối chỉ cách đường thiên lý chừng 2km, đã từng là một nơi trù phú, dân cư đông đúc trong các thế kỷ XI, XII, XIII cùng với vai trò của Tô Hiến Thành, Trần Quốc Tảng khi họ sinh sống tại vùng đất này. Vậy mà cuối thế kỷ XVIII, sau thời gian chiến tranh loạn lạc, năm 1790, Tùy Hối gần như là một làng hoang. Từ tình hình này cho ta ra đặt câu hỏi: triều đại Tây Sơn đã giải quyết vấn đề dân lưu tán, ruộng đất như thế nào? Và cũng từ địa bạ đã cho thấy vào đầu thế kỷ XIX, Tùy Hối đã phát triển trở thành một làng, xã trù phú, dân cư đông đúc. Đây phải chăng là biểu hiện của thành quả kinh tế nông nghiệp của triều Nguyễn?!
Điểm nổi bật nữa dễ nhận thấy trong tình hình sở hữu ruộng đất Tùy Hối cả ở hai thời kỳ cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX đó là ruộng đất công được duy trì và bảo tồn với số lượng khá lớn. Điều này đồng nghiã với việc các hình thức sở hữu ruộng đất khác ở Tùy Hối nhất là sở hữu tư nhân không phát triển mạnh. Chủ sở hữu tư nhân ở Tùy Hối chủ yếu là những người sở hữu nhỏ. Tuyệt đối không có địa chủ. Hiện tượng xâm canh có tồn tại nhưng không mạnh. Sau hơn 40 năm mà diện tích xâm canh tăng lên ít. Tình hình ruộng đất như vậy đã quy định kết cấu kinh tế của Tùy Hối mà trong đó nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo, thủ công, thương nghiệp chỉ giữ vai trò là nghề phụ. Số ruộng đất công đảm bảo cho nền kinh tế tiểu nông có một số tư liệu để duy trì và đem lại cho người nông dân ở đây có ruộng để cày cấy và sinh sống đồng thời nó cũng trói buộc người nông dân ở đây vào làng xã. Ruộng công tồn tại và được củng cố làm cho chế độ tư hữu ở Tùy Hối kém phát triển hơn so với nơi khác do đó chưa đủ sức tạo ra một sự phân hoá sâu sắc trong làng xã, chưa đủ sức để giải phóng một lực lượng nhất định ra khỏi tư liệu sản xuất và tập trung nhanh tư liệu sản xuất vào tay một số ít người (đến đầu thế kỷ XIX vẫn không có tầng lớp đại địa chủ).
Đặt Tùy Hối trong bối cảnh chung đầu thế kỷ XIX thì thấy dường như Tùy Hối không nằm trong sự vận động chung của tình hình ruộng đất cả nước(ruộng đất tư nhân phát triển lấn át ruộng đât công).  Tuy nhiên khi xem xét các điều kiện cụ thể của Tùy Hối thì điều này cũng thật dễ hiểu. Một làng gần như bị hoang hóa ở cuối thế kỷ XVIII thì đến đầu thế kỷ XIX khi dân cư có tập trung đông đúc thì sức ép của vấn đề ruộng đất là chưa cao. Tùy Hối lại có điều kiện mở rộng diện tích canh tác ở những vùng bãi bồi, phù sa ven sông. Hơn nữa, do sức nặng của truyền thống, sự ảnh hưởng những di sản của Trần Quốc Tảng (do nhân dân tạo ra) để lại nên ruộng đất công luôn được duy trì, bảo vệ một cách tự nguyện, nghiêm ngặt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.          Ban thường vụ huyện ủy huyện Gia Viễn: Gia Viễn lịch sử văn hóa, tái bản 9/2005.
2.          Phan Đại Doãn (1997): Về cuộc khẩn hoang lập làng Cống Thủy (Ninh Bình). Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 5.
3.          Nguyễn Văn Khánh (1998): Biến đổi ruộng đất ở làng Mộ Trạch(Hải Dương) từ đầu thế kỷ XIX đến năm 1945. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử  số 1.
4.          Nguyễn Hải Kế(1996): Một làng Việt ở đồng bằng Bắc Bộ. Nxb, Khoa học Xã hội, Hà Nội.
5.          Vũ Hồng Quân (1990): Vài nét về tình hình kinh tế nông nghiệp Việt Nam nửa đầu thế kỷ XIX. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế số 5.
6.          Vũ Văn Quân (2008): Vấn đề ruộng đất trong chính sách đối nội của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Thanh Hoá ngày 18,19-10.
7.          Nguyễn Văn Trò (2004): Ninh Bình theo dòng lịch sử, văn hóa.Nxb Văn hóa Dân tộc,Hà Nội.
8.          Đinh Văn Viễn (2010): Vài nét về tình hình ruộng đất làng Côi Trì(Yên Mô – Ninh Bình) đầu thế kỷ XIX qua tư liệu địa bạ. Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử  số 12 tr 38-46.
9.          Ninh Bình tỉnh, Gia Viễn huyện, Tri Hối tổng, Tùy Hối xã địa bạ, Viện Hán Nôm, ký hiệu AG a4/16.
10.      Ninh Bình tỉnh, Gia Viễn huyện, Tri Hối tổng, các xã địa bạ, Viện Hán Nôm, ký hiệu AG a4/15.
11.      Trần triều Ngọc phả, bản lưu tại đền Quốc Mẫu (Tùy Hối-Gia Tân-Gia Viễn-Ninh Bình).




* : Thạc sỹ KHLS, Trường Đại học Hoa Lư, Ninh Bình
[1] : Trần triều ngọc phả, Tư liệu sưu tầm ở Tuỳ Hối
[2] : Trần triều ngọc phả, sđd, Tư liệu sưu tầm ở Tuỳ Hối

* : Cách ghi diện tích trong bài: mẫu.sào.thước.tấc.phân.ly. Ví dụ: 581.7.4 tức là 581 mẫu, 7 sào, 4 thước
[4] : Vũ Văn Quân: Vấn đề ruộng đất trong chính sách đối nội của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX, trong Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX. Thanh Hoá ngày 18,19-10-2008, tr 358
[5] : Nguyễn Văn Trò: Ninh Bình theo dòng lịch sử văn  hoá, Nxb VHDT,HN 2004. Tr 143.
[6] : Nguyễn Văn Trò: Ninh Bình theo dòng lịch sử,văn hóa, sđd tr 143
[7] : Vũ Văn Quân, Vấn đề ruộng đất trong chính sách đối nội của nhà Nguyễn ở nửa đầu thế kỷ XIX, sđd  tr  358

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét