Thứ Ba, 25 tháng 12, 2012

Đinh Văn Viễn: VẤN ĐỀ TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN TRONG ĐÀO TẠO THEO HỌC CHẾ TÍN CHỈ


Hội thảo Khoa học toàn quốc

“ĐỔI MỚI KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO THEO HỆ THỐNG TÍN CHỈ”


VẤN ĐỀ T HC CỦA SINH VIÊN
TRONG ĐÀO TO THEO HC CH TÍN CH
Ths. ĐINH VĂN VIỄN*

                 1. Bản chất của việc tự học là gì?
            Về bản chất, quá trình học tập của sinh viên ở bậc đại học là quá trình nhận thức có tính nghiên cứu. Điều này đã được thể chế hóa trong Luật giáo dục như sau: “Phương pháp giáo dục đại học phải coi trọng bồi dưỡng năng lực tự học, tự nghiên cứu, tạo điều kiện cho người học phát triển tư duy sáng tạo, rèn luyện kỹ năng thực hành, tham gia nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng.” 
Do vậy, dù ở phương thức đào tạo đại học nào, người sinh viên cũng cần phải có năng lực tự học, hay nói cách khác: “tự học là cách học ở bậc đại học”.
            Tự học (self - study) là sự nỗ lực chiếm lĩnh tri thức, kỹ năng của bản thân của người học để hướng tới những mục đích học tập nhất định. Các nhà khoa học giáo dục đã nghiên cứu vấn đề tự học dưới nhiều góc độ nhưng một cách chung nhất có thể hiểu tự học là quá trình tự giác, độc lập, tích cực, sử dụng các năng lực trí tuệ, phẩm chất của bản thân người học để người học chiếm lĩnh được tri thức của nhân loại và những kinh nghiệm lịch sử xã hội, biến những tri thức đó thành sở hữu của mình, hình thành kỹ năng, thái độ và ngày càng hoàn thiện nhân cách của bản thân. 
            "Bản chất của công việc tự học của sinh viên đại học là quá trình  nhận  thức một cách tự giác, tích cực, tự lực không có sự tham gia hướng dẫn trực tiếp của giáo viên nhằm đạt được mục đích, nhiệm vụ dạy học" [4-23]. Đó là một quá trình “lao động khoa học” vất vả hơn nhiều so với việc học có sự hướng dẫn trực tiếp của thầy giáo. Tự học vừa mang ý nghĩa củng cố trau dồi tri thức và có ý nghĩa mở rộng hiểu biết. Tự học có nghĩa là sinh viên phải độc lập, tự xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập cho mình, tự năng động tìm tòi, phân tích tài liệu tiến tới làm chủ tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, tự kiềm chế đối với những ảnh hưởng ngoại cảnh hay những ước muốn không hợp lẽ trong tư tưởng là điều kiện cần thiết đối với quá trình tự học. Có thể nói quá trình tự học của sinh viên là một quá trình tự nỗ lực, quyết tâm, tích cực để đạt được mục tiêu học tập. Nếu thiếu sự nỗ lực thì sinh viên không thể đạt kết quả tốt, đây cũng chính là điều kiện để sinh viên nâng cao chất lượng học tập của bản thân và các trường đại học nâng cao chất lượng giáo dục.
            2. Việc tự học của sinh viên có vai trò như thế nào trong đào tạo theo học chế tín chỉ?
Trong đào tạo đại học dù theo phương thưc niên chế hay tín chỉ thì tự học của người học luôn đóng vai trò quan trọng. Tự học là nhân tố trực tiếp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. tự học của sinh viên không chỉ là một nhân tố quan trọng trong lĩnh hội tri thức mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách sinh viên. Khi học đại học giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn, cung cấp tài liệu, hướng dẫn, sinh viên phải tự biết cách sắp xếp thời gian và trình tự nghiên cứu những kiến thức cơ bản và mở rộng tìm hiểu những vấn đề liên quan. Tự học giúp sinh viên nâng cao năng lực tư duy, tìm tòi khám phá ra những vấn đề mới, nó giúp sinh viên hiểu rõ bản chất của vấn đề một cách sâu sắc nhất. Việc tự học rèn luyện cho sinh viên thói quen  độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề khó khăn trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, giúp cho họ tự tin hơn trong việc lựa chọn cuộc sống cho mình. Hơn thế, tự học thúc đẩy sinh viên lòng ham học, ham hiểu biết, khát khao vươn  tới  những đỉnh cao của khoa học, sống có hoài  bão, ước mơ.
            Đối với phương thưc đào tạo theo học chế tín chỉ, do đặc thù của nó nên vấn đề tự học của sinh viên càng có vai trò quan trọng hơn.
            Thứ nhất, ở phương thức đào tạo theo tín chỉ, kế hoạch học tập cụ thể phụ thuộc vào chính bản thân người học. Sinh viên có nhiệm vụ và quyền được lựa chọn môn học, thời gian học, tiến trình học tập nhanh, chậm phù hợp với điều kiện của mình. Phương thức này tạo cho sinh viên năng lực chủ động trong việc lập kế hoạch học tập khoa học, xác định thời gian, phương tiện, biện pháp để thực hiện các mục tiêu đề ra trong kế hoạch học tập đó. Khi đó người sinh viên phải ý thức xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu sao cho quá trình học tập hiệu quả nhất. 
            Thứ hai, hình thức tổ chức dạy học trong phương thức tín chỉ qui định hoạt động tự học của sinh viên như là một thành phần bắt buộc trong thời khóa biểu và là một nội dung quan trọng của đánh giá kết quả học tập. Hoạt động dạy - học theo tín chỉ được tổ chức theo ba hình thức: lên lớp, thực hành(có sự tiếp xúc giữa người dạy và người học) và tự học (không có sự tiếp xúc giữa người dạy và người học). Cách tổ chức thực hiện một giờ tín chỉ cho chúng ta thấy một đặc điểm rất quan trọng góp phần tạo nên sự khác biệt với phương thức đào tạo truyền thống. Nếu hoạt động tự học trong học chế niên chế chỉ mang tính chất tự nguyện thì phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ coi tự học là một thành phần hợp pháp và bắt buộc phải có trong hoạt động học tập của sinh viên. Để học được 1 giờ lý thuyết hay 2 giờ thực hành, thực tập trên lớp sinh viên cần phải có 2 hay 1 giờ chuẩn bị ở nhà. Đó là yêu cầu bắt buộc trong cơ cấu giờ học của sinh viên. 
            Thứ ba, trong nội dung một bài giảng trong hệ thống tín chỉ luôn có phần dành riêng cho tự học, chuẩn bị bài, làm bài tập, thảo luận nhóm, xemina, làm thí nghiệm… và các hoạt động khác có liên quan đến môn học. Như vây, kiến thức của mỗi môn học được phát triển thông qua những tìm tòi của người học dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của giảng viên. Nếu sinh viên không tự học thì họ mới chỉ lĩnh hội được đầy đủ khối lượng kiến thức của môn học và như vậy đồng nghĩa với việc họ không đạt được yêu cầu của môn học đó. 
            Ngoài ra, hoạt động tự học được kiểm tra, đánh giá thường xuyên thông qua các bài kiểm tra, bài tập, các buổi thảo luận ,…trong suốt cả quá trình học. 
            Như vậy, trong phương thức đào tạo theo tín chỉ, hoạt động tự học của sinh viên là rất quan trọng, là hoạt động mang tính bắt buộc. 
            3. Làm thế nào để việc tự học của sinh viên có hiệu quả?
Chất lượng và hiệu quả của hoạt động tự học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trực tiếp và gián tiếp. Trong đó chúng ta phải thừa nhận vai trò đặc biệt quan trọng của người dạy, người học và điều kiện phục vụ tự học trong việc đẩy mạnh hoạt động tự học của sinh viên 
            a. Người dạy – là yếu tô quan trọng nhất
Người dạy đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong việc định hướng và kích thích ý thức tự học cho sinh viên. Không phải giảng viên chỉ có nhiệm vụ quan trọng trong những giờ lên lớp còn những giờ tự học, tự nghiên cứu của sinh viên thì không cần can thiệp. Ngược lại, đối với hoạt động tự học của sinh viên, giảng viên phải quan tâm hơn. Đối với hoạt động tự học, giảng viên cần kịp thời tư vấn khi sinh viên cần. 
Để thực hiện được vai trò của mình, người dạy cần thực hiện một số công việc sau:
* Giúp sinh viên nắm được đề cương môn học 
Khi bắt đầu một môn học, người dạy cần giới thiệu và cung cấp cho sinh viên đề cương của môn học đó. Nội dung của đề cương phải thể hiện được: Mục đích môn học, Mục tiêu môn học, Nội dung chi tiết của môn học, Điều kiện tiên quyết, Hình thức tổ chức và phương pháp dạy - học cho từng nội dung của môn học, Hình thức kiểm tra - đánh giá của từng hoạt động học tập…Qua đó, sinh viên chủ động lên kế hoạch tự học, tự nghiên cứu để thực hiện được các mục tiêu của môn học. Giảng viên cần phải tuân thủ theo đúng kế hoạch trong đề cương và yêu cầu sinh viên nghiêm túc thực hiện đề cương này. 
* Xác định rõ nội dung tự học và phương tiện, cách thức để thực hiện nội dung đó.
Trong đào tạo theo tín chỉ  phần kiến thức cốt lõi là phần giảng viên thực hiên trên lớp, nội dung kiến thức bổ sung, mở rộng là những nội dung của hoạt động tự học. Giảng viên cần thiết kế các nhiệm vụ tự học cụ thể để  sinh viên  có thể tự chiếm lĩnh được các nội dung này, đáp ứng mục tiêu và yêu cầu của từng bài học trong một khoảng thời gian định trước. Để giúp sinh viên thực hiện được nhiệm vụ tự học của mình, giảng viên cần giới thiệu đầy đủ các tài liệu bắt buộc, tài liệu tham khảo, cách thu thập, tra cứu và xử lý thông tin trong tài liệu với những hướng dẫn chi tiết, cụ thể. Bên cạnh đó, giảng viên cần tăng cường hướng dẫn, giúp đỡ sinh viên xây dựng kế hoạch tự học khoa học, hợp lý, phù hợp với điều kiện của mình để đạt tới đích một cách hiệu quả nhất. GV cần phải hướng dẫn cho SV phương pháp để học tập có hiệu quả, biết lập dàn bài, sơ đồ hóa tri thức để học tập và ghi nhớ…
* Kiểm tra - đánh giá hoạt động tự học của sinh viên
Ngay khi giao nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu cho người học, người dạy cần phải chỉ cho người học biết rõ các tiêu chí đánh giá, xác định thời gian nộp báo cáo kết quả tự học, tự nghiên cứu của sinh viên.
Giảng viên thường xuyên đánh giá sinh viên trong suốt quá trình của môn học thông qua các hình thức kiểm tra đa dạng như bài tập cá nhân (tuần); bài tập nhóm (tháng); bài tập lớn (học kỳ thông thường là một bài tổng luận về môn học) và các bài thi giữa kỳ, cuối kỳ. Qua đó hình thành cho sinh viên cách làm việc nghiêm túc, tính tích cực và ý chí phấn đấu vươn lên để đạt kết quả cao trong học tập 
* Điều quan trong trong quá trình hướng dấn người học tự học đó là người dạy phải kích thích nhu cầu tự học và niềm tin vào khả năng tự học của SV. GV cần khen ngợi, động viên, khích lệ cũng như có những chế tài kịp thời.
b. Người học – yếu tố quyết định nhất
Hoạt động tự học chỉ có thể thực sự đem lại hiệu quả khi có sự nỗ lực của bản thân chủ thể tham gia, đó chính là sinh viên. Khi chuyển sang phương thức đào tạo theo tín chỉ, sinh viên phải thay đổi nhận thức, phải xác định hoạt động tự học là một khâu then chốt trong qua trình học tập, tích luỹ kiến thức, từ đó xác định động cơ học tập, tự giác và sáng tạo trong việc chiếm lĩnh tri thức.        
Để hoạt động tự học đạt hiệu quả người học cần thực hiện một số công việc sau: 
* Nắm vững mục tiêu của môn học và mục tiêu của từng bài học (mà thông thường được mô tả khá kỹ trong đề cương môn học được cung cấp khi bắt đầu học môn học) để làm cơ sở xây dựng kế hoạch tự học phù hợp và nghiêm túc thực hiện kế hoạch đó. 
* Nhận và xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu mà giảng viên giao.
* Hoàn thành các nhiệm vụ tự học, tự nghiên cứu trước giờ lên lớp: đọc tài liệu, làm các bài tập, bài kiểm tra, thảo luận nhóm theo yêu cầu của giảng viên. Hệ thống hóa, lưu giữ tài liệu, kết quả tự học, tự nghiên cứu thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng sau này.
* Trong quá trình tự học, sinh viên cần suy nghĩ, sáng tạo và mạnh dạn đưa ra những ý kiến, nhận xét, thắc mắc của mình mà không quá phụ thuộc vào tài liệu và những bài giảng của giảng viên. 
Việc tự học của sinh viên rất đa dạng. Sau đây là một vài phương pháp tự học:
            Học ở lớp: Tập trung nghe giảng, suy nghĩ,  mạnh dạn và hăng hái phát biểu bài ở lớp bởi vì ta thường nhớ rất  nhanh và rất bền điều mà ta hiểu. Tích cực trong những bài tập nhóm tại lớp. Kết hợp với việc sử dụng các thao tác tư duy và ghi chép bài trên lớp, tự ghi những ý cơ bản, có chọn lọc, ghi nhanh, tạo những chữ viết tắt cho riêng mình và tránh thay đổi nó, phối hợp nhiều màu mực trong cách ghi bài để thể hiện một dàn bài hiệu quả. Một bài ghi như thế sẽ giúp ích rất nhiều trong việc học tại nhà. Những kiến thức chưa rõ, chưa hiểu mạnh dạn hỏi giáo viên và bạn bè ngay trong giờ học. Cuối mỗi giờ học nên đọc lại nội dung bài ghi nhằm tóm lược lại những vấn đề vừa được học.
            Tự học ở nhà: Tự học ở nhà chính là bước giúp sinh viên đào sâu suy nghĩ, hệ thống lại những tri thức đã lĩnh hội. Đây là thời gian học không có giáo viên, nhưng chiếm tỷ lệ thời gian rất lớn trong việc tự học. Vì vậy việc xây dựng kế hoạch tự học ở nhà là điều rất cần thiết và hiệu quả cao trong việc tự học của sinh viên. Mỗi người, tùy vào nhu cầu của mình, sẽ lập một kế hoạch học tập riêng, kế hoạch đó có thể thay đổi khi cần, nhưng điều quan trọng nhất là phải tuân theo kế hoạch đề ra.
            c. Cơ sở vật chất, các điều kiện phục vụ  – là yếu tố cơ bản tác động đến kết quả việc tự học của sinh viên
Hoạt động tự học của sinh viên không thể thực hiện tốt nếu không đảm bảo các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất: phòng học, trang thiết bị học tập, nguồn học liệu… Trong đó hệ thống nguồn học liệu đầy đủ về số lượng, phong phú về nội dung và chuẩn mực về chất lượng là một yêu cầu không thể thiếu trong hoạt động tự học của sinh viên. Nhận thức được vai trò quan trọng của yếu tố này, các nhà trường cần có kế hoạch để không ngừng cải thiện điều kiện cơ sở vật chất của mình như: 
- Củng cố, nâng cấp, mở rộng hệ thống phòng học, phòng thí nghiệm - thực hành - thực tập, thư viện; bám sát yêu cầu cúa các đề cương môn học để chuẩn bị các học liệu được coi là bắt buộc ghi trong đề cương môn học.
- Tăng cường khả năng khai thác các tiện ích của mạng nội bộ, mở rộng nguồn tư liệu điện tử, thiết bị dạy học… bằng cách ứng dụng các thành tựu công nghệ thông tin hiện đại. 
Ngoài các điều kiện về cơ sở vật chất, khi xem xét các điều kiện phục vụ hoạt động tự học, các nhà quản lý cũng cần quan tâm tới các điều kiện phục vụ, thái độ phục vụ sinh viên của các bộ phận chuyên trách, các chính sách hỗ trợ của nhà trường để tạo cho sinh viên một môi trường học tập tốt nhất. 
Kết luận
Tự học bao giờ cũng là một nhân tố quyết định trong giáo dục đại học. Trong đào tạo theo phương pháp tín chỉ, tự học lại càng quan trong hơn. Đó là con đường duy nhất đúng đắn để người học hoàn thiện bản thân trên con đường chiếm lĩnh tri thức cũng như nhà trường hoàn thành sứ mệnh của mình. Người viết xin được kết thúc bài viết bằng quan điểm nổi tiếng của một giáo sư người Mỹ, Isaac Asimov (1920-1992): Chỉ có thể bằng con đường tự học sinh viên mới có thể học hỏi được điều gì đó. Nhiệm vụ duy nhất của Nhà trường là tạo thuận lợi cho quá trình tự học. Nếu như không làm được điều này, Nhà trường sẽ đánh mất ý nghĩa tồn tại của mình.
Để việc tự học của sinh viên đạt hiệu quả cao đương nhiên phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng thiết nghĩ 3 yếu tố trên đây (“Người học”, “Người dạy” và “cơ sở vật chất”) là quan trọng nhất. Giữa các yếu tố này có mối quan hệ biện chứng với nhau trong đó “Người học” là yếu tố giữ vai trò quyết định. Việc thực hiện đồng bộ các yêu cầu đối với các yếu tố trên là điều kiện quan trọng góp phần cho việc tự học của sinh viên đạt hiệu quả - một yếu tố quan trọng góp phần làm nên chất lượng trong đào tạo theo học chế tín chỉ./.
Tài liệu tham khảo
[1] Trần Anh Tuấn, Vấn  đề tự học của sinh viên từ góc độ đánh giá chất lượng kỹ năng nghề nghiệp, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, 5 (1996) 18.
[2] Nguyn K, Biến quá trình dy học thành quá trình t học, Tạp chí Nghiên cu Giáo dục, số 2/2006.
[3] Quy chế Đào tạo đại học và cao đẳng Hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ kèm theo Quyết định số 43/2007/BGD&ĐT.
[4] Hà Thị Đức, Về hoạt động tự học của sinh viên sư phạm, Tạp chí Nghiên cứu Giáo dục, 4 (1992) 23.
[5] Phan Bích Ngọc, Tổ chức tốt việc tự học cho sinh viên nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của các trường Đại học theo hình thức tín chỉ hiện nay, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Ngoại ngữ 25 (2009) 160-164.
[6] Nguyễn Văn Khôi, Lí luận dạy học công nghệ, Nhà xuất bản ĐHSP HN, 2005.







* : Trường Đại học Hoa Lư, Ninh Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét